22/12/2024

Khai mạc Hội nghị về Công đồng Thượng Hải 1924 tại Macao

Khai mạc Hội nghị về Công đồng Thượng Hải 1924 tại Macao

Ngày 27/6, tại Đại học Thánh Giuse ở Macao hội nghị chuyên đề quốc tế về lịch sử và ý nghĩa của Công đồng Thượng Hải 1924 đã được khai mạc. Đây là một trong những sự kiện ý nghĩa nhất trong những cử hành dịp kỷ niệm 100 năm sự kiện rất quan trọng đối với lịch sử của Giáo hội tại Trung Quốc.

2024.05.22 Il cardinale Tagle al convegno all'Urbaniana sul primo Concilium Sinense (foto di Teresa Tseng Kuang Yi)

Hội nghị này, theo sau các hội nghị cùng chủ đề cách đây mấy tuần được tổ chức ở Roma và Milan, sẽ diễn ra cho đến thứ Bảy ngày 29/6, với sự hiện diện của 100 học giả Công giáo đa số đến từ Trung Quốc đại lục, nhưng cũng có một số đến từ Đài Loan và Hong Kong và cả Macao.

Một số tham dự viên không phải là người Trung Quốc nhưng đều là những học giả truyền giáo lâu năm, đã cống hiến cả cuộc đời cho Trung Quốc. Ngoài ra còn có sự hiện diện của hai vị ngoại giao Toà Thánh tại Hồng Kông.

Hội nghị chuyên đề mang tính hàn lâm, với các báo cáo chi tiết tập trung vào các khía cạnh cụ thể về lịch sử của Công đồng Thượng Hải và con đường của Giáo hội tại Trung Quốc trong những năm tiếp theo. Nội dung về cơ bản là Giáo hội và truyền giáo.

Buổi khai mạc được bắt đầu bằng sứ điệp video của Đức Hồng y Luis Antonio Tagle, Trưởng phân bộ thứ hai của Bộ Loan báo Tin Mừng. Sau đó, Đức Tổng Giám mục Hàn Đại Huy (Hon Tai Fai), gốc Hong Kong, Sứ thần Toà Thánh tại Malta nói về mẫu gương của Đức Hồng y Celso Costantini, Sứ thần Toà Thánh đầu tiên tại Trung Quốc (1876-1958) trong việc đưa ra cho Giáo hội tại đây cách “học lắng nghe văn hoá địa phương”.

Trích lại một số câu trong hồi ký của ngài – bắt đầu từ khẩu hiệu “Trung Quốc vì người Trung Quốc và người Trung Quốc vì Chúa Kitô” – Đức Tổng Giám mục đã lấy lại trực giác ngôn sứ của nhà ngoại giao Vatican, bắt đầu từ mong muốn chữa lành vết thương. Ngài nhắc lại rằng vào năm 1923, Đức Hồng y đã khích lệ không yêu cầu bồi thường cho máu của các nhà truyền giáo bị dân quân và kẻ cướp giết chết.

Ngài giải thích: “Trước các mối đe doạ tấn công, các nhà truyền giáo không cần sự bảo hộ, nhưng cần sự thận trọng, tin tưởng vào Chúa và thậm chí sẵn sàng đối diện với cái chết có thể xảy ra của những người mục tử vì đàn chiên.”

Đức Tổng Giám mục cũng nhắc lại ưu tiên mà Đức Hồng y dành cho Công đồng Trung Quốc: truyền bá Tin Mừng và thành lập Giáo hội do các giáo sĩ địa phương điều hành, thích phương pháp gieo hạt hơn là trồng cây từ châu Âu, với lời mời các nhà truyền giáo nước ngoài “nghiêm túc học hỏi và đánh giá cao ngôn ngữ và văn hoá địa phương”, thăng tiến các giáo sĩ địa phương trong đào tạo, chức vụ và phẩm giá, áp dụng kiến trúc Trung Quốc, âm nhạc địa phương, nghệ thuật, trang phục Trung Quốc cho các giáo sĩ.

Vatican News

Nguồn: https://www.vaticannews.va/vi/church/news/2024-06/khai-mac-hoi-nghi-cong-dong-thuong-hai-1924-macao.html