22/11/2024

Chúa Nhật XXXII TN B 2024: Các bà goá quảng đại

Chúa Nhật XXXII TN B 2024

Các bà goá quảng đại

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

Lời mở

Tuần trước, chúng ta đã biết điều luật căn bản về tình yêu đối với Chúa và đối với người thân cận. Tuần này Giáo Hội giới thiệu những gương mẫu cụ thể đã thực hiện luật yêu thương đó để giúp ta cảm nghiệm được tình yêu vô cùng quảng đại của Thiên Chúa, từ đó ta mới có thể sống quảng đại với nhau, vì quảng đại là một nhân đức cần thiết của người tín hữu.

1. Lòng quảng đại của con người

Trước hết, ta nên tìm hiểu quảng đại là gỉ? Quảng đại, rộng rãi, độ lượng, bao dung, hào phóng, cao thượng là những từ diễn tả tính cách rộng rãi trong quan hệ với vật chất và bao dung trong quan hệ với con người. Quảng đại là mở lòng để tha thứ, cảm thông và mở tay để chia sẻ quà tặng của Tạo Hoá hơn mức bình thường. Đây là một trong bảy nhân đức chính yếu của người tín hữu: “Rộng rãi chớ hà tiện”.

Người đàn bà goá ở Xarepta đã quảng đại chia sẻ cho Elia miếng bánh cuối cùng dù biết rằng đứa con và mình sẽ chết đói ngay sau đó. Bà chia sẻ chỉ vì ông là “người của Thiên Chúa hằng sống” chứ không mong một sự đổi chác hay bất cứ lợi lộc nào (x. 1V 17, 10-16). Luật “yêu người thân cận như chính mình” đã được bả thể hiện cách tuyệt vời không phải chỉ trong những hoàn cảnh bình thường của đời sống, mà thể hiện cách anh hùng trong cơn hoạn nạn khốn cùng. Thời nay, nhiều người thường mua bán, đổi chác chứ ít khi nào biết trao tặng, hiến dâng, nhất là trong thời buổi khó khăn.

Người ta thường yêu thương chính mình và con cái của mình trước, chứ không ai dại gì cho người khác trước như bà. Chính khi hành động như thế, gia đình bà đã cảm nghiệm được lòng quảng đại của Thiên Chúa: “Hũ bột đã không vơi, vò dầu đã chẳng cạn”. Bà và con bà có đủ ăn lâu ngày cho đến khi cơn hoạn nạn qua đi. Đọc câu chuyện này, ta nhớ lại câu chuyện cổ tích của Việt Nam: “Ăn khế trả vàng, may túi ba gang, đem đi mà đựng”.

Bà goá nghèo trong bài Tin Mừng (x. Mc 12,41-44) cũng thể hiện luật “yêu Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức mình” khi bà đóng góp hai đồng tiền kẽm, trị giá một phần tư đồng xu Rôma, vào thùng tiền dâng cúng cho đền thờ. Tình yêu bà dành cho Chúa như thế là trọn vẹn và tột cùng! Tình yêu này bắt nguồn từ việc bà nhận thức rằng: “Chúa là Thiên Chúa độc nhất. Ngài đã cho bà tất cả nên Ngài xứng đáng nhận lấy tất cả những gì bà đang có để tỏ lòng biết ơn”.

Tất Cả Những Gì Bà Có (10.6.2017 – Thứ Bảy Tuần 9 Thuờng Niên) | Giáo Phận Thanh Hóa

Chúa Giêsu đã nhận ra lòng quảng đại của bà: “Thầy bảo thật anh em: bà goá nghèo này đã bỏ vào thùng nhiều hơn ai hết. Quả vậy, mọi người đều lấy tiền dư bạc thừa của họ mà đem bỏ vào đó, còn bà này đã túng thiếu, lại còn bỏ vào đó tất cả những gì bà có, tất cả những gì để nuôi thân”. Bà đã quảng đại dâng hiến cho Chúa, thì bà cũng sẽ nhận được lòng quảng đại của Ngài, nhất là khi Đức Giêsu, Con của Ngài, nhìn thấy lòng quảng đại của bà.

2. Lòng quảng đại của Thiên Chúa

Trong một thế giới tự hào là văn minh, khoa học, tôn sùng vật chất và cố gắng tìm mọi cách để hưởng thụ nó thì ít người nhận ra lòng quảng đại của Thiên Chúa, và vì thế người ta cũng sống hẹp hòi với nhau. Người ta không nhận ra tình yêu của Thiên Chúa nên cũng chối bỏ tình yêu của con người. Những giả thuyết khoa học “vật chất ngẫu nhiên tiến hoá thành người” của Darwin, “tinh thần là loại vật chất đặc biệt” của Mác-Ăngghen vẫn còn đang được truyền bá khiến cho nhiều người chối bỏ Thiên Chúa Tạo Hoá và những giá trị tinh thần nên không nhận ra tình yêu hào phóng của Ngài.

