28/12/2024

Phỏng vấn ĐHY Giorgio Marengo, nhà truyền giáo tại Mông Cổ, về bản chất truyền giáo của Giáo hội

Phỏng vấn ĐHY Giorgio Marengo, nhà truyền giáo tại Mông Cổ, về bản chất truyền giáo của Giáo hội

Chúng ta đang sống trong tháng 10, tháng mà Giáo hội không chỉ dành đặc biệt cho việc lần chuỗi Mân Côi mà còn cầu nguyện cho việc truyền giáo. Trong cuộc trò chuyện với hãng tin Fides của Bộ Loan Báo Tin Mừng, Đức Hồng y Giorgio Marengo, nhà truyền giáo Dòng Đức Mẹ An Ủi, Phủ doãn Tông toà Ulaanbaatar, Mông Cổ, đã chia sẻ những ý tưởng sáng suốt và đầy nhiệt huyết tông đồ của ngài đối với công việc truyền giáo.

ĐHY Giorgio Marengo, nhà truyền giáo tại Mông Cổ

** Thưa Đức Hồng y Marengo, có phải là chúng ta chưa nhấn mạnh đủ về bản chất truyền giáo của Giáo hội và lời kêu gọi tất cả những người đã được rửa tội đi truyền giáo không?

– Việc tái khám phá lời mời gọi mọi người trở thành nhà truyền giáo, điều được ghi khắc trong bí tích rửa tội, theo nhiều cách là một sự quan phòng. Nhưng ngày nay, tính đặc thù của ơn gọi truyền giáo, được gọi là sứ mạng “ad gentes” (đến với muôn dân), dường như đã bị quên lãng phần nào.

Dường như trong thời đại toàn cầu hóa và khoảng cách địa lý ngày càng thu hẹp, không còn chỗ cho chiều kích truyền giáo này nữa, điều vốn bao gồm việc đi ra và bước vào bối cảnh sống của con người khác với bối cảnh của chính mình.

Ngược lại, tôi tin rằng, chính trong thời đại chúng ta, thật thích hợp để nhìn nhận nét đặc thù của việc loan báo Tin Mừng lần đầu tiên, Tin Mừng được loan báo cho những người chưa thực sự biết đó là gì. Điều quan trọng là tính đặc thù này không bị nhạt đi, không bị biến mất trong một cuộc thảo luận quá chung chung về việc truyền giáo. Đối với tôi, việc nhận thức được tính đặc thù này và luôn lưu ý đến nó dường như rất quan trọng đối với toàn bộ hoạt động của Giáo hội trên thế giới và trong hành trình lịch sử của Giáo hội.

** Tại sao tính đặc thù của việc loan báo đầu tiên này lại thiết yếu và quan trọng đối với động lực truyền giáo của Giáo hội?

– Nếu thuộc về Giáo hội có nghĩa là cùng bước đi với Chúa Giêsu và theo Chúa Giêsu, thì truyền giáo có thể được mô tả và công thức hóa như là “làm cho cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô trở nên khả thi”.

Cuộc gặp gỡ này luôn có thể diễn ra theo những cách mà chúng ta chưa biết. Nhưng như một quy luật, việc tiếp xúc với thực tại của con người vẫn là điều cần thiết. Một thực tại của con người tạo điều kiện và làm cho cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô trở nên khả thi. Bởi vì trải nghiệm này luôn được truyền tải thông qua sự thu hút và tiếp xúc. Và động lực này thể hiện và được nhận thức rõ ràng đặc biệt ở những nơi, về mặt khách quan, có rất ít khả năng thực sự để tiếp xúc với con người của Chúa Kitô. Ví dụ, ở những nơi mà Giáo hội vẫn chưa tồn tại hoặc đang trong tình trạng non trẻ, như trường hợp của Mông Cổ.

** Ngài thuộc về một dòng truyền giáo. Trong những thập kỷ gần đây, số thành viên của các dòng này đã giảm rõ rệt.

– Có lẽ chúng ta sẽ không còn cần nhiều thành viên như trước nữa, và chúng ta không nên lo lắng khi thấy số lượng các dòng truyền giáo đang giảm dần. Nhưng ngay cả khi ảnh hưởng ít hơn, nhu cầu thường xuyên phải loan báo Tin Mừng vốn đã dẫn đến sự ra đời của các dòng đó vẫn còn tồn tại.

** Tính đặc thù của “missio ad gentes” (sứ vụ đến với muôn dân) mà ngài đề cập đến gợi lên những vùng từng là “lãnh thổ truyền giáo”, những khu vực hiện được gọi là “miền Nam thế giới” hoặc “miền Nam bán cầu”. Tên gọi này có còn giá trị không?

