26/12/2024

Đức Thánh Cha Phanxicô và mùa đông dân số tại Ý và các nước khác

Đức Thánh Cha Phanxicô và mùa đông dân số tại Ý và các nước khác

Hôm 2/5/2024, Phủ Giáo hoàng thông báo: sáng thứ sáu 10/5/2024, Đức Thánh Cha sẽ tham dự và phát biểu tại cuộc gặp gỡ các giới chính quyền, xã hội và doanh nghiệp Ý về tình trạng suy giảm dân số trầm trọng tại nước này. Đây là một vấn đề từ lâu ngài rất quan tâm, và không bỏ những cơ hội mời gọi dân chúng và các tín hữu đặc biệt góp phần giải quyết. Sau đây là những lần lên tiếng của ngài trong 3 năm gần đây.

ĐTC Phanxicô rửa tội cho các trẻ em (8/1/2023)

ĐTC Phanxicô rửa tội cho các trẻ em (8/1/2023)  (ANSA)    

Quan tâm của Đức Thánh Cha

Cuộc gặp gỡ ngày 9 và 10/5/2024 là lần thứ tư Hiệp hội các Gia đình ở Ý tổ chức về sự sinh sản và dân số với mục đích cổ vũ dư luận lưu tâm về tình trạng mùa đông dân số trầm trọng tại Ý cũng như nhiều nơi trên thế giới. Hiện diện tại cuộc gặp gỡ, cũng như năm ngoái, có bà Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Ý Giorgia Meloni. Bà đặc biệt quan tâm đến vấn đề dân số Ý suy giảm và đề ra chính sách cổ vũ sinh sản. Ngoài ra có sự hiện của một số bộ trưởng, đặc biệt là bà Eugenia Roccalla, Bộ trưởng về gia đình, cùng với giới lãnh đạo doanh nghiệp và các nhân vật trong giới truyền thông của Ý, đại diện giới trẻ.

Ngày 10/5/2024 sẽ là lần thứ 3 Đức Thánh Cha Phanxicô tham dự. Trong những năm qua, với tư cách là Giáo chủ Công giáo Ý, và Chủ chăn của Giáo Hội hoàn vũ, ngài thường bày tỏ quan tâm trước tình trạng suy giảm dân số tại nước này và nhiều nơi trên thế giới, và cũng đã nhiều lần lên tiếng về vấn đề này.

Dân số Ý liên tục giảm bớt từ 50 năm nay. Năm ngoái cả nước chỉ có 379 ngàn trẻ em sinh ra, tức là giảm 3,6% so với năm trước đó, và giảm 34,2% so với năm 2008. Nước Ý có tỷ lệ sinh sản thuộc hàng thấp nhất Âu châu: trung bình số con trên mỗi phụ nữ chỉ có 1,2.

Những phát biểu của Đức Thánh Cha

Cuộc gặp gỡ năm 2023

Trong lần lên tiếng tại cuộc gặp gỡ tương tự ngày 12/5 năm ngoái (2023) Đức Thánh Cha nói: “Tôi được biết năm 2022, mức sinh sản tại Ý xuống đến mức kỷ lục trong lịch sử, chỉ có gần 393 ngàn hài nhi sinh ra. Đó là một sự kiện chứng tỏ một sự lo âu lớn cho ngày mai. Ngày nay việc sinh con bị coi là một công việc nặng nề mà các gia đình phải gánh chịu và rất tiếc là điều này ảnh hưởng đến não trạng của các thế hệ trẻ, họ lớn lên trong tình trạng bấp bênh, nếu không muốn nói là trong ảo tưởng và sợ hãi. Họ sống trong một bầu không khí xã hội trong đó việc lập gia đình đang biến thành một cố gắng hết sức lớn lao, thay vì là một giá trị chung mà tất cả mọi người công nhận và nâng đỡ. Họ cảm thấy cô độc và buộc lòng phải chấp nhận tình trạng chỉ có thể cậy dựa vào sức riêng của mình, đó là điều nguy hiểm: điều này có nghĩa là nó dần dần làm hao mòn cuộc sống chung, và cam chịu cuộc sống đơn độc, trong đó mỗi người chỉ lo cho mình.”

