21/01/2025

Từ mộ Thánh Phêrô đến Đền thờ Thánh Phêrô

Từ mộ Thánh Phêrô đến Đền thờ Thánh Phêrô

Trọng tâm của Giáo hội Công giáo tập trung vào phần mộ Thánh Phêrô, nơi ngay sau khi vị Tông đồ cả qua đời đã thu hút khách hành hương và tín hữu. Theo thời gian, ký ức về Thánh nhân đã trở thành trọng tâm thu hút của Đền thờ, nơi với cuộc nghiên cứu khảo cổ do Đức Giáo hoàng Piô XII và sau đó là Thánh Giáo hoàng Phaolô VI mong muốn, đã trở thành một sự hiển nhiên cụ thể.

2020.06.16 Tomba di Pietro art 2

Qua Vatican News, Giáo sư Viện Khảo cổ Kitô của Toà Thánh Vincenzo Fiocchi Nicolai ôn lại những sự kiện của những khám phá này, một trong những sự kiện nổi bật nhất trong lịch sử khảo cổ học. Nhân vật chính của cuộc khám phá này là bà Marguerita Guarducci, giáo sư khảo cổ chuyên đọc các chữ vạch trên tường.

Từ đỉnh mái vòm của Michelangelo, một sợi dây vô hình đi thẳng xuống và xuyên qua ánh sáng, chìm trong bóng tối dưới lòng đất, bao trùm hàng thế kỷ lịch sử và các giai đoạn xây dựng. Ở phía dưới, trên nền đất trống là nơi có hài cốt Thánh Phêrô, cách không xa nơi Thánh nhân chịu tử đạo trong khu vực giải trí của Nero. Thánh Phêrô được chôn cất tại nghĩa trang Ager Vaticanus giữa nhiều người vô danh và nghèo khổ như ngài. Không có dấu hiệu nào được lưu giữ trong kho lưu trữ của Đế quốc La Mã liên quan đến tội nhân người Galilê tầm thường này. Tuy nhiên, ký ức thì mạnh mẽ hơn, các Kitô hữu đã giữ dấu vết của địa điểm cực kỳ linh thiêng này, một địa điểm hành hương từ gần hai thiên niên kỷ qua.

Qua nhiều thế kỷ, xung quanh phần mộ, một ngôi thánh đường được hình thành. Đây là trường hợp duy nhất trong thế giới Kitô giáo: thánh đường được xây dựng trực tiếp trên mộ của vị tử đạo, và trong trường hợp này là Thánh Phêrô, Giám mục tiên khởi của Giáo hội Roma.

Ngôi mộ Thánh Phêrô là một câu chuyện phức tạp. Theo thời gian, ký ức trở thành niềm xác tín, cho đến năm 1939,  Đức Giáo hoàng Piô XII đã quyết định tiến hành các cuộc khảo cổ, mặc dù điều kiện khách quan không thuận tiện.

Tìm được mộ phần của Thánh Phêrô

Trong sứ điệp phát thanh ngày 23/12/1950, dịp bế mạc Năm Thánh, khi công bố mộ Thánh Phêrô đã được tìm thấy, Đức Giáo hoàng Piô XII nói: “Nhưng câu hỏi thiết yếu là: Mộ của Thánh Phêrô có thực sự được tìm thấy không? Kết luận cuối cùng của công việc và nghiên cứu trả lời câu hỏi này rất rõ ràng là ‘có’. Mộ của Hoàng tử các Tông đồ đã được tìm thấy.”

Giáo sư Vincenzo Fiocchi Nicolai cho biết về sự kiện quan trọng này: “Sự hiện diện của mộ Thánh Phêrô được chứng minh dựa trên nhiều yếu tố. Bởi vì ngay bên dưới bàn thờ của cuối thế kỷ XVI, người ta đã tìm thấy: ngoài một bàn thờ thời trung cổ, có quan tài bằng cẩm thạch rất đẹp do Constantine thực hiện để chỉ ra rằng có một ngôi mộ được tìm thấy bên dưới. Ngôi mộ này giống với những ngôi mộ khác có niên đại từ những thập kỷ cuối của thế kỷ I và bắt đầu thế kỷ thứ II sau Công Nguyên. Trên cơ sở này và những yếu tố khác, như những nét vẽ trên tường chứng thực đây là mộ phần của vị Tông đồ.”

