21/12/2024

Chúa Nhật XXXIII TN B 2024 – Các Thánh Tử đạo Việt Nam: Chứng nhân cho những giá trị văn hoá mới

Chúa Nhật XXXIII TN B 2024 – Các Thánh Tử đạo Việt Nam

Chứng nhân cho những giá trị văn hoá mới

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

Lời mở

Hôm nay Giáo hội Việt Nam mừng kính trọng thể các thánh chết vì đạo tại Việt Nam. Đây là những người làm chứng cho Chúa, cho những giá trị căn bản của nền văn hoá Công giáo trong ba thế kỷ XVII, XVIII, XIX trước đây. Các vị đã đóng góp rất nhiều vào những giá trị mà dân tộc Việt Nam ta đang bảo vệ và phát huy như dân chủ, độc lập, tự do, nhân phẩm, bình đẳng nam nữ… Vì thế, là con cháu các ngài, chúng ta được mời gọi sống các giá trị đó một cách hào hùng hơn nữa để làm chứng cho Chúa Giêsu và cứu độ thế giới.

1. Những chứng nhân lịch sử về các giá trị mới mẻ

Đạo Công giáo khởi đầu ở Việt Nam vào năm 1533 nhưng chỉ tác động sâu rộng đến dân tộc khi các nhà truyền giáo dòng Tên đến loan báo Tin Mừng ở Đà Nẵng và Bình Định từ năm 1615 đến 1659. Đó là nhờ họ đã học tiếng Việt, giảng đạo bằng tiếng Việt. Hơn nữa họ còn sáng tạo ra chữ Việt bằng cách phiên âm tiếng nói của người Việt theo mẫu tự Latinh với 24 chữ cái, thay vì phải học 214 chữ đơn, từ 1 nét đến 17 nét, trong bộ chữ Hán của người Trung Quốc.

Chữ Quốc ngữ vừa dễ học, dễ đọc, dễ viết, vừa ích lợi trong đời sống giao tiếp xã hội hằng ngày, nên dân chúng thích thú theo học, truyền lại cho nhau và làm lan rộng khắp nước. Điều này đụng chạm đến lòng tự ái của Nhà nước quân chủ, cũng như quan chức của chính quyền và các nhà trí thức trong xã hội thời đó.

Các nhà truyền giáo biên soạn giáo lý, sáng tác kinh nguyện, thơ văn, với sự trợ giúp của các thầy giảng có học thức như cụ Gioakim, sư cụ chùa Phao, sư cụ Manuel, cụ nghè Giuse…. Đáng kể nhất là các linh mục Gaspar d’Amaral, Antonio Barbosa, Girôlamo Majorica, đặc biệt là cha Alexandre de Rhodes, thường gọi là cha Đắc Lộ, với những tác phẩm bằng chữ Quốc ngữ đầu tiên in ở Roma, nước Ý, năm 1651, như Phép Giảng Tám Ngày, Tự điển Việt-Bồ-La, Ngữ pháp Tiếng An Nam. Các lời kinh nhịp nhàng theo vần điệu thi ca của tiếng Việt để trình bày giáo lý Công giáo vừa dễ học, dễ nhớ, dễ làm khiến cho các giá trị văn hoá mới được phổ biến rất nhanh (x. Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, Hội nhập Văn hoá Công giáo ở Việt Nam, NXB Tôn Giáo, 2023, tr.73-94).

Giá trị đầu tiên là ý thức về dân chủ, dựa trên sự nhận biết một Thiên Chúa là Cha chung của muôn loài và mọi người là anh chị em của nhau trong đại gia đình Thiên Chúa, thay vì một ông vua thay Trời hành đạo, nắm toàn quyền sinh sát trong tay để bắt mọi người vâng phục tuyệt đối theo hệ tư tưởng Khổng Mạnh. Công giáo dạy cho người ta biết chính người dân làm chủ đất nước, còn vua quan chỉ là người được Chúa đặt lên để phục vụ dân. Tuy nhiên, nền quân chủ tồn tại cả ngàn năm ở nước ta khó có thể đón nhận sự thật này. Dân tộc ta chỉ ý thức điều này vào năm 1945 với tuyên ngôn độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc ở quảng trường Ba Đình, Hà Nội.

Giá trị tiếp theo là sự thật về con người: mọi người đều có nhân phẩm, nam nữ đều bình đẳng trong xã hội và được Chúa nối kết với nhau thành gia đình một vợ, một chồng, con cái dù nam hay nữ đều là ơn lành của Chúa và phải được tôn trọng như nhau. Tuy nhiên, những người đón nhận hệ tư tưởng của Khổng Tử lại muốn tổ chức xã hội theo nguyên tắc bất bình đẳng: trọng nam khinh nữ, gia đình theo chế độ đa thê để người chồng được phép có nhiều thê thiếp. Dù vua quan và những người giàu có chống lại các giá trị mới mẻ đó, nhưng dân chúng lại thích thú đón nhận các giá trị này.