Đức Thánh Cha cũng phân tích nhiều nguyên nhân kinh tế, xã hội đưa tới tình trạng nhiều người trẻ không muốn hay không thể lập gia đình và sinh con cái… Đặc biệt phụ nữ bị thiệt thòi nhiều nhất, các phụ nữ trẻ thường phải chọn lựa giữa sự nghiệp và chức phận làm mẹ, hoặc bị đè bẹp giữa gánh nặng của việc chăm sóc gia đình, đặc biệt khi có sự hiện diện của những người già yếu và những người không tự lập được”.

Cần nỗ lực chung

Trong bối cảnh trên đây, Đức Thánh Cha khẳng định: “Cần phải cùng nhau đương đầu với vấn đề, không bám víu vào những ý thức hệ và những lập trường tiên thiên… Cần thay đổi tâm thức: gia đình không phải là thành phần của vấn đề, nhưng là thành phần của giải pháp… Chúng ta không thể chấp nhận điều này là: xã hội chúng ta không còn sinh sản con cái và lui vào trong sầu muộn. Chúng ta không thể thụ động chấp nhận để đông đảo người trẻ gặp bao nhiêu khó khăn để cụ thể hoá giấc mơ gia đình của họ và buộc lòng phải hạ thấp những mong ước của họ, để rồi chỉ hài lòng với những giải pháp thay thế và tầm thường như kiếm tiền, theo đuổi công danh sự nghiệp, du lịch, hết sức bảo vệ thời giờ rảnh rỗi của họ. Tất cả những điều đó là tốt và đúng, khi chúng được đặt trong một dự án sinh sản, mang lại sự sống quanh mình và sau mình; trái lại nếu chỉ còn lại những khát vọng cá nhân, thì ta sẽ chìm sâu trong ích kỷ, và đưa tới sự mệt mỏi nội tâm làm tê liệt những ước muốn cao cả và làm cho xã hội chúng ta trở thành một xã hội mệt mỏi!”

Dấn thân trong hy vọng

Đức Thánh Cha kêu gọi xã hội Ý hãy sống trong hy vọng: niềm hy vọng này được nuôi dưỡng bằng sự dấn thân và quyết tâm của mỗi người cho điều thiện hảo, và cảm thấy mình là thành phần, dấn thân mang lại ý nghĩa cho cuộc sống chúng ta và tha nhân. Nuôi dưỡng hy vọng là đặt khả năng và tài nguyên của mình để phục vụ công ích và gieo vãi tương lai. Hy vọng mang lại thay đổi và cải tiến tương lai.

Đức Thánh Cha nói thêm: “Chúng ta đừng cam chịu sự u ám và bi quan vô bổ. Chúng ta đừng quên rằng lịch sử đã bị đánh dấu rồi và chẳng còn có thể làm gì để lật ngược xu hướng. Vì như Kinh Thánh đã dạy: ‘chính trong những hoang địa khô cằn nhất mà Thiên Chúa mở ra những con đường mới’ (Is 43,19). Chúng ta hãy cùng nhau tìm kiếm những con đường ấy!”

“Thực vậy, hy vọng kêu gọi chúng ta hãy động viên để tìm những giải pháp mang đến một xã hội xứng đáng với thời điểm lịch sử chúng ta đang sống, một thời kỳ khủng hoảng có bao nhiêu bất công. Mang lại một động lực cho việc sinh sản có nghĩa là sửa chữa những hình thức loại trừ xã hội, đang gây ra cho người trẻ và tương lai của họ. Và đó là một việc phục vụ tất cả mọi người: con cái không phải là tài sản cá nhân, nhưng là những người góp phần làm cho tất cả được tăng trưởng, mang lại sự phong phú về mặt nhân bản và cho các thế hệ.”

Trước ngoại giao đoàn 2023

Trước đó, sáng ngày 9/1 cũng năm ngoái, trong buổi tiếp kiến ngoại giao đoàn cạnh Toà Thánh nhân dịp đầu năm mới với sự hiện diện của đại diện 184 quốc gia, Đức Thánh Cha kêu gọi loại trừ thái độ sợ hãi đối với cuộc sống, được biểu lộ tại nhiều nơi qua sự lo sợ tương lai và những khó khăn trong việc lập gia đình và sinh sản con cái. Ngài đặc biệt nhắc đến mùa đông dân số trầm trọng tại nước Ý, và tái khuyến khích nhân dân nước này kiên trì và hy vọng đương đầu với những thách đố trong lĩnh vực này, với những căn cội vững chắc của mình về tôn giáo và văn hoá.

