02/11/2024

Các vụ hành quyết trên toàn cầu tăng lên mức cao nhất trong 8 năm

Các vụ hành quyết trên toàn cầu tăng lên mức cao nhất trong 8 năm

Báo cáo thường niên mới nhất của Tổ chức Ân xá Quốc tế về Án tử hình, công bố vào ngày 29/5/2024, đã cho thấy sự gia tăng đáng kinh ngạc về số vụ hành quyết trên toàn cầu. Trên thực tế, theo báo cáo, vào năm 2023, 1153 người bị xử tử hình ở 16 quốc gia trên toàn cầu – tăng 30% kể từ năm 2022.

Người biểu tình tuần hành phản đối án tử hình ở Hoa Kỳ (năm 2021)

Người biểu tình tuần hành phản đối án tử hình ở Hoa Kỳ (năm 2021)  (2021 Getty Images)

Khi thế giới tiến bộ trong lĩnh vực công nghệ và y học, nhân quyền tiếp tục bị tụt lại phía sau. Giữa chiến tranh, thảm hoạ khí hậu và sự thờ ơ, hình phạt tử hình luôn được coi là một hình thức trừng phạt khả thi ở rất nhiều quốc gia trên toàn cầu, hoàn toàn coi thường mạng sống con người cũng như ý tưởng hoàn lương, thay đổi và tha thứ.

Trung Đông

Theo Tổ chức Ân xá Quốc tế, số án tử hình gia tăng đáng báo động vào năm 2023 chủ yếu đến từ các quốc gia Trung Đông, trong đó Iran và Ả Rập Saudi dẫn đầu. Chỉ riêng Iran đã có 74% số vụ hành quyết này, chủ yếu là các tội liên quan đến ma túy, trong khi Ả Rập Saudi chiếm 15%.

Á Châu

Triều Tiên đã công bố luật mới trong đó có hình phạt tử hình đối với những người không sử dụng ngôn ngữ bản địa. Trong khi đó, chính quyền quân sự ở Myanmar tiếp tục áp dụng các bản án tử hình tại các toà án do quân đội kiểm soát, “theo các thủ tục tố tụng bí mật và hết sức bất công”.

Tổng thư ký Tổ chức Ân xá Quốc tế, bà Agnès Callamard, lên án các chính quyền coi thường mạng sống con người. Bà nói: “Một thiểu số nhỏ các quốc gia nhất quyết sử dụng nó phải di chuyển theo thời đại và bãi bỏ hình phạt này một lần và mãi mãi”, đồng thời cho biết thêm rằng hình phạt tử hình sẽ một lần nữa được xem xét kỹ lưỡng tại Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc năm nay. Tổ chức Ân xá Quốc tế kêu gọi tất cả các chính phủ theo lời kêu gọi của Liên Hợp Quốc chấm dứt việc sử dụng hình phạt tử hình, thể hiện sự dấn thân đối với nhân quyền.”

Những bước tiến tích cực

Tuy nhiên cũng có những bước tiến tích cực đã được nhìn thấy ở các khu vực khác như ở Pakistan, nơi hình phạt tử hình đối với tội phạm ma túy đã được bãi bỏ và ở Malaysia, nơi hình phạt tử hình bắt buộc đã được bãi bỏ.

Tính đến ngày 30/5/2024, 112 quốc gia đã bãi bỏ hoàn toàn và tổng cộng 144 quốc gia đã bãi bỏ hình phạt tử hình trong luật pháp hoặc thực tiễn.

Giáo hội Công giáo

Một trong những tổ chức ủng hộ lớn nhất thế giới đối với việc bãi bỏ án tử hình là Giáo hội Công giáo. Năm 1999, trong bài giảng Thánh lễ ở St Louis, Missouri, Hoa Kỳ, Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã nói: “Dấu hiệu của niềm hy vọng là sự nhìn nhận ngày càng tăng rằng phẩm giá của sự sống con người không bao giờ bị tước đoạt, ngay cả trong trường hợp một người đã làm điều ác nghiêm trọng. Tôi nhắc lại lời kêu gọi mà tôi đã đưa ra để đạt được sự đồng thuận nhằm chấm dứt án tử hình,một điều vừa tàn nhẫn vừa không cần thiết.”

Vào năm 2018, dưới triều Đức Thánh Cha Phanxicô, Sách Giáo lý của Giáo hội Công giáo đã được sửa đổi để đọc rằng “dưới ánh sáng Tin Mừng”, án tử hình là “không thể chấp nhận được vì nó là sự tấn công vào tính bất khả xâm phạm và phẩm giá của con người” và rằng Giáo hội Công giáo “làm việc với quyết tâm xoá bỏ nó trên toàn thế giới”.

Vào tháng 9 năm 2022, Đức Thánh Cha Phanxicô đã dành ý cầu nguyện toàn cầu hằng tháng cho việc chấm dứt hình phạt tử hình. Trong video ý cầu nguyện, Đức Thánh Cha nhắc lại những gì ngài đã nói nhiều lần trước đây: “Hình phạt tử hình không mang lại công lý cho các nạn nhân, mà chỉ khuyến khích sự trả thù. Và nó ngăn chặn bất kỳ khả năng nào có thể cứu vãn được một vụ xét xử sai lầm có thể xảy ra.” (Vatican News 30/05/2024)

Vatican News
Nguồn: https://www.vaticannews.va/vi/world/news/2024-06/so-vu-hanh-quyet-tren-toan-cau-tang-cao-nhat-trong-8-nam.html