Giáo hội Sri Lanka phê bình dự luật gây nguy hại các giá trị gia đình
Giáo hội Sri Lanka phê bình dự luật gây nguy hại các giá trị gia đình
Trong một cuộc họp báo tuần trước, Đức Hồng y Malcolm Ranjith đã tố cáo chính phủ bỏ bê nhu cầu cấp thiết của người dân để ủng hộ những thay đổi lập pháp mà ngài mô tả là có khả năng gây hại. Ngài đặc biệt đề cập đến hai dự luật: ủng hộ hôn nhân đồng giới và quyền phụ nữ, cho rằng có thể làm suy yếu các cấu trúc gia đình truyền thống. Đức Hồng y nói: “Cả hai dự luật đều lộ rõ nỗ lực tạo ra một tình huống rất nguy hiểm ở Sri Lanka. Một nỗ lực phá hoại hôn nhân và cuộc sống gia đình. Tôi tin rằng điều này là sai.”
Nhấn mạnh lập trường của Giáo hội Công giáo về hôn nhân, khẳng định hôn nhân phải là sự kết hợp giữa một người nam và một người nữ, Đức Hồng y nói: “Hôn nhân không thể diễn ra giữa hai người nam hoặc hai người nữ. Gia đình là nền tảng của xã hội, và mọi tôn giáo đều công nhận điều này. Nếu chúng ta để cho nền tảng gia đình bị phá vỡ, chúng ta sẽ mở đường cho sự huỷ diệt của đất nước. Chúng ta không thể chấp nhận điều này.”
Trong lúc nhìn nhận quyền của những người sinh ra với khuynh hướng đồng tính, nhưng Đức Hồng y Ranjith phản đối việc hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới, cho rằng đó là một hành động không phù hợp. Ngài nói thêm: “Chúng ta có nghĩa vụ bảo vệ quyền của họ. Chúng tôi tin rằng họ phải được chia sẻ cơ hội bình đẳng như những người khác trong xã hội. Nhưng việc đưa điều này vào luật và biến thành sự lựa chọn tự do cho bất kỳ cá nhân nào thì điều đó là sai.”
Về chủ đề quyền phụ nữ, Đức Hồng y nói rõ lập trường Giáo hội và bày tỏ sự ủng hộ đối với quyền của phụ nữ nói chung nhưng phản đối các điều khoản cho phép phá thai. Ngài nói: “Chúng ta không đặt nghi vấn về quyền của phụ nữ. Chúng ta ủng hộ điều đó. Nhưng xét theo quyền của phụ nữ, chúng ta không thể cho phép phá thai. Cuộc sống của mỗi trẻ em đều quan trọng. Mỗi trẻ em là một hồng ân từ Chúa và chúng ta phải đón nhận các em.”
Đức Hồng y cũng cho rằng những sáng kiến lập pháp này có thể chịu ảnh hưởng bởi áp lực quốc tế. Ngài chỉ ra những xu hướng tương tự ở các nước phương Tây và lưu ý sự tham gia của các nhà ngoại giao nước ngoài và các chính trị gia địa phương trong việc ủng hộ những mục đích này.