16/10/2024

Chúa Nhật XXV TN B 2024: Vượt qua đau khổ thử thách

Chúa Nhật XXV TN B 2024

Vượt qua đau khổ thử thách

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

Lời mở

Qua bài Tin Mừng (x. Mc 9,30-37), chúng ta biết là Đấng Kitô phải chịu đau khổ, bị kết án, bị giết chết, nhưng sau ba ngày Người đã sống lại. Vì thế, cuộc đời Kitô hữu chúng ta cũng sẽ phải trải qua những đau khổ, thử thách như chính Chúa Giêsu nếu chúng ta muốn cứu nhân độ thế với Người. Vậy những đau khổ thử thách đó bắt nguồn từ đâu và đương đầu với chúng thế nào?

1. Đau khổ thử thách bắt nguồn từ đâu?

Chúng bắt nguồn từ hai loại người: từ các anh em lương dân ngoài Kitô giáo và từ chính anh em đồng đạo trong giáo hội Chúa Kitô.

– Từ anh em lương dân

Bài sách Khôn Ngoan (x. Kn 2,12.17-20) đã mô tả rõ ràng những người “vô đạo” này. Vì họ không tin Thiên Chúa nên các hành động của người Kitô hữu đều có vẻ trái ngược với họ. Họ nói với nhau rằng: “Ta hãy gài bẫy hại tên công chính vì nó chỉ làm vướng chân ta, nó chống lại các việc ta làm, trách ta vi phạm lề luật và tố cáo ta không tuân hành lễ giáo. Ta hãy hạ nhục và tra tấn nó…Nào ta kết án cho nó chết nhục nhã…”.

Khi chúng ta vạch trần các tội ác, chống đối bất công, thì những người không tin vào Thiên Chúa sẽ hạ nhục, bắt giam, tra tấn và thậm chí kết án tử chúng ta. Họ muốn xem Thiên Chúa có thật không; và nếu có, Ngài sẽ phù hộ, cứu thoát chúng ta như thế nào? Điều này ta thấy rõ ràng trong lịch sử của Giáo hội Công giáo cũng như Giáo hội Việt Nam với hàng trăm ngàn chứng nhân anh dũng đã chịu bao gian lao, đau khổ và hy sinh cả mạng sống để làm chứng cho tình yêu Thiên Chúa và cho lòng tin vào Chúa Giêsu Kitô.

– Từ chính anh chị em đồng đạo

Nguồn đau khổ thử thách thứ hai là từ chính anh chị em đồng đạo trong Giáo hội. Thánh Giacôbê (x. Gc 3,16-4,3) đã hé mở cho ta thấy những xung đột, tranh chấp, thậm chí cả việc giết hại lẫn nhau, xảy ra ngay trong lòng Giáo Hội, tạo nên những đau khổ, thử thách mà ta phải chịu đựng. Vì sao? Tại vì tất cả chúng ta đều là những con người yếu đuối, vẫn còn bị những tham vọng thúc đẩy và dục vọng chi phối. Nhiều người ham muốn sự quý trọng, tước vị cao quý trong cộng đồng, ghen tương vì không được yêu thương, hay hận thù vì bị đối xử bất công.

Vì thế, thánh Giacôbê nhắc nhở chúng ta rằng: “Ở đâu có ghen tương và tranh chấp, ở đấy có xáo trộn và đủ thứ xấu xa. Bởi đâu có xung đột giữa anh em. Chẳng phải là bởi chính những khoái lạc của anh em đang gây chiến trong con người anh em đó sao? Thật vậy, anh em ham muốn mà không có, nên anh em chém giết. Anh em ganh ghét cũng chẳng được gì, nên anh em xung đột với nhau, gây chiến với nhau”.

Thật sự Chúa ban cho chúng ta những vinh dự cao quý, những ân sủng kỳ diệu, những quyền năng lớn lao là để ta thực hiện công trình yêu thương cứu độ của Chúa Giêsu. Thế nhưng, chúng ta không nhận được chúng để làm các phép lạ, chữa lành bệnh nhân, xua trừ ma quỷ, thông thạo ngôn ngữ, nghiên cứu khoa học… chỉ vì ta không xin hoặc xin với tà ý. Vì thế, ta cần nhìn lại chính mình thay vì ghen tức, xung đột với những người được các ơn lành.

2. Làm sao hoá giải các xung đột, tranh chấp gây nên đau khổ, thử thách?

– Đối với những đau khổ do anh chị em lương dân tạo nên, Đức Giêsu mời gọi ta hãy can đảm dấn thân theo Người.