Khám thờ của Gaio

Trong hoạt động khai quật này, giáo sư Fiocchi Nicolai cũng đề cập đến một khám thờ của Gaio. Đó là một công trình kiến trúc nhỏ dưới hình thức một nhà nguyện nhỏ, với các hàng cột, trong đó chứa hài cốt của Thánh Phêrô. Theo giáo sư, những khám thờ này là những yếu tố mang tính khải hoàn và chiến thắng đánh dấu ngôi mộ vị Tông đồ tử đạo. Vì thế có thể xác định niên đại của công trình này dựa trên đoạn văn của Eusebio đặt Gaio vào thời của Giáo hoàng Zefirino, khoảng thời gian từ năm 198 đến 217. Trên cơ sở khảo cổ học, toà nhà này đã hiện diện trong thời điểm đó, và có thể xác định niên đại của nó vào khoảng những năm 60 của thế kỷ thứ II. Chắc chắn đây chính là nơi đánh dấu ngôi mộ.

Những nét vẽ trên tường xác thực “Phêrô ở đây”

Cũng trong sứ điệp phát thanh ngày 23/12/1950, sau khi công bố mộ Thánh Phêrô đã được tìm thấy, Đức Giáo hoàng Piô XII tiếp tục giải thích rằng không thể khẳng định các xương được tìm thấy cùng với nhiều xương khác ở nghĩa địa của thế kỷ thứ nhất này thuộc về Thánh Phêrô.

Từ đó bắt đầu một trong những sự kiện thu hút mọi người nhất trong lịch sử khảo cổ học và nhân vật chính là một phụ nữ, sinh vào đầu thế kỷ XX, một nhà khảo cổ học Margherita Guarducci.

Là một chuyên gia về các dòng chữ do bàn tay con người tạo ra, bà Margherita Guarducci đã nghiên cứu nhiều câu khắc được tìm thấy trên các bức tường của khám thờ Gaio Khải hoàn, có niên đại từ năm 160. Theo bà, những nét vẽ trên tường rất quan trọng vì chúng thể hiện lòng mộ đạo của các tín hữu tiên khởi khi đến đây để tôn vinh ký ức về vị Giáo hoàng tiên khởi.

Giáo sư Guarducci giải thích trên những hình vẽ trên tường màu đỏ có thể thấy những mảnh với các câu khắc khác nhau, trong số đó có “Petros eni”, trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là “Phêrô ở đây” hoặc “Phêrô yên nghỉ”.

Tìm được hài cốt của Thánh Phêrô

Trong quá trình khai quật, gần dòng chữ này các chuyên gia tìm được một chiếc hộp bằng đá porphyry được trang trí quý giá, được đặt vào một cái lỗ đào trên bức tường của khám thờ Gaio, nhưng bên trong không có gì.

Bà Margherita Guarducci tiến hành một cuộc điều tra bí mật và đã thu hồi được những mảnh xương qua lời khai của một trong những người đã tham gia vào cuộc khai quật trong những năm đầu tiên khám phá. Người này cho biết trong quá trình dọn dẹp, có một hộp gỗ trong đó có những mảnh xương đã được lấy đi nhưng những nhà khảo cổ không biết. Những mảnh xương này được xác định là của một người đàn ông có độ tuổi từ 60 đến 70, sống và làm việc ngoài trời nhiều, với chứng bệnh khớp.

