Người Công giáo ở Ả Rập Saudi: “Khuôn mặt ẩn giấu” của đức tin, giữa Hồi giáo và tự do tôn giáo
Người Công giáo ở Ả Rập Saudi: “Khuôn mặt ẩn giấu” của đức tin, giữa Hồi giáo và tự do tôn giáo
Một triệu người sống đức tin “một cách riêng tư”, một cộng đoàn được hình thành phần lớn từ những người di cư kinh tế. “Ẩn mình khỏi con mắt thế gian”, thường giữ kín tôn giáo mình thuộc về, các Kitô hữu thực hành việc thờ phượng trong nhà, trong các khu nhà nơi họ làm việc hoặc trong các đại sứ quán. Một lãnh thổ không có nhà thờ, vì chỉ có Hồi giáo được phép công khai thực hành đạo, phụ thuộc vào hạt Đại diện Tông toà Bắc Ả Rập, nơi mọi người cầu nguyện, gặp gỡ, và khi có thể, tham dự các cử hành phụng vụ bởi các linh mục tuyên úy phục vụ trong các đại sứ quán. Không có nhiều tin tức hay báo cáo về tình hình thực tế của Giáo hội Công giáo ở Ả Rập Saudi trên các phương tiện truyền thông quốc tế, thường ngay cả ở những nơi được liên kết theo nhiều cách khác nhau với Giáo hội Roma, nhưng cộng đoàn Công giáo vẫn sống động và hiện diện. Và nhờ Internet và phương tiện truyền thông xã hội, các tín hữu đã tìm ra những cách thức mới để cảm thấy mình là một phần của cộng đoàn. Bắt nguồn từ một lãnh thổ, mặc dù là thiểu số, nhưng cộng đoàn không xa lạ với lịch sử và truyền thống, với sức mạnh ngày càng tăng tuyên bố rằng mình thuộc về Giáo hội hoàn vũ, và gần đây, đã được Đức Hồng y Louis Raphael Sako, Thượng phụ Công giáo Canđê ở Iraq nhận xét là “rất ngạc nhiên” về đời sống đạo.
Để biết về lịch sử hiện diện của người Công giáo ở vùng đất này, trang mạng AsiaNews đã gặp một nhân vật ngoại giao, người hiểu rõ vương quốc và thực tế Công giáo. Người này với điều kiện giấu tên đã chia sẻ một số suy tư và thay đổi. Phải giấu tên, bởi vì trong quá khứ, người nào nhận mình là Kitô hữu thì có nguy cơ mất mạng, nhưng ngày nay dưới sự lãnh đạo của Thái tử Mohammed bin Salman, đất nước đang cho thấy những thay đổi tích cực không chỉ ở cấp độ xã hội. Hy vọng là một ngày nào đó, các Kitô hữu có thể quy tụ và cầu nguyện trong một nhà thờ.
Nguồn tin cho biết: “Ngày nay, người Công giáo, đến Bahrain hoặc các khu vực khác của miền Bắc – một lãnh thổ bao gồm Ả Rập Saudi, Kuwait, Bahrain và Qatar – không có chỗ thờ phượng, dâng Thánh lễ. Tuy nhiên, họ có thể theo học giáo lý, lãnh nhận các bí tích và tham dự các lễ nghi, mặc dù phải thực hành một cách kín đáo. Và đó cũng là lý do tại sao có rất ít tin tức từ đất nước này.”
Đức tin và Internet
Nhờ Internet, ngày nay cộng đoàn đã hiện diện trên web và các mạng xã hội để đọc tin tức về Vatican và các hoạt động của Đức Thánh Cha Phanxicô, nhưng các tín hữu rất mong muốn được tham dự Thánh lễ, một đời sống bí tích cởi mở, tự do thờ phượng. Internet cũng là phương tiện để duy trì kết nối các cộng đoàn gốc, từ Ấn Độ đến Libăng, mỗi cộng đoàn theo nguồn gốc của họ vì không còn sự kiểm duyệt như xưa và có thể cử hành hoặc học trực tuyến.
