22/01/2025

Đức Thánh Cha: Hành hương đưa chúng ta đến gần Chúa và cuộc sống người khác

Đức Thánh Cha: Hành hương đưa chúng ta đến gần Chúa và cuộc sống người khác

Đức Thánh Cha viết lời tựa cho cuốn sách “Đức tin là một hành trình”, do Nhà Xuất bản Vatican phát hành nhân dịp Năm Thánh; trong đó ngài nhấn mạnh đến ba chiều kích của cuộc hành hương: rủi ro, nỗ lực và mục tiêu.

2024.11.05 La copertina del libro LEV "La fede è un viaggio"

Tập sách gồm những bài suy niệm của Đức Thánh Cha dành cho những người lữ hành và hành hương. Ngài viết trong phần giới thiệu như sau:

Khi còn là linh mục ở Buenos Aires, và khi đã trở thành giám mục, tôi có thói quen thích đi dạo bộ qua các khu phố để thăm các anh em linh mục, cộng đoàn tu sĩ hoặc trò chuyện với bạn bè. Đi dạo bộ rất tốt, giúp chúng ta tiếp xúc với những gì xảy ra xung quanh, giúp chúng ta khám phá âm thanh, hương vị và tiếng ồn của thực tế quanh chúng ta, tóm lại đi bộ đưa chúng ta đến gần với thực tế cuộc sống của người khác.

Đi có nghĩa là không đứng yên: tin có nghĩa là có một sự bồn chồn trong lòng đưa chúng ta hướng đến một điều “hơn nữa”, tiến thêm một bước, hướng đến một tầm cao mà hôm nay chúng ta đạt được, và biết rằng ngày mai con đường sẽ đưa chúng ta lên cao hơn – hoặc sâu hơn, trong tương quan của chúng ta với Chúa, như tương quan với người thân yêu trong cuộc sống, hoặc giữa những người bạn: không bao giờ kết thúc, không bao giờ là đủ, luôn tìm kiếm. Chúng ta không thể nói với Chúa: “Xong rồi, mọi việc đều ổn, thế là đủ!”

Vì lý do này Năm Thánh 2025, cùng với chiều kích thiết yếu của niềm hy vọng, phải thúc đẩy chúng ta hơn bao giờ hết nhận thức cách sâu sắc về sự thật rằng đức tin là một cuộc hành hương và trên mặt đất này chúng ta là những khách hành hương. Chúng ta không phải là khách du lịch, hay người đi lang thang. Chúng ta không di chuyển một cách tình cờ. Chúng ta là những người hành hương. Khách hành hương sống hành trình với ba khía cạnh: rủi ro, nỗ lực và mục tiêu.

Rủi ro

Ngàn năm trước, khi đi hành hương, đồng nghĩa với việc người hành hương phải đối diện với nguy cơ không bao giờ trở về nhà, nguyên nhân là do có nhiều nguy hiểm có thể gặp phải trên đường đi. Đức tin của những người chọn lên đường mạnh mẽ hơn bất kỳ nỗi sợ hãi nào: những người hành hương trong quá khứ dạy chúng ta tin tưởng nơi Thiên Chúa, Đấng đã kêu gọi họ lên đường hướng tới mộ các Tông đồ, Thánh Địa hay đền thánh. Chúng ta cũng xin Chúa để có một phần nhỏ đức tin đó, để vâng theo ý Chúa cho dù hiểm nguy, vì biết rằng đó là ý muốn của một Người Cha nhân lành, Đấng chỉ muốn giao cho con cái những gì thích hợp với chúng.

