22/01/2025

HỌC HỎI PHÚC ÂM CHÚA NHẬT XXXII THƯỜNG NIÊN NĂM B

Bạn nghĩ gì về cách đánh giá của mình về người khác? Bạn có hay đánh giá theo cái nhìn bên ngoài không? Bạn học được gì nơi cách đánh giá của Đức Giêsu trong bài Tin Mừng này?

PHÚC ÂM: (Mc 12,38-44)

38 Khi ấy, trong lúc giảng dạy, Đức Giê-su nói với đám đông dân chúng rằng : “Anh em phải coi chừng những ông kinh sư ưa dạo quanh, xúng xính trong bộ áo thụng, thích được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng. 39 Họ ưa chiếm ghế danh dự trong hội đường, thích ngồi cỗ nhất trong đám tiệc. 40 Họ nuốt hết tài sản của các bà goá, lại còn làm bộ đọc kinh cầu nguyện lâu giờ. Những người ấy sẽ bị kết án nghiêm khắc hơn.”

41 Đức Giê-su ngồi đối diện với thùng tiền dâng cúng cho Đền Thờ. Người quan sát xem đám đông bỏ tiền vào đó ra sao. Có lắm người giàu bỏ thật nhiều tiền. 42 Cũng có một bà goá nghèo đến bỏ vào đó hai đồng tiền kẽm, trị giá một phần tư đồng xu Rô-ma. 43 Đức Giê-su liền gọi các môn đệ lại và nói : “Thầy bảo thật anh em : bà goá nghèo này đã bỏ vào thùng nhiều hơn ai hết. 44 Quả vậy, mọi người đều lấy tiền dư bạc thừa của họ mà đem bỏ vào đó ; còn bà này đã túng thiếu, lại còn bỏ vào đó tất cả những gì bà có, tất cả những gì để nuôi thân.”

CÂU HỎI TÌM HIỂU

  1. Mc 11,27 – 12,37 có gì đặc biệt? Hãy đặt một tựa đề cho phần này.
  2. Đọc Mc 12,28-34 và Mc 12,38-40. Bạn có thấy gì lạ không?
  3. Dựa trên Mc 12,38-39, hãy cho biết một số kinh sư hay phạm những tội gì?
  4. Dựa trên Mc 12,40, hãy cho biết một số kinh sư còn phạm tội gì? Bạn biết gì về hoàn cảnh của các bà goá trong xã hội nước Ítraen? Đọc Is 1,17; Gr 7,6; 49,11.
  5. Lương công nhật thời Đức Giêsu là bao nhiêu? Đọc Mt 20,2. Một quan tiền (dênarion) bằng 64 đồng xu? Vậy số tiền bà goá đã bỏ vào thùng có lớn không?
  6. Đọc Mc 12,43-44. Tại sao Đức Giêsu lại cho rằng bà goá nghèo đã bỏ nhiều hơn mọi người khác?
  7. Bạn học được gì nơi gương của bà goá này?
  8. Khi đọc bài Phúc âm hôm nay, bạn nghĩ gì về cách dạy môn đệ của Thầy Giêsu?

CÂU HỎI SUY NIỆM

Bạn nghĩ gì về cách đánh giá của mình về người khác? Bạn có hay đánh giá theo cái nhìn bên ngoài không? Bạn học được gì nơi cách đánh giá của Đức Giêsu trong bài Tin Mừng này?

