Chúa Nhật I Mùa Vọng, C 01/12/2024 Người gieo niềm hy vọng
Chúa Nhật I Mùa Vọng, C 01/12/2024
Người gieo niềm hy vọng
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK
Lời mở
Chúng ta bắt đầu một năm Phụng vụ mới từ Chúa Nhật I Mùa Vọng hôm nay. Đây là khởi đầu cho Năm Thánh 2025, là Năm Hy Vọng của Giáo hội hoàn vũ cũng là năm Giáo hội Việt Nam “cùng nhau loan báo Tin Mừng”. Các bài suy niệm trong năm nay của chúng ta sẽ tập trung vào hai chủ đề chính đó. Trên mỗi bước chân hành hương trong cuộc đời, chúng ta sẽ gieo niềm hy vọng của Tin Mừng cho muôn loài và mọi người chúng ta gặp gỡ.
1. Mùa hy vọng mới
Qua gần 2 năm đại dịch Covid-19, từ 2020-2022, có khoảng hơn 776 triệu người bị nhiễm, hơn 7 triệu người chết và hơn 5 tỉ người phải tiêm vaccine phòng bệnh với bao nhiêu xáo trộn về mọi lĩnh vực (https://vi.wikipedia.org tổng kết về đại dịch covid-19). Không ít người trong chúng ta đánh mất niềm tin và hy vọng vì phải chịu đựng quá nhiều thử thách, đau thương, nhất là mất cả người thân yêu. Thêm vào đó cuộc xung đột giữa Nga và Ucraina đã kéo dài hơn 1.000 ngày, giữa Israel và các phong trào Hồi giáo ở Trung Đông mỗi ngày một lan rộng hơn.
Có những người, khi nhìn vào những biến động của trời đất, những xung đột giữa các dân tộc, đã “hoang mang lo lắng, sợ hãi đến hồn siêu phách lạc, chờ những gì sắp giáng xuống địa cầu”, tưởng rằng tận thế đã gần đến. Có người đạo đức hơn lại nghĩ đến Ngày Phán xét Chung khi Chúa Giêsu như “Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến” theo bài Tin Mừng hôm nay (x. Lc 21,25-36).
Nhiều tôn giáo đã cảnh báo về ngày tận thế như là ngày tận cùng của thế giới vật chất tự nhiên với những biến động lớn lao như tinh tú hỗn loạn, chiến tranh khốc liệt, đại dịch khủng khiếp. Khoa học cũng cho chúng ta biết rằng vũ trụ và thân xác muôn loài chắc chắn sẽ có lúc tận cùng vì là vật chất. Do đó, nhiều người sợ hãi không biết bao giờ tận thế xảy ra và phải đối phó cách nào.
Vũ trụ vật chất ta đang thấy xuất hiện cách đây khoảng 14 tỉ năm và hầu hết tồn tại dưới dạng plasma, ngoài ba dạng thông thường chúng ta quen gặp là thể rắn, thể lỏngvà thể khí. Nhưng khối lượng plasma của mặt trời và các tinh tú đang giảm dần, nguội dần. Nhiều ngôi sao sáng như mặt trời trở thành những ông sao vàng, sao đỏ rồi tối đen trong vũ trụ bao la. Trái đất và muôn loài sinh sống trong vũ trụ này chắc chắn sẽ đi đến điểm kết thúc. Như vậy, tận thế không đáng cho ta lo sợ vì là chuyện đương nhiên phải xảy ra như các nhà khoa học đã quả quyết điều đó.
Tuy nhiên, khi hiểu được con người mình có tinh thần vượt lên trên vật chất và định hình cho vật chất, thì tận thế lại là dịp để vật chất ngừng chuyển hoá từ người này sang vật nọ và muôn loài trở về với Thiên Chúa Tạo Hoá là cội nguồn của mình. Ngài đã dựng nên vũ trụ từ hư không, tạo thành loài người và đặt vào trong trái đất này, ban cho muôn loài tình yêu, hạnh phúc và ơn cứu độ. Một ngày nào đó, vào lúc tận cùng của thời gian, tất cả chúng ta sẽ trở về với nguồn gốc của mình là Thiên Chúa và hoà nhập vào sự sống vĩnh hằng của Ngài, để tạo thành một trời mới, đất mới với những con người mới (x. Kh 21,4; GLHTCG, số 1044).
Vì thế Chúa Giêsu mời gọi ta hãy giữ niềm hy vọng, “hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên vì anh em sắp được cứu chuộc”. Đó là nhờ ta được gắn bó với Chúa Giêsu trong mầu nhiệm nhập thể làm người, mà chúng ta chuẩn bị mừng trong mùa Giáng Sinh này, cũng như trong mầu nhiệm vượt qua để cùng chết và sống lại với Người. Tiên tri Giêrêmia trong Bài đọc I (x. Gr 33,14-16) đã loan báo mầu nhiệm Thiên Chúa làm người rằng: “Ta sẽ cho mọc lên một mầm non, một Đấng Công Chính, để nối nghiệp vua David. Người sẽ trị nước theo lẽ công bình chính trực”.
