22/01/2025

Đức TGM Trưởng Công giáo Ucraina trước những lo âu về đất nước

Đức TGM Trưởng Công giáo Ucraina trước những lo âu về đất nước

Đức Tổng Giám mục Trưởng Sviatoslav Shevchuk, Giáo chủ Công giáo Ucraina nghi lễ đông phương, chia sẻ nỗi lo âu của quốc dân trước sự thay đổi chính sách của Tổng thống tân cử của Mỹ Donald Trump đối với Ucraina, mang lại những thiệt hại lớn cho nhân dân nước này sau gần 3 năm chiến đấu để bảo vệ chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ.

Đức Tổng Giám mục Trưởng Sviatoslav Shevchuk, Giáo Chủ Công Giáo Ucraina nghi lễ đông phương

 Sứ điệp của Đức Tổng Giám mục Trưởng

Trong sứ điệp video hằng tuần thứ 143 từ khi Nga xâm lăng Ucraina, Đức Tổng Giám mục Trưởng nói: “Tân tổng thống Mỹ đã tuyên bố là sẽ chấm dứt các chiến tranh trên thế giới. Người ta tự hỏi: ông sẽ làm như thế nào? Và ai sẽ chịu thiệt hại? Hiện có nhiều lo âu trong xã hội Ucraina: chẳng lẽ lại có thêm những sinh mạng bị tổn thất tại Ucraina? Dầu sao chúng tôi hy vọng tổng thống tân cử của Mỹ sẽ lắng nghe tiếng nói của đất nước chúng tôi và sẽ giúp chúng tôi chiến thắng cuộc chiến này.”

Trong thông cáo công bố cùng với video vừa nói, Giáo hội Công giáo Ucraina nói đến sự leo thang mạnh mẽ tại hầu hết các mặt trận ở Ucraina và những cuộc dội bom ban đêm trên các thành thị và làng mạc.

Đầu sứ điệp video, Đức Tổng Giám mục Trưởng Shevchuk nói đến vụ Nga tấn công ồ ạt bằng tên lửa tại Zaporizhzhia làm cho ít nhất 8 người chết và hàng chục người bị thương, đồng thời khẳng định: “Kẻ thù đang bắt đầu dùng các máy bay không người lái loại mới và được biến đổi để tấn công Ucraina. Theo các tin tức, đó là những máy bay có mang bom nhiệt áp (bome termobariche), được chế ra để giết các thường dân Ucraina”.

 Chờ đợi hướng đi rõ ràng của tân chính phủ Mỹ

Phản ứng trên đây của Đức Tổng Giám mục Trưởng của Công giáo Ucraina đông phương diễn ra trong bối cảnh có nhiều tin tức về việc chính phủ của Tổng thống Donald Trump không còn hỗ trợ cuộc chiến của Ucraina chống Nga, đi ngược với chủ trương mà Tổng thống Joe Biden và Liên hiệp Âu châu theo đuổi cho đến nay, đó là “hỗ trợ quân sự dành cho Ucraina cho đến chiến thắng”.

Ông Bryan Lanza, cựu cố vấn của ông Trump, trong cuộc phỏng vấn dành cho đài BBC, đã tuyên bố: Nếu “Tổng thống Zelensky ngồi vào bàn thương thảo và nói chúng ta chỉ có thể có hoà bình nếu chúng tôi được trả lại miền Crimea, lập trường như vậy là không nghiêm túc. Crimea kể như mất rồi.” Và ông nói thêm rằng Tổng thống Trump sẽ yêu cầu Zelensky có một quan điểm thực tiễn về hoà bình.

Và chính ông Donald Trump cũng hứa chính phủ do ông lãnh đạo sẽ làm việc rất chăm chỉ với Nga và Ucraina vì “họ phải chấm dứt chiến tranh này”.

