25/12/2024

Phục Sinh năm nay Giáo hội Pháp có số dự tòng lãnh nhận Bí tích Rửa Tội đạt kỷ lục

Phục Sinh năm nay Giáo hội Pháp có số dự tòng lãnh nhận Bí tích Rửa Tội đạt kỷ lục

Trong Đêm Vọng Phục Sinh năm nay (2024), hơn 12.000 người Pháp được lãnh nhận Bí tích Rửa Tội. Số dự tòng đến từ các gia đình không có truyền thống tôn giáo đang gia tăng.

GERMANY-HEALTH-VIRUS-RELIGION-EASTER

Kết quả trên được bà Catherine Chevalier, Giám đốc Văn phòng Toàn quốc về Giáo lý và Dự tòng của Hội đồng Giám mục Pháp, thông báo vào ngày 27/3/2024 trong kết quả cuộc khảo sát hằng năm về các dự tòng được rửa tội trong Đêm Vọng Phục Sinh. Đây là kết quả tốt nhất kể từ khi thống kê này bắt đầu cách đây 20 năm.

Giống như năm 2023, 104 giáo phận ở Pháp ghi nhận mức tăng mạnh. Từ con số tăng 28% vào năm 2023, số dự tòng được rửa tội trong Đêm Vọng Phục Sinh năm nay đã tăng lên 30% trong năm nay. Tổng cộng có 7.135 người lớn và hơn 5.000 thanh thiếu niên được rửa tội (không tính số học sinh trung học cơ sở, học sinh tiểu học).

Trong số những người trưởng thành mới được rửa tội, khoảng 1 phần 3 ở độ tuổi từ 18 đến 25 và khoảng 1 phần 3 sống ở nông thôn.

Ba giáo tỉnh có số tăng cao nhất (hơn 50%) là Besançon, Dijon và Clermont, chủ yếu ở nông thôn. Giáo phận Saint-Claude, một vùng phụ cận của Besançon, đã ghi nhận mức tăng cao nhất từ trước đến nay, trên 200% (27 tân tòng năm nay so với 8 vào năm ngoái).

Mặc dù đại đa số các tân tòng trưởng thành đều xuất thân từ các gia đình theo truyền thống Kitô giáo, vào năm 2024 con số này giảm còn 61% so với 69% vào năm 2023. Nhưng đồng thời, số người tuyên bố họ đến từ “các gia đình không có tôn giáo” đang gia tăng, hiện chiếm 1/4 tổng số dự tòng được rửa tội.

Jean-Yves Lépine, một tín hữu đã được rửa tội năm 2023, từ Giáo phận Versailles, đã nói về trải nghiệm của mình như sau: “Hành trình dự tòng mà tôi đã sống rõ ràng là kết quả của các cuộc gặp gỡ: các linh mục lắng nghe, một cộng đoàn giáo xứ vui vẻ và năng động. Nhờ họ, tôi đã khám phá ra một Giáo hội cởi mở, chào đón và vô cùng đa dạng! Đối mặt với một xã hội dường như ngày càng thiên về vật chất và dường như cổ vũ một hình thức chủ nghĩa cá nhân tiêu thụ, là Kitô hữu và Công giáo có nghĩa là trải nghiệm điều tốt lành đó, tức là sự chăm sóc, sự quan tâm và nói chung hơn là Tình yêu, đáng giá hơn của cải, quyền lực hay vinh dự.” (Avvenire 30/03/2024)

Hồng Thuỷ

Nguồn: https://www.vaticannews.va/vi/church/news/2024-04/giao-hoi-phap-so-du-tong-rua-toi-ky-luc-vong-phuc-sinh.html