Năm 2022

Ngày 10/6/2022, trong buổi tiếp kiến Liên hiệp các hiệp hội gia đình Công giáo Âu châu, có trụ sở ở thành phố Bruxelles bên Bỉ và quy tụ 20 hiệp hội gia đình Công Giáo tại 20 quốc gia Âu Châu, Đức Thánh Cha đã khuyến khích các gia đình Công giáo Âu châu đương đầu với những thách đố đang đề ra cho các gia đình, như tình trạng “mùa đông dân số”, nạn dâm ô, mang thai mướn, và tình trạng ngày càng có nhiều gia đình cô đơn.

Ngài nói: “Có một liên hệ rất chặt chẽ giữa hiện tượng số trẻ em sinh ra và ý thức về vẻ đẹp của gia đình… Tôi khuyến khích anh chị em tiếp tục hoạt động cổ vũ sự sinh sản con cái và củng cố các mạng liên kết gia đình. Đây là một việc phục vụ quý giá vì cần có những nơi, những cuộc gặp gỡ và cộng đoàn trong đó các đôi vợ chồng và các gia đình cảm thấy được đón nhận, được đồng hành và không bao giờ lẻ loi. Các Giáo Hội địa phương ở Âu châu và các nơi khác cần cấp thiết cởi mở đón nhận hoạt động của các giáo dân và các gia đình đồng hành với các gia đình.”

Đức Thánh Cha nhận xét rằng số sinh suy giảm nhiều tại Âu châu cũng đe doạ sự phát triển lâu bền. Các chính phủ có nhiệm vụ loại bỏ những chướng ngại cản trở các gia đình sinh sản con cái và nhìn nhận rằng gia đình là một thiện ích chung cần thăng tiến, đề cao.

Cuộc gặp gỡ về sự sinh sản năm 2021

Sáng thứ Sáu 14/5/2021, Đức Thánh Cha Phanxicô lên tiếng tại cuộc gặp gỡ về sự sinh sản do Diễn đàn các Gia đình tổ chức, cũng tại thính phòng ở đường Hoà Giải, và ngài đã báo động rằng không có con cái thì sẽ không có tương lai.

Ngài nói: “Làm sao có thể một phụ nữ phải xấu hổ về món quà đẹp nhất mà cuộc sống có thể trao tặng? Không phải phụ nữ, nhưng chính là xã hội phải xấu hổ, vì một xã hội không đón nhận sự sống thì ngừng sống. Con cái là hy vọng làm tái sinh một dân tộc!”

Đức Thánh Cha chào mừng việc chính phủ Ý đã thông qua quyết định cấp ngân phiếu duy nhất cho mỗi người con và ngài hy vọng ngân phiếu này đáp ứng những nhu cầu cụ thể của các gia đình đã và đang chịu rất nhiều hy sinh, và đó là một dấu hiệu khởi sự những cải tổ xã hội, đặt con cái và gia đình ở trung tâm.

Ngài cũng phê bình những quan niệm được biểu lộ qua những quảng cáo và nhận định: “Thật đáng buồn khi thấy những kiểu mẫu theo đó điều quan trọng là cái vẻ bề ngoài, trẻ đẹp, khoẻ mạnh. Người trẻ không tăng trưởng như những “pháo bông bề ngoài”, nhưng họ trưởng thành nếu được thu hút nhờ những người có can đảm theo đuổi những giấc mơ lớn, hy sinh cho tha nhân, làm điều thiện cho thế giới chúng ta đang sống.

Đức Thánh Cha đặc biệt cổ vũ những nền kinh tế, các xí nghiệp thăng tiến sự sống, chứ không phải chỉ lo kiếm lợi: “Thật là đẹp khi thấy gia tăng con số các doanh nhân và xí nghiệp, ngoài việc kiếm lợi nhuận, còn thăng tiến sự sống, chú ý để không bao giờ bóc lột con người với những điều kiện và thời khoá biểu không thể chịu nổi, những xí nghiệp biết chia lợi nhuận cho các công nhân, góp phần phát triển các gia đình. Đây là một thách đố không những đối với Ý, nhưng cả đối với bao nhiêu nước khác, những nước này nhiều khi giàu về tài nguyên nhưng nghèo về hy vọng.”

G. Trần Đức Anh, OP

Nguồn: https://www.vaticannews.va/vi/world/news/2024-05/dtc-phanxico-mua-dong-dan-so-tai-y-va-cac-nuoc-khac.html