– Thay vì sa vào địa hình của các công thức và định nghĩa chính trị xã hội nói đến, ví dụ, “miền bắc” và “miền nam” của thế giới, tốt hơn chúng ta nên bám vào các tiêu chuẩn thuần túy của Giáo hội. Tính đặc thù này liên quan đến việc thực sự thực hiện việc loan báo Tin Mừng. Vấn đề là phải xem liệu trong các bối cảnh xã hội khác nhau có khả năng tiếp xúc thực sự với Tin Mừng hay không, bởi vì trong bối cảnh đó, Tin Mừng được công bố theo một cách nào đó có hiệu quả thực sự, hay điều này không xảy ra. Luôn cần tính đến tất cả các tình huống cụ thể và sự khác biệt của chúng.

** Sự khác biệt là gì?

– Việc sống ở những nơi mà Giáo hội được thành lập với tất cả các đặc sủng và thừa tác vụ là một chuyện, và việc có một Giáo hội chỉ có một linh mục bản xứ, như đang xảy ra ở Mông Cổ, là một chuyện khác. Việc sống trong những xã hội cực kỳ chỉ trích Kitô giáo, do sức nặng của lịch sử, là một việc, và việc tương tác với những xã hội không thực sự chống đối và quá chỉ trích Giáo hội là một chuyện khác, bởi vì lịch sử của họ chưa bao giờ đan xen với nhau.

Trong những bối cảnh và hoàn cảnh khác nhau, sứ mạng của việc loan báo đầu tiên là sứ mạng giúp chúng ta trải nghiệm sự mới mẻ của đức tin Kitô giáo trong bất kỳ trường hợp nào. Cả khi điều này xảy ra trong bối cảnh chưa từng đối đầu với đức tin trong lịch sử và khi nó được tái khám phá như một điều mới lạ ở những nơi mà nó đã định hình nên các thế hệ trước, nhưng giờ đây bằng cách nào đó đã biến mất khỏi tầm nhìn xã hội.

** Đâu là những đặc điểm cơ bản và cụ thể của sứ mạng loan báo Tin Mừng lần đầu?

– Thiên Chúa Cha của chúng ta đã không gửi một thông điệp, nhưng đã trở nên xác thịt bằng cách sai Con Một của Người đến. Thiên Chúa cúi xuống ôm lấy thân phận con người. Và bằng cách loại suy, kể từ đó, việc truyền giáo cũng được kêu gọi tuân theo các quy luật của thời gian và không gian, lấy Chúa Giêsu làm mẫu mực.

Nếu sứ điệp của Chúa Kitô chỉ là một sứ điệp, một giáo huấn về sự sống, thì không cần phải kêu gọi những người nam người nữ đi đến tận cùng trái đất, như chính Chúa Giêsu đã làm trong Tin Mừng.

Chúa Giêsu đã trở thành một phần của một dân tộc và một nền văn hóa được xác định. Ba mươi năm sống ẩn dật, ba năm hoạt động công khai và ba ngày thương khó dẫn đến sự phục sinh. Tất cả những ai theo Người đều được mời gọi để Chúa Thánh Thần uốn nắn mình để sống cùng một mầu nhiệm. Đây là sứ mạng.

** Những ai theo Chúa Giêsu, tuân theo các quy luật của không gian và thời gian sẽ thoát khỏi sự trừu tượng và đảm nhận mọi nỗ lực của một công việc truyền giáo kiên nhẫn, điều mà đôi khi có vẻ “vô ích” và “không kết quả”…

– Chúng ta hãy nghĩ về khoảng thời gian dành để học những ngôn ngữ khó, để hòa mình cách sâu sắc và tôn trọng vào nền văn hóa của những người chúng ta đang sống cùng. Mọi sự đều bao hàm sự hiểu biết, gần gũi thân thiện để phát triển mối quan hệ tin cậy. Phần lớn nỗ lực truyền giáo nhằm mục đích xác định chính xác bối cảnh và tạo ra những điều kiện tin tưởng lẫn nhau, để sau đó chia sẻ với người khác kho báu của chúng ta, những gì chúng ta yêu quý nhất.

** Liệu “sự kiên nhẫn” của thời gian dài truyền giáo này có tương thích với sự thay đổi nhanh chóng của hiện tại không?

– Có lẽ ngày nay ai đó có thể nghĩ rằng đầu tư vào truyền thông sẽ hiệu quả hơn nhằm đạt được những tác động có thể đo lường được đối với dư luận. Nhưng Tin Mừng không được truyền đạt như một ý tưởng hay một trong những lựa chọn trên thực đơn. Đây là tiếp thị. Đôi khi chúng ta có xu hướng đưa ra những lý thuyết về truyền giáo hoặc tổ chức các chiến lược bằng các hành động xã hội hoặc nhân đạo mà chúng ta trình bày như những điều hữu ích cho cái mà chúng ta gọi là “loan báo”. Đến mức tạo nên sự ảo tưởng về một Giáo hội được xây dựng “theo thiết kế”.

** Theo quan điểm của ngài khi sống ở Ulaanbaatar, ngài nhận thức thế nào về tính cấp thiết hiện nay của công việc truyền giáo của Giáo hội?

– Tôi ngạc nhiên trước sự quan tâm ngày càng tăng của các nhà văn, nhà báo và học giả của Giáo hội đối với Giáo hội nhỏ bé của chúng tôi ở Mông Cổ, nơi họ nhìn thấy kinh nghiệm truyền giáo tương tự như kinh nghiệm trong Sách Công vụ Tông đồ. Các Tông Đồ đã làm chứng cho Chúa Giêsu trong hoàn cảnh mà họ là thiểu số tuyệt đối so với bối cảnh xã hội và văn hóa nơi họ sinh sống. Công việc của họ ẩn chứa ý nghĩa về sự thiểu số và mới lạ. Ở Mông Cổ cũng có kinh nghiệm về sự tiếp xúc đầu tiên với Phúc Âm của những người và thực tế xã hội chưa từng biết Tin Mừng trước đây. Những người quan tâm đến Giáo hội của chúng tôi đôi khi nói với tôi rằng kinh nghiệm của chúng tôi như một Giáo hội nghèo và nhỏ bé cũng có thể mang lại cảm hứng cho các hoàn cảnh trong các xã hội hậu Kitô giáo, nơi mà ngay cả một sự tham chiếu mơ hồ đến Kitô giáo cũng không còn được coi là điều hiển nhiên nữa, như đã từng xảy ra trong quá khứ.

** Trong một hội nghị gần đây tại Học viện Công giáo Paris, ngài cũng nói về một “mức độ thận trọng” nhất định luôn phải đặc trưng cho công việc truyền giáo. Ngài đang ám chỉ đến điều gì?

– Luôn luôn là Thánh Thần của Chúa làm cho cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô trở nên khả thi, chứ không phải là các phương pháp hay sự dự phòng của chúng ta. Nhưng có lẽ hành động của Người sẽ gặp ít trở ngại hơn nếu những ai muốn phục vụ Tin Mừng tiếp cận anh chị em mình vì chính họ, và hành động với tất cả sự thận trọng khi công bố Sự Phục sinh của Chúa Kitô. Vào năm 1840, sau chuyến đi đầu tiên đến Ngoại Mông, Cha Joseph Gabet dòng Lazarist đã viết cho Bộ Truyền giáo: “Sự xuất hiện lần đầu của người châu Âu giữa người Mông Cổ và người Tây Tạng là một công việc rất tế nhị, và sự thành công của việc loan báo Tin Mừng giữa những người này sẽ phụ thuộc vào mức độ thận trọng trong một thời gian dài.”

** Ngài đã tham dự Phiên họp toàn thể của Bộ Loan báo Tin Mừng (Phân bộ dành cho việc truyền giáo đầu tiên và các Giáo hội địa phương mới) nói về Đại học Giáo hoàng Urbaniana. Ngài thấy hiện tại và tương lai của trường Đại học đó như thế nào?

– Trong thánh lễ tại Sân vận động Singapore, Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc lại lá thư của Thánh Phanxicô Xaviê gửi cho các anh em tu sĩ Dòng Tên đầu tiên của ngài, trong đó nhà truyền giáo vĩ đại nói về ước muốn đi đến tất cả các trường đại học vào thời của ngài để “hét lên đây đó như một kẻ điên” và lay động giới trí thức đang giải trí trong những cuộc tranh luận bất tận, nhằm thúc đẩy họ trở thành những nhà truyền giáo để phục vụ lòng bác ái của Chúa Kitô. Có lẽ trong thời gian này chúng ta cũng cần một cuộc nghiên cứu thần học về truyền giáo, chúng ta cần những con đường học thuật giúp nhận ra và tái đề xuất tính cấp thiết lâu đời của việc loan báo Tin Mừng, đặc biệt trong những hoàn cảnh nơi lần đầu tiên Tin Mừng được loan báo. Biết đâu, có lẽ Đại học Giáo hoàng, với tất cả lịch sử của nó, có thể hiện thực hóa giấc mơ của Thánh Phanxicô Xaviê bằng cách này. (Agenzia Fides 10/1/2024)

Vatican News

Nguồn: https://www.vaticannews.va/vi/church/news/2024-10/dhy-giorgio-marengo-ban-chat-truyen-giao-giao-hoi.html