Công bố tin vui

Trong buổi tiếp kiến chung ngày 26/6/1968, Thánh Giáo hoàng Phaolô VI nhắc lại các cuộc thẩm tra và nghiên cứu trước đó đồng thời nhấn mạnh rằng “việc nghiên cứu, xác minh và thảo luận sẽ không kết thúc với điều này”, đã công bố “tin vui”: “Chúng ta càng phải vui mừng hơn vì chúng ta có lý do để tin rằng chúng ta đã tìm thấy tung tích phàm trần nhỏ bé nhưng rất thánh của Hoàng tử các Tông đồ, của Simon con ông Giôna, của người đánh cá được Chúa Kitô gọi là Phêrô, của người đã được Chúa Chúa Kitô chọn là nền móng của Giáo hội, người được Chúa giao phó chìa khoá Vương quốc Người, với sứ vụ chăn dắt và hiệp nhất đàn chiên Người, nhân loại được cứu chuộc, cho đến ngày Người trở lại vinh hiển.”

Từ các thánh tích được đặt trong phần mộ dưới Đền thờ Thánh Phêrô, Thánh Giáo hoàng Phaolô VI đã lấy 9 mảnh để đặt trong nhà nguyện trong căn hộ Giáo hoàng ở Dinh Tông Toà. Trong Thánh lễ bế mạc Năm Đức Tin vào ngày 24/11/2013, theo ý muốn của Đức Thánh Cha Phanxicô, tại sân Đền thờ Thánh Phêrô hộp thánh tích này được mở ra và đặt bên cạnh bàn thờ.

Thánh tích được trao tặng, một biểu tượng hiệp nhất

Ngày 29/6/2019, khi phái đoàn của Toà Thượng phụ Bartolomaios của Giáo hội Chính thống Constantinople đến thăm Vatican, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tặng các mảnh xương Thánh Phêrô cho Đức Thượng phụ. Trong thư gửi đến vị lãnh đạo Giáo hội Chính thống này, Đức Thánh Cha viết:  “Các xương được tìm thấy dưới đền thờ Vatican được xem là xương của Thánh Phêrô. Tôi muốn tặng cho ngài và cho Giáo hội Constantinople mà ngài tận tâm lãnh đạo, chính cái hộp có chứa 9 mảnh xương của thánh Tông đồ này.”

Giải thích cho cử chỉ này, Đức Thánh Cha nói khi ngài suy tư về quyết định chung tiến tới sự hiệp thông trọn vẹn của Giáo hội, ngài nhớ đến món quà mà Đức Thượng phụ Athenagoras đã tặng cho Thánh Phaolô VI. Đó là bức vẽ hai Thánh Phêrô và Anrê đang ôm nhau, liên kết trong đức tin và tình yêu của Chúa của các ngài. Đức Thánh Cha cảm thấy thật là ý nghĩa khi vài mảnh thánh tích của Thánh Phêrô được đặt bên cạnh thánh tích của Thánh Anrê, thánh bổn mạng của Giáo hội Chính thống Constantinople.

Cử chỉ được Chúa Thánh Thần soi sáng, được Đức Thánh Cha xem như là lời khẳng định về hành trình mà các Giáo hội cùng đi với nhau, trong một phúc lành, trong cầu nguyện chung, để tiến đến gần nhau hơn, để phục vụ cho một gia đình nhân loại mà ngày nay đang muốn xây dựng một tương lai không có Thiên Chúa.

Một sợi chỉ không bị đứt đoạn

Khảo cổ học là một ngành khoa học dựa trên những bằng chứng rõ ràng, nhưng chính những suy luận thường có khả năng tái tạo lịch sử. Trong trường hợp của phần mộ và xương của Thánh Phêrô, những yếu tố hội tụ xung quanh khu vực bàn thờ tuyên xưng đức tin tái khôi phục một bức tranh sự thật, bởi vì ngoài những dấu vết xác định được, điều quyết định là đức tin. Đức tin được phân tầng qua nhiều thế kỷ của hàng ngàn tín hữu hành hương, các Giáo hoàng và các thánh, những người đã cùng nhau dệt nên sợi dây ký ức và không bị đứt đoạn.

Kể từ những năm 1980, mọi người đã có thể tiếp cận các cuộc khai quật của Đền thờ Thánh Phêrô, mang đến cho các tín hữu một cuộc hành hương thực sự ngày càng gần với thời tiên khởi của Giáo hội.

Vatican News
Nguồn: https://www.vaticannews.va/vi/vatican-city/news/2024-06/tu-mo-thanh-phero-den-den-tho-thanh-phero.html