HỌC HỎI PHÚC ÂM CHÚA NHẬT XX THƯỜNG NIÊN NĂM B
Bạn có coi việc rước lễ là một cuộc gặp gỡ thân tình với Chúa Giêsu không? Bạn có thấy mình được thêm sức mạnh để chu toàn bổn phận hàng ngày, nhờ rước Chúa thường xuyên không? Bạn có dành giờ để tâm sự với Chúa sau khi rước lễ không?
PHÚC ÂM: Ga 6, 51-58
51 Khi ấy, Đức Giê-su nói với người Do-thái rằng: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống”.
52 Người Do-thái liền tranh luận sôi nổi với nhau. Họ nói: “Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được ?” 53 Đức Giê-su nói với họ: “Thật, tôi bảo thật các ông: nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình. 54 Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết, 55 vì thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống. 56 Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy. 57 Như Chúa Cha là Đấng hằng sống đã sai tôi, và tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn tôi, cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy. 58 Đây là bánh từ trời xuống, không phải như bánh tổ tiên các ông đã ăn, và họ đã chết. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời”.
CÂU HỎI TÌM HIỂU
1. Đọc Ga 6,35-51. Đức Giêsu nói “Chính tôi là bánh…” ở những câu nào? Hai lối nói: “bánh hằng sống” (Ga 6,51) và “bánh trường sinh” (Ga 6,35.48) có nghĩa khác nhau không? Đọc thêm Ga 4,10; 6,57; 8,12.
2. Điểm mới mẻ của Ga 6,51 là gì? Câu này có ám chỉ về cái chết của Đức Giêsu không? Cái chết này đem lại điều gì? cho ai?
3. Tìm những động từ “tin” và “đến với” trong Ga 6,35-47? Tìm những động từ “ăn” và cụm từ “ăn thịt và uống máu” trong Ga 6,52-58? Từ đó bạn có thể rút ra những thái độ nào đối với Đức Giêsu?
4. Đọc Ga 6, 51-52. Cho biết phản ứng của “người Do-thái” đối với câu nói của Đức Giêsu? Họ hiểu câu Ga 6,51 như thế nào?
5. Đọc Ga 6,53-54. Qua hai câu này Đức Giêsu muốn nói với chúng ta điều gì?
6. Đọc Ga 6,56. Trong câu này, Đức Giêsu muốn cho thấy nét đặc biệt gì của bí tích Thánh Thể? Cụm từ “ở lại trong” nhắc ta nhớ đến câu nào khác của Gioan? Đọc Ga 14,10; 15,4-10.
7. Đọc Ga 6,57. Trong câu này, Đức Giêsu muốn cho thấy nét đặc biệt gì của bí tích Thánh Thể?
8. Ga 6,51-56 nói nhiều đến “ăn thịt và uống máu” của Đức Giêsu. Bí tích Thánh Thể có gắn liền với cái chết trên thập giá của Đức Giêsu không? Đọc Ga 1,14; 19,34.
CÂU HỎI SUY NIỆM:
Bạn có coi việc rước lễ là một cuộc gặp gỡ thân tình với Chúa Giêsu không? Bạn có thấy mình được thêm sức mạnh để chu toàn bổn phận hàng ngày, nhờ rước Chúa thường xuyên không? Bạn có dành giờ để tâm sự với Chúa sau khi rước lễ không?
PHẦN TRẢ LỜI
1. Trong Ga 6,35-51 Đức Giêsu nói câu “Chính tôi là bánh…” nhiều lần. “Chính tôi là bánh đem lại sự sống” (Ga 6,35.48), “Chính tôi là bánh xuống từ trời” (Ga 6,41). “Chính tôi là bánh hằng sống từ trời xuống” (Ga 6,51). Có chút khác biệt giữa hai lối nói: “bánh hằng sống” và “bánh đem lại sự sống”. Bánh hằng sống là bánh có sự sống nơi chính mình (the living bread). Còn “bánh đem lại sự sống” là bánh trường sinh, bánh ban sự sống cho nhân loại (the bread of life).
Ở Ga 4,10 ta gặp lối nói “nước hằng sống” (living water) giống với lối nói “bánh hằng sống” (living bread). Ở Ga 8,12 có lối nói “ánh sáng đem lại sự sống” (the light of life) giống với lối nói “bánh đem lại sự sống” (the bread of life) ở Ga 6,35.48. Còn ở Ga 6,57 ta gặp một lối nói đặc biệt: “Chúa Cha hằng sống” (living Father), lối nói này chỉ xuất hiện một lần ở đây trong Tân Ước.
2. Điểm mới mẻ của Ga 6,51 là lời khẳng định của Đức Giêsu: “Bánh tôi sẽ ban là thịt của tôi cho sự sống của thế gian.” Đây là lần đầu tiên trong Bài giảng ở chương 6, Đức Giêsu nói rằng Bánh mà Ngài sẽ ban là thịt của Ngài. Câu này nói một cách rõ ràng hơn các câu trước về bí tích Thánh Thể. Khi Tin Mừng thứ Tư được viết vào khoảng cuối thế kỷ thứ nhất trước công nguyên, bí tích Thánh Thể đã được cử hành trong cộng đoàn tín hữu từ lâu rồi. Trong bí tích này, khi cử chỉ và lời nói của Chúa Giêsu được lặp lại, bánh đã trở nên Thịt (hay “Mình”) của Ngài (x. 1 Cr 11,17-34).
