19/09/2024

Chúa Nhật 26.05.2024
Nhân Danh Cha Và Con Và Thánh Thần

LỄ CHÚA BA NGÔI – Lễ trọng

Đnl 4,32-34.39-40 • Tv 32,4-5.6 và 9.18-19.20 và 22 (Đ. c.12b) • Rm 8,14-17 • Mt 28,16-20

Tin Mừng và Lời Chúa ngày 30 tháng năm 2021 - Vatican News

Lời Chúa
✠ Bài trích Phúc Âm theo thánh Mát-thêu

16 Khi ấy, mười một môn đệ đi tới miền Ga-li-lê, đến ngọn núi Đức Giê-su đã truyền cho các ông đến. 17 Khi thấy Người, các ông bái lạy, nhưng có mấy ông lại hoài nghi. 18 Đức Giê-su đến gần, nói với các ông: “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. 19 Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, và Chúa Con và Chúa Thánh Thần, 20 dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.”

(Bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ)

Suy niệm
Nhân Danh Cha Và Con Và Thánh Thần

Thường ngày, chúng ta làm Dấu Thánh Giá rất nhiều lần. Dấu Thánh Giá bao trùm toàn thể xác và linh hồn ta; tất cả con người ta được thánh hiến nhân danh Một Chúa Ba Ngôi. Vì thế, Dấu Thánh Giá gói ghém lời tuyên xưng đức tin và là hành động Đức Tin, Đức Cậy và Đức Mến.

  • Hành động Đức Tin

Dấu Thánh Giá tóm lược Ba Mầu Nhiệm Cả trọng Đạo Công giáo

1. Chúng ta vẽ Dấu Thánh Giá trên mình, vì Chúa Giêsu đã mặc lấy thân xác người phàm đến để cứu chuộc ta. Đây là mầu nhiệm Nhập Thể.

2. Dấu Thánh Giá nhắc lại rằng Đức Giêsu, Con Thiên Chúa, đã chết trên Thánh Giá để cứu chuộc chúng ta. Đây là mầu nhiệm Cứu Chuộc.

3. Dấu mà chúng ta vẽ trên mình kèm theo lời đọc: “Nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần”. Chúng ta khẳng định mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi.

  • Hành động của Đức Cậy

Niềm hy vọng của chúng ta là về Trời như các thánh đã ái mộ những sự trên Trời. Chính vì Đức Giêsu đã đến trần gian để cứu độ chúng ta, nên chúng ta có thể về Trời. Khi vẽ trên mình Dấu Thánh Giá, chúng ta nhớ đến cái chết của Chúa Giêsu trên Thánh Giá để cứu chúng ta, Ngài đã mở cửa Trời cho chúng ta.

  • Hành động Đức Mến

Thánh Giá gồm hai thanh gỗ ngang và dọc. Thanh dọc trình bày tình yêu của chúng ta đối với Thiên Chúa, thanh ngang diễn tả tình yêu của chúng ta đối với “tha nhân”. Khi được đưa lên khỏi đất, thanh dọc của cây Thánh Giá đỡ lấy thanh ngang: ngụ ý nối rằng tình yêu của chúng ta đối với tha nhân được “nâng đỡ” bởi tình yêu Thiên Chúa. Nếu thanh dọc của cây Thánh Giá thiếu (tình yêu Thiên Chúa), thanh ngang bị bỏ nằm trên đất, không thể đưa lên khỏi đất. Ý muốn nói, trong hành động của đức ái: “yêu tha nhân là yêu chính Chúa”. Nhưng nếu có thanh dọc mà không có thanh ngang (yêu tha nhân), hỏi rằng có còn là cây Thánh Giá nữa hay không?

Hai điều cần thiết: “là mến Chúa và yêu người”. Ước gì khi cử hành Lễ Chúa Ba Ngôi, chúng ta không ngừng kính mến Thiên Chúa và yêu thương tha nhân. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

Nguồn: Sống Lời Chúa – Bayard Việt Nam