25/12/2024

Hướng tới Ngày Thế giới trẻ em lần thứ nhất (25 & 26/5/2024)

Hướng tới Ngày Thế giới trẻ em lần thứ nhất (25 & 26/5/2024)

Một lần nữa, Đức Thánh Cha Phanxicô làm phong phú đời sống Giáo hội, qua một sáng kiến đến hơi bất ngờ, nhưng ngay lập tức đã đem lại sự quan tâm và vui mừng của nhiều người, đặc biệt là các thiếu nhi. Ngày 08/12/2023, Đức Thánh Cha công bố thiết lập Ngày Thế giới Trẻ em và được tổ chức lần đầu tiên tại Roma trong hai ngày 25 và 26/5/2024.

2024.05.11 Tavolo sui bambini

Ý tưởng Ngày Thế giới Trẻ em nảy sinh vào ngày 06/11/2023, khi Đức Thánh Cha gặp 8.000 thiếu nhi tại Đại Thính đường Phaolô VI. Sau đó vào ngày lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, ngài đã công bố thiết lập ngày này, để làm cho cuộc gặp gỡ giữa Đức Giáo hoàng và các thiếu nhi trở thành một sự kiện thường xuyên. Ngày này sẽ là cơ hội để nhiều trẻ em trên thế giới trải nghiệm khoảnh khắc tuyệt vời khi tham dự các cử hành và cầu nguyện cùng với Đức Thánh Cha.

Một đề xuất bất ngờ

Đề xuất Ngày này đến hơi bất ngờ, nhưng giống như một em bé vào một ngôi nhà, ngay lập tức tạo bầu khí vui tươi. Ý tưởng cho ngày này là quy tụ các trẻ em ở khắp nơi trên thế giới, trong hai ngày lễ hội và cầu nguyện xung quanh Chúa Giêsu và cùng với Đức Thánh Cha. “Giáo hội của những người bé nhỏ”, những người được Chúa yêu thương rất nhiều, giờ đây chuẩn bị được ôm lấy nhau trong một vòng tay tượng trưng duy nhất trong thành của các Thánh Tông đồ.

Sứ điệp

Nhân dịp này, vào ngày 02/3 vừa qua, Đức Thánh Cha đã gửi sứ điệp cho các thiếu nhi, trong đó Đức Thánh Cha nói rằng ngài muốn đặt tên cho Ngày này bằng một câu trong Sách Khải Huyền “Này đây Ta đổi mới mọi sự” (Kh 21,5).

Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng ngài muốn nói với “từng” em bởi vì mỗi người đều quý giá đối với Thiên Chúa. Đồng thời ngài ngỏ lời với “tất cả” các em, bởi vì “mọi trẻ em, ở khắp mọi nơi, đều là dấu chỉ của ước muốn phát triển và đổi mới chính mình”.

Viết cho trẻ em nhưng cũng hướng đến người lớn

Đó là một sứ điệp tràn đầy hy vọng và hướng tới tương lai, được viết cho trẻ em nhưng lại nói với thế giới người lớn. Đức Thánh Cha nói rõ rằng: Ngày này là cơ hội để sống một trải nghiệm về niềm vui Tin Mừng và đưa ra một lời mời gọi rõ ràng đối với thế giới của chúng ta ngày nay: bắt đầu từ những trẻ nhỏ, hãy tự hỏi chúng ta muốn để lại thế giới cho các em như thế nào, hãy để mình được lan toả bởi đức tin đơn sơ và ngay lập tức của các em vào Chúa Giêsu, Đấng Cứu Độ, Đấng mời gọi chúng ta sống như những anh chị em trên trái đất này.

Vì lý do này, Đức Thánh Cha nhắc lại trong sứ điệp về tầm quan trọng của việc lắng nghe nhau giữa các thế hệ. Ngài mời gọi trẻ em lắng nghe người lớn và những câu chuyện của họ, nhưng đồng thời mời gọi “không quên các em nhỏ đang phải chiến đấu với bệnh tật và khó khăn, trong bệnh viện hay ở nhà, những trẻ em là nạn nhân của chiến tranh và bạo lực, những trẻ em phải chịu đói khát, những trẻ em sống trên đường phố, những trẻ em bị buộc phải đi lính hoặc phải chạy trốn như những người tị nạn, bị tách khỏi cha mẹ, những trẻ em không thể đến trường, và những trẻ em là nạn nhân của các băng nhóm tội phạm, ma tuý hoặc các hình thức nô lệ, lạm dụng khác. Tóm lại, tất cả trẻ em có tuổi thơ đang bị đánh cắp một cách tàn nhẫn”.