Câu Ga 6,51 cũng ám chỉ đến cái chết của Đức Giêsu, bởi lẽ qua cái chết, Đức Giêsu cho đi chính thịt của Ngài, nghĩa là cho đi chính con người của Ngài. Cái chết này sẽ đem lại sự sống đời đời cho cả thế gian đang cần ơn cứu độ. Trong khi đó phép lạ manna hay phép lạ bánh hóa nhiểu chỉ đem lại sự sống thân xác cho dân Do-thái hay một số đông người, trong một khoảng thời gian ngắn.
3. Trong Ga 6,35-47, có hai cụm từ xuất hiện nhiều lần: ‘tin vào tôi’ (Ga 6,35.40; xem thêm Ga 6,36.47), và ‘đến với tôi’ (Ga 6,35.37.44.45). Trong Ga 6,51-58, ta không thấy hai cụm từ ấy nữa, thay vào đó xuất hiện nhiều lần động từ ‘ăn’ (Ga 6, 51.52.57.58), và cụm từ ‘ăn thịt tôi và uống máu tôi’ (Ga 6,53.54.56). Tóm lại, để có được sự sống đời đời, chúng ta cần đến với Đức Giêsu, tin vào Ngài và lãnh nhận Thịt Máu Ngài trong bí tích Thánh Thể.
4. Trước đây người Do-thái đã xầm xì với nhau khi nghe Đức Giêsu nói mình là bánh xuống từ trời (Ga 6,41). Bây giờ họ tranh cãi sôi nổi với nhau khi nghe Đức Giêsu nói về việc Ngài sẽ ban tặng thịt của mình cho họ ăn (Ga 6,51). Hẳn người Do-thái đã hiểu theo câu này nghĩa đen, nên họ có phản ứng không tin: “Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ấy được?” (Ga 6,52). Thật ra câu nói của Đức Giêsu ở Ga 6,51 phải được hiểu trong bối cảnh của bí tích Thánh Thể, vì trong bí tích này, bánh thực sự trở nên Thịt của Đức Giêsu để cho thế gian được sống vĩnh hằng (Ga 6,55). Trong Tin Mừng thứ Tư, cũng có những phản ứng hiểu lầm như vậy (Ga 2,19-20; 3,3-4; 4,14-15.31-34).
5. Qua Ga 6,53-54, Đức Giêsu nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc “ăn thịt và uống máu” của Ngài trong bí tích Thánh Thể. Khi lãnh nhận thịt và máu Chúa, chúng ta mới có được sự sống nơi mình (c.53). Đó là sự sống đời đời, đã bắt đầu ngay từ đời này rồi. Hơn nữa, sự sống đó còn dẫn đến sự sống lại ở đời sau (Ga 6,54). Như thế bí tích Thánh Thể là nguồn mạch sự sống cho từng kitô hữu và cho cả Giáo Hội trên hành trình về quê trời.
6. Ga 6,56 cho thấy việc lãnh nhận thịt và máu Chúa Giêsu trong bí tích Thánh Thể đem lại một sự kết hiệp hai chiều: Chúa Giêsu ở lại trong tôi và tôi ở lại trong Ngài. Cụm từ ‘ở lại trong’ là cụm từ đặc biệt trong Tin Mừng Gioan. Nó diễn tả việc Chúa Giêsu gắn bó thiết thân, bền vững và sâu xa với các môn đệ, như cây nho và cành nho ở lại trong nhau (Ga 15,4-10). Tin Mừng thứ Tư cũng dùng cụm từ “ở lại trong” để diễn tả sự gắn bó mật thiết giữa Chúa Cha và Đức Giêsu (Ga 14,10). Thần Khí được mô tả là “ở lại trên” Đức Giêsu (Ga 1,32-33).
7. Gioan 6,57 cho ta thấy một hiệu quả đặc biệt của việc ăn Thịt và uống Máu Chúa Giêsu trong bí tích Thánh Thể, đó là chúng ta được sống “nhờ” (dia) Chúa Giêsu, nghĩa là sống bằng chính sự sống của Ngài. Thế mà Chúa Giêsu lại sống “nhờ” Chúa Cha, nên có thể nói, chúng ta được sống “nhờ” chính sự sống thần linh của Chúa Cha. Như vậy, mỗi khi đến với bí tích Thánh Thể, chúng ta được tham dự vào sự sống thần linh của cả Chúa Cha và Chúa Con, chúng ta được nuôi bằng sự sống của Thiên Chúa.
8. Chúng ta tin Đức Giêsu là “Ngôi Lời đã trở thành thịt” (Ga 1,18), nghĩa đã làm người có xác thịt như ta. Trên thập giá, khi người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Ngài, “lập tức máu và nước chảy ra” (Ga 19,34). Đức Giêsu thật sự có máu, có thịt như ta. Qua cái chết trên thập giá, Đức Giêsu thật sự đã ban cho chúng ta thịt và máu của Ngài. Mỗi lần tham dự bí tích Thánh Thể, chúng ta được ăn thịt và uống máu Chúa dưới hình bánh rượu, qua đó chúng ta tham dự vào cái chết trên thập giá của Chúa Giêsu, tham dự vào sự phục sinh của Ngài, để được sống nhờ Ngài ngay từ bây giờ và được sống lại trong ngày sau hết (Ga 6,54.57). Khi rước lễ, chúng ta đón lấy Chúa Giêsu, Đấng đã sống như chúng ta, đã chết vì tội chúng ta, và đã sống lại để ban sự sống cho chúng ta.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