26/12/2024

Đức Thánh Cha chủ sự Thánh lễ tại sân vận động quốc gia Singapore

Đức Thánh Cha chủ sự Thánh lễ tại sân vận động quốc gia Singapore

Lúc 5 giờ chiều ngày 12/9, ngày thứ hai trong chuyến tông du tại Singapore, Đức Thánh Cha đã chủ sự Thánh lễ tại sân vận động quốc gia Singapore với gần 50.000 tín hữu, trong có các các tín hữu đến từ các quốc gia lân cận như Việt Nam, Malaysia, Brunei…

Đức Thánh Cha đã có khoảng nửa tiếng trước Thánh lễ chào thăm các tín hữu tại sân vận động, đặc biệt ngài hôn và trao chuỗi hạt các các em nhỏ đến chào ngài.

Bài giảng Thánh Lễ

“Sự hiểu biết sinh lòng kiêu ngạo, còn lòng bác ái thì xây dựng” (1Cor 8,2). Thánh Phaolô đã dạy những lời ấy cho các tín hữu tại Côrintô, một cộng đồng rất dồi dào các đặc sủng (x. 1Cor 2,4-11). Với giáo đoàn ấy, vị Tông đồ thường khuyến cáo họ, hãy nuôi dưỡng sự hiệp thông bằng tình bác ái.

Ở đây cũng vậy, chúng ta hãy lắng nghe những lời ấy và đồng thời chung lời tạ ơn Thiên Chúa vì Giáo hội Singapore cũng rất phong phú các đặc sủng, rất sôi động cả trong quá trình tăng trưởng và trong cuộc đối thoại đầy tính xây dựng cùng với các tôn giáo khác, mà cùng với họ, Giáo Hội đang chung chia vùng đất tuyệt vời này.

Chính vì điều ấy, khi lấy cảm hứng từ vẻ đẹp của thành phố này, rồi từ nét kiến trúc kỳ công lẫn táo bạo của nó, vốn là những điều khiến nó trở nên hấp dẫn và nổi tiếng đến vậy, nhân vì sự ấy, tôi muốn nói lên những lời tương tự, khởi đi từ cái Sân vận động Quốc gia này (National Stadium), nơi mà chúng ta đang tụ họp. Phải nói đây là khu phức hợp rất ấn tượng. Tôi muốn bình luận về nó và muốn nhắc mọi người rằng, nguồn gốc của những công trình hùng vĩ này, cũng như nguồn gốc của mọi công trình để lại dấu ấn tích cực trên thế giới, trước tiên không phải là tiền, cũng không phải là công nghệ, thậm chí cũng không phải là kỹ nghệ như nhiều người thường nghĩ, nhưng trước tiên phải là tình yêu! Đúng vậy, “tình yêu mới khởi công được”.

Có lẽ một số người cho rằng, nói vậy nghe sao quá ngây ngô. Nhưng nếu chúng ta ngẫm nghĩ kỹ hơn, thì lời ấy không ngây ngô chút nào. Thử hỏi rằng trên đời này, có công trình hùng vĩ và đẹp đẽ nào được gầy dựng nên mà đằng sau đó lại không có những con người tài năng, mạnh mẽ, giàu có, sáng tạo, nhưng dù là nam hay nữ, họ vẫn là những con người mong manh như chúng ta. Đối với họ, khi thiếu vắng tình yêu, thì cũng không có sức sống, chẳng có đà tiến lên, chẳng có động lực để làm gì cả, và rốt cuộc là chẳng có sức lực để kiến tạo.

Anh chị em thân mến!

Thật vậy, nếu trên đời này ta vẫn còn thấy đây đó những điều đẹp đẽ và thiện hảo, thì [anh chị em hãy biết rằng] đó chỉ là vì, trong muôn vàn những hoàn cảnh, chính tình yêu đã chiến thắng hận thù, tình liên đới đã khuất phục được thói thờ ơ, và lòng quảng đại vượt trên tính ích kỷ. Nếu thiếu đi những điều ấy, thì tại nơi này thậm chí chẳng có ai có thể làm cho một đô thị lớn như thế được mọc lên, [vì lẽ] các kiến trúc sư đã không lập dự án, rồi công nhân cũng không thi công, và vì thế mà chẳng có gì được dựng nên cả.

