09/01/2025

Chúa Nhật XIX TN B 2024: Đức Giêsu là bánh trường sinh

Mỗi ngày Người đã làm biết bao phép lạ để chứng minh điều đó: người đói được ăn no, người bệnh được chữa lành, người bị ma quỷ kiềm chế được giải thoát, người chết được sống lại. Người chỉ muốn xác định rằng: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này sẽ được sống muôn đời” (Ga 6,51).

Chúa Nhật XIX TN B 2024

Đức Giêsu là bánh trường sinh

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

Lời mở

Tuần vừa qua chúng ta đã suy niệm về việc ăn để sống mãi mãi là ước mơ của muôn người. Nhưng nếu được sống mãi mà cứ phải mang lấy thân xác ngày một già nua, xấu xí, bệnh tật, vẫn cần phải ăn uống, chữa trị như hiện nay thì chẳng ai muốn sống mãi làm gì!? Sống mãi phải đi kèm với trẻ mãi, đẹp mãi, hạnh phúc mãi mãi. Đó mới là một đời sống đáng con người mơ ước và kiếm tìm trong suốt dòng lịch sử của mình. Vậy ai có thể đáp ứng lòng mong mỏi đó?

1. Con người đi tìm bánh trường sinh

Khi bắt đầu biết suy tư, nhận ra cuộc sống là vô thường, mong manh vì sinh – lão – bệnh – tử gắn liền với đời mình, con người đã đi tìm “phép trường sinh”. Bao nhiêu đạo pháp, tôn giáo ra đời cũng vì lẽ ấy.

Người theo Phật giáo kiêng ăn thịt sinh vật, tránh giết chúng vì sợ mình có thể phạm tội sát sinh: do ông bà, cha mẹ, bạn bè có thể đầu thai thành những con vật ấy. Hơn nữa, khi vâng giữ ngũ giới, tuân theo bát chánh đạo họ sẽ chuyển hoá và thăng tiến mỗi kiếp đời của mình để cuối cùng thoát khỏi vòng luân hồi, vào được cõi Niết Bàn để sống phi thường, trẻ đẹp mãi mãi. Con đường của Đức Phật Thích Ca quả thật đáp ứng niềm mơ ước của con người nên nhiều người tin theo.

Thời xưa, con người đi tìm những củ nhân sâm ngàn năm, những con vật lạ lùng, hiếm quý, hy vọng ăn chúng sẽ có thể kéo dài được tuổi thọ. Ngày nay người ta hy vọng khoa học có thể thay đổi cấu trúc các gen, thay thế các bộ phận suy yếu trong cơ thể để sống lâu hơn, nhưng vẫn không thể làm cho con người khỏi chết.

Tuy nhiên, con người đã lầm lẫn khi nghĩ rằng phép trường sinh là một thứ bánh vật chất nào đó người ta có thể tìm ra được, mà quên rằng đã là vật chất thì luôn bị giới hạn bởi không gian và thời gian, nên không thể nào tồn tại mãi mãi. Đó phải là thứ bánh tinh thần, và con người phải dùng tinh thần của mình để tiếp nhận thứ bánh ấy vì chỉ có tinh thần mới vượt qua mọi giới hạn của vật chất, không gian và thời gian.

Nhiều người đã nhận ra sự thật này: mọi người đều chết, chưa có ai bất tử cả! Vì thế người ta chuyển mơ ước sống mãi của từng cá nhân vào cộng đồng, vào tập thể hay dân tộc. Mỗi con người phải chết, nhưng nếu con cháu họ sống nối tiếp nhau, sẽ làm cho dòng họ tồn tại mãi. Do đó việc lập gia đình, có con cháu để nối dõi tông đường là việc quan trọng. Từng người Việt chết đi, nhưng nếu còn có người Việt sống nối tiếp nhau và giữ được bản sắc, tiếng nói thì dân tộc Việt Nam sẽ tồn tại muôn đời. Đây cũng là điều được nhiều vua chúa hay nhà cách mạng cổ vũ để dân chúng hy sinh cho đất nước. Người ta hô những khẩu hiệu: “muôn năm”, “vạn vạn tuế” cho cá nhân hay dân tộc, nhưng người ta không hiểu rằng từng cá nhân hữu hạn không thể nào tạo nên cái vô hạn được.

Thật ra, mỗi người chúng ta đều đang sống mãi trong khi thân xác vật chất thay đổi từng giây. Đó là nhờ tinh thần con người vượt qua mọi giới hạn, mở ra tới vô biên. Nhưng vì tinh thần có thể tự do chọn lựa những giá trị tích cực hay những phản giá trị tiêu cực, nên đời sống vĩnh hằng của ta cũng tuỳ theo đó mà thành hạnh phúc hay bất hạnh, thành tốt đẹp hay xấu xa. Muốn tìm được sự sống vĩnh hằng và hạnh phúc vô biên, con người phải nhận biết mình có tinh thần bất tử và phải tìm được nguồn sự sống và hạnh phúc nhờ Đức Giêsu Kitô. Các bài Thánh Kinh như muốn gợi ý cho ta tìm được nguồn cội đó.