Chúng ta biết tình hình thế giới hiện nay rất mong manh. “Chiến tranh thế giới thứ ba từng phần”, cuộc khủng hoảng khí hậu, những bất công xã hội mạnh mẽ, thảm trạng của những dân tộc phải di cư, là những dấu hiệu rõ ràng nhất về một thế giới đau khổ. Ngày này, khi nhìn trẻ em, chúng ta tìm lại phần đẹp nhất của nhân loại và biết cách phát triển một nền văn hoá chăm sóc anh chị em và hoà bình, biết cách vượt qua hận thù và có cái nhìn đức tin về cuộc sống và thế giới.

Như thế, sứ điệp của Đức Thánh Cha gửi đến các trẻ em là một lời mời gọi, bắt đầu từ các em, có thể liên quan đến mọi người nỗ lực hết mình cho sự đổi mới thực sự. Trẻ em không đơn độc trong việc này, và Đức Thánh Cha mời gọi tái khám phá sức mạnh của việc cùng bước đi với Chúa Giêsu: “Các con yêu mến, để đổi mới chính mình và thế giới thì việc chúng ta hiệp nhất với nhau thôi vẫn chưa đủ, mà trên hết, chúng ta cần phải luôn hiệp nhất với Chúa Giêsu, Đấng mà từ nơi Người, chúng ta nhận được sức mạnh của lòng can đảm: Chúa Giêsu luôn ở gần chúng ta, Thánh Thần của Người đi trước chúng ta và đồng hành với chúng ta trên mọi nẻo đường thế giới.”

Sự hiện diện của các trẻ em sống trong các hoàn cảnh khác nhau

Nhân dịp này, cũng nhờ sự đóng góp của các hành lang nhân đạo của Cộng đoàn Thánh Egidio, trẻ em từ các vùng chiến sự trên khắp thế giới sẽ có mặt: Ucraina, Eritrea, Gaza. Sự hiện diện của các em này sẽ là một dấu hiệu hữu hình cho mọi người rằng mỗi trẻ em đều có quyền có một tương lai hòa bình và có một nhân loại trưởng thành chăm sóc các em. Một lần nữa, chúng ta sẽ cầu nguyện trước hết cho thế giới để chấm dứt chiến tranh và bất công, làm mọi điều có thể để không nhìn vào lợi ích của chính chúng ta nhưng là lợi ích của các thế hệ tiếp theo. Và bắt đầu từ những gì mọi người có thể làm được.

Ở điểm này, trong sứ điệp gửi các em, Đức Thánh Cha đã viết: “Với Chúa Giêsu, chúng ta có thể mơ về một gia đình nhân loại mới và dấn thân xây dựng một xã hội huynh đệ hơn, lưu tâm hơn đến ngôi nhà chung của chúng ta, bắt đầu từ những điều đơn giản, chẳng hạn như nói lời chào hỏi người khác, cũng như lời xin phép, lời xin lỗi, và lời cảm ơn. Thế giới được phát triển và biến đổi trước hết khởi đi từ những điều nhỏ bé, nên đừng xấu hổ khi chỉ thực hiện những bước nhỏ, từng chút một.” Đó là lý luận của men mà Chúa nói đến trong Tin Mừng, làm dậy tất cả khối bột.

Chiều kích thiêng liêng của sự hiện hữu

Cuối cùng, Ngày Thế giới Trẻ em sẽ là cơ hội để nhấn mạnh chiều kích thiêng liêng của sự hiện hữu. Trong một thế giới người lớn đôi khi quá tự tin vào sức riêng mình, và trong một thế hệ đang phải đau khổ, “mồ côi”, như Đức Thánh Cha thường nhắc lại, thì những lời cầu nguyện của trẻ em nhắc nhở chúng ta về tầm quan trọng của một cuộc đời được sống dưới cái nhìn của Chúa Cha.

Trong sứ điệp, sau khi nói về bí quyết cầu nguyện làm cho chúng ta thực sự hạnh phúc, Đức Thánh Cha đã mời gọi các em cầu nguyện để chuẩn bị cho Ngày này: “Các con yêu quý, như các con đã biết, vào tháng 5 tới đây, có nhiều người trong chúng con sẽ có mặt ở Roma để gặp gỡ các trẻ em đến từ khắp nơi trên thế giới. Vì vậy, để chuẩn bị tốt cho cuộc gặp gỡ này, cha khuyên tất cả chúng con hãy cầu nguyện bằng chính những lời mà Chúa Giêsu đã dạy chúng ta – đó là lời Kinh Lạy Cha. Các con hãy đọc kinh này vào mỗi sáng và mỗi tối, cũng như đọc trong gia đình, với cha mẹ, anh chị em và ông bà của các con.”