Nỗ lực

Bước đi có nghĩa là nỗ lực. Nhiều người hành hương ngày nay đã trở lại với đám đông các tuyến đường hành hương cổ xưa biết rõ điều này: tôi nghĩ đến hành trình hướng đến Santiago de Compostela, Via Francigena, những con đường khác nhau đã xuất hiện ở Ý gợi nhớ một số vị thánh được biết đến nhiều hoặc các nhân chứng, nhờ vào sự phối hợp tích cực giữa các tổ chức công và các tổ chức tôn giáo. Hành hương bao gồm nỗ lực dậy sớm, chuẩn bị ba lô đựng những thứ cần thiết, ăn uống thanh đạm. Và rồi đôi chân đau nhức, cơn khát trở nên gay gắt, nhất là vào những ngày hè nắng gắt. Nhưng nỗ lực này được đền đáp bằng nhiều món quà mà những người lữ hành gặp được trên đường: vẻ đẹp của thụ tạo, sự dịu dàng của nghệ thuật, lòng hiếu khách của con người. Những người đi bộ hành hương – nhiều người có thể làm chứng điều này – nhận được nhiều hơn những nỗ lực đã bỏ ra: họ thiết lập những mối liên kết tốt đẹp với những người gặp nhau trên hành trình của họ, sống những khoảnh khắc của sự thinh lặng đích thực và nội tâm phong phú mà cuộc sống cuồng nhiệt của thời đại thường ngăn cản, hiểu được giá trị của điều thiết yếu so với sự hào nhoáng của việc có đủ thứ thừa thãi nhưng lại thiếu thứ cần thiết.

Mục tiêu

Bước đi như những người hành hương có nghĩa là chúng ta có một bến đỗ, sự chuyển động của chúng ta có một phương hướng, một mục tiêu. Bước đi có nghĩa là có đích đến, không phó mặc cho may rủi: người bước đi có phương hướng, không đi lòng vòng, biết mình đi đâu, không lãng phí thời gian đi ngoằn ngoèo từ bên này sang bên kia. Vì lý do này, tôi đã nhiều lần nhắc lại hành động bước đi và trở thành những người tin giống nhau đến mức nào: những ai có Chúa trong tâm hồn thì đã nhận được món quà là một ngôi sao bắc đẩu để hướng tới – tình yêu mà chúng ta đã nhận được từ Chúa là lý do để chúng ta trao tặng cho người khác.

Thiên Chúa là mục tiêu của chúng ta: nhưng chúng ta không thể đến với Người như chúng ta đến đền thánh hay vương cung thánh đường. Và trên thực tế, như bất kỳ ai đã thực hiện cuộc hành hương đều biết rõ, cuối cùng cũng đến được điểm đến hằng mong đợi – tôi đang nghĩ đến Nhà thờ Chính toà Chartres, nơi từ lâu đã có sự tái sinh về các cuộc hành hương nhờ sáng kiến, cách đây một thế kỷ, của nhà thơ Charles Péguy – không có nghĩa là cảm thấy hài lòng. Hay đúng hơn, xét vẻ bề ngoài, chúng ta biết rõ mình đã đến đích, thì trong lòng chúng ta biết rằng cuộc hành trình vẫn chưa kết thúc. Bởi vì Thiên Chúa chính là như thế: Người là mục tiêu thúc đẩy chúng ta tiến xa hơn, một mục tiêu liên tục kêu gọi chúng ta tiến tới, bởi vì Người luôn lớn lao hơn ý tưởng chúng ta có về Người. Chính Thiên Chúa đã giải thích điều đó cho chúng ta qua ngôn sứ Isaia: “Trời cao hơn đất bao nhiêu thì đường lối của Ta cũng cao hơn đường lối các ngươi, và tư tưởng của Ta cũng cao hơn tư tưởng các ngươi chừng ấy” (Is 55,9). Với Thiên Chúa, chúng ta không bao giờ có thể đạt đến Người: chúng ta luôn ở trên một cuộc hành trình, chúng ta luôn đi tìm Người. Nhưng chính hành trình hướng về Thiên Chúa này mang lại cho chúng ta sự chắc chắn sâu sắc rằng Người đang chờ đợi chúng ta để ban cho chúng ta niềm an ủi và ân sủng của Người.

Vatican News

Nguồn: https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2024-11/dtc-hanh-huong-gan-chua-cuoc-song-nguoi-khac.html