2. Đức Giêsu là bánh hằng sống từ trời xuống

Bài đọc I (x. 1V 19,4-8) giới thiệu con đường dẫn tới nguồn sống vĩnh hằng qua hình ảnh của tấm bánh và bình nước được thiên sứ đem xuống cho tiên tri Elia. Ông đã ăn uống và nhờ đó đi suốt 40 ngày đêm trong sa mạc, đến núi Khoreb và gặp được Thiên Chúa. Giống như Elia khi đối mặt với cái chết và phải chạy trốn để thoát thân, ông đã sợ hãi, sức lực hao mòn, tinh thần suy sụp. Ông nằm xuống, muốn buông xuôi, để mặc cho dòng đời cuốn mình đi. Đó cũng là tâm trạng của rất nhiều người khi phải đối mặt với đau khổ, già yếu, bệnh tật, chết chóc.

Tuy nhiên, tấm bánh Elia ăn chỉ là hình ảnh tượng trưng cho manna mà người Do Thái đã ăn trong sa mạc suốt 40 năm, nhưng tất cả đều đã chết vì họ không tin vào quyền năng và tình yêu của Thiên Chúa. Họ giống như người Do Thái chỉ nhìn thấy thể xác bên ngoài chứ không nhận ra con người thật của Đức Giêsu khi Người nói: “Tôi là tấm bánh hằng sống từ trời xuống”. Họ xầm xì với nhau: “Ông này chẳng phải là ông Giêsu, con ông Giuse đó sao? Cha mẹ ông ta, chúng ta đều biết cả, sao bây giờ ông ta lại nói: Tôi từ trời xuống” (Ga 6,42).

Ga 6,30-35 a | Giáo Phận Bà Rịa

Đức Giêsu là người duy nhất trong lịch sử nhân loại có khả năng làm cho con người sống mãi, trẻ mãi, đẹp mãi bởi vì Người là Con Một của Chúa Cha. Người là Ngôi Lời Thiên Chúa đã tự nguyện trở thành người để dẫn đưa tất cả những ai tin vào Người đến được với nguồn sự sống vĩnh hằng, nguồn tình yêu vô biên, nguồn chân thiện mỹ vô tận là chính Thiên Chúa. Mỗi ngày Người đã làm biết bao phép lạ để chứng minh điều đó: người đói được ăn no, người bệnh được chữa lành, người bị ma quỷ kiềm chế được giải thoát, người chết được sống lại. Người chỉ muốn xác định rằng: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này sẽ được sống muôn đời” (Ga 6,51).

Vì Người là Thiên Chúa, nên khi trở thành con người là Người đưa bản tính vĩnh hằng của Thiên Chúa vào trong vũ trụ vật chất và làm cho vũ trụ vật chất, qua thân xác con người đã bị tội lỗi làm hư hỏng, được chữa lành và có khả năng trở thành cao cả, thánh thiện và tồn tại mãi mãi như Thiên Chúa. Không ai có thể hành động như Người vì tất cả đều hữu hạn, tạm thời. Hơn nữa, chính khi Đức Giêsu đón nhận cái chết để đền tội cho muôn loài là Người xoá bỏ mầm mống tội lỗi, đã làm cho con người và vạn vật hư hoại, để đem lại cho mọi người, mọi vật khả năng sống mãi mãi với Thiên Chúa.

Tuy nhiên chúng ta chỉ phát huy được khả năng này nếu ta nhận ra Đức Giêsu thật sự là ai và tin vào Người. Vì thế, Đức Giêsu nói: “Ai tin thì được sự sống đời đời” (Ga 6,47). Tin là cuộc gặp gỡ giữa con người với Thiên Chúa, giữa một người cụ thể là chúng ta với Thiên Chúa cụ thể là Đức Giêsu. Trong đời sống trần thế, Đức Giêsu đang hiện diện sống động giữa bao con người, trong muôn vàn sự vật và mọi biến cố của đời ta. Nhưng nếu mắt ta chỉ nhìn vào vẻ bên ngoài của Người như những người Do Thái, ta sẽ không bao giờ gặp được nguồn sống vĩnh hằng.

Muốn nhận ra Người, chúng ta phải cầu xin với Chúa Cha như Đức Giêsu đã nói: “Chẳng ai đến với tôi được, nếu Chúa Cha là Đấng đã sai tôi không lôi kéo người ấy, và tôi, tôi sẽ cho người ấy sống lại trong ngày sau hết” (Ga 6,44). Chúa Cha là nguồn sống vĩnh hằng rất muốn chúng ta đến với Con của Ngài, nên không ngừng lôi kéo ta bằng đủ loại ân huệ và tiếng nói trong lương tâm ngay chính của con người vì “anh em là con cái được Ngài yêu thương” (Ep 5,1). Hơn nữa, khi ta mở rộng tâm trí cho Chúa Thánh Thần, là tình yêu nối kết chúng ta với Thiên Chúa, chắc chắn chúng ta sẽ gặp được Chúa Giêsu, nhất là qua những hành động bác ái trong cuộc sống.

Lời kết

Cầu chúc anh chị em luôn đón nhận được tấm bánh Giêsu trong bữa ăn hằng ngày. Amen.

HKK