23/01/2025

Ngoại giao Toà Thánh: “Bệnh viện dã chiến” giữa trận chiến

Ngoại giao Toà Thánh: “Bệnh viện dã chiến” giữa trận chiến

Đức Tổng Giám Mục Paul Richard Gallagher, Ngoại trưởng Toà Thánh tham dự hội nghị về ngoại giao ở Đại học Công giáo Lublin ở Ba Lan. Trong bài tham luận có tựa đề “Ngoại giao Toà Thánh trong thế giới đương đại”, ngài minh họa hoạt động ngoại giao của Vatican trong thế giới ngày nay là nhằm giải quyết xung đột, tự do tôn giáo, nhân quyền, giúp đỡ người di cư, chăm sóc ngôi nhà chung, chống lại các hệ tư tưởng có hại và “văn hoá loại bỏ”.

2024.11.12 Arcivescovo Paul Richard Gallagher, conferenza, Università Cattolica di Lublino

Đối thoại, khiêm tốn và xây dựng hoà bình

Đức Tổng Giám Mục Gallagher phác hoạ tình hình hiện tại trong hoạt động ngoại giao của Toà Thánh, bắt đầu từ viễn cảnh lịch sử và nhấn mạnh nhiều thập kỷ xây cầu, đối thoại, cách tiếp cận khiêm tốn và kiên nhẫn đã chứng minh được hiệu quả trong việc giải quyết các xung đột dường như không thể vượt qua, và thúc đẩy những dấu hiệu thiện chí của các bên xung đột để bắt đầu tiến trình hoà bình. Về bản chất, “ngoại giao của lòng thương xót” này được hiểu là một dấn thân chính trị đích thực của tình liên đới, nhằm thúc đẩy công ích. Không phải là một mục tiêu trừu tượng, nhưng là việc thực hiện các hành động cụ thể như xóa nợ nước ngoài và thúc đẩy các chính sách hợp tác và phát triển và thúc đẩy phẩm giá con người, ngay cả khi đối diện với những bất công nghiêm trọng như án tử hình.

Đức Giáo hoàng, nhà ngoại giao hàng đầu

Sau đó, đối với các sinh viên của đại học, Đức Tổng Giám Mục Gallagher đã trình bày chi tiết về cơ cấu và các nhân vật chủ chốt ngoại giao Vatican, như Sứ thần Tòa Thánh, sự hiện diện của Giáo hoàng trong các bối cảnh văn hoá và truyền thống tôn giáo khác nhau, hoặc vai trò của vị Đại diện Tòa Thánh tại các Giáo hội địa phương, nơi quan hệ ngoại giao chưa được chính thức hoá. Đức Tổng Giám Mục giải thích mạng lưới rộng lớn và được xác định rõ ràng này được hướng dẫn bởi Phủ Quốc vụ khanh Toà Thánh, nhưng “nhà ngoại giao đầu tiên chính là Đức Giáo hoàng”.

Triều giáo hoàng của Thánh Gioan Phaolô II và “các vấn đề liên quan đến Đông Âu” đã chứng minh điều này, nhưng ngay cả ngày nay “chúng ta có thể thấy tác động của Đức Thánh Cha Phanxicô trên trường quốc tế”. Thế giới hướng về Đức Thánh Cha và “chính lời nói và hành động của Đức Thánh Cha đã truyền cảm hứng và thúc đẩy hoạt động ngoại giao của Toà Thánh”. Qua những lời khích lệ và cầu nguyện, những cuộc gặp gỡ và thông điệp, và trên hết là các chuyến viếng thăm đến mọi nơi trên thế giới, “Đức Thánh Cha không ngừng thực thi thẩm quyền đạo đức của mình”, giải quyết những tình huống bất công, đến với những người bị bỏ rơi, cảnh báo chống lại những thực hành có hại dẫn đến thế giới và tương lai chúng ta đang gặp nguy hiểm. Trong sứ vụ này, Đức Thánh Cha không đơn độc nhưng sử dụng nhiều tổ chức khác nhau của Giáo hội Công giáo và trong một số trường hợp là các đặc phái viên như Đức Hồng y Matteo Zuppi về cuộc chiến ở Ucraina. Đôi khi chính các giám mục địa phương tham gia đối thoại và đàm phán với các nhà lãnh đạo địa phương và Sứ thần có “trách nhiệm” duy trì mối quan hệ với các Giáo hội địa phương và chính phủ.

