12/12/2024

Chúa Nhật II Mùa Vọng C, 8-12-2025: Con đường hy vọng

Chúa Nhật II Mùa Vọng C, 8-12-2025

Con đường hy vọng

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

Lời mở

Các bài Thánh Kinh hôm nay như mời gọi chúng ta nhìn vào đường đời của mình để xem tình trạng nó thế nào và sửa chữa cho nó ngay thẳng, tốt đẹp để có thể cảm nhận được tình yêu và ơn cứu độ của Chúa.

1. Vạn nẻo đường đời

Thật vậy mỗi người chúng ta là một con đường kéo dài vô tận và mở ra tới vô biên vì chúng ta đều bắt nguồn từ Thiên Chúa và sau cuộc lữ hành trần thế, tất cả đều trở về với Ngài.

Nhiều người không hiểu được điều đó. Họ nghĩ rằng mình chỉ có thân xác vật chất do cha mẹ, ông bà, tổ tiên sinh ra, nên chỉ biết ơn những người ấy, nếu đường đời của họ bằng phẳng, an bình, thành công, hạnh phúc. Còn nếu đường đời của họ đầy biến động, gian nan, nghèo khó, họ oán trách cha mẹ đã sinh thành ra mình, họ thù hận tổ tiên đã gây khổ cho mình.

Thật ra cha mẹ, tổ tiên chỉ là những phương tiện Chúa dùng để đưa mỗi người vào con đường của Chúa bằng thể xác vật chất, nhưng họ không thể ban cho ta sự sống, tình yêu, hạnh phúc, tự do và muôn ân huệ tinh thần là những thứ tồn tại mãi mãi sau khi ta chết đi. Hơn nữa, cuộc đời trần thế này chỉ là một đoạn đường rất ngắn so với toàn bộ con đường dài vô tận mà Chúa đã ban, khi cho ta làm người. Ngài muốn con người sống mãi mãi với Ngài và với nhau vì tinh thần vượt lên trên mọi giới hạn của vật chất và không bị lệ thuộc vào không gian thời gian, nên đường đời của mọi người là vô tận, vô biên dù họ tin hay không tin Thiên Chúa. Như thế con đường của Chúa là một con đường thẳng tắp, bằng phẳng, để mọi người đều bước đi an toàn và hạnh phúc với muôn ơn lành Chúa ban.

Tuy nhiên khi ban cho con người tinh thần tự do, Ngài để cho con người tự quyết định đi hay không đi trên con đường đó, yêu hay không yêu theo tiếng lương tâm ngay chính của mình. Con người, qua tội nguyên tổ Adam – Eva, cũng như qua tội lỗi của mỗi người, đã lạm dụng tự do của mình. Họ chiều theo những tham vọng và dục vọng, chạy theo những cám dỗ của quỷ dữ, tà ma, mà làm cho đường đời của họ, nhất là đoạn đường ở trần thế, trở nên cong queo, khúc khuỷu, gập ghềnh.

Nhiều người thay vì đi trên đường ngay, nẻo chính lại thích tìm những đường gian, nẻo tà khiến gây khổ cho chính mình và làm hại người khác. Nhiều người lại thích rẽ phải, rẽ trái, thậm chí không còn muốn bước đi, để tìm một quán nhậu, 1 phòng trọ, 1 khu giải trí vui chơi theo sở thích riêng tư, để rồi thấy mình bế tắc trong cuộc đời như đi vào ngõ cụt hay thân tàn ma dại do những nghiện ngập thấp hèn. Vì thế không ít người cho đời là bể khổ và chẳng quan tâm đến đường đời của mình.

Hôm nay Chúa mời gọi ta nhìn lại đường đời của mình dưới ánh sáng tình yêu của Chúa Giêsu là mặt trời công chính và ơn soi sáng của Chúa Thánh Thần để xem tình trạng nó thế nào và sửa chữa nó ra sao theo vị kỹ sư tài ba là Chúa Giêsu. Người vừa là Thiên Chúa quyền năng có thể sửa đổi mọi sự, vừa chính là con đường dẫn tới sự thật toàn diện và sự sống vĩnh hằng để ta dõi bước theo Người.

2. Sửa lại đường đời

Tiên tri Baruc trong Bài đọc I (Br 5,1-9) đã nói đến sứ mệnh sửa lại con đường để dẫn đoàn dân Do Thái bị lưu đày, khổ sở, tủi nhục trở về lại Giêrusalem: “Thiên Chúa đã ra lệnh phải bạt thấp núi cao và gò nổng có tự lâu đời, phải lấp đầy thung lũng cho mặt đất phẳng phiu để Israel tiến bước an toàn dưới ánh vinh quang của Thiên Chúa” (Br 5,7).