Nguồn tin giải thích: “Internet đã thay đổi cuộc sống của chúng tôi. Trước đây rất khó mang theo các tài liệu thánh thiêng hoặc Kitô giáo, thậm chí cả Kinh Thánh. Bây giờ với điện thoại thông minh, chúng tôi có mọi thứ, các lời cầu nguyện, sách lễ, chúng tôi không phải mang theo bất cứ thứ gì nữa. Một tiến trình, như ở phần còn lại của thế giới, đã tăng tốc với Covid-19, ủng hộ sự phát triển của các kênh Công giáo, Thánh lễ và đào tạo, các cuộc họp qua Zoom, email và phương tiện truyền thông xã hội. Mọi người không còn bị cô lập như trước đây.”
Thực tế, cách đây 20 năm, tại Ả Rập Saudi, việc trao đổi tài liệu gặp nhiều khó khăn, tất cả đều phải qua các đại sứ quán. Và đây là lý do tại sao hôm nay người ta nói về một sự thay đổi tích cực theo hai nghĩa: Một mặt, các nguồn tài nguyên trực tuyến lớn, các linh mục tạo điều kiện thuận lợi cho công việc và cho phép tổ chức các cộng đoàn nhỏ theo linh đạo: Đức Maria, đặc sủng, ngôn ngữ, nghi lễ. Mặt khác, sự thay đổi xã hội đảm bảo tự do lớn hơn và cảm giác bình an trong dân chúng: trước đây mọi người rất lo sợ bị trục xuất, nhưng bây giờ, trong khi vẫn thận trọng và tôn trọng phong tục địa phương, quyền tự do thờ phượng được thể hiện rõ hơn.
Tự do tôn giáo và cải cách
Trong khi vẫn là cái nôi của Hồi giáo Sunni, với hai nơi quan trọng nhất đối với đức tin Hồi giáo, Mecca và Medina, vương quốc ghi nhận một sự thay đổi đáng kể. Trước kia, đối với TV, internet và phương tiện truyền thông xã hội có sự kiểm duyệt cách hệ thống, trong khi bây giờ có nhiều khả năng kết nối với bên ngoài hơn. Điều cũng đã thấy rõ đối với Giáo hội Công giáo qua việc đào tạo thừa tác viên giáo dân và các vị đứng đầu cộng đoàn, và mỗi cuộc họp – riêng tư – là một khoảnh khắc của niềm vui. Tiếp đến, chủ đề thánh giá, từng nhạy cảm đến mức ngay cả áo thi đấu của Real Madrid trên đó có một cây thánh giá nhỏ, hoặc của Barcelona, đã bị xóa hoặc chỉ giữ lại thanh ngang hoặc dọc, nhưng bây giờ điều này không còn là vấn đề nữa. Mọi sự đã thay đổi rất nhiều. Điều chứng minh rõ ràng nhất là khi Đức Hồng y Louis Raphael Sako hoặc Đức Thượng phụ Beshara Raï của Giáo hội Công giáo Maronite, đến thăm đất nước và đeo biểu tượng Kitô giáo không gặp trở ngại nào.
Những thay đổi cũng đã ảnh hưởng đến lĩnh vực xã hội, với sự giảm dần ảnh hưởng của cảnh sát tôn giáo và các tình nguyện viên đạo đức, những người đã từng đe doạ mọi người, ngay cả chính người Ả Rập Saudi. Một người nam không thể hẹn một phụ nữ không phải là vợ hay em gái của mình, thanh niên và thiếu nữ không thể nói chuyện, nhưng bây giờ tất cả đã kết thúc. Ngay cả một số biểu tượng hoặc lễ hội liên quan đến Kitô giáo như cây thông Noel hoặc Ngày lễ tình nhân cũng không còn bị cấm, nhưng việc trưng bày luôn phải được thực hiện dè dặt và được liên kết với các vùng lãnh thổ khác nhau, ít hay nhiều bảo thủ. Cuối cùng, có một xu hướng cởi mở hơn giữa các nhà chức trách khi mời các nhà lãnh đạo tôn giáo Kitô giáo như một cử chỉ thiện chí, tạo điều kiện cho chuyến viếng thăm gần đây của Thượng phụ Công giáo Canđê và Thượng phụ Công giáo Maronite.
