23/01/2025

Tương quan Công giáo và Hồi giáo sẽ được củng cố trong cuộc viếng thăm của ĐTC Phanxicô tại Indonesia

Tương quan Công giáo và Hồi giáo sẽ được củng cố trong cuộc viếng thăm của ĐTC Phanxicô tại Indonesia

Các lãnh đạo Hồi giáo ở Indonesia cho rằng cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha vào tháng 9 tới, sẽ là cột mốc trong việc xây dựng lòng tin lẫn nhau giữa các tín đồ Hồi giáo và Kitô hữu, và sẽ làm cho quốc gia có đông người Hồi giáo nhất thế giới trở thành một quốc gia tốt đẹp hơn.

Nhà thờ Công giáo ở Jakarta

Nhà thờ Công giáo ở Jakarta 

Học giả Hồi giáo Budhy Munawar Rachman nói ông tin vào điều này vì các thông điệp của Đức Thánh Cha có liên quan đến toàn thể nhân loại, bao gồm cả người Hồi giáo. Ông đặc biệt có ấn tượng với hai văn kiện của Đức Thánh Cha: Laudato si’, thông điệp về môi trường được công bố trong năm 2015, và Fratelli tutti, thông điệp công bố trong năm 2020, về tính nhân văn và mối quan hệ giữa con người. Theo học giả Hồi giáo, hai văn kiện này cần phải được nghiên cứu để hiểu sâu hơn về khủng hoảng môi trường và quan hệ giữa con người.

Là người thúc đẩy đối thoại liên tôn, ông Rachman nói: “Tôi đang tham gia các lớp học đặc biệt để nghiên cứu sâu hơn về hai thông điệp này, như các lớp học do Phong trào Laudato si’ khởi xướng. Laudato si’ không chỉ nói về cuộc khủng hoảng sinh thái mà còn nói về một khía cạnh cơ bản hơn, cụ thể là cuộc khủng hoảng xã hội mà thế giới ngày nay phải quan tâm.”

Ông nói thêm, mặt khác, Fratelli tutti có ý nghĩa quan trọng đối với người Hồi giáo vì văn kiện xuất hiện sau cuộc gặp lịch sử năm 2019 giữa Đức Thánh Cha Phanxicô với Đại Iman Đền thờ Hồi giáo Al Azhar ở Cairo. Cuộc gặp gỡ đã đưa ra “Tuyên ngôn về tình huynh đệ nhân loại vì hòa bình thế giới và sự sống chung”, nhấn mạnh “một nền văn hoá tôn trọng lẫn nhau” cho phép các tôn giáo chung sống hoà bình. Điều này mang tính biểu tượng cao, có nghĩa là đang có nỗ lực thực hiện một phong trào chung để khắc phục các vấn đề trong đời sống tôn giáo, điều cũng có ở Indonesia.

Như thế, cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha có ý nghĩa thần học quan trọng đối với quan hệ Hồi giáo-Công giáo, vì Đức Thánh Cha đang đến thăm quốc gia có đông người Hồi giáo nhất thế giới. Chuyến thăm này sẽ giúp người Hồi giáo chú ý hơn đến các vấn đề mà Đức Thánh Cha ưu tiên.

Điểm nhấn của cuộc viếng thăm là cuộc gặp gỡ của Đức Thánh Cha với các nhà lãnh đạo tôn giáo vào ngày 05/9 tại Đền thờ Hồi giáo Istiqlal – đền thờ Hồi giáo lớn nhất Đông Nam Á – đối diện với nhà thờ Công giáo ở Jakarta .

Bộ trưởng Bộ Tôn giáo Yaqut Cholil Qoumas, người đã gặp Đức Thánh Cha tại Vatican vào tháng 6/2022 cho biết, chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha sẽ làm nổi bật mối quan hệ hoà bình và hài hòa giữa các tôn giáo tại Indonesia.

Trong một tuyên bố gần đây, ông Qoumas, người chính thức mời Đức Thánh Cha viếng thăm Indonesia, cho biết: “Cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha có thể truyền cảm hứng cho tất cả các bên rằng mọi tôn giáo đều dạy về lòng trắc ẩn.”

Ông khẳng định Đức Thánh Cha “là biểu tượng của tình hữu nghị và đối thoại liên tôn”. Bộ trưởng cũng nhìn nhận sự gia tăng thái độ bất khoan dung ở nhiều vùng của đất nước và cho rằng điều này thách đố sự hòa hợp giữa các tôn giáo. Do đó, trong những năm gần đây, ông đã ủng hộ các chính sách hỗ trợ các nhóm thiểu số, một điều trước đây bị bỏ qua.

Vatican News

Nguồn: https://www.vaticannews.va/vi/world/news/2024-08/cong-giao-hoi-giao-cung-co-dtc-tham-indonesia.html