Khía cạnh an ninh trong chuyến tông du sắp tới của Đức Thánh Cha
Khía cạnh an ninh trong chuyến tông du sắp tới của Đức Thánh Cha
Indonesia
Chặng dừng đầu tiên của Đức Thánh Cha là Indonesia, quốc gia rộng nhất tại Đông Nam Á, trong đó 87% trong số hơn 270 triệu dân là người Hồi giáo. Các tín hữu Kitô đông nhất trong các tôn giáo thiểu số với 11%.
Theo Đức Hồng y Ignatius Suharyo Hardjoatmodjio, Tổng Giám mục Giáo phận thủ đô Jakarta, hai tổ chức Hồi giáo lớn nhất của Indonesia là Muhammadiyah và Nahlatul Ulama rất cởi mở và bao dung.
Nhưng Indonesia đã từng bị hàng chục vụ khủng bố trong những thập niên đầu của thế kỷ 21 này. Một số những kẻ tấn công nhắm vào các tín hữu Kitô, như chúng đặt bom nhắm giết hại các tín hữu đến tham dự Thánh lễ ở Nhà thờ Chính toà ở Makasar, nam Sulawesi, nhưng cũng may không có tín hữu nào bị giết ngoài chính những kẻ muốn sát hại người khác.
Nhà chức trách an ninh Indonesia sẽ ở trong tình trạng báo động tối đa trong 4 ngày Đức Thánh Cha lưu lại nước này. Sự báo động của họ càng gia tăng sau vụ hôm 31/7 vừa qua, khi một toán chống khủng bố bắt được một thanh niên 19 tuổi bị tình nghi là đang dự định đặt bom tại những nơi thờ phượng ở Malang, thuộc tỉnh đông Java.
Một ngày sau đó, ngày 1/8, các thành viên của cơ quan quốc gia Indonesia chống khủng bố đã đến xem xét Nhà thờ Chính toà Jakarta nơi Đức Thánh Cha sẽ gặp các thành phần của Giáo Hội vào ngày 4/9 sắp tới.
Ông Stanislaus Riyanta, một chuyên gia nghiên cứu về tình báo, an ninh và khủng bố thuộc đại học Indonesia nói với hãng tin Công Giáo Á Châu Ucan rằng “chính phủ cần theo dõi và đề phòng những cuộc tấn công do những kẻ hoạt động đơn độc”. Nhưng nói chung, ông ta tỏ ra tin tưởng nơi guồng máy an ninh của Indonesia và nói: “Tôi tin là các lực lượng an ninh và tình báo của quốc gia có khả năng trong lãnh vực này.”
Papua New Guinea
Sang đến Papua New Guinea, quốc gia láng giềng của Indonesia, nước này đã gặp khó khăn ngay từ đầu năm nay. Ngày 10/2, một cuộc nổi loạn đã bùng lên tại thủ đô Port Moresby, nơi Đức Thánh Cha sẽ đến từ ngày 6/9. Ngài sẽ là vị Giáo hoàng thứ 2 đến thăm nước này, quốc gia có 10 triệu rưỡi dân cư trên một lãnh thổ rộng gần nửa triệu cây số vuông.
Lý do cuộc nổi loạn là vì chính phủ giảm lương của các nhân viên an ninh và thay đổi thuế má. Cuộc bạo động từ thủ đô cũng lan sang các thành phố khác, kết quả là có 22 người bị thiệt mạng. Thủ tướng James Marape tuyên bố đặt đất nước ở trong tình trạng khẩn trương trong 14 ngày.
Suy tư về tình trạng bạo động đó, Đức Hồng y John Ribat, vị Hồng y đầu tiên của Papua New Guinea, nói rằng “điều mà chúng ta đã xây dựng với các vị lãnh đạo đất nước trong 49 năm qua từ khi được độc lập, nay đã bị phá huỷ trong 1 ngày”.
Xáo trộn còn tiếp tục trong tháng 2 làm cho 26 người bị thiệt mạng trong một cuộc chạm súng giữa các bộ lạc ở vùng cao nguyên của Papua New Guinea, nơi có nhiều tài nguyên thiên nhiên, kể cả vàng. Những vụ đó cho thấy những tranh chấp bộ tộc đã có từ lâu nay gây nên chết chóc nhiều hơn với sự du nhập nhiều võ khí hiện đại.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã bày tỏ hy vọng có thể viếng thăm Papua New Guinea vào năm 2020, nhưng rồi đại dịch Covid-19 ập đến khiến chương trình viếng thăm nay mới có thể tiến hành được. Cho đến đầu năm nay, chức vụ Sứ thần Toà Thánh tại Papua New Guinea vẫn trống và mãi đến tháng 3 sau đó, Đức Tổng Giám mục Mauro Lalli, mới được bổ nhiệm.
Cuộc kiểm tra dân số toàn quốc hồi năm 2011 cho thấy 98% dân Papua New Guinea là tín hữu Kitô, trong đó, ngoài Công giáo còn có nhiều hệ phái Tin Lành. Các nhóm này muốn thay đổi hiến pháp quốc gia để tuyên bố đây là một “Quốc gia Kitô”, nhưng Giáo hội Công giáo chống lại khi nói rằng đây là “một đề nghị lỗi thời và gây rối loạn”.
