31/10/2024

Chúa Nhật XVII TN B – 2024: Hoá bánh ra nhiều

Chúa Nhật XVII TN B – 2024

Hoá bánh ra nhiều

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn

Lời mở

Người mục tử chân chính không phải chỉ lo cho đàn chiên được no đủ về tinh thần qua việc “dạy dỗ họ nhiều điều” như chúng ta tìm hiểu tuần trước, mà còn quan tâm đến cái đói thể xác để làm cho họ được ăn no nê như Đức Giêsu, dù trong tay chỉ có 5 chiếc bánh và 2 con cá (x. Ga 6,1-15). Vậy các mục tử thời nay đang hành động như thế nào trước cơn đói của con người và chúng ta có thể làm gì để có thể “hoá bánh ra nhiều”, nhất là trong hoàn cảnh khủng hoảng kinh tế trầm trọng hiện nay?

1. Đối mặt với tình trạng nghèo đói

Dân số thế giới hiện nay khoảng hơn 8 tỷ người, nhưng với tài nguyên thiên nhiên dồi dào, cộng thêm các ứng dụng khoa học vào nông nghiệp, nhân loại vẫn dư thừa lương thực cho tất cả mọi người. Tuy nhiên số người đói khổ vẫn không ngừng tăng lên trong tình trạng khủng hoảng kinh tế và xung đột chính trị như hiện nay. Nhân loại cần những con người tìm ra được nguồn năng lực là Thiên Chúa như tiên tri Elisa (x. 2V 4,42-44) khi ông phân phát 20 chiếc bánh cho cả trăm người ăn, hay Chúa Giêsu khi Người làm phép lạ từ 5 chiếc bánh và 2 con cá nuôi hàng ngàn người (x. Ga 6,1-15).

Ngày 24/4/2024, các nhóm phát triển và cơ quan Liên Hiệp Quốc cho biết tình trạng mất an ninh lương thực trên thế giới trở nên trầm trọng hơn vào năm 2023, với khoảng 282 triệu người thiếu ăn do các cuộc xung đột, đặc biệt là ở Gaza và Sudan. Năm ngoái, khoảng 700.000 người, trong đó có 600.000 người tại Gaza, đang ở bờ vực nạn đói. Đến nay, con số này đã tăng lên 1,1 triệu người. Các hiện tượng thời tiết cực đoan như lũ lụt, hạn hán, là nguyên nhân chủ yếu khiến 72 triệu người đói tại 18 nước, trong khi kinh tế khó khăn đẩy 75 triệu người rơi vào cảnh đói nghèo tại 21 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Cũng theo báo cáo, xung đột hoặc an ninh bất ổn là nguyên nhân chính gây ra nạn đói cho 135 triệu người tại 20 nước và vùng lãnh thổ. (https://baothanhhoa.vn/gan-300-trieu-nguoi-tren-the-gioi-doi-mat-voi-nan-doi-trong-nam-2023-212578.htm, 25/04/2024 ).

https://file1.dangcongsan.vn/data/0/images/2024/04/14/upload_2668/luong-thuc.jpg?dpi=150&quality=100&w=800

“Còn ở Việt Nam, dù đã có những thành tựu nổi bật về giảm nghèo nhưng vẫn còn có 800.000 hộ nghèo (chiếm khoảng 3% dân số). Khoảng cách giàu – nghèo giữa các vùng miền và nhóm dân cư vẫn tồn tại. Tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi vẫn còn cao” – Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt tại diễn đàn Liên Hiệp Quốc ngày 7/5/2024 đã khẳng định như vậy. Theo đánh giá của các chuyên gia, kết quả giảm nghèo của Việt Nam chưa thật sự bền vững, nguy cơ tái nghèo và phát sinh nghèo còn cao; chênh lệch mức sống, điều kiện tiếp cận các dịch vụ cơ bản, tiếp cận thị trường, giải quyết việc làm giữa các địa phương, vùng, miền, nhóm dân cư chưa được thu hẹp nhiều. Một số nơi đời sống còn khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (https://vov.vn/chinh-tri/giam-ngheo-o-viet-nam-duoc-vi-nhu-mot-cuoc-cach-mang-post1094370. vov).

Có lẽ chúng ta phải kể thêm hàng trăm ngàn người sống vô gia cư trong các thành phố lớn như Hà Nội, TP. HCM. Họ là những người bỏ quê lên thành phố vì làm ăn thất bại, bị lừa bịp là có việc làm nhẹ nhàng lương cao nhưng lại bị ép làm những việc đồi bại, những người phải bán nhà cửa ruộng vườn để chữa bệnh theo yêu cầu của một số bác sĩ vô lương tâm… Họ đành gia nhập đội quân bán vé số, mỗi ngày phải rong ruổi vài chục cây số bằng đôi chân trần mong kiếm vài chục ngàn đồng cho đủ trang trải sinh hoạt trong ngày và dành ít tiền nhỏ nhoi còn lại gửi về gia đình. Nếu không có vốn, họ gia nhập đạo quân lượm rác hằng đêm, nhặt nhạnh từng vỏ chai, lon thiếc, giấy vụn, mảnh kính để kiếm sống.