Thế thì, những gì mà chúng ta đang thấy là một dấu chỉ, và đằng sau mỗi công trình trước mặt chúng ta lại chất chứa rất rất nhiều những câu chuyện tình cần được khám phá: chuyện tình về những con người, cả nam lẫn nữ, đã hợp nhất với nhau thành một cộng đồng; chuyện tình về những cư dân đã hy sinh cho quê hương đất nước của mình; câu chuyện tình yêu về những người mẹ, những người cha đã chăm sóc cho gia đình; câu chuyện tình yêu về các chuyên gia và những người lao công đủ mọi hạng loại, họ đã dấn thân nhiệt huyết trong các vai trò và các phận vụ khác nhau,… Phải nói rằng rất hữu ích cho chúng ta nếu như chúng ta biết khám phá ra những câu chuyện ấy, vốn được viết trên mặt tiền nhà và trên các trục lộ giao thông, để rồi khi chúng ta chuyển tải những câu chuyện ấy thành ký ức, chúng sẽ nhắc nhở chúng ta rằng nếu như không có tình yêu thương, thì chẳng có thứ gì bền vững lại được sinh ra và lớn lên cả!

Đôi khi sự vĩ đại và hoành tráng của các dự án mà ta thực hiện có lẽ khiến chúng ta cố tình quên đi [điều ấy – tình yêu], rồi ảo tưởng sức mạnh của riêng mình và cho rằng, tự thân chúng ta chính là tác giả của chính chúng ta, rồi là tác giả của sự giàu có và thịnh vượng mà chúng ta có được, và cũng là tác giả của nguồn hạnh phúc. Nhưng cuộc sống này rốt cuộc đưa chúng ta về lại với một thực tế duy nhất: thiếu vắng tình yêu thì chúng ta không là gì cả!

Vì vậy, chẳng phải Đức tin đã xác nhận cho chúng ta điều ấy sao, và lại còn soi tỏ cho chúng ta hơn nữa về tính chắc chắn của nó. Bởi lẽ đức tin mách bảo cho chúng ta biết rằng, Thiên Chúa chính là nguồn cội của năng lực yêu thương đang có nơi chúng ta, và chúng ta hằng được Thiên Chúa yêu mến. Với tấm lòng của người Cha, Thiên Chúa đã yêu mến chúng ta và đã mang chúng ta vào đời bằng cách thức hoàn toàn nhưng không / vô vị lợi (x. 1Cor 8,6), để rồi nhờ cái chết và sự phục sinh của Người Con yêu dấu, Thiên Chúa đã cứu chuộc và giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi và khỏi sự chết vẫn theo cách nhưng không / vô vị lợi như vậy. Chính nơi Chúa, chúng ta tìm thấy nguồn cội và sự viên mãn của tất cả những gì mà chúng ta đang và sẽ trở thành.

Như vậy trong tình yêu của chúng ta, chúng ta lại thấy một phản ảnh về tình yêu của Thiên Chúa, ví tựa như lời thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã dạy nhân dịp ngài viếng thăm vùng đất này[1] và ngài đã thêm vào một cụm từ quan trọng, đó là “vì điều này, tình yêu được đặc trưng bởi sự tôn trọng sâu xa dành cho tất cả mọi người, bất kể chủng tộc, tín ngưỡng của họ hoặc bất cứ điều gì khiến cho họ khác biệt với chúng ta” (ibid.)

Cụm từ ấy quan trọng đối với chúng ta bởi vì, ngoài sự kinh ngạc mà chúng ta cảm được đối với các tác phẩm do con người tạo ra, nó lại nhắc nhở chúng ta rằng, có một thứ kỳ diệu hơn: đó chính là con người, những người anh chị em mà chúng ta gặp hằng ngày trên dòng đời. Họ cần được đón nhận bằng tất cả lòng quý trọng và sự ngưỡng mộ thậm chí phải lớn hơn rất nhiều. Việc đón nhận nhau mà không có sự thiên vị, không có sự phân biệt, giống như cách mà xã hội và Giáo hội Singapore đã và đang nêu chứng tá, là vừa có sự đa dạng về sắc tộc đến vậy, mà đồng thời lại rất hiệp nhất và đoàn kết với nhau!

Toà nhà đẹp nhất, kho tàng quý báu nhất, phần đầu tư sinh lợi nhất trong mắt Thiên Chúa chính là mỗi người chúng ta đây, là những người con dấu yêu cùng một Cha (x. Lc 6,36), lần lượt được mời gọi để loan truyền tình yêu thương. Các bài đọc trong Thánh Lễ hôm nay nói với chúng ta bằng nhiều cách nói khác nhau, nhưng chúng lại diễn tả cùng một thực tại, đó là đức bác ái. Đức bác ái vốn rất tế nhị để biết tôn trọng tính dễ bị tổn thương nơi những người yếu đuối (x. 1Cor 8,13), biết chu đáo quan tâm đến những người bấp bênh để đồng hành với họ trong suốt hành trình cuộc sống (x. Tv 138), biết độ lượng và hào hiệp để thứ tha là điều vượt trên mọi tính toán và đo lường (x. Lc 6,27-38).

