12/01/2025

Thánh Kinh viết tay, sáng kiến của hơn 700 giáo dân Ấn Độ

Thánh Kinh viết tay, sáng kiến của hơn 700 giáo dân Ấn Độ

Một giáo xứ ở Ấn Độ đã làm nên lịch sử khi hơn 700 giáo dân tạo ra hai cuốn Kinh Thánh viết tay, một bằng tiếng Anh và một bằng tiếng Malayalam.

2024.11.29 Two Bibles handwritten by parishioners in India

Trong một thế giới nơi các cộng đoàn Công giáo thường đấu tranh để phục hồi đức tin của mình, dự án Kinh Thánh 2024, một sáng kiến được thực hiện trong 6 tháng của một nhóm các bạn trẻ của Giáo xứ Carmel ở Pune, Maharashtra thực sự đã gây tiếng vang lớn.

Nỗ lực lớn của 700 giáo dân đã tạo ra hai cuốn Kinh Thánh viết tay, một cuốn bằng tiếng Anh gồm 2.700 trang, và một cuốn bằng tiếng Malayalam gồm 2.800 trang.

Sau khi hoàn thành, hai cuốn Kinh Thánh này đã được rước long trọng trong một Thánh lễ Chúa Nhật, và hiện được đặt tại bàn thờ của nhà thờ giáo xứ, như một minh chứng cho sự tận tuỵ và đạo đức của giáo dân.

Kinh Thánh viết tay
Kinh Thánh viết tay

Làm sâu sắc thêm đức tin như một cộng đoàn

Theo người khởi xướng, sáng kiến tâm linh này nhằm khuyến khích giáo dân đào sâu tương quan của mỗi người với Chúa, qua việc tham gia viết chung cuốn Kinh Thánh.

Nói với Vatican News, Almeta Joy, một giáo dân trẻ bày tỏ: “Đối với chúng tôi, những người trẻ, dự án này củng cố rất nhiều liên kết và kiến thức của chúng tôi với Kinh Thánh. Chúng tôi đã phân bổ các chương, thiết kế giấy, phân phát cho các giáo dân, và sau đó đọc lại và đối chiếu các bản viết tay. Cần nhiều thời gian và kiên trì, nhưng chúng tôi thực sự rất thích quá trình này.”

Cô cũng cho biết mỗi buổi lập kế hoạch đều bắt đầu và kết thúc bằng cầu nguyện, nuôi dưỡng ý thức về mục đích và sự hiệp nhất giữa những người tham gia.

Rước Kinh Thánh
Rước Kinh Thánh

Một trải nghiệm biến đổi

Dự án đã tạo nên tiếng vang trong giáo xứ, với các gia đình và các đôi bạn trẻ ưu tiên việc viết Kinh Thánh trong các hoạt động thường ngày của họ.

Almeta giải thích, trong khi đọc và viết các bản văn, các giáo dân, bất kể tuổi tác đã tìm được nguồn cảm hứng phù hợp với thực tế của họ, những câu hỏi thúc đẩy họ hướng tới việc tìm kiếm rõ ràng hơn điều chưa hiểu rõ, và trên hết là phát triển sự quan tâm đến việc nghiên cứu Kinh Thánh. Trước khi viết, mỗi người tham gia được mời gọi cầu nguyện cho ba ý chỉ cá nhân, điều này giúp họ kiên trì vượt qua những thách đố mà họ phải đối diện.

Jesna Jixon, một bạn trẻ khác trong nhóm nói: “Một buổi chầu Mình Thánh đặc biệt đã được tổ chức để chia sẻ những chứng từ về sự biến đổi trong lúc dự án được thực hiện. Nhiều giáo dân đã trải nghiệm những phép lạ và biến đổi đời sống khi tham gia vào việc viết Kinh Thánh.”

Suy tư về những lúc tưởng chừng dự án không thể hoàn thành, Jesna nói thêm: “Đây thực sự là một hành trình đức tin. Dự án tác động đến nhiều người, và giờ đây hơn lúc nào hết nhiều người trong chúng tôi mong muốn được nghiên cứu Kinh Thánh.”

Dự án Kinh thánh 2024 được hướng dẫn bởi Nikhil Thachuparambil, linh hoạt viên trẻ, và Joel Kolenchery, điều phối viên dự án, không chỉ dừng lại ở việc mong muốn tìm hiểu Kinh Thánh hơn, nhưng như lời của Đức Thánh Cha Phanxicô trong buổi tiếp các thành viên của Uỷ ban Giáo hoàng về Kinh Thánh vào tháng 4 vừa qua, còn giúp người đọc và suy niệm Lời Chúa cảm nhận được lòng trắc ẩn và bao gồm của Chúa.

Lòng trắc ẩn cho thấy thái độ lặp đi lặp lại của Chúa Giêsu dành cho những người yếu đuối và cần được giúp đỡ. Lòng trắc ẩn cho thấy sự gần gũi của Chúa với những người đau khổ và làm cho Người đồng hoá với họ “Ta đau yếu các ngươi đã viếng thăm” (Mt 25, 36). Sự chào đón của Chúa thể hiện qua việc tìm kiếm tội nhân, người bị gạt ra bên lề.

Giáo xứ Carmel

Giáo xứ Carmel thuộc Giáo hội Công giáo Nghi lễ Syro-Malabar do Hội dòng Carmel Đức Mẹ Vô Nhiễm (CMI) coi sóc.

Được thành lập vào năm 1988 để phục vụ cộng đoàn Syro-Malabar tại Pune, giáo xứ hiện đang do cha James Thayil làm chánh xứ.

Vatican News

Nguồn: https://www.vaticannews.va/vi/church/news/2024-12/thanh-kinh-viet-tay-700-giao-dan-an-do.html