25/12/2024

Đức tin kiên vững của một cộng đoàn Công giáo ở Siberia trong 62 năm không có Thánh lễ

Đức tin kiên vững của một cộng đoàn Công giáo ở Siberia trong 62 năm không có Thánh lễ

Ở trung tâm Siberia, ngôi làng nhỏ Wierszyna là nơi sinh sống của người dân, chủ yếu là người Ba Lan Công giáo. Trong thời cộng sản, cư dân ở đây đã biết cách giữ gìn và chuyển trao đức tin, mặc dù không có nhà thờ, không có Thánh lễ và không có linh mục trong suốt sáu thập kỷ.

2020.06.10 - Corpus Domini - Eucaristia

Ngày nay, ngôi làng Wierszyna được nhiều người biết đến vì phép lạ đã được thể hiện nơi đây. Phép lạ trước hết liên quan đến cuộc sống, khi một cộng đồng di dân đến từ Ba Lan đã định cư ở đây cách đây hàng trăm năm, bất chấp sự khắc nghiệt của nhiều yếu tố để biến ngôi làng nằm sâu trong Siberia này thành một nơi đáng sống. Và một phép lạ tuyệt vời hơn đó là phép lạ đức tin, mặc dù phải sống trong chế độ cộng sản nhưng lòng sùng đạo của  cư dân Wierszyna vẫn kiên vững. Trong hơn sáu thập kỷ, người dân sống đạo nhưng không có nhà thờ, không có Thánh lễ và không có linh mục. Ngày nay, dân số của ngôi làng khoảng 800 người này đa số là người Ba Lan. Ngôi làng sống gần như tách biệt với thế giới, ở khu vực có nhiệt độ có thể giảm xuống -55°C vào mùa đông.

Trong nhiều thế kỷ, qua nhiều thế hệ, dân làng sống cách thành phố Irkutsk khoảng 140km luôn biết bảo tồn ngôn ngữ tổ tiên. Họ cũng cố gắng gìn giữ giáo xứ và nhà thờ của mình. Ở đây có Nhà thờ Thánh Stanislaus được những người nhập cư Ba Lan xây dựng vào năm 1915, ngay sau khi họ đến. Các cử hành phụng vụ được tổ chức ở đó cho đến năm 1928 hoặc 1929 thì chính quyền cộng sản quyết định ngưng không cho cử hành nữa. Họ còn đòi phá huỷ nhà thờ, nhưng vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của người dân, ngôi thánh đường không bị phá nhưng phải đóng cửa, bị chính quyền tàn phá từ bên trong.

Đức tin vẫn tồn tại, được vun trồng bí mật trong các gia đình. Trong 62 năm, Thánh lễ không được cử hành, nhưng trẻ em vẫn được rửa tội và mọi người cầu nguyện tại nhà. Chính nhờ vậy mà tiếng Ba Lan vẫn được giữ và đức tin vẫn sống động.

Không thể liên lạc với Ba Lan, không có lịch phụng vụ, nhưng họ vẫn cử hành phụng vụ Lời Chúa theo các ngày lễ, ngoại trừ lễ Phục Sinh, và một số lễ khác.

Giáo xứ được tái sinh sau sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản ở Nga. Linh mục đầu tiên đến thăm ngôi làng là người Ba Lan, cha Tadeusz Pikus, hiện là Giám mục. Vào năm 1990, ngài cử hành Thánh lễ tại trường học của ngôi làng. Cha cũng đấu tranh với chính quyền địa phương để trả lại nhà thờ cho các tín hữu và khôi phục tính chất thánh thiêng của nơi thờ phượng, vì trước đó tòa nhà bị chuyển thành bảo tàng.

Trong Thánh lễ đầu tiên được cử hành sau mấy chục năm không có, nhiều người đến với sự ngỡ ngàng vì lần đầu tiên trong đời được nhìn thấy một linh mục. Họ là những người sinh ra sau khi nhà thờ bị đóng cửa và nay đã trên 60 tuổi.

Hai năm sau, vào ngày 19/12/1992, tại nhà thờ đã được trùng tu, Đức cha Joseph Werth đang chăm sóc Giáo phận Biến Hình Novossibirsk chủ sự Thánh lễ. Đây là cách mà phụng vụ đã có thể được tái sinh ở Wierszyna, và thực tại về Phục Sinh cũng như sự hiện diện của Chúa Kitô trong bánh và rượu một lần nữa lại hiện diện ở đó.

Tất nhiên, 60 năm sống trong sự bách hại, không có các cử hành mà đáng lẽ ra một giáo xứ phải có, dân làng gặp khó khăn trong việc thích nghi với đời sống giáo xứ và các buổi lễ. Nhưng sự kiên trì của mọi người và các giáo sĩ địa phương trong việc đặt nhà thờ trở lại trung tâm đời sống làng quê đã là một chứng từ đáng kinh ngạc về đức tin.

Vatican News

Nguồn: https://www.vaticannews.va/vi/church/news/2024-03/duc-tin-cong-doan-cong-giao-siberia-62-nam-khong-thanh-le.html