PHẦN TRẢ LỜI

  1. Mc 11,27 – 12,37 là một loạt sáu cuộc tranh luận giữa Đức Giêsu với các nhà lãnh đạo Do-thái giáo gồm các thượng tế, kinh sư và kỳ mục (Mc 11,27). Các vị lãnh đạo trên đây có thể là những người thuộc nhóm Pha-ri-sêu, nhóm Hê-rô-đê (Mc 12,13) hay nhóm Xa-đốc (Mc 12,18). Vì các cuộc tranh luận này được đặt ngay sau khi Đức Giêsu vào thành Giêrusalem lần cuối, nên ta có thể đặt tựa cho phần này là: “Các cuộc tranh luận tại Đền thờ trước khi Đức Giêsu chịu khổ nạn.”
  2. Hai đoạn Mc 12,28-34 và Mc 12,38-40 có vẻ ngược nhau. Đoạn trước kể về một ông kinh sư có thiện cảm với Đức Giêsu, mở lòng đón nhận giáo huấn của Ngài, và được Ngài khen ngợi. Còn ở đoạn sau, Đức Giêsu mạnh mẽ tố cáo tật xấu của các ông kinh sư nói chung, kèm theo một lời đe dọa.
  3. Phần lớn các kinh sư là những người thuộc phái Pha-ri-sêu, được dân chúng trọng vọng vì họ giữ Luật nghiêm túc và thông thạo Kinh Thánh, bởi đó một số kinh sư dễ mang tính háo danh và phô trương. Các kinh sư thường mặc áo thụng khi cầu nguyện hay tham dự nghi lễ tôn giáo. Còn ở đây kinh sư lại mặc áo thụng đi tới đi lui ở nơi công cộng, để được người ta thấy và cúi chào (Mc 12,38). Họ thích ngồi hàng ghế nhất trong hội đường hay chỗ nhất trong đám tiệc (Mc 12,39). Hàng ghế nhất trong hội đường là hàng ghế quay xuống cộng đoàn, ghế đó vượt trội hơn những chỗ khác trong hội đường. Chỗ nhất trong đám tiệc là chỗ gần với chủ tiệc hơn cả. Được ngồi gần chủ tiệc là một vinh dự vì là khách quý (Lc 14,7-11).
  4. Một số kinh sư lại còn bóc lột tài sản của các bà góa và giả vờ cầu nguyện dài (Mc 12,40). Thật ra các tư tế dễ phạm tội đối xử bất công với các bà góa hơn các kinh sư. Các bà góa thuộc về thành phần dễ bị tổn thương nhất trong xã hội Do-thái. Họ không có chỗ dựa của người chồng nên thường chịu nhiều bất công, thiệt thòi. Kinh Thánh đòi buộc chúng ta phải chăm lo cho họ và biết rằng Thiên Chúa sẽ báo oán những ai bóc lột họ (Xh 22,21-23; Is 10,2). Những nhà lãnh đạo Dân Chúa mà cư xử bất công với người yếu thế, sẽ bị Thiên Chúa kết án nghiêm khắc hơn, vì họ hiểu biết về Luật Chúa nhiều hơn người bình dân. Giả vờ cầu nguyện lâu dài có thể là cách để chiếm được lòng tin của các bà góa, rồi từ đó chiếm đoạt tài sản của họ.
  5. Lương công nhật thời Đức Giêsu là một quan tiền (Mt 20,2). Một quan tiền (dênarion) bằng 64 đồng xu (kodrantês). Hai đồng kẽm (lepton) trị giá bằng một đồng xu. Đồng kẽm là đơn vị tiền tệ nhỏ nhất ở nước Palestine. Bà góa đã bỏ vào hòm hai đồng kẽm (duo lepta) trị giá bằng một đồng xu. Vậy số tiền bà bỏ vào khá nhỏ, chỉ đủ mua được một chút đồ ăn.
  6. Đức Giêsu ngồi đối diện với thùng tiền và quan sát người ta bỏ tiền, sau đó Ngài gọi các môn đệ lại (xem thêm: Mc 3,13; 6,7; 8,1; 10,42), và khẳng định rằng bà góa nghèo này đã bỏ tiền nhiều hơn mọi người khác (Mc 12,43). Đây một khẳng định long trọng, vì Ngài bắt đầu bằng câu: “Thầy bảo thật anh em…”.      Chắc các môn đệ ngạc nhiên trước khẳng định này, vì nhiều người giàu hẳn đã bỏ vào thùng những món tiền lớn. Sau đó, Đức Giêsu mới giải thích tại sao Ngài lại nói như thế: vì mọi người bỏ vào từ cái dư thừa của họ, còn bà này bỏ vào từ cái túng thiếu của mình. Hơn nữa bà dám bỏ vào tất cả những gì bà có, tất cả những gì bà cần để nuôi thân (Mc 12,44). Như thế Đức Giêsu cho ta thấy cách đánh giá của Ngài, cũng là cách đánh giá của Thiên Chúa. Thiên Chúa không để ý đến giá trị vật chất của lễ vật được dâng, nhưng để ý đến tấm lòng của người dâng lễ vật. Người giàu dâng cúng nhiều, nhưng họ dâng cúng từ cái dư thừa của họ. Còn người nghèo dâng cúng ít, nhưng họ dâng cúng từ chính cái túng thiếu của mình. Đức Giêsu coi trọng đóng góp của người nghèo, vì đóng góp đó ảnh hưởng trên chính cuộc sống của họ.
  7. Bà goá đã bỏ vào thùng tiền “tất cả những gì bà có, tất cả những gì để nuôi thân”. Như thế sau khi bỏ tiền cho Đền thờ, bà goá chẳng còn gì để sinh sống. Bà không giữ lại cho mình điều gì và phó thác cuộc sống mình trong tay Chúa. Có thể nói bà đã sống điều răn thứ nhất: yêu mến Thiên Chúa với tất cả trái tim và với tất cả sức lực của mình (x. Mc 12,29-30). Bà trở thành mẫu gương cho chúng ta về một tình yêu trọn vẹn, nhờ đó ai trong chúng ta cũng thấy mình có khả năng yêu mến Chúa bằng những gì nhỏ bé mình đang có.
  8. Khung cảnh của bài Phúc âm hôm nay là Đền thờ, nơi có mặt các kinh sư thuộc giới lãnh đạo Do-thái giáo. Đức Giêsu đã tranh luận mạnh mẽ với họ (Mc 11,27-12,37). Khi ở riêng với các môn đệ, Ngài đã dạy họ phải cảnh giác kẻo lây nhiễm thói xấu của các kinh sư, dù dưới mắt dân chúng, họ là những bậc đáng kính cả về hiểu biết lẫn đạo đức (Mc 11,38-40). Khi ngồi trước thùng tiền, nhìn người ta bỏ tiền vào thùng, Thầy Giêsu thấy cần dạy các môn đệ một bài học quan trọng khác về cách đánh giá của Thiên Chúa, khác với cách đánh giá của con người (Mc 11,41-44). Đối với Ngài, bà góa dù bỏ số tiền rất nhỏ vào thùng nhưng lại là người bỏ nhiều hơn mọi người khác. Bỏ nhiều cũng không bằng bỏ vào tất cả. Thiên Chúa quý ai dám cho mà không giữ lại gì. Ngài quý cái nhỏ bé, nhưng lại là cái tất cả của ta.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