Thứ Sáu Tuần XVIII – Mùa Thường Niên, 09/08/2024
TỪ BỎ CHÍNH MÌNH LÀ GẶP ĐƯỢC CHÍNH MÌNH
Chúa Giêsu chỉ ra một con đường không mấy ai thích là từ bỏ chính mình thì mới là mình cách trọn vẹn. Điều ấy có vẻ nghịch lý, nhưng là sự thật! Nghiền ngẫm sự đời, người ta mới hiểu, mới xác tín. Nông cạn quá không hiểu được! Nhưng khổ nỗi, đang khi làm những công việc được coi là sâu sắc, nhưng người ta lại hành động một cách rất nông cạn!!!
Lời Chúa: Nk 2,1.3; 3,1-3.6-7; Mt 16,24-28
Suy niệm: TỪ BỎ CHÍNH MÌNH LÀ GẶP ĐƯỢC CHÍNH MÌNH
Đứng trước sự sụp đổ của đế quốc Assyria vào thế kỷ 7 tCN, tiên tri Nakhum nói lên niềm vui lớn lao của mình: “Kìa, trên các đồi núi xuất hiện người đi loan báo Tin Mừng, và công bố bình an. Này hỡi Giuđa, hãy mừng lễ, hãy giữ trọn các lời khấn hứa, vì kẻ thừa hành của Xatan không còn qua lại nơi ngươi nữa; nó đã bị tiêu diệt hoàn toàn.” (Nk 2,1). Đế quốc này đã xóa sổ vương quốc phía bắc là Israel trước đó không lâu. Nhưng rồi niềm vui của ông cũng như của dân chúng vương quốc Giuđa cũng không kéo dài lâu, bởi vì đế quốc chiến thắng Assyria là Babilon sau đó cũng đô hộ luôn cả Giuđa, bắt dân đi đày và phá bình địa Đền Thờ Giêrusalem!
Tham vọng của con người thật kinh khủng. Người ta sẵn sàng làm mọi thứ để thống trị trên người khác, ngay cả khi việc ấy có phải thực hiện bằng sự tàn sát nhiều người! Tham vọng như nằm sâu trong con người, nên ở bất cứ thời đại nào và khắp nơi, người ta vẫn thấy những điều tương tự đang diễn ra.
Chúa Giêsu mời gọi người ta hãy theo Ngài trong thái độ từ bỏ chính mình, từ bỏ tham vọng của mình. “Nếu người ta được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống (psuché), thì nào có lợi gì? Hoặc người ta sẽ lấy gì mà đổi mạng sống (psuché) mình?” (Mt 16,26). Từ “psuché /psu-ké/ có nghĩa là linh hồn (human soul), là chính mình (the self), là con người (human person). Khi tìm cách chiếm hữu mọi thứ ở đời này, người ta có nguy cơ đánh mất không chỉ linh hồn mình, nhưng là đánh mất toàn thể con người của mình. Đây không phải là một thứ lý thuyết mang tính giáo điều, nhưng thực tế là khi cố giành giật của cải, danh dự, quyền lực, người ta nhìn người khác như đối thủ và do đó, người ta bất an! Ăn thì cũng chỉ bao nhiêu đó thôi, tiêu xài cũng ở mức giới hạn, người ta đâu có sử dụng hết những gì mình chiếm đoạt được. Không biết đời sau thế nào, nhưng ngay đời này thì cuộc sống đã chẳng ra làm sao rồi!!!
Chúa Giêsu chỉ ra một con đường không mấy ai thích là từ bỏ chính mình thì mới là mình cách trọn vẹn. Điều ấy có vẻ nghịch lý, nhưng là sự thật! Nghiền ngẫm sự đời, người ta mới hiểu, mới xác tín. Nông cạn quá không hiểu được! Nhưng khổ nỗi, đang khi làm những công việc được coi là sâu sắc, nhưng người ta lại hành động một cách rất nông cạn!!!
Lm. Giuse Nguyễn Trọng Sơn