Nỗ lực giải quyết xung đột

Bài tham luận của Đức Tổng Giám Mục cũng tập trung vào những nỗ lực âm thầm, hậu trường của Vatican trong việc giải quyết xung đột ở Ucraina, Trung Đông, châu Phi, Caucasus. Hành động một cách không thiên vị, Toà Thánh “can thiệp để ủng hộ một ý tưởng hoà bình vốn là kết quả của những mối quan hệ công bằng, tôn trọng các quy tắc quốc tế và bảo vệ các quyền cơ bản của con người”. Đức Tổng Giám mục Gallagher khẳng định: “Toà Thánh hoạt động trên cơ sở nhân đạo để hỗ trợ đổi mới đời sống xã hội ở những nơi xa xôi và thường bị lãng quên, hoặc tạo điều kiện thuận lợi cho việc đoàn tụ gia đình của trẻ vị thành niên và trao đổi tù nhân, thương binh và thi hài của những người đã ngã xuống giữa Nga và Ucraina”. Đối với Toà Thánh, “nguyên tắc nhân đạo” không bao giờ được “thoả hiệp nhân danh nhu cầu quân sự”, chủ yếu là khi mạng sống của thường dân bị đe doạ. Cam kết này củng cố sự tham gia tích cực của Toà Thánh vào các cuộc thảo luận về giải trừ quân bị.

Quyền sống

Đức Tổng Giám mục cũng nhấn mạnh đến sự dấn thân của Toà Thánh đối với nhân quyền, bao gồm “quyền sống và quyền bất khả xâm phạm của mỗi người”, bảo vệ “tính thánh thiêng của sự sống con người từ khi thụ thai cho đến khi chết một cách tự nhiên”. “Bằng cách bảo vệ các quyền này, Toà Thánh không chỉ thiết lập một tiêu chuẩn đạo đức nhưng còn tạo ra các cuộc tranh luận quan trọng trên bối cảnh toàn cầu”, Đức Giám Tổng mục Gallagher phê bình các quốc gia “tìm cách áp đặt một tầm nhìn về nhân quyền, bản chất và phẩm giá không phù hợp với giáo huấn của Giáo hội”.

Ngài nói: “Thật không may, trong một số trường hợp, việc cung cấp viện trợ nhân đạo quốc tế và tài trợ phát triển lại bị điều kiện hoá bởi ý muốn của một quốc gia trong việc áp dụng những hệ tư tưởng này.” Ngài còn nhấn mạnh nỗ lực không ngừng của Vatican đối với việc chăm sóc sức khỏe cho tất cả mọi người, mặc dù không chấp nhận một số khái niệm gây tranh cãi đã phát triển thành một chương trình nghị sự toàn cầu về ý thức hệ, như cái gọi là “quyền phá thai”.

Tự do tôn giáo

Sau đó, Đức Tổng Giám Mục nói về tự do tôn giáo, nhắc lại sự đóng góp của một trong những giáo sư xuất sắc nhất của Đại học Lublin, Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II. Trong thời của Đức Giáo hoàng Ba Lan cũng như ngày nay, đôi khi tôn giáo bị “công cụ hoá để nuôi dưỡng các cuộc tranh cãi chính trị”, và điều này đã dẫn đến các hình thức phân biệt đối xử, bạo lực và chiến tranh tàn bạo. Trước những thách đố này, Tòa Thánh luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc công nhận chiều kích công khai của tự do tôn giáo, cũng tôn trọng quyền tự chủ hợp pháp và tính thế tục của Nhà nước, được xây dựng trên một cuộc đối thoại lành mạnh giữa Nhà nước và các cộng đồng tôn giáo, vốn không phải là đối thủ nhưng là đối tác.

Chăm sóc ngôi nhà chung, văn hoá vứt bỏ, công nghệ và trí tuệ nhân tạo

Từ điểm này, Ngoại trưởng Toà Thánh liệt kê các lĩnh vực quan trọng khác đối với ngoại giao Vatican: chăm sóc ngôi nhà chung, cuộc chiến chống “văn hoá vứt bỏ” làm giảm nhân phẩm bằng cách đánh giá con người chỉ dựa trên sự tiện ích của họ, tác động của những tiến bộ công nghệ và toàn cầu hoá đối với lực lượng lao động, và nỗi lo về trí tuệ nhân tạo, mà nếu không được bối cảnh hoá và quy định thích đáng, có thể có những tác động và hậu quả đạo đức nghiêm trọng đối với nhân loại.