Tình yêu mà Thiên Chúa tỏ ra cho chúng ta, và tình yêu Ngài mời gọi chúng ta lần lượt thực hành, là như thế này: “Ngài thoả đáp nhu cầu của người nghèo cách rộng lượng, […] Ngài tỏ lòng thương xót những người đau khổ […] sẵn sàng bày tỏ lòng hiếu khách […] tín trung trong những lúc nguy nan […] luôn sẵn lòng tha thứ, hy vọng”, đến mức “đáp trả lời báng bổ bằng lời chúc phúc […] Đấy chính là điểm tựa của Tin Mừng.”[2]

Chúng ta có thể thấy những điều ấy nơi chân dung các vị thánh: những con người, cả nam lẫn nữ, được Thiên Chúa giàu lòng xót thương chinh phục, đến mức họ trở thành hình ảnh phản chiếu sống động của Người. Và cuối cùng tôi muốn đề cập đến hai mẫu gương.

Đầu tiên là Đức Mẹ Maria, Đấng mà chúng ta cử hành Lễ mừng Thánh Danh hôm nay. Có biết bao lớp người đặt niềm cậy trông vào sự cầu bầu của Mẹ, có biết bao môi miệng đã và đang xướng danh Mẹ ngay trong những phút giây vui sướng cũng như những lúc đau buồn! Và đó là vì nơi Mẹ Maria, chúng ta thấy tình yêu của Chúa Cha được biểu lộ ra theo một trong những cách thức đẹp đẽ và trọn vẹn nhất: đó là sự dịu dàng của một người mẹ. Người mẹ vốn thấu hiểu và tha thứ tất cả, và là người chẳng bao giờ bỏ rơi chúng ta. Đấy là lý do tại sao chúng ta phải hướng lòng về Mẹ!

Người thứ hai là một vị thánh kính yêu của vùng đất này, ngài đã nhiều lần bắt gặp được ở đây lòng hiếu khách, trong các chuyến hành trình truyền giáo của mình. Tôi đang nói về Thánh Phanxicô Xavier, người đã nhiều lần được chào đón đến với Singapore, và lần cuối cùng ngài đến đây là vào ngày 21 tháng 7 năm 1552.

Thánh Phanxicô Xavier để lại cho chúng ta một bức thư tuyệt vời, bức thư mà ngài đã gửi cho Thánh Inhaxiô, một người bạn chí thân cùng thuộc Dòng Tên với mình. Trong bức thư đó, Thánh Phanxicô Xavier bày tỏ lòng khao khát là muốn đi đến tất cả các trường đại học vào thời ấy, “để hét to lên như một kẻ điên hết chỗ này đến chỗ nọ, để lay động những ai mê khoa học hơn là đức bác ái”, để khiến họ cảm thấy được thúc giục, rồi trở nên những nhà truyền giáo mang tình yêu Chúa đến cho anh em đồng loại, rồi vì đó mà họ cũng có thể thốt lên tận đáy lòng rằng, “Lạy Chúa, con đây! Ngài muốn con làm gì?”[3]

Tôi thiết nghĩ mỗi người chúng ta đây cũng có thể học lấy những lời này để làm thành của riêng mình, noi gương Chúa Giêsu và Mẹ Maria: “Lạy Chúa, con đây; Ngài muốn con làm gì?” Nguyện xin Chúa với Mẹ luôn đồng hành với chúng ta, không chỉ trong những ngày này, mà là mãi mãi, đúng như một cam kết liên lỉ, là muốn lắng nghe và muốn đáp lại cách mau mắn những lời mời gọi sống yêu thương và sống công bình. Đấy là những điều mà hôm nay đây vẫn hằng lôi kéo chúng ta hướng về phía lòng từ ái vô biên của Thiên Chúa.

Cuối Thánh lễ, Đức Thánh Cha chào một số nhóm tín hữu trước khi trở về trung tâm tĩnh tâm Thánh Phanxicô Xaviê để dùng bữa tối và nghỉ đêm. Kết thúc ngày thứ hai chuyến tông du của Đức Thánh Cha tại Singapore.

[1] X. ĐTC Gioan Phaolô II, Bài giảng trong  Thánh Lễ tại Sân vận động Quốc gia ở Singapore, ngày 20.11.1986.

[2] X. ĐTC Gioan Phaolô II, Bài giảng trong  Thánh Lễ tại Sân vận động Quốc gia ở Singapore, ngày 20.11.1986.

[3] X. Francesco Saverio, Thư gởi thánh I-nha-xi ô, ngày 20.10.1544.

Vatican News

Nguồn: https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2024-09/dtc-chu-su-thanh-le-tai-san-van-dong-singapore.html