09/01/2025

Chúa Nhật XV TN B – 2024: Sứ mệnh người môn đệ Chúa Kitô

Chúa Nhật XV TN B – 2024

Sứ mệnh người môn đệ Chúa Kitô

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

Lời mở

Các bài Thánh Kinh trong Chúa nhật XV Thường niên này mời gọi chúng ta suy nghĩ về sứ mệnh của người môn đệ Chúa Kitô. Sứ mệnh đó là gì và chúng ta đang thực hiện sứ mệnh đó như thế nào trong hoàn cảnh hiện nay, khi mà con người đang chạy theo nền văn minh hưởng thụ vật chất và tin tưởng hoàn toàn vào khoa học sẽ giải quyết những khó khăn của đời sống?

https://hanhkhatkito.net/wp-content/uploads/2021/07/CN_XV_TN_B.jpg

1. Sứ mệnh của người môn đệ Chúa Kitô

Sứ mệnh là nhiệm vụ quan trọng, thiêng liêng được Thiên Chúa giao phó cho mỗi người để hoàn thành. Từ này đồng nghĩa với từ “sứ mạng” được một số người quen dùng, nhưng không chính xác vì từ “mệnh” là chỉ thị hay mệnh lệnh của người trên trao cho người dưới, còn từ “mạng” không mang ý nghĩa này.

Trong Thánh Kinh, đó là nhiệm vụ cao cả được Thiên Chúa trao trực tiếp hay qua người có thẩm quyền (x. Is 55,11; Rm 15,19). Sứ mệnh của Chúa Giêsu là cứu độ trần gian (x. Ga 3,17). Sứ mệnh của các tông đồ là tiếp tục sứ mệnh cứu độ của Chúa Giêsu: “Như Chúa Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em”. Sứ mệnh của Giáo Hội là tiếp tục thực hiện “kế hoạch yêu thương của Chúa Cha mà Ngài đã định trước trong Đức Kitô. Đó là đưa thời gian tới hồi viên mãn, là quy tụ muôn loài trong trời đất dưới quyền một thủ lãnh là Đức Kitô” (Ep 1,9-10).

Bài đọc I (x. Am 7,12-15) kể lại việc tiên tri Amos đã can đảm thực hiện sứ mệnh Chúa trao là loan báo Lời Chúa cho dân chúng. Khi vị tư tế chính thức của nhà vua Israel cấm ông không được nói tiên tri, Amos đã trả lời cho người đó rằng: mình không phải được đào tạo chuyên nghiệp để làm tiên tri, nhưng Chúa đã chọn và trao sứ mệnh mà thôi. Đây cũng là vấn đề đặt ra cho chúng ta: Thiên Chúa đã chọn chúng ta, giao phó cho ta nhiệm vụ cao cả, nhưng ta có ý thức được nhiệm vụ ấy để thực hiện trong bất cứ hoàn cảnh khó khăn nào của cuộc sống không?

Trong Bài đọc II (x. Ep 1,3-10), Thánh Phaolô nói cho ta hiểu rằng: “Trong Đức Kitô, Chúa đã chọn ta trước cả khi tạo thành vũ trụ, đã giao phó nhiệm vụ quan trọng đó cho ta kèm theo muôn vàn ân phúc của Thánh Thần, để trước thánh nhan Ngài ta trở nên tinh tuyền thánh thiện, nhờ tình yêu của Ngài. Hơn nữa, Ngài lại tiền định cho ta làm nghĩa tử của Ngài, nhờ Đức Giêsu Kitô, để ta hoàn thành kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa là cứu độ muôn loài trong trời đất”. Những lời hết sức an ủi này nhắc nhở chúng ta hãy tin tưởng và can đảm thực hiện sứ mệnh thiêng liêng.

Trong bài Tin Mừng (x. Mc 6,7-13), Chúa Giêsu đã chọn 12 tông đồ, sai các ông ra đi từng hai người một để có thể hoạt động chung với nhau, loan báo Tin Mừng cứu độ của Người cho thế giới. Để thể hiện ơn cứu độ một cách cụ thể, Chúa ban cho các ông quyền năng xua trừ ma quỷ, chữa lành bệnh nhân. Người nhắc bảo các ông đừng tin tưởng vào những phương tiện vật chất hay tài năng tinh thần, nhưng hoàn toàn tín thác vào tình yêu an bài của Cha Trên Trời. Vì thế, các ông “đừng mang gì đi đường, đừng mang lương thực, bạc tiền, trừ cây gậy” tượng trưng cho quyền năng Chúa ban để chăn dắt đoàn chiên của Chúa. Các tông đồ vâng lệnh Chúa Giêsu, thực hiện sứ mệnh bằng việc đi rao giảng khắp nơi, xua trừ ma quỷ, chữa lành bệnh nhân.

Để hoàn thành sứ mệnh, chúng ta cần đến các sứ vụ. Sứ vụ còn gọi là “tác vụ”. Đây là một từ mới diễn tả những công việc hay những hình thức đa dạng của việc thực thi sứ mệnh tuỳ vào nhu cầu, hoàn cảnh của con người và môi trường sống. Sứ vụ của Chúa Giêsu (x. Mc 1,32-39) bao gồm việc cầu nguyện với Chúa Cha, rao giảng, chữa lành và trừ quỷ. Sứ vụ của các tông đồ và các môn đệ Người cũng giống như thế (x. Mc 16,20) (x. Hội Đồng Giám mục Việt Nam, Từ điển Công giáo, mục từ “sứ vụ”, “sứ mệnh”, tr.769-770).