Thật ra, mỗi giây phút ta sống là tiến gần hơn đến cái chết, đến gần hơn ngày tận thế vì cái chết của từng người là dịp giải phóng để ta không còn bị lệ thuộc vào vật chất, không gian, thời gian. Vì vậy tận thế và cái chết không phải là những điều đáng cho ta lo sợ và tuyệt vọng do những đổ vỡ, huỷ diệt, xa cách, mất mát. Nhưng đây là một cuộc lên đường trở về nhà Cha, một cuộc thăng hoa để biến đổi tất cả những gì ta có, ta làm, ta đạt được trong trần thế này thành vĩnh hằng, tuyệt đối, vô biên nhờ được gắn bó với Chúa Giêsu. Đó là biến cố tràn đầy niềm vui và hạnh phúc vì hoàn thành trọn vẹn tất cả những gì chúng ta hy vọng và trông đợi trong suốt cuộc đời. Do đó, Người nhắc nhở chúng ta hãy sống trọn vẹn từng giây phút hiện tại: “Anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, hầu đủ sức thoát khỏi mọi điều sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người” (Lc 21,36).
Như vậy là tất cả chúng ta đều đang hành hương trong niềm tin yêu và hy vọng trên con đường Giêsu, vì Người là con đường sống của ta.
2. Để đạt được niềm hy vọng ta phải làm gì?
Chính khi chúng ta cùng đồng hành trên con đường Giêsu để đạt tới sự thật toàn diện và sự sống siêu việt của Thiên Chúa, ta sẽ cảm nhận được sự hiện diện của Chúa Giêsu trong đời mình. Trên mọi bước đường Người cùng đi với ta, ban sức mạnh và ân huệ Thánh Thần để giúp ta vượt qua những mệt mỏi, thử thách và nguy hiểm trên đường đời.
Chúng ta là những “lữ khách hành hương trong hy vọng” như chủ đề Năm Thánh 2025 được Đức Thánh Cha Phanxicô gợi ý. Chúng ta hành hương về những đền thánh trên khắp thế giới để cùng tôn thờ và chúc tụng Chúa, ôn lại lịch sử thánh trong các địa điểm đó. Nhiều tổ chức và cá nhân đã lên chương trình hành hương đến Vatican, đất thánh Israel, Lộ Đức hay Fatima với những chuyến đi nước ngoài tốn khá nhiều tiền. Những người ít đều kiện hơn thì dự tính hành hương trong nước như đến đền thánh Đức Mẹ ở La Vang, Măng Đen, Tà Pao, Núi Cúi, Bến Tre,…
Tuy nhiên, cuộc hành hương thật sự mang lại hy vọng cho con người, giúp họ thật sự gặp được Chúa, Đức Mẹ và các Thánh, lại ở rất gần con người, nhưng người ta lại không chú ý đến. Nhất là khi những đền thánh này mang vẻ tồi tàn, bẩn thỉu, tật bệnh, đói khát, rách rưới, xấu xí của kiếp người, trong khi khách hành hương chúng ta đi tìm những cảnh đẹp của thiên nhiên hùng vĩ, những đền thờ sang trọng với các nghi lễ trang nghiêm, những con người thân thiện, đẹp đẽ, tốt lành… Con người và thân xác họ là đền thờ của Thiên Chúa, nhưng ta lại đang đi tìm và loan báo một Chúa Giêsu “phi xác thể” như Đức Thánh Cha Phanxicô cảnh báo!
Vì thế, thánh Phaolô nhắc nhở chúng ta hãy hành hương đến các đền thánh đó, gặp được Chúa trong những người nghèo khổ, tật bệnh quanh ta và giữ mãi tình yêu đối với Chúa cũng như đối với mọi người trên mỗi bước đường cho tới khi đạt đến đích điểm là cuộc quang lâm của Chúa Giêsu: “Xin Chúa cho tình yêu của anh em đối với nhau và đối với mọi người ngày càng thêm đậm đà thắm thiết, cũng như tình yêu của chúng tôi đối với anh em vậy. Như thế, Chúa sẽ cho anh em được bền tâm vững chí, được trở nên thánh thiện không có gì đáng chê trách, trước nhan Thiên Chúa là Cha chúng ta, trong ngày Đức Giêsu, Chúa chúng ta, quang lâm cùng với các thánh của Người” (1Ths 3,12-13).
Lời kết
Có như thế chúng ta mới trở thành những “người gieo niềm hy vọng” cho thế giới hôm nay.
HKK