Người sẵn sàng đối mặt với những đau khổ và cả cái chết nhục nhã trên thập giá để đón nhận và cứu độ thế giới. Người đã cảm thấy lo sợ, đau đớn, đã đổ mồ hôi máu trong Vườn Cây Dầu và từng xin với Chúa Cha cho khỏi uống chén đắng đó. Nhưng Chúa Cha muốn Con của Ngài và chúng ta cứu độ thế giới bằng những đau khổ và thử thách đó.

Nhìn vào xã hội hôm nay, ta thấy còn nhiều bất công, dối trá, ác độc. Đời sống luân lý, đạo đức xuống cấp một cách trầm trọng với những tội ác ghê rợn. Ta không thể bằng lòng kiểu sống đạo đức an thân với sáng lễ chiều kinh, thỉnh thoảng đi hành hương và làm vài việc bác ái, nhưng ta phải làm chứng cho Chúa bằng đời sống cần kiệm liêm chính của mình! Chúng ta cần tích cực xây dựng một đời sống đặt nền tảng trên sự thật, sự sống toàn diện và liên đới để dám tố cáo những bất công, lừa dối, sai lầm.

Khi hành động như thế, ta có thể bị thiệt thòi, bị bách hại, bị trả thù. Nhưng Chúa Giêsu mời gọi chúng ta đi theo con đường giải phóng của Người, nên dù có bị giết, Người đã sống lại. Đau khổ thử thách thật sự là mầu nhiệm của đời Kitô hữu vì Chúa Cha nhìn thấy tất cả và Ngài sẽ cứu thoát chúng ta, ban thưởng cho ta như ban thưởng cho Con của Ngài. Do đó, những đau khổ thử thách không còn là một bất hạnh hay xui xẻo, nhưng là những hồng ân vì chúng sẽ làm cho cộng đồng xã hội tốt đẹp hơn. Chúng ta hãy tin tưởng và hy vọng vì Chúa Cha sẽ ban cho chúng ta sức mạnh và tình yêu của Chúa Thánh Thần để ta làm chứng cho Con của Ngài.

– Đối với những thử thách đau khổ do anh chị em đồng đạo gây nên, chúng ta cần có thái độ khiêm nhường phục vụ như Chúa Giêsu.

Vì là một tổ chức xã hội, Giáo Hội cũng có những chức vụ và quyền lợi khiến cho một số người ham muốn và tranh giành, xung đột với nhau. Họ không hiểu đó chỉ là những phương tiện hay cơ hội để phục vụ cộng đồng. Một số giáo sĩ, tu sĩ muốn làm người lãnh đạo. Trong phạm vi giáo xứ, có những người muốn làm chủ tịch hội đồng mục vụ, làm trưởng hội đoàn, ca đoàn… Họ ham thích được tôn vinh, được hưởng quyền lợi hay được yêu mến hơn những người khác

Chúa Giêsu biết rõ các tông đồ tranh luận, cãi cọ nhau xem ai là người lớn hơn cả. Vì thế, Người đã đem một em nhỏ đặt vào giữa các ông để mời gọi các ông hãy hoá nên như trẻ thơ, để có một tinh thần khiêm tốn phục vụ, đón tiếp mọi người, nhất là những người bị coi là hèn kém, yếu thế, tầm thường trong xã hội. Người nói: “Ai muốn làm người đứng đầu thì phải làm người rốt hết và làm người phục vụ mọi người. Ai đón tiếp một em nhỏ như em này vì danh Thầy là tiếp đón chính Thầy”.

Muốn có tinh thần phục vụ như thế, chúng ta cần phải khiêm tốn như Chúa Giêsu. Người là Thiên Chúa cao cả đã tự nguyện xoá bỏ mọi vinh quang, trở thành một con người thấp kém nhất, như một tội phạm ghê tởm nhất để bị đóng đinh vào thập giá. Thái độ xoá bỏ chính mình như thế sẽ làm cho chúng ta không còn giữ lại một chút gì là của riêng mình: lúc đó ta mới hoà nhập trọn vẹn vào Chúa Giêsu, đón nhận nguồn sống vĩnh hằng, nguồn tình yêu và quyền năng vô tận để phát huy mọi ân sủng cao quý của Chúa Thánh Thần trong công trình cứu độ. Nhờ đó chúng ta mới có thể vượt qua đau khổ và thử thách do anh em đồng đạo gây ra.

Lời kết

Suy nghĩ về những đau khổ thử thách của đời Kitô hữu, chúng ta xác tín rằng người môn đệ chân chính của Chúa Giêsu sẽ luôn tìm được niềm vui, bình an và hy vọng, dù sống giữa bể khổ và thử thách ở trần thế, vì Thiên Chúa là Người Cha nhân từ luôn gìn giữ, bảo vệ và cứu thoát để ta hoàn thành kế hoạch tình yêu cứu độ của Ngài.

HKK