09/01/2025

Chúa Nhật XX TN B, 2024: Cuộc chuyển hoá vật chất thành tinh thần

Chúa Nhật XX TN B, 2024

Cuộc chuyển hoá vật chất thành tinh thần

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

Lời mở

Chúa Nhật vừa qua chúng ta đã suy niệm Đức Giêsu là tấm bánh làm cho ta sống mãi, trẻ đẹp và hạnh phúc vô cùng. Muốn đạt được điều đó, tấm bánh vật chất cần phải chuyển hoá thành thịt máu của con người thì mới làm cho sống. Vì thế Đức Giêsu mới nói: “Bánh tôi ban tặng chính là thịt tôi đây để cho thế gian được sống!”. Rồi thịt đó lại phải chuyển hoá thành tinh thần mới có thể sống mãi. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể hiểu được điều đó. Vì thế, người Do Thái ngày xưa cũng như nhân loại ngày nay tranh luận sôi nổi với nhau: “Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được?” (x. Ga 6,51-58). Muốn hiểu, ta phải biết về cuộc chuyển hoá từ vật chất thành tinh thần được thực hiện trong đời sống mỗi người.

https://colegioignacioallende.com/wp-content/uploads/2020/11/JEsRey6.jpg

1. Cuộc chuyển hoá vật chất

Chúng ta biết rằng thân xác con người là một cấu trúc vô cùng phức tạp. Có khoảng 75 ngàn tỉ tế bào trong cơ thể của một người bình thường. Mỗi ngày có hàng triệu tế bào trong cơ thể được thay thế. Có khoảng 200 loại tế bào khác nhau. Các tế bào này tạo thành các mô như cơ, xương, thịt, máu, sụn, mỡ, thần kinh của ta. Chúng không ngừng trao đổi chất với môi trường bên ngoài qua khí thở, nước uống, lương thực ta dùng. Như vậy, cơm bánh, nước uống, khí trời chuyển hoá không ngừng thành thịt máu, thành thân xác con người. Nhờ vậy con người mới có thể sống động (x. Bs Alice Roberts, Atlas Giải phẫu Cơ thể Người, NXB Y Học, 2015, tr.18,20-22; 24). Đó là sự chuyển hoá của vật chất.

Tuy nhiên, mỗi người lại cảm nhận rằng: dù thể xác gồm những chất vô cơ, hữu cơ biến đổi không ngừng, thì cái giữ cho mình là một con người trong suốt mấy chục sống để biết suy nghĩ, yêu thương, biết giận hờn, ghen ghét, biết sống hào hùng hay tủi nhục, biết hành động chính trực hay lừa dối, chính là tinh thần, là linh hồn. Như thế, vật chất, sau khi chuyển hoá thành thân thể giúp cho con người có thể suy tư, nói năng, hành động, cảm xúc… sẽ làm thành tinh thần của con người. Chính tinh thần này định hình cho thân xác, vì chỉ có tinh thần mới vượt khỏi những giới hạn của vật chất, không gian, thời gian, để làm cho ta sống mãi. Đây là cuộc chuyển hoá thành tinh thần nơi con người vì con người có cả xác lẫn hồn.

Rất nhiều người quá chú trọng đến đời sống thể xác và bỏ quên sự phát triển tinh thần. Họ tìm cách ăn uống thật đầy đủ để cao lớn, tốn nhiều giờ tập thể dục, chơi thể thao cho cơ bắp săn chắc, chăm sóc cơ thể bằng đủ loại mỹ phẩm cho thật xinh đẹp. Nhưng đời sống văn hoá và tinh thần của họ lại nghèo nàn, kém cỏi vì họ chỉ ăn uống tập luyện cho thể xác chứ không cố gắng học hành, tu thân, luyện đức cho tinh thần mình phát triển.

Nếu những người này có dịp ghé qua phòng cấp cứu ở các bệnh viện để nhìn thấy bệnh nhân nằm trần trụi với những dây ống truyền khí, truyền dịch chằng chịt quanh người; nếu họ vào thăm nhà xác với những ngăn chứa tử thi vừa chết bắt đầu biến dạng hay phòng hài cốt chứa nắm tro tàn của bao người trước đây giàu sang, xinh đẹp, họ sẽ hiểu được mình nên tập trung vào điều gì cho đời mình có ý nghĩa.

Tuy nhiên, cái chết trần trụi, cô đơn, thảm thương đó, lại nói lên thực chất của thể xác con người biến đổi để ta đừng quá bận tâm đến nó. Dù có tổ chức tang lễ hết sức long trọng, thì cuối cùng nó cũng chỉ là chút bụi đất được chuyển hoá lại vào vũ trụ vật chất mà thôi. Cuộc chuyển hoá của vật chất đơn giản như vậy sẽ giúp người sống tìm lại được ý nghĩa cuộc đời để đừng bon chen, lọc lừa nhau, để sống đúng là một con người biết dùng tinh thần định hình cho thể xác.