Họ phải tiết kiệm từng đồng bạc bằng cách biết đi đến bệnh viện nào gần nhất để tắm nhờ và nhận phần cơm từ thiện của các tổ chức tôn giáo dành cho bệnh nhân nghèo, biết địa chỉ quán cơm từ thiện 2.000 đồng ở đâu và vào ngày nào trong tuần, biết con đường nào đặt các tủ kính có bánh mì cho không ban sáng, bình nước uống miễn phí cho đỡ khát… Người môn đệ Đức Giêsu cần phải hoá bánh ra nhiều cho những con người đói khổ quanh mình được no nê. Nhưng họ sẽ làm thế nào trong hoàn cảnh hiện nay?

2. Phép lạ của tình yêu

Nhiều người chúng ta, trong tư cách là mục tử, phải chăm sóc đàn chiên như Chúa Giêsu, lại chưa hoàn thành sứ mệnh cứu độ của mình. Chúng ta bỏ mặc đàn chiên đói khát, khổ sở, bệnh tật vì thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu những phương tiện tối thiểu để sống xứng đáng là con người và cũng là con Thiên Chúa.

Nguyên nhân có thể là vì chúng ta chạy theo những lý tưởng đạo đức cao cả, những nghi lễ trang trọng họ đang tham dự với ta mà quên đi cái dạ dày trống rỗng của họ đang réo lên tiếng kêu vì đói. Có thể vì chúng ta chưa nhận thức đúng về con người có cả phần thể xác cần nuôi dưỡng mà chỉ lo phần tinh thần hay linh hồn của họ. Có thể vì chúng ta chưa biết nhìn vào đời sống thực tế để thấy bao người đang đói khổ quanh ta, mà chỉ biết nhìn vào các công việc mình đang làm hay công trình mình đang xây dựng. Có thể vì chúng ta luôn được no đủ, chưa bao giờ biết đói khổ, nên không cảm nghiệm được nỗi lo sợ, cồn cào, bủn rủn tay chân của những ai đang đói lả, khó nghèo.

Nhưng đó lại không phải là cái nhìn và thái độ sống của Đức Giêsu, Ngôi Lời Thiên Chúa làm người. “Người nhìn thấy đông đảo dân chúng đến với mình”. Người nghe được tiếng kêu đói trong bụng họ và Người đặt ngay vấn đề cho các môn đệ: “Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây?”. Người nói thế là để giúp các môn đệ chúng ta biết nhìn con người một cách thực tế, chứ Người đã biết mình sắp làm gì rồi!

Tuy nhiên, chúng ta phải hiểu được “cái gì làm nên phép lạ” hoá bánh ra nhiều thay vì chỉ quan tâm đến phép lạ hay đến người làm phép lạ, dù đó là Elisa hay Đức Giêsu.

Cốt lõi làm nên phép lạ chính là tình yêu.

Elisa vì yêu thương dân đói nên chia sẻ những tấm bánh, mà nếu ông và tiểu đồng biết dành dụm, có thể ăn đến cả tháng. Nhưng ông không để dành cho mình, và phép lạ đã xảy ra, vì Thiên Chúa còn yêu thương đàn chiên của Ngài hơn cả ông.

Đức Giêsu yêu thương đàn chiên đang đói vì không người chăn dắt, nên Người làm cho bánh cá hoá nhiều. Người không phải chỉ làm cho con người no nê về thể xác mà còn muốn đưa con người đến một thứ lương thực cao quý gấp bội, mang lại sự sống vĩnh hằng khi Người làm những cử chỉ “cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, rồi phân phát” như trong bí tích Thánh Thể (x. Mt 26,26; Mc 14,22). Thánh sử Gioan đã triển khai về bánh hằng sống đó trong phần Tin Mừng tiếp theo (x. Ga 6,22-48). Như thế, điều kiện đầu tiên để làm nên phép lạ hoá bánh ra nhiều là tình yêu mãnh liệt, dám hy sinh chính mình để lo lắng cho đàn chiên.

SUY NIỆM CHÚA NHẬT XVIII TN_B (5/8)

Điều kiện thứ hai được thánh Phaolô trình bày trong Bài đọc II (x. Ep 4,1-6): “sống cho xứng với ơn kêu gọi mà Thiên Chúa đã ban cho chúng tavì chúng ta chỉ có một Thiên Chúa, Cha của mọi người, Đấng ngự trên mọi người, qua mọi người và trong mọi người”. Chúng tôi đã trình bày phép lạ hoá bánh ra nhiều của người Công giáo Hàn Quốc trong lĩnh vực kinh tế (x. Lm. Nguyễn Ngọc Sơn, Hội nhập Văn hoá để Loan báo Tin Mừng, NXB Đồng Nai, 2024, tr. 86-90). Người Công giáo Việt Nam nếu biết sống những giá trị của Tin Mừng và tích cực hành động theo những giá trị đó, thì chắc chắn chúng ta cũng sẽ làm cho đồng bào được no đủ và hạnh phúc.

Lời kết

Lúc đó, ơn gọi làm mục tử và sứ mệnh cứu độ với Chúa Giêsu của ta mới thật sự hoàn thành.

HKK