Về vấn đề di cư, Đức Tổng Giám Mục tái khẳng định sự dấn thân của Tòa Thánh và Giáo hội Công giáo trong việc tìm kiếm các giải pháp thích hợp cho một hiện tượng mà theo thống kê gần đây ảnh hưởng đến gần 120 triệu người chạy trốn khỏi cuộc bách hại, chiến tranh, xung đột và nghèo đói. Theo quan điểm này, ngài nhấn mạnh, Tòa Thánh bảo vệ các chính sách kinh tế công bằng và thực hiện mọi nỗ lực để xóa bỏ nghèo đói và tìm cách thúc đẩy tình huynh đệ nhân loại như một phương dược giải độc cho vấn đề “toàn cầu hoá sự thờ ơ”.

Nạn buôn người

Toà Thánh cũng dấn thân mạnh mẽ trong hoạt động xoá bỏ nạn buôn người và các hình thức nô lệ hiện đại khác. Đức Thánh Cha Phanxicô được thế giới công nhận là một trong những tiếng nói đạo đức hàng đầu trong cuộc chiến chống nạn buôn người. Nhiều lần Đức Thánh Cha đã lên tiếng bảo vệ công lý cho những người bị lừa dối, tấn công, thường bị bán nhiều lần cho các mục đích khác nhau, và cuối cùng bị giết hoặc trong mọi trường hợp, bị tổn hại về thể chất và tinh thần. Để chống lại thảm hoạ này một cách hiệu quả, Tòa Thánh kêu gọi các chính phủ giải quyết các nguyên nhân cơ bản, như nghèo đói cùng cực, tham nhũng, bất công và loại trừ kinh tế.

Là dấu hiệu của hy vọng

Ngoại trưởng Toà Thánh kết luận, trong bối cảnh thế giới mà Đức Thánh Cha gọi là một “chiến tranh thế giới thứ ba từng phần”, Toà Thánh và các cơ cấu ngoại giao hợp nhất trong nhiệm vụ “trở thành một dấu chỉ của hy vọng”. Theo cách này, ngoại giao Vatican trở thành một công cụ phục vụ sự chung sống của con người và là tiếng nói, trong mọi dịp có thể, tái khẳng định khát vọng chung về ổn định, an ninh và hoà bình.

Thoả thuận và hiệp định

Đức Tổng Giám Mục cũng trình bày chi tiết về ngoại giao song phương được Tòa Thánh duy trì với nhiều quốc gia khác thông qua các hiệp ước hoặc thoả thuận, mà được ngài mô tả là nền tảng, “một mặt, để bảo vệ các Giáo hội địa phương khỏi bất kỳ sự can thiệp quá mức của Nhà nước vào các vấn đề của Giáo hội, và mặt khác, tham gia với các Quốc gia về các vấn đề cùng quan tâm, nhằm đảm bảo sự hợp tác hiệu quả trong lĩnh vực xã hội và tôn giáo”.

Về vấn đề này, ngài cũng nhắc lại các thoả thuận đã được ký kết – như một dấu hiệu của “sự chú ý đặc biệt đến nhu cầu của các Giáo hội địa phương và phúc lợi của tất cả các dân tộc” – với các quốc gia chưa có quan hệ ngoại giao “hoàn toàn”. Ví dụ nổi bật nhất là Thoả thuận tạm thời với Trung Quốc về việc bổ nhiệm các giám mục, cũng như Thoả thuận về tình trạng của Đại diện Giáo hoàng thường trú tại Việt Nam.

“Quyền lực mềm”

Thêm vào đó, từ năm 1949, khi trở thành quan sát viên thường trực tại FAO, Toà Thánh đã không ngừng tăng cường hợp tác và đóng góp cho toàn thể gia đình các quốc gia, thông qua việc tham gia vào nhiều tổ chức quốc tế. Sự tham gia này làm cho Toà Thánh có thể hoạt động chủ yếu như một lực lượng lãnh đạo đạo đức và độc lập khỏi các liên minh và khối chính trị, và thay vào đó, ủng hộ hợp tác và hòa giải. Chính vì lý do này, Đức Tổng Giám mục Gallagher nhấn mạnh, Toà Thánh có thể đóng vai trò trung gian đáng tin cậy, nền tảng để giải quyết các cuộc xung đột và thúc đẩy đối thoại về các vấn đề toàn cầu. Đó là, nó có thể xây dựng những cây cầu nơi những người khác chỉ có thể nhìn thấy những chia rẽ không thể vượt qua.

Vatican News

Nguồn: https://www.vaticannews.va/vi/vatican-city/news/2024-11/ngoai-giao-toa-thanh-benh-vien-da-chien-tran-chien.html