2. Cuộc chuyển hoá tinh thần

Tinh thần là tình yêu và tư tưởng, là chân thiện mỹ, là niềm tin và hy vọng, là bình an và hạnh phúc hay nói chung là tất cả những giá trị tốt đẹp mà ta chuyển hoá vào vật chất để làm cho chúng có giá trị vĩnh hằng. Cũng một bát cơm, ly nước ta dùng cho mình bây giờ hay ta trao tặng cho người khác hôm qua, chúng được đưa vào cơ thể, chuyển hoá thành máu thịt, nhưng rồi lại thoát ra ngoài, mà không ghi dấu ấn nào của ta để tồn tại mãi mãi, vì chúng chỉ là vật chất, lệ thuộc vào không gian, thời gian. Nhưng nếu ta dùng chúng với tình yêu trong sáng, với ý nghĩ tốt đẹp như “ăn để hoà nhập vào sự sống và tình yêu của muôn vật, nuôn người”, “chia sẻ bát cơm, ly nước vì yêu người cùng khổ”… thì các giá trị tinh thần kia đã hoà nhập vào vật chất để tồn tại mãi mãi.

Cuộc chuyển hoá của tinh thần bắt đầu thực hiện trong từng giây phút của đời sống, khi ta hiểu rằng bất cứ một hành động yêu thương, tích cực, cao quý, tốt đẹp nào đều ghi một điểm sáng trong tinh thần của ta. Ngược lại, bất cứ một hành động thù ghét, thấp hèn, xấu xa, tiêu cực nào đều ghi điểm tối trong tinh thần, mà ta phải tẩy xoá cho sạch, nếu muốn sống hạnh phúc mãi mãi bên Chúa.

Tấm bánh Giêsu cũng mời gọi ta thực hiện cuộc chuyển hoá từ vật chất sang tinh thần như vậy. Cuộc chuyển hoá này bắt đầu từ nhận thức “Đức Giêsu là tấm bánh hằng sống từ trời xuống” giữa bao tấm bánh mà ta có quyền lựa chọn trên bàn ăn của cuộc đời. Điều này đòi hỏi ta phải “khôn ngoan” để tìm hiểu về tấm bánh đó và phân biệt nó với bao bánh khác cũng hứa hẹn cho ta sự sống, niềm vui, hạnh phúc, nhưng khi dùng rồi mới biết là hàng giả.

Do đó, trong Bài đọc I (x. Cn 9,1-6)), Đức Giêsu, là hiện thân của sự khôn ngoan, mới kêu gọi những người ngây thơ, mê muội: “ Các ngươi hãy đến ăn bánh của ta… Hãy bỏ sự ngây dại đi thì sẽ được sống. Hãy bước theo đường lối khôn ngoan”. Thánh Phaolô cũng kêu gọi: “Anh em hãy cẩn thận xem xét cách ăn nết ở của mình, đừng sống như kẻ khờ dại, nhưng hãy sống như người khôn ngoan, biết tận dụng thời buổi hiện tại…” (x. Ep 5, 15-16).

Tiếp theo, Đức Giêsu mời gọi ta làm một cuộc chuyển hoá từ tấm bánh thành máu thịt của Người: “Thật, tôi bảo thật các ông: nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình. Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời và tôi sẽ cho người ấy sống lại ngày sau hết, vì thịt tôi thật là của ăn và máu tôi thật là của uống”.

Cuộc chuyển hoá từ bánh sang thịt máu Đức Giêsu chính là việc chúng ta đưa tất cả những hiểu biết về Đức Giêsu, giáo huấn của Người vào trong tư tưởng, lời nói, hành động, cảm xúc của ta để có thể nói được như thánh Phaolô: “Tôi sống nhưng không còn là tôi, mà là Đức Giêsu Kitô sống trong tôi”. Cuộc chuyển hoá này không phải lúc nào cũng thành công và trọn vẹn, vì ta vẫn có những tham vọng, dục vọng giống như ta không hấp thu được đồ ăn, thức uống do gan, ruột, dạ dày, lá lách, tuỵ tạng không hoạt động bình thường.

Mức độ cao nhất của cuộc chuyển hoá tinh thần là khi ta kết hợp mật thiết với Chúa Giêsu nhờ thấm nhuần Thần Khí (Ep 5,18) để hấp thu được sự sống phi thường của Chúa Cha như Chúa Giêsu. “Như Chúa Cha là Đấng hằng sống đã sai tôi và tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn tôi, cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy. Đây là bánh từ trời xuống. Ai ăn bánh này sẽ được sống muôn đời”. Đời sống của các thánh tông đồ và các thánh trong dòng lịch sử Giáo Hội đã minh chứng rằng chúng ta có thể đạt đến mức độ đó.

Lời kết

Vì thế, mỗi ngày được “ăn bánh Giêsu” đều là một ngày vui và tràn đầy hạnh phúc, vì giúp ta chuyển hoá vật chất thành tinh thần và cảm nghiệm được sự sống phi thường.

HKK