Giá trị cao cả nhất là sự sống vĩnh hằng và ơn cứu độ được Chúa Giêsu ban cho những ai tin vào Người. Dân tộc ta chịu ảnh hưởng của tam giáo Đông Phương: Khổng, Phật, Lão trong cả ngàn năm bị người Trung Quốc đô hộ (từ năm 111 TCN đến năm 938). Các tôn giáo này ảnh hưởng nhiều đến quan niệm sống của người Việt: cho đời là bể khổ, cuộc sống là vô thường và mỗi người phải trải qua hàng vạn kiếp mới có thể thoát vòng luân hồi, nhân quả để vào Niết Bàn, chưa kể các biến tướng của đạo Lão với các mê tín dị doan, bùa ngải, phù phép.

Công giáo giới thiệu những giá trị mới về tình yêu của Đức Chúa Trời, qua việc Ngôi Lời Thiên Chúa trở thành con người trong Đức Giêsu, qua đời sống lao động ở trần thế, qua đau khổ và cái chết của Người để cứu độ và làm cho mọi thứ trong cuộc đời trần thế có ý nghĩa và giá trị vĩnh hằng. Nhờ đó người ta có thể sống trong niềm vui, bình an, hạnh phúc trong mọi hoàn cảnh và chỉ cần một kiếp ở đời này tin vào Chúa Giêsu thì sẽ được cứu độ và hạnh phúc muôn đời.

2. Làm chứng bằng đời sống

Người Công giáo đã sống những giá trị mới mẻ này và chứng minh cho dân tộc bằng đời sống an vui, hoà thuận, tràn đầy tình yêu, với sự giàu có sung túc của các cộng đồng và xứ đạo thời đó. Họ tích cực học hỏi các khoa học và áp dụng vào đời sống qua việc chữa trị bệnh tật, lọc nước ao tù trước khi dùng, nấu chín trước khi uống, truyền nghề cho nhau thay vì giấu nghề, nên ai cũng biết chữ, biết nghề, khoẻ mạnh, xinh đẹp, giàu có. Nhà nào cũng vang tiếng cười vì không còn cảnh “chồng chúa vợ tôi”, “vợ cả vợ lẽ”. Buôn bán thịnh đạt vì không gian dối. Sản xuất thì làm hàng tốt, hàng thật nên ai cũng muốn giao thiệp với người Công giáo và dần dần tin theo Đức Giêsu.

Trong lịch sử truyền giáo, 50 năm đầu, các nhà truyền giáo dòng Tên đã rửa tội khoảng 100.000 người (20.000 người ở Đàng Trong, miền Nam và 80.000 người ở Đàng Ngoài, miền Bắc). Trong giai đoạn tiếp theo, từ 1659-1802, tín hữu có 320.000 người, chiếm khoảng 8% dân số. Giai đoạn phát triển, từ 1802-1885, có khoảng hơn nửa triệu người theo đạo, chiếm khoảng 10-12% dân số.

Tuy nhiên, chúng ta phải nói đến biết bao thử thách gian nan, bách hại, chết chóc mà các tín hữu Công giáo phải chịu đựng trong suốt 3 thế kỷ qua, do Nhà nước quân chủ với hệ tư tưởng khác biệt, do việc loại trừ của những người theo chữ Nho chống lại chữ Việt, do cuộc xâm lăng của đế quốc Pháp từ năm 1860 đến 1945 và người Công giáo bị hiểu lầm theo Pháp phản bội đất nước. Hơn 130.000 người đã bị giết và cả nửa triệu người bị bách hại vì những giá trị mà dân tộc Việt Nam hiện đang cổ vũ và tôn trọng.

HỌC HỎI PHÚC ÂM LỄ CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM - Báo Công giáo và Dân tộc

Họ là các nhân chứng anh dũng không phải chỉ cho Thiên Chúa, cho đạo mà còn cho cả dân tộc. Tất cả đều bắt nguồn từ lòng tin vào Thiên Chúa là nguồn của sự sống và tình yêu để nhắc nhở nhau sống hào hùng ngay giữa cơn bách hại như bà mẹ và 7 người con trong Bài đọc I (x. 2Mac 7,1-29). Tin vào quyền năng an bài của Thiên Chúa thì chúng ta sẽ chẳng sợ gì hết, vì “đến như Con Một mà Thiên Chúa cũng chẳng tiếc, nhưng đã trao nộp vì hết thảy chúng ta. Một khi đã ban Người Con Một đó, lẽ nào Thiên Chúa lại chẳng rộng ban tất cả cho chúng ta sao? Vì thế, ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Giêsu Kitô? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo? Nhưng trong mọi thử thách ấy, chúng ta toàn thắng nhờ Đấng đã yêu mến chúng ta” (Rm 8,31-39).

Lời kết

Các thánh tử đạo Việt Nam đã trung thành trong mọi cơn gian nan, nhờ lời cầu xin của Chúa Giêsu, để làm chứng cho sự thật toàn diện của Người: “Lạy Cha, xin lấy sự thật mà thánh hiến họ. Lời Cha là sự thật. Như Cha đã sai con đến thế gian, thì con cũng sai họ đến thế gian. Vì họ, con xin thánh hiến chính mình con, để nhờ sự thật họ cũng được thánh hiến” (x. Ga 17,11-19). Amen.

HKK