17/09/2024

Chúa Nhật XXII TN B – 2024: Đời sống hài hoà

Chúa Nhật XXII TN B – 2024

Đời sống hài hoà

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

Lời mở

Chúng ta đã xác tín rằng “chỉ Đức Giêsu mới có những lời đem lại sự sống đời đời” (Ga 6,68). Tuy nhiên, khi đi vào đời sống thực tế, lời Chúa được con người biến thành những luật lệ cho dân tộc Do Thái như ta thấy trong Bài đọc I (x. Đnl 4,1-8), hay cho các tín hữu Kitô như trong Bài đọc II (x. Gc 1,17-27). Rồi khi những lời đó ghi thành bản văn, thành điều khoản trong bộ luật nào đó, người ta dễ có khuynh hướng giữ luật theo hình thức bên ngoài và quên mất tinh thần của luật lệ. Đức Giêsu đã vạch trần thói đạo đức giả đó nơi các kinh sư và người Biệt Phái trong bài Tin Mừng (x. Mc 7,1-23). Vì thế, đây cũng là dịp giúp ta suy nghĩ về việc làm thế nào có được một đời sống hài hoà giữa hình thức và nội dung của lề luật.

C:\Users\tingu\Downloads\2021\Luat rua tay.jpg

1. Luật lệ thời Cựu Ước

Dân tộc nào cũng có những luật lệ. Văn bản pháp luật cơ bản và cao nhất của một nước là hiến pháp, quy định những vấn đề chung nhất về chế độ chính trị, quyền và nghĩa vụ công dân, hệ thống tổ chức nhà nước v.v… buộc mọi người trong nước phải tuân theo. Ngoài ra còn có những bộ luật thấp hơn và riêng biệt hơn về các lĩnh vực khác nhau như luật dân sự, hình sự, giao thông, đầu tư, thương mại, giáo dục, văn hoá. Còn lệ là những thói quen, những điều quy định từ lâu trong xã hội, trở thành nền nếp để mọi người theo thế mà làm. Ví dụ ở Việt Nam, khi có người thân như cha mẹ qua đời, thì con cái phải để tang, tránh lập gia đình, có nơi 1 năm, có nơi 3 năm, dù luật pháp không quy định điều này, vì đó là truyền thống tổ tiên.

Dân tộc Do Thái cũng có bộ luật gọi là luật Torah trong thánh kinh Talmud của họ. Bộ luật này gồm 613 điều, với 365 điều cấm không được làm và 248 điều cần phải làm. Căn bản của bộ luật là Mười Điều Răn do Chúa Giavê ban. Theo dòng lịch sử, ông Môsê và các vị lãnh đạo dân tộc dần dần thêm các huấn lệnh khác tạo thành toàn thể bộ luật ấy.Vì thế, ông Môsê nói với dân chúng rằng: “Giờ đây, hỡi dân Israel, hãy nghe những thánh chỉ – đó là Mười Điều Răn – và quyết định tôi dạy cho anh em để anh em đem ra thực hành. Như vậy anh em sẽ được sống và chiếm hữu miền đất mà Chúa ban cho anh em. Anh em đừng thêm gì vào lời tôi truyền cho anh em, cũng đừng bớt gì, nhưng phải giữ những mệnh lệnh của Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta”.

Người Do Thái rất hãnh diện về những luật lệ đó, bởi vì nhờ chúng họ điều khiển đất nước tốt đẹp, trở nên một dân tộc vĩ đại. Nhưng những luật sĩ và người Biệt Phái, vì phải học và giữ rất kỹ luật lệ, nên họ trở thành những người câu nệ luật pháp. Ví dụ Thiên Chúa truyền dạy phải giữ lòng trong sạch, nhưng họ lại giải thích thành việc phải rửa tay, rửa chén bát, vảy nước trên đồ ăn mua ở chợ về, và đã biến các việc này thành nghi thức phải làm như là luật của Chúa. Vì thế , Đức Giêsu trách họ: “Các ông gạt bỏ điều răn Thiên Chúa, mà duy trì truyền thống của người phàm”.

2. Luật lệ của thời Tân Ước

Chúa Giêsu kiện toàn từng điểm trong Mười Điều Răn, theo hướng chú ý đến những điều tích cực, thay vì những điều cấm đoán, (chớ làm, chớ muốn…) (x. Xh 20,1-17; Đnl 5,1-22) bằng bản Hiến chương Nước Trời là Tám Mối Phúc Thật. Đó là tinh thần nghèo khó, hiền lành, sầu khổ, khát khao sự công chính, biết xót thương người, trong sạch, xây dựng hoà bình, dám chấp nhận bị bách hại vì sống công chính (x. Mt 5,1-10). Người còn tóm lược Mười Điều Răn về hai điều cốt lõi là mến Chúa – yêu người. Cuối cùng, Người lại gồm tóm tất cả vào một tinh thần duy nhất là “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13,34; 15,12).