Còn ngoại trưởng Nga, Lavrov, cho biết là đang đợi những đề nghị của Tổng thống tân cử của Mỹ, cho dù ông không biết chính sách đó hệ tại điều gì. “Khi một nhà chính trị nói là không ủng hộ chiến tranh, nhưng muốn có hòa bình, thì trong mọi trường hợp cần phải chú ý.”

Quả thực, Ucraina cũng như Liên hiệp Âu Châu không che giấu mối quan tâm vì hướng đi mới của tổng thống Trump dường như muốn áp đặt chính sách ngoại giao của Mỹ.

Theo Ngoại trưởng Hungari, ông Peter Szijjártó, “kết quả cuộc bầu cử tổng thống Mỹ tạo nên một thực tại hoàn toàn mới, không những tại Âu Châu nhưng cả trên thế giới, và cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay tại Đức, vốn là nước có nền kinh tế mạnh nhất Âu Châu, càng là một lý do cho thấy thực tại mới như thế.

Dường như người ta thấy rõ ông Donald Trump để lại cho Âu Châu gánh nặng tái thiết Ucraina và giải quyết những quan hệ hậu chiến tranh với Nga, cho dù cần phải đợi thêm vài tháng nữa để biết chắc những sáng kiến của chính phủ mới tại Mỹ.

 Tình hình chiến trường

Trong khi đó, mặc dù Tổng thống Biden loan báo sẽ cung cấp ngay cho Ucraina 500 tên lửa phòng không Patriot và NASAMS, cũng như võ khí và đạn dược thuộc vào số 6 tỷ đôla đã được quyết định viện trợ trong chiều hướng này, nhưng những viện trợ này không thể lật ngược tình thế.

Cũng vậy, cả Thuỵ Điển, nay đang bước vào tình trạng kinh tế suy giảm, cũng giao ngay cho Ucraina sau cuộc bầu cử ở Mỹ số xe thiết giáp chở quân PBV302. Đây là các phương tiện chuyên chở mà quân đội Thụy Điển không dùng nữa và hiện còn 170 xe, cộng với hơn 100 xe dự trữ. Trong thời gian tới sẽ được nhường tất cả cho Ucraina.

Quả thực, trên chiến trường, quân Nga ngày càng tiến thêm và tháng 11 này có thể là tháng mà Nga chiếm được nhiều lãnh thổ nhất của Ucraina từ đầu cuộc chiến, một phần cũng vì khả năng phòng vệ của Ucraina ngày càng suy giảm, thiếu quân được huấn luyện kỹ càng và thiếu đạn dược. Trong những tuần lễ gần đây, tổng cộng phần đất Nga chiếm được của Ucraina là 1.150 cây số vuông, tức là nhiều hơn 25% so với 7 tháng đầu năm nay.

Trong khi chờ đợi ông Donald Trump nhậm chức, Nga gia tăng mạnh các cuộc tấn công để chiếm thêm và củng cố các lãnh thổ đã chinh phục được, để chiếm ưu thế trong cuộc thương thuyết.

Sự kháng chiến của Ucraina có thể suy yếu hơn nữa với những tin đồn về cuộc thương thuyết có thể dựa trên sự nhượng bộ lãnh thổ miền đông nam của Ucraina cho Nga. Ngoài ra, sự thắng cử của ông Trump có thể càng ảnh hưởng tiêu cực trên tinh thần chiến đấu của các binh sĩ Ucraina, và ông Trump không bao giờ che giấu sự thiếu thiện cảm đối với Tổng thống Zelensky và ông vốn có quan hệ tốt với ông Putin.

Cả tại vùng Kursk mà Ucraina đã tấn công và chiếm đóng một phần nay cũng ở trong tình trạng khó khăn:

 Tình hình miền Kursk trên lãnh thổ Nga

Tuy quân Nga đã chiếm được nhiều đất của Ucraina nhưng giới lãnh đạo quân sự của Ucraina tiếp tục đổ quân vào vùng Kursk và rút quân phòng thủ miền Donbass bị Nga tiến chiếm. Sáng kiến này có thể có ý nghĩa trước cuộc bầu cử tổng thống ở Mỹ, vì dường như nhắm tránh sự sụp đổ hoàn toàn mật trận Ucraina bằng cách thu hút quân Nga được đưa về vùng Kursk để bảo vệ chính lãnh thổ của Nga, nhưng việc làm của giới chỉ huy quân sự Ucraina thật là điều vô nghĩa.