Dù nghe lời báo trước này, dân tộc Israel không biết bao giờ mới phải thực hiện, cho đến khi ông Gioan Tẩy Giả xuất hiện để loan báo cho họ về Đấng Mêsia, cũng là Chúa Kitô, sắp đến. Ông cũng nhắc lại sứ mệnh sửa đường: “Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi. Mọi thung lũng, phải lấp cho đầy, mọi núi đồi, phải bạt cho thấp. Khúc quanh co phải uốn cho ngay. Đường lồi lõm phải san cho bằng. Rồi hết mọi người phàm sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa” (Lc 3,4-5).

E:\Hình cô Hồng (mẹ Huy) chụp\Phố Appia cổ ở ROME . Đây là con đường cổ nhất và quan trọng nhất trong những con đường vĩ đại được xây dựng bởi người La Mã cổ đại..jpg

Lời mời gọi sửa lại đường đời cũng được gửi đến từng người chúng ta để giúp ta tìm lại niềm vui, hạnh phúc, sự sống, tình yêu, mà có thể chúng ta đã đánh mất khi đi vào ngõ cụt của các hệ tư tưởng sai lầm hoặc chiều theo những tham vọng, dục vọng cá nhân. Sửa lại đường đời là chúng ta sẽ tìm lại được sự hiệp thông với Chúa và với nhau.

Hiệp thông với Chúa chính là ta được nối kết lại với Ngài là nguồn của tình yêu và sự sống, của hạnh phúc và niềm vui, của chân thiện mỹ và mọi ân huệ để phát huy trong cuộc lữ hành trần thế đầy cam go và thử thách này. Đoạn đường đời này khó đi vì chúng ta được mời gọi cùng bước theo Chúa Giêsu để cứu độ mình và cứu độ thế giới. Hiệp thông với nhau vì khi ta nối kết được với Chúa rồi, ta mới có đủ những nguồn lực và ân huệ mà chia sẻ cho mọi người, nhất là cho những anh chị em khốn khổ, nghèo đói, bệnh tật quanh ta để dìu họ bước đi trong những đoạn đường khó khăn thử thách.

Trong xã hội văn minh hiện nay, chúng ta xây dựng nhiều con đường vật chất cũng như tâm linh, nhưng lại không hoà nhập vào con đường Giêsu khiến cho mọi người không thấy được ơn cứu độ của Chúa. Người ta không muốn mọi người cùng đi với mình. Họ như thể chỉ muốn tìm ơn cứu độ cho riêng mình, cho riêng gia đình, dân tộc hay đất nước của mình. Người ta chia rẽ và đối đầu nhau vì những hệ tư tưởng khác biệt, những chủ nghĩa quốc gia hẹp hòi, những chủ nghĩa tôn giáo độc tôn… Chúng giống như những đoạn đường cao tốc hay đường sắt tốc độ cao rất ích lợi cho một số người, nhưng lại loại trừ những khách bộ hành nghèo khổ. Vì thế, chính các Kitô hữu cũng cần đổi mới tâm trí của mình để con đường tâm linh của họ có thể mở rộng nhờ sống trong tương quan mật thiết với Chúa Kitô và với nhau (1Ga 1,3-7; 1Cr 1,9).

Khi chúng ta biết rằng mình chính là con đường của Chúa và để con đường mình thật sự dẫn đến hạnh phúc vô biên, thì mọi người phải hoà nhập đường đời của mình với Chúa Giêsu. Thật vậy chỉ có Đức Giêsu mới thật sự là con đường mà Chúa Cha sai đến để dẫn đưa toàn thể nhân loại và vũ trụ trở về với mình, khi Ngôi Lời Thiên Chúa tự nguyện trở thành con người mang lấy thân xác vật chất và linh hồn của con người để dạy ta đi như thế nào trong cuộc đời trần thế. Người đã mời gọi ta nhiều lần: “Anh em hãy theo tôi”. Chúng ta phải dành nhiều thời giờ hơn để học hỏi về sự thật toàn diện của Người thay vì bằng lòng với những kiểu sống đạo đức theo thói quen, theo phong trào như hiện nay. Giáo huấn của Giáo Hội có biết bao chỉ dẫn đổi mới để giúp ta nhận ra những chỗ thiếu sót trong đường đời của mình, nhưng hình như chúng ta chỉ muốn đi đường mà không muốn sửa đường.

Vì thế, khi hiệp thông với Chúa Giêsu và sống theo lời dạy của Người, ta sẽ sửa được đường đời của mình theo đúng ý của Chúa Cha và sẽ thấy được những chỗ quanh co, gập ghềnh, thiếu sót của đời mình nhờ các ân sủng tác động của Chúa Thánh Thần. Lúc đó, ta mới “được nên tinh tuyền trong khi chờ đợi ngày Đức Kitô quang lâm” (1Pl 1,10) vào đoạn cuối của đường đời.

Lời kết

Lúc đó, đường đời của ta mới thật sự là con đường hy vọng. Amen.

HKK