26/12/2024

ĐTC Phanxicô – Loạt Bài Giáo lý Các Thói Hư và Nhân Đức – 20. Đức Ái

Tình yêu Kitô giáo bao trùm những gì không đáng yêu, nó mang lại sự tha thứ – tha thứ thật khó biết bao! Cần bao nhiêu tình yêu để tha thứ!

Quảng trường Thánh Phêrô
Thứ Tư, 15 tháng 5 năm 2024

____________________________

Loạt Bài Giáo lý Về Các Thói Hư và Nhân Đức:
Bài 20. Đức Ái

Anh chị em thân mến, chào anh chị em buổi sáng!

Hôm nay chúng ta sẽ nói về nhân đức đối thần thứ ba, đức ái. Hai nhân đức kia, chúng ta hãy nhớ, là đức tin và đức cậy: hôm nay chúng ta sẽ nói về nhân đức thứ ba, đức ái. Đó là đỉnh cao của toàn bộ hành trình mà chúng ta đã thực hiện với các bài giáo lý về nhân đức. Nghĩ đến đức ái sẽ ngay lập tức mở rộng trái tim và mở rộng tâm trí, nó gợi lên những lời được linh hứng của Thánh Phaolô trong Thư Thứ Nhất gửi tín hữu Côrintô. Kết thúc bài thánh ca tuyệt vời đó, Thánh Phaolô trích dẫn bộ ba nhân đức đối thần và thốt lên: “Vậy nên đức tin, đức cậy, đức mến, cả ba đều tồn tại; nhưng cao cả nhất là tình yêu” (1 Cr 13,13).

Thánh Phaolô ngỏ những lời này với một cộng đoàn không hề hoàn hảo trong tình yêu huynh đệ: các Kitô hữu ở Côrintô khá hay kiện tụng, có sự chia rẽ nội bộ, và có những người luôn cho mình là đúng và không lắng nghe người khác, coi họ như những kẻ thấp kém. Thánh Phaolô nhắc nhở họ rằng hiểu biết sinh lòng kiêu ngạo, còn lòng bác ái thì xây dựng. (x. 1 Cr 8,1). Sau đó, Thánh Tông Đồ ghi lại một vụ tai tiếng chạm đến cả thời điểm hiệp nhất tối đa của một cộng đoàn Kitô hữu, “Bữa Tiệc Ly”, việc cử hành Thánh Thể: ngay cả ở đó cũng có sự chia rẽ, và có những người lợi dụng điều này để ăn uống, loại trừ những người không có gì (x. 1 Cr 11,18-22). Trước vấn đề này, Thánh Phaolô đưa ra một nhận định rõ ràng: “Khi anh em nhóm họp nhau, anh em không ăn bữa tối của Chúa” (c. 20), anh em có một nghi lễ khác, đó là nghi lễ ngoại giáo, đó không phải là bữa tối của Chúa.

Biết đâu, có lẽ trong cộng đoàn Côrintô, không ai nghĩ họ đã phạm tội, và những lời gay gắt đó của Thánh Tông Đồ nghe có vẻ hơi khó hiểu đối với họ. Có lẽ họ đều tin rằng mình là người tốt, và nếu được hỏi về tình yêu, họ sẽ trả lời rằng tình yêu chắc chắn có giá trị rất quan trọng đối với họ, giống như tình bạn hay gia đình. Ngày nay cũng vậy, tình yêu ở trên môi của nhiều “người gây ảnh hưởng” và trong điệp khúc của nhiều bài hát. Chúng ta nói rất nhiều về tình yêu, nhưng tình yêu là gì?

“Còn tình yêu kia thì sao?”, dường như Thánh Phaolô hỏi các Kitô hữu ở Côrintô. Không phải tình yêu dâng trào mà là tình yêu đi xuống; không phải người nhận mà là người cho; không phải cái xuất hiện mà là cái ẩn giấu. Thánh Phaolô lo ngại rằng ở Côrintô – cũng như giữa chúng ta ngày nay – có sự nhầm lẫn và thực sự không có dấu vết nào của nhân đức đối thần tình yêu cả, một nhân đức chỉ đến với chúng ta từ Thiên Chúa. Và nếu ngay cả bằng lời nói mọi người đều khẳng định rằng họ là người tốt, yêu thương gia đình và bạn bè, thì thực tế họ biết rất ít về tình yêu của Thiên Chúa.