Một thư của Hội đồng Giám mục Papua New Guinea nhận xét rằng “mặc dù đất nước hãnh diện là có hơn 90% là Kitô hữu, nhưng chúng tôi thấy không có sự giảm bớt về nạn tham nhũng, bạo lực, vô luật pháp và những thái độ gây hấn, xúc phạm trong các cuộc thảo luận tại quốc hội”
Gần đây hơn, hồi cuối tháng 7 vừa qua, tại Papua New Guinea, Cao uỷ Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, ông Volker Tuerk, bày tỏ kinh hoàng và bị sốc vì sự bùng nổ bạo lực như vậy tại nước này. Các vụ xung đột oán thù giữa các làng làm cho ít nhất 26 người chết, trong đó có 16 trẻ em. Họ bị thiệt mạng trong một loạt các cuộc tấn công tại 3 làng là Tamara, Tambari và Angrumara, thuộc huyện Angoram, tỉnh Đông Sapik ở mạn bắc Papua Tân Guinea.
Đông Timor
Quốc gia thứ ba được Đức Thánh Cha viếng thăm trong chuyến tông du sắp tới là Đông Timor với 1,3 triệu dân cư trong đó 97% là tín hữu Công giáo. Ban tổ chức dự kiến có tới 700.000 người sẽ tham dự Thánh lễ do Đức Thánh Cha cử hành ngày 10/9 tại khu vực thủ đô Dili.
Vì nhỏ bé và dân số tương đối ít, Đông Timor nhận được sự giúp đỡ về an ninh từ các nước láng giềng như Indonesia, và “liên minh tình báo 5 mắt” qui tụ 5 nước là Australia, Canada, New Zealand, Anh quốc và Mỹ.
An ninh sẽ được tăng cường nhiều trong cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha từ ngày 9 đến 11/9 tại quốc gia nhỏ bé này. Trong số các biện pháp an ninh được đề ra có cả việc cấm tập võ trên toàn quốc. Theo thủ tướng Xanana Gusmão, đây không phải là một hình phạt, nhưng là để phòng ngừa những vụ đấu nhau trên đường phố giữa các võ sinh thuộc các nhóm khác nhau.
Singapore
Chặng chót trong chuyến tông du của Đức Thánh Cha là Singapore, một quốc đảo thịnh vượng với khoảng 5 triệu dân cư.
Hôm 7/8 vừa qua, hãng tin Công giáo Á châu Ucan đưa tin: các chuyên gia báo động về nguy cơ khủng bố tại Singapore nhân chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha mặc dù không có dấu hiệu về một cuộc khủng bố sắp xảy ra.
Các chuyên gia, dựa vào một phúc trình của chính phủ Singapore, cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha có thể là một cơ hội thuận tiện cho nguy cơ khủng bố. Lý do vì bầu không khí chống Israel gia tăng tại nước Malaysia và toàn vùng, trong khi Singapore được coi là thân thiện với Israel. Vì thế, cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha tại Singapore có thể được coi là một thời điểm thuận tiện cho một cuộc khủng bố.
Có thể là các nhóm Hồi giáo đấu tranh tổ chức các cuộc biểu tình tại Malaysia để phản đối chống cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha tại Singapore và trong vùng, như bà Aruna Gopinath thuộc Đại Học quốc phòng của Malaysia ở thủ đô Kuala Lumpur nhận xét. Chiến tranh tại Gaza sau vụ Hamas tấn công Israel ngày 7/10 năm ngoái đã tạo nên một bầu không khí chống Israel, trào lưu này càng gia tăng trong tuần với vụ Israel ám sát lãnh tụ chính trị của Hamas là ông Ismail Haniyet, nhất là sau lời kêu gọi của thủ tướng Malaysia, ông Answar Ibrahim, vào ngày 4/8 vừa qua
Bà Gopinath cho rằng cần thiết lập một sự canh chừng hoàn toàn tại Malaysia, cũng như gia tăng an ninh trong các đại sứ quán của Philippines và Singapore tại Kuala Lumpur.
Mặt khác, chuyên gia về nạn khủng bố, ông Kumar Ramakrishna thuộc đại học kỹ thuật Nanyang ở Singapore, trong phúc trình, cho biết những phần tử thiện cảm với Nhà nước Hồi giáo hoặc Al-Qaida có thể là một đe dọa cho cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha. Tuy nhiên nhóm khủng bố Jemaah Islamiyah, thủ phạm vụ khủng bố bằng bom chống tiệm nhảy ở Bali hồi năm 2002 làm cho hơn 200 người chết, nay không còn là một đe dọa nữa vì nhóm này gần đây đã giải tán. (KAP 7-8-2024)
G. Trần Đức Anh, OP
Nguồn: https://www.vaticannews.va/vi/world/news/2024-08/khia-canh-an-ninh-dtc-vieng-tham-indonesia-papua-new-guinea.html