Ngày xưa, tổ tiên ta biết tổ chức những lễ hội tạ ơn trời đất vì được mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu. Ngày nay chúng ta oán Trời làm mưa, oán đất gây lở, khiến cho người chết, cửa nát, nhà tan để bàn những biện pháp “phòng chống” thiên tai. Có nhà khoa học yêu cầu chỉ nên dùng từ “phòng tránh” bão tố, lụt lột, hạn hán vì những tai hoạ này không phải do Trời tạo nên, mà do chính con người tạo ra do lạm dụng vật chất. Những hội nghị quốc tế về biến đổi khí hậu toàn cầu đã nhắc nhở ta điều đó.

Mỗi ngày ta thở tối thiểu mười ngàn lít không khí để chuyển đổi máu đen thành máu đỏ. Chỉ cần một giây thiếu máu đưa lên não là đầu óc ta choáng váng, té ngã hay lạc tay lái gây chết người. Nhưng mấy ai để ý đến dung lượng khí thở của mình cho sức khoẻ tốt hơn và đầu óc minh mẫn hơn? Cũng ít ai nói lên lời tạ ơn với Đấng Tạo Hoá cho không mình món quà quý giá này!

Người ta vẫn nghĩ rằng trời cao, biển rộng, sông dài, gió mát, trăng thanh và muôn cảnh đẹp trên trái đất này đều tự nhiên mà có, nên chẳng cần biết ơn ai. Nhất là khi người ta sống an toàn trong căn phòng đầy đủ tiện nghi, có tủ lạnh đầy ắp thức ăn dự trữ, có máy lạnh, quạt máy, nước nóng, đèn sáng, bếp điện… quanh mình! Chỉ khi con người thoát ra khỏi căn phòng nhỏ hẹp để hoà lòng mình với thiên nhiên hùng vĩ, người ta mới cảm nhận được tình yêu quảng đại của Người Cha Tạo hoá này.

Từng giây phút, Người Cha Tinh Thần tuyệt đối này ban cho ta tình yêu, tư tưởng, niềm vui, hạnh phúc, chân thiện mỹ và sự sống vĩnh hằng để ta xứng đáng với nhân phẩm cao quý vượt trên muôn loài thụ tạo. Những giá trị này không phải là vật chất, không bị lệ thuộc vào không gian thời gian, nhưng nhiều người không nhận thức được điều đó. Người ta tôn sùng vị Thần Tài, Thần Vật Chất để chiếm hữu thật nhiều lợi lộc nên gây ra những cuộc xung đột, chiến tranh tàn khốc, khiến cho nhân loại ngày càng nghèo hơn, số người goá bụa, mồ côi ngày càng đông hơn.

Nhiều tín hữu Công giáo dường như cũng bị cuốn hút vào cơn lốc vật chất này, nên cũng không cảm nhận được tình yêu quảng đại của Thiên Chúa, khi “Ngài ban Con Một Ngài là Đức Giêsu Kitô để cứu độ muôn loài. Đức Kitô đó đã dâng chính mình làm của lễ để tiêu diệt tội lỗi và chuyển cầu cho ta” (x. Dt 9,24-28). Nhờ Đức Giêsu Kitô, chúng ta được chia sẻ địa vị làm Con Thiên Chúa và hưởng được sự sống diệu kỳ của chính Thiên Chúa.

Đức Hồng y Cristóbal Lopez Romero, ngày 1/10/2024 mới đây, nhân dịp khai mạc khoá thứ hai của Thượng Hội đồng Giám mục vì một Giáo Hội đồng hành với toàn thể nhân loại, đã đại diện Giáo Hội “cầu xin Thiên Chúa và nhân loại tha thứ, xấu hổ vì đã quay lưng với người nghèo, thích trang điểm cho bản thân và bàn thờ bằng những thứ quý giá tội lỗi vốn lấy đi bánh mì từ người đói”. Nhiều tín hữu quảng đại dâng cúng những món tiến lớn để xây các nhà thờ, tượng đài, trung tâm hành hương, tổ chức lễ nghi hết sức hoành tráng cho các dịp lễ. Nhưng họ lại quên những bà goá, trẻ mồ côi, người tàn tật, người nghèo khổ đang đói lả quanh mình.

Lời kết

Lời kinh “Xin ơn sống quảng đại” của cha Grandmaison, dòng Tên, được các bạn trẻ, nhất là các hướng đạo sinh trên toàn thế giới, cầu nguyện, như gợi ý ta hành động: “Lạy Chúa Giêsu, xin dạy con biết sống quảng đại, biết phục vụ Chúa cho xứng đáng, biết cho đi mà không cần tính toán, biết chiến đấu mà không sợ thương tích, biết làm việc mà không tìm an nghỉ, biết hiến thân mà không mong chờ một phần thưởng nào khác, hơn là biết mình đã làm theo thánh ý Chúa. Amen”.

HKK