Theo dòng lịch sử, các vị lãnh đạo trong Giáo Hội, từ thời các tông đồ cho đến ngày nay, đã diễn giải những lời dạy của Chúa thành những luật lệ: “Anh em hãy khiêm tốn đón nhận lời đã được gieo vào lòng anh em; lời ấy có sức cứu độ linh hồn anh em. Anh em hãy đem lời ấy ra thực hành, chứ đừng nghe suông mà lừa dối chính mình” (Gc 1,21-22). Giáo hội Công giáo là một hội tôn giáo bao gồm hơn 1,4 tỉ người, với nhiều tổ chức, nhiều dân tộc có những truyền thống khác nhau, nên phải được điều hành theo những quy định rõ ràng, theo bộ luật của Giáo Hội vào những thời kỳ khác nhau. Bộ Giáo luật gần nhất ban hành năm 1983. Bộ này có 1.752 điều, quy định rất chi tiết về đủ các lĩnh vực chung cũng như riêng, như các thành phần dân Chúa, về bí tích, phụng tự, tài sản, tội phạm, hình phạt, thủ tục….

Nhiều linh mục, tu sĩ, giáo dân, vì được học kỹ lưỡng bộ Giáo Luật, nên có thể giữ cặn kẽ các chi tiết của điều khoản và thường khắt khe với những người vi phạm, hoặc có thể bỏ qua điểm chính yếu mà lại nhấn mạnh những điểm phụ thuộc. Nhiều tín hữu cũng có thể rơi vào tình trạng giữ cặn kẽ hình thức của luật lệ theo lời giải thích của người dạy, nhưng quên mất tinh thần và ý nghĩa cốt lõi của luật lệ, như Đức Giêsu cảnh báo: “Dân này tôn kính Ta ngoài môi miệng, nhưng lòng chúng lại xa Ta. Chúng có thờ phượng Ta thì cũng vô ích, vì giáo lý chúng giảng dạy chỉ là giới luật phàm nhân”.

Nhiều tín hữu học thuộc lòng và giữ cẩn thận Mười Điều Răn hay Tám Mối Phúc Thật, và tự hào vì thấy đời sống mình tương đối tốt đẹp so với nhiều người khác trong cộng đồng. Họ “không giết người”, đánh đập hay xâm phạm đến thân thể người khác, nhưng họ lại nói những lời độc địa, tiêu cực, gây đau khổ ưu phiền. Thi sĩ Nguyễn Gia Thiều đã tả trong “Cung oán ngâm khúc” rằng: “Giết nhau chẳng cái lưu cầu, giết nhau bằng cái ưu sầu, độc chưa!”. Họ không giết người trực tiếp bằng con dao thái thuốc rất sắc gọi là “lưu cầu”, nhưng lại bán những miếng thịt, bó rau, trái cây chứa đầy chất độc hại làm tổn thương sự sống người mua.

Họ “không gian dâm, không lấy vợ chồng người”, nhưng lại thích xem các sách báo, phim ảnh đồi truỵ, thậm chí các bạn trẻ thoải mái thủ dâm và cho rằng đó chỉ là sở thích tự nhiên, chẳng tội lỗi gì! Họ “không lấy của người, không tham của người”, nhưng lại trốn đóng thuế thu nhập cho đất nước, đang khi họ vẫn sử dụng cầu, đường và các phương tiện an sinh xã hội.

Tất cả những điều xấu xa đó, đều từ bên trong lòng người xuất ra và làm cho họ ra ô uế”. Chúa Giêsu mời gọi ta sống thật sự đạo đức cả bên trong lẫn bên ngoài, cả hồn lẫn xác.

Vì con người gồm cả thể chất và tinh thần, nên đời sống hài hoà giữa hình thức bên ngoài và nội dung bên trong là một yêu cầu cấp thiết. Tuy nhiên chúng ta đừng quên rằng chính tinh thần định hình cho thể chất và giữ được tình bác ái mới là chu toàn lề luật và cao quý hơn cả (x. 1Cr 13,1-13).

Lời kết

Vì thế muốn thể hiện được tình yêu đối với Chúa và với anh chị em mình một cách hài hoà, trọn vẹn, chúng ta cần nhờ Chúa Thánh Thần. Chính Ngài nối kết chúng ta với Chúa cũng như với anh chị em và vạn vật quanh ta. Chính Ngài soi sáng cho ta đủ khôn ngoan để biết hành động thế nào cho đúng đắn và thích hợp trong các trường hợp cụ thể của đời sống. Amen.

HKK