Các Kitô hữu cổ thời có sẵn một số hạn từ tiếng Hy Lạp để định nghĩa tình yêu. Cuối cùng, từ “agape” xuất hiện mà chúng ta thường dịch là “bác ái”. Bởi vì thực sự, các Kitô hữu có khả năng yêu thương mọi hình thức tình yêu trên thế giới: họ cũng yêu, ít nhiều như điều đó xảy ra với mọi người. Họ cũng trải nghiệm lòng nhân từ được cảm nhận trong tình bạn. Họ cũng cảm nhận được tình yêu đất nước và tình yêu phổ quát dành cho toàn thể nhân loại. Nhưng có một tình yêu lớn lao hơn, một tình yêu đến từ Thiên Chúa và hướng về Thiên Chúa, làm cho chúng ta có thể yêu mến Thiên Chúa, trở thành bạn hữu của Người và làm cho chúng ta có thể yêu thương người lân cận như Thiên Chúa yêu họ, với ước muốn chia sẻ tình bạn với Thiên Chúa. Tình yêu này, nhờ Chúa Kitô, đưa chúng ta đến những nơi mà chúng ta không thể đến: đó là tình yêu dành cho người nghèo, những người không đáng yêu, những người không quan tâm đến chúng ta và không biết ơn chúng ta. Đó là tình yêu dành cho những gì không ai yêu, kể cả kẻ thù của mình. Kể cả đối với kẻ thù. Đấy là “đối thần”: nó phát xuất từ Thiên Chúa, nó là công việc của Chúa Thánh Thần trong chúng ta.

Chúa Giêsu giảng trong Bài giảng trên núi: “Nếu các con yêu những người yêu mình thì nào có công lênh gì? Vì ngay cả những người tội lỗi cũng yêu mến những người yêu thương họ” (Lc 6,32-33). Và Người kết luận: “Nhưng hãy yêu kẻ thù của mình” – chúng ta quen nói xấu kẻ thù của mình – “hãy yêu kẻ thù và làm điều tốt, và cho vay mà không mong được trả lại; và phần thưởng của anh em sẽ rất lớn, và anh em sẽ là con trai của Đấng Tối Cao; vì Người nhân từ với kẻ vô ơn và ích kỷ” (c. 35). Chúng ta hãy nhớ điều này: “Hãy yêu kẻ thù và làm điều tốt, và cho vay mà không mong được trả lại”. Chúng ta đừng quên điều này!

Bằng những lời này, tình yêu tự bộc lộ như một nhân đức đối thần và mang danh nghĩa bác ái. Tình yêu là lòng bác ái. Chúng ta nhận ra ngay rằng đó là một tình yêu khó thực hiện, thậm chí không thể thực hiện được nếu người ta không sống trong Thiên Chúa. Bản chất con người khiến chúng ta yêu thích một cách tự phát những gì tốt đẹp. Nhân danh một lý tưởng hay một tình cảm lớn lao, chúng ta thậm chí có thể hào phóng và thực hiện những hành động anh hùng. Nhưng tình yêu của Thiên Chúa vượt xa những tiêu chuẩn này. Tình yêu Kitô giáo bao trùm những gì không đáng yêu, nó mang lại sự tha thứ – tha thứ thật khó biết bao! Cần bao nhiêu tình yêu để tha thứ! – Tình yêu Kitô giáo chúc phúc cho những ai chửi rủa, trong khi đó, khi phải đối diện với một lời xúc phạm hay một lời nguyền rủa, chúng ta có thói quen đáp trả bằng một lời xúc phạm khác, bằng một lời nguyền rủa khác. Đó là một tình yêu mãnh liệt đến mức dường như không thể có được, nhưng đó là điều duy nhất còn lại của chúng ta. Tình yêu là “cửa hẹp” mà chúng ta phải vượt qua để vào Nước Thiên Chúa. Bởi vào lúc chạng vạng của cuộc đời, chúng ta sẽ không bị phán xét về tình yêu chung chung; chúng ta sẽ được phán xét chính xác dựa trên lòng bác ái, dựa trên tình yêu đích thực mà chúng ta đã có. Và Chúa Giêsu nói với chúng ta điều này, một điều thật tuyệt vời: “Quả thật, tôi nói với anh em, như anh em đã làm điều đó với một trong những người anh em hèn mọn nhất của tôi đây, là anh em đã làm điều đó với chính tôi” (Mt 25,40). Đây là điều đẹp đẽ, điều tuyệt vời nhất của tình yêu. Anh chị em hãy tiến lên đi và hướng lên trên đi!

Chuyển ngữ: Vũ Văn An
http://vietcatholicnews.org/