28/01/2025

Tuần Thánh đau thương của các tín hữu tại Ucraina và Gaza

Tuần Thánh đau thương của các tín hữu tại Ucraina và Gaza

Dường như giữa những đau khổ của cuộc sống các Kitô hữu Ucraina và Gaza càng cảm nghiệm và sống mầu nhiệm Thương Khó của Chúa cách ý nghĩa hơn, và niềm tin vào mầu nhiệm Phục Sinh cũng nâng đỡ và ban cho họ sức mạnh nhiều hơn. Tại hai quốc gia này đang xảy ra những cuộc xung đột ác liệt và người dân đang chịu đau khổ tột cùng. Nhưng với họ, “không ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa”; “hãy bám chặt vào Chúa Kitô”.

 Đức cha Mieczyslaw Mokrzycki cử hành Lễ Lá tại Lviv, Ucraina

Đức cha Mieczyslaw Mokrzycki cử hành Lễ Lá tại Lviv, Ucraina 

Đây đó trên thế giới có những nơi các Kitô hữu bước vào Tuần Thánh với Chúa Giêsu trên hành trình thực sự là đi lên Đồi Canvê của cuộc sống. Trang tin SIR của Hội đồng Giám mục Ý đã chia sẻ về Chúa Nhật Lễ Lá tại hai giáo xứ đang sống dưới làn bom lửa đạn ở Ucraina và Gaza.

Lễ Lá tại Ucraina

Trên khắp Ucraina đang diễn ra chiến tranh. Thủ đô Kyiv của Ukraina và khu vực phía tây Lviv đã bị hàng không Nga tấn công vào sáng sớm Chúa Nhật Lễ Lá, ngày bắt đầu Tuần Thánh của tín hữu Công giáo Latinh. Không có hòa bình: “Các vụ nổ ở thủ đô. Lực lượng phòng không đang hoạt động. Đừng rời khỏi nơi trú ẩn”, Thị trưởng Kyiv Vitali Klitschko viết trên Telegram.

“Không ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa”

Nhưng tại nhà thờ Công giáo nghi lễ Latinh Thánh Martin ở Mukachevo chật cứng người. Các tín hữu tay cầm cành lá đã được làm phép tại sân nhà thờ hát theo câu Thánh Vịnh được một phụ nữ xướng lên cách long trọng: “Lạy Chúa, lạy Chúa, sao Chúa bỏ rơi con!” Họ cầu nguyện. Họ hát trong một khung cảnh hoàn toàn thinh lặng.

Vị linh mục bước lên bục giảng và đọc những lời mang lại sự an ủi cho cộng đoàn. “Chúa Giêsu không bỏ rơi chúng ta trong tình trạng đau thương này. Người đã chiến thắng mọi tội lỗi của chúng ta và tin vui này còn mãi mãi cho toàn thế giới. Không ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa. Người ở đây với chúng ta. Ngay lúc này. Trong cử hành phụng vụ này. Người mang lấy trên mình mọi đau khổ. Trên thập giá, Người sẵn sàng gặp gỡ từng người chúng ta. Người muốn xoa dịu nỗi đau của chúng ta. Người muốn gánh lấy sự bất lực của chúng ta và vì tình yêu mà Người đã hiến mạng sống mình cho chúng ta.”

Ngay cả khi cuộc sống ở vùng phía tây đất nước này vẫn tiếp tục bình thường, thì rõ ràng ở đây không có gì còn giống như trước. Các thành phố có nhiều phụ nữ. Những người ngồi trong các cửa hàng và trong nhà thờ đều là phụ nữ. Vào cuối Thánh lễ, chính những phụ nữ hát những lời cầu nguyện về Cuộc Thương khó của Chúa Giêsu. Họ là những phụ nữ gánh vác mọi việc, là những người ở lại với các trẻ em. Họ thương khóc những người chồng.

Một biểu tượng cho đồi Golgotha, có nhiều tầng, được dựng lên bên trái bàn thờ trong nhà thờ Mukachevo. Tại đây các tín hữu có thể đặt những cây Thánh giá nhỏ bằng giấy. Nơi bàn thờ, các tín hữu đặt rất nhiều những lời cầu nguyện và hy sinh. Cho những người lính ở tiền tuyến. Cho những người bị mất nhà cửa. Cho những người không còn hiện diện với họ.

Cầu nguyện cho cuộc chiến này chấm dứt

Còn Đức cha Oleksandr Yazlovetskyi, Giám mục Phụ tá của Kyiv-Zhytomyr và Chủ tịch Caritas-Spes Ucraina. chia sẻ: “Trong Mùa Phục Sinh này, mong muốn của chúng tôi là được sống trong hoà bình. Chúng tôi mệt mỏi với cuộc chiến này. Thập giá lớn nhất mà chúng tôi mang là chúng tôi không thể nhìn thấy điểm kết thúc. Giống như khi bác sĩ chẩn đoán bệnh nhưng cũng đưa ra thời gian hồi phục, thì điều này cho phép bạn đối mặt với căn bệnh một cách thanh thản hơn. Nhưng chúng tôi đã bị tấn công suốt hai năm. Và chúng tôi vẫn chưa thấy sự kết thúc của cuộc xâm lược bạo lực và tàn ác này trong hai năm. Việc thiếu viễn tượng này đang đè nặng mọi người”. “Họ đang ném bom chúng tôi mỗi ngày. Ucraina không chỉ quen với cuộc chiến này bằng cách học cách sống chung với nó. Điều đau lòng là thế giới cũng đã quen với cuộc chiến này.”

Khi được hỏi liệu ngài có thông điệp nào để đưa ra cho mọi người không, Đức cha Yazlovetskyi trả lời: “Đó là lời cầu nguyện mà tôi luôn yêu cầu, cầu nguyện cho chúng tôi, cầu nguyện cho cuộc chiến này chấm dứt.”

Lễ Lá tại Gaza

Trong khi đó trong Tuần Thánh này, tại Gaza, quân đội Israel vẫn tiếp tục các cuộc tấn công để tiêu diệt Hamas, bên đã gây ra cuộc tấn công khủng bố vào Israel hôm 7/10 năm ngoái khiến cho hơn một ngàn người