Người di cư và Giáo hội địa phương
Các sự kiện liên quan đến Hajj, cuộc hành hương lớn nhất đến Mecca gần đây, với hơn 1300 nạn nhân, trong số họ phần lớn là người nhập cư bất hợp pháp và người di cư nước ngoài, đã thu hút sự chú ý trở lại đối với nhóm dân không phải người Ả Rập Saudi sống trong vương quốc. Nguồn tin phản ánh: “Một thực tế có lẽ ít được nói đến, nhưng rất giống với Qatar và Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất. Có nhiều cấp độ khác nhau và một cấu trúc tương tự như thang bậc phân cấp, đứng đầu là người Mỹ, tiếp đến người Anh và châu Âu, người Úc, sau đó là người Philippines và người Ấn Độ. Thứ hạng thấp nhất là người Ethiopia, Bangladesh và Pakistan. Hiện nay chúng tôi có các cộng đoàn châu Phi mà cách đây 10 năm không có, và điều này có nghĩa là có sự cởi mở hơn đối với họ.”
Thăng tiến cho những người đến, trước hết là các dự án lớn được quảng bá như một phần của Tầm nhìn 2030, bắt đầu với Neom, thành phố tương lai. Thực tế, các khoản đầu tư này đang bị giảm đáng kể, điều này đang đẩy hàng ngàn người di cư ra đi, mặc dù nhiều người khác vẫn tiếp tục đến. Thêm vào đó là kế hoạch trọng dụng người bản xứ cho thị trường lao động, tương tự như các thực tế khác ở vùng Vịnh, nhằm mục đích đào tạo và thuê nhân viên địa phương và đã cung cấp tối thiểu 20% cho người Saudi.
Một chính sách cũng được phản ánh nơi những người di cư Kitô giáo ở Ả Rập Saudi để làm việc và điều đó cũng đòi hỏi phải xem lại các kế hoạch của Giáo hội trong công việc – cách âm thầm và kín đáo – hỗ trợ cộng đoàn địa phương. Thực tế, sau những cải cách kinh tế và xã hội, trình độ tôn giáo vẫn còn thiếu điều kiện để phát triển, nhưng sự hiện diện và các chính sách được thực hiện bởi Vua bin Salman trong những năm gần đây nuôi dưỡng một hy vọng, ngay cả khi người ta đã có thể nói về một sự thay đổi mang tính thời đại so với vài thập kỷ trước. Một sự thay đổi cũng được chứng kiến bởi Đức cha Aldo Berardi, Đại diện Tông toà Bắc Ả Rập trong hơn một năm, và là người đầu tiên đến thăm Vương quốc Ả Rập Saudi vào năm 2023, một giai đoạn trong đó các cuộc tấn công chống lại người nước ngoài vẫn đang được ghi nhận. Ngày nay, các cộng đoàn Công giáo tập trung vào Thánh Thể và sùng kính Đức Mẹ, trước hết yêu cầu có thể lãnh nhận các bí tích, vun trồng đời sống thiêng liêng; sau đó là giáo lý và đào tạo liên tục; cuối cùng, nhiệm vụ phát triển sự hiệp thông với Giáo hội địa phương (hạt đại diện) và hoàn vũ, vượt qua cảm giác cô lập vốn rõ ràng hơn nhiều trong quá khứ, bằng cách tham gia vào nỗ lực của Thượng Hội đồng.
Nguồn tin cho biết, mối liên kết với Giáo hội hoàn vũ là rất quan trọng “để không cảm thấy bị cô lập”, nhưng thêm vào đó là “ý thức mạnh mẽ về sự hiệp nhất” với Đức Thánh Cha và giám mục địa phương. Với viễn cảnh này Năm Thánh Areta phù hợp để chứng tỏ rằng “có một lịch sử lâu dài về sự hiện diện âm thầm trong khu vực, các tín hữu không chỉ là những người di cư và tạm thời đi qua” nhưng cũng được thể hiện bởi 75 năm của nhà thờ đầu tiên ở Kuwait hoặc trường Công giáo đầu tiên ở Bahrain.
Nguồn tin kết luận: “Người Công giáo là một phần của một Giáo hội đích thực và địa phương, của một dân tộc được đổi mới trong sự hiệp thông với giám mục, với hạt đại diện và với Giáo hội hoàn vũ.”