2. Chúng ta đang thực hiện sứ mệnh ấy như thế nào?

Nhìn vào cộng đồng xã hội hiện nay, rất nhiều người không biết đến Thiên Chúa, không tin rằng Thiên Chúa đã dựng nên con người và vũ trụ, nên họ hoàn toàn không biết sứ mệnh cao cả của con người là làm chứng cho tình yêu cứu độ của Ngài. Họ cũng không biết dùng những ơn lành Chúa ban như tình yêu, tài năng, nguồn lực để hoàn thành các sứ vụ cứu độ của mình.

Họ chỉ biết đến các sứ mệnh được dân tộc, chính quyền, tổ chức, cơ quan, đoàn thể giao phó cho họ mà thôi. Chúng có thể quan trọng, cao cả nhưng không thể so sánh với sứ mệnh siêu việt được Thiên Chúa trao cho mỗi người. Có hoàn thành sứ mệnh đó, ta mới xứng đáng được Chúa ban thưởng Nước Trời.

Đó là chúng ta chưa nói đến các tổ chức khủng bố, các đoàn thể xã hội hẹp hòi, chính quyền chuyên chế, các lãnh tụ độc tài đã áp bức và mê hoặc con người để giao những sứ mệnh giết hại, tàn phá, huỷ diệt cho các thành viên của mình. Vì thế chúng ta cần thận trọng và khôn ngoan khi nhận lãnh bất cứ sứ mệnh nào của họ.

Nhiều môn đệ Chúa Giêsu ngày nay không còn biết sứ mệnh của mình là gì và làm gì để hoàn thành sứ mệnh đó. Lý do là vì chúng ta không còn cảm nhận được Thiên Chúa là người cha nhân hậu từng giây phút yêu thương ta và muốn ta thể hiện tình yêu cứu độ của Ngài cho muôn loài. Chúng ta chỉ tìm cách hưởng thụ đời sống tiện nghi vật chất và quên đi những giá trị của đời sống tinh thần. Ta có thể thức khuya và ngồi hàng giờ xem những trận bóng đá Euro 2024, những phim đồi truỵ, xuyên không của Trung Quốc, nhưng lại tiếc vài phút cầu nguyện, hay một giờ thánh lễ để nhận được sự sống phi thường, tình yêu quảng đại, quyền năng vô biên, hạnh phúc vô tận của Chúa để thực hiện các sứ vụ cứu độ.

Nhiều người trẻ lại quá tin vào khoa học, nhưng lại không biết rằng khoa học chỉ có thể cân đo đong đếm những gì thuộc về vật chất và chỉ có tinh thần mới giúp con người cảm nghiệm được sự hiện diện gần gũi và hiệu quả của Chúa Giêsu nhờ lòng tin và tình yêu. Hầu hết chúng ta chỉ nhớ đến sứ mệnh, hay đúng hơn là những mệnh lệnh, chỉ thị của con người giao phó cho ta và quên mất sứ mệnh của Thiên Chúa. Chúng ta bằng lòng với nếp sống đạo quen thuộc, thỉnh thoảng làm vài việc bác ái nhẹ nhàng để cho lương tâm yên ổn trong một xã hội loài người còn nhiều bất an và bất công.

Vậy chúng ta đang làm những sứ vụ nào để thể hiện sứ mệnh của mình? Nhiều người cho rằng ngày nay không cần làm việc chữa lành vì thuộc lĩnh vực y tế. Việc trừ quỷ càng không nên làm vì nó mang tính cách phản khoa học và mê tín. Còn việc rao giảng Lời Chúa bị thu hẹp vào một ít câu Thánh Kinh học thuộc lòng theo cách giải thích của loài người, thay vì hiểu Lời Chúa là một con người sống động, là chính Đức Giêsu, Ngôi Lời Nhập thể. Kết quả là loài người và vũ trụ không cảm nghiệm được tình yêu cứu độ của Thiên Chúa. Những cuộc xung đột, chiến tranh, khủng bố, bất công, tật bệnh, nghèo đói, thiên tai… đang nói lên việc lãng quên sứ mệnh của người Kitô hữu.

Cũng vì thế nên ta không phát huy được sức mạnh, quyền năng, tình yêu và những ơn lành của Chúa Thánh Thần như hoá bánh ra nhiều, làm chủ thiên nhiên, xua trừ ma quỷ, chữa lành bệnh tật, cho người chết sống lại để làm chứng cho tình yêu cứu độ của Chúa Cha.

Lời kết

Hôm nay, chúng ta hãy nhớ lại sứ mệnh cao cả của mình và “từng hai người” liên kết với nhau để ra đi rao giảng Tin Mừng Nước Trời vì Chúa Giêsu đã chọn và sai chúng ta tiếp tục sứ mệnh cứu độ của Người trong thế giới hôm nay. Amen.

HKK