Vì thế, những người lớn cũng cần nhìn thấy đây là lời mời gọi dành cho mình để Ngày Thế giới Trẻ em có thể làm cho chúng ta ngạc nhiên, và bởi vì, Đức Thánh Cha kết thúc: “Chúa Giêsu mời gọi chúng ta và muốn chúng ta tích cực tham gia cùng với Người trong Ngày Thế giới Trẻ em này, hầu trở thành những người xây dựng một thế giới mới nhân bản hơn, công bằng hơn, và hoà bình hơn.”

Trẻ em là trung tâm của sự kiện

Trong buổi họp báo ngày 16/5 vừa qua, Đức Hồng y José Tolentino de Mendonça, Tổng trưởng Bộ Văn hoá và Giáo dục nhấn mạnh rằng, hai ngày cuối tuần này sẽ là một cuộc quy tụ lớn của Giáo hội, với trẻ em là nhân vật chính, và làm sống lại trong mọi người niềm hy vọng vào tương lai cho Giáo hội và cho xã hội loài người. Đức Hồng y cũng nhắc lại những giá trị của tự do, tôn trọng lẫn nhau và liên đới có thể được truyền tải và trải nghiệm từ khi còn nhỏ. Theo nghĩa này, Ngày này muốn trao một dấu chỉ hiệp thông và một “lời ngôn sứ” về sự hiệp nhất và hoà bình.

Các sáng kiến trong các Giáo hội địa phương

Đức Hồng y giải thích rằng trong hai ngày, nhiều nhóm, hiệp hội, cá nhân sẽ quy tụ tại Roma; nhưng sự kiện này cũng bao gồm các sáng kiến ở cấp giáo phận, tuỳ sự sáng tạo của các Giáo hội địa phương, để Ngày này là một sự kiện cho toàn thể Giáo hội, một cuộc gặp gỡ mời gọi mọi người trở nên giống trẻ thơ để đón nhận những điều mới mẻ đến từ Chúa Thánh Thần.

Cũng trong buổi họp báo, cha Enzo Fortunato, điều phối viên của Ngày này nhấn mạnh “phạm vi toàn cầu của sự kiện, dấu hiệu hy vọng và tín hiệu cho những ông chủ chiến tranh. Chúng ta muốn nhìn thế giới qua đôi mắt của trẻ em, niềm hy vọng của các dân tộc, tương lai của các em”. Cha lưu ý: “Tâm hồn đơn sơ của các thiếu nhi là một hồng ân của Chúa, và là khả năng hoà bình đối với những người biết đón nhận hồng ân này.” Về bản chất, đó là một câu trả lời cho tình trạng đáng buồn của rất nhiều trẻ em bị bóc lột, bị thương tích, bị buộc phải chịu đau khổ, không có thức ăn hay nước uống, bị tuyên truyền vào vòng xoáy bạo lực, những trẻ em không được cho bánh nhưng vũ khí, không phải là lời yêu thương nhưng thù hận.

Chương trình

Về chương trình trong hai ngày:

Thứ Bảy, 25/5/2024, tại Sân vận động Olympic: Buổi sáng, Làng trẻ em sẽ được khai mạc và người dẫn chương trình truyền hình nổi tiếng Carlo Conti sẽ dẫn dắt sự kiện này, bắt đầu bằng một cuộc diễu hành trẻ em trong trang phục truyền thống, đại diện cho 101 quốc gia, nhằm mang thông điệp hòa bình của các em. Tiếp theo sẽ là lời chào của Đức Hồng y de Mendonça, và trình diễn bài ca chủ đề của sự kiện, được điều khiển bởi Đức ông Marco Frisina, trưởng ca đoàn của Toà Giám quản Roma, và được biểu diễn bởi ca đoàn trẻ em “Zecchino d’oro” (Đồng tiền vàng) nổi tiếng ở Ý, cùng các ca đoàn khác với tổng số khoảng 1500 ca sĩ trẻ em. Chương trình được tiếp tục với phần trình bày chứng từ, các màn biểu diễn văn nghệ, tiếng nói của các trẻ em, và cuộc đối thoại với Đức Thánh Cha.

Chúa nhật, ngày 26/5, tại Quảng trường Thánh Phêrô: Thánh lễ do Đức Thánh Cha chủ sự sẽ được bắt đầu bằng cuộc rước của các trẻ em trong trang phục truyền thống. Về phần ca đoàn cũng do Đức ông Marco Frisina đảm trách.

Vatican News

Nguồn: https://www.vaticannews.va/vi/church/news/2024-05/huong-toi-ngay-the-gioi-tre-em-lan-thu-nhat.html