Tướng sư đoàn Dmitry Marchenko của Ucraina đã tuyên bố là không hiểu tại sao các lữ đoàn tinh nhuệ của quân đội Ucraina lại được đưa tới miền Kursk thay vì bảo vệ lãnh thổ của Ucraina. Ông nói: “Tôi nói thật: tôi không hiểu điều gì đang xảy ra và tại sao như vậy, có lẽ có một kế hoạch bí mật.”

Cũng trong vùng Kursk này, từ ngày 6/8 đến nay, Ucraina đã mất 30 ngàn quân, vừa chết vừa bị thương, quân Nga chiếm ưu thế hơn nhiều về hoả lực và về quân số với ít nhất 50 ngàn người được bố trí tại vùng này, trong đó có thể có 10.000 quân Triều Tiên của ông Kim Jong Un, theo các giới chức Ucraina ẩn danh được báo New York Thời báo trưng dẫn.

Tóm lại, sau những mất mát rất lớn, giới lãnh đạo quân sự của Ucraina thật rất khó giải thích cho các quân nhân thuộc quyền tại sao họ phải tiếp tục chết trong một chiến tranh nay đã thất trận rồi. Điều ngăn cản sự tiến quân của Nga hiện nay là thời tiết, những trận mưa mùa thu đang đe dọa làm chậm lại đà tiến quân ít nhất là trong 1 tháng, cho đến khi băng mùa đông làm cho đất trở nên cứng hơn.

Tóm lại, nói chung, thật là khó hiểu, không biết Tổng thống Donald Trump có thành công trong việc ngưng cuộc xung đột tại Ucraina như ông đã hứa trong cuộc tranh cử hay không. Nga dường như tỏ ra thận trọng một cách dè dặt đối với tổng thống tân cử của Mỹ. Người phát ngôn của điện Kremlin, ông Dimitri Peskov, báo trước rằng thời gian giải quyết chiến tranh này sẽ không ngắn xét vì tình trạng phức tạp và cần để ý đến chiến trường, đang thuận lợi cho Nga và những tuyên bố của Nga về các lãnh thổ của Ucraina đã bị Nga xáp nhập và đòi hỏi Ucraina phải trung lập, không theo tây phương và không đòi gia nhập khối Nato.

 Đức Tổng Giám mục Trưởng Shevchuk

Trong bối cảnh không sáng sủa trên đây, trong sứ điệp video nói trên, Đức Tổng Giám mục Trưởng Sviatoslav Shevchuk nhận xét rằng: “Giữa lúc có bao nhiêu lo âu, tôi muốn chúng ta hãy nghe những lời của ngôn sứ Isaia, trách cứ vua vì đã liên minh chặt chẽ với Ai Cập, trông cậy vào sức loài người hơn là Thiên Chúa khi chống lại kẻ xâm lăng: ‘Vì Chúa là Đấng Thánh của Israel phán: Ơn cứu thoát của các con ở trong sự hoán cải và trong bình tĩnh, sức mạnh của các con hệ tại sự tin tưởng phó thác.” Sức mạnh của Ucraina ngày nay hệ tại lòng tín thác nơi Thiên Chúa. Đó là lý do tại sao chúng tôi nói rằng Ucraina đứng vững, Ucraina đang chiến đấu, Ucraina đang cầu nguyện!” (Sir 13/11/2024, Nuova Bussola Quotidiana 11/11/2024)

G. Trần Đức Anh, OP

Nguồn: https://www.vaticannews.va/vi/world/news/2024-11/sviatoslav-shevchuk-chien-tranh-ucraina-nga-my-donald-trump.html