ĐTC Phanxicô tiếp các Cảnh sát Kinh tế và Tài chính Ý nhân kỷ niệm 250 năm thành lập
ĐTC Phanxicô tiếp các Cảnh sát Kinh tế và Tài chính Ý nhân kỷ niệm 250 năm thành lập
ĐTC Phanxicô tiếp các Cảnh sát Kinh tế và Tài chính Ý (VATICAN MEDIA Divisione Foto)
Mở đầu bài diễn văn Đức Thánh Cha nhắc lại rằng Lực lượng Cảnh sát Kinh tế và Tài chính của Ý ra đời với vai trò là cơ quan đặc biệt giám sát tài chính và biên phòng, đảm nhận nhiệm vụ cảnh sát thuế, cảnh sát kinh tế – tài chính, cảnh sát biển, với nhiệm vụ quan trọng là cứu hộ cứu nạn cả trên biển và trên núi. Đặc biệt, lực lượng này đã dấn thân giúp đỡ những người tị nạn Do Thái và những người bị đàn áp trong hai thế chiến.
Công bằng, kiểm chứng việc tuân thủ quy tắc hoạt động, không thiên vị
Thánh Mátthêu Tông đồ và Thánh sử, bổn mạng của Lực lượng Cảnh sát Kinh tế và Tài chính của Ý, từng là một người thu thuế, giai cấp bị người đương thời khinh bỉ bởi vì tâm lý thực dụng và vô lương tâm, chỉ cống hiến cho “thần tiền”. Đức Thánh Cha nói rằng tâm lý này cũng còn ảnh hưởng đến đời sống xã hội ngày nay và gây ra sự mất cân bằng và bị gạt ra ngoài lề xã hội: từ lãng phí thực phẩm đến việc loại trừ công dân được hưởng một số quyền của họ. Và kể cả việc cô lập các quốc gia.
Ngài mời gọi các Cảnh sát Kinh tế và Tài chính của Ý “đóng góp vào sự công bằng trong các mối quan hệ kinh tế, kiểm chứng việc tuân thủ các quy tắc quản lý hoạt động của các cá nhân và công ty”; “không thiên vị kẻ mạnh nhất, đồng thời chống việc sử dụng internet và mạng xã hội không phù hợp”.
Công lý thôi chưa đủ, cần có lòng bác ái và tình yêu thương
Để chống tham nhũng, hành vi phá huỷ giá trị của các mối quan hệ và trụ cột mà trên đó xã hội được thành lập, theo Đức Thánh Cha, giải pháp không chỉ dựa trên luật pháp nhưng còn ở “chủ nghĩa nhân văn mới”. Ngài giải thích: “Cái nhìn của Chúa Giêsu hướng về chàng trai trẻ Mátthêu nói rằng phẩm giá và sự sống của con người là trung tâm đời sống của một dân tộc.”
Đức Thánh Cha nhận xét rằng Thánh Mátthêu đã chuyển từ logic lợi nhuận sang logic công bằng, và hơn thế nữa, tại trường học của Chúa Giêsu, ngài vượt trên sự công bằng để biết đến tính nhưng không, hiến mình kiến tạo tình liên đới, sự chia sẻ, sự hòa nhập. Bởi vì, “nếu như công lý là cần thiết, nó chưa đủ để lấp đầy những khoảng trống mà chỉ có lòng bác ái và tình yêu thương mới có thể hàn gắn được”. (CSR_4008_2024)
Hồng Thuỷ
Nguồn: https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2024-09/dtc-phanxico-canh-sat-kinh-te-tai-chinh-y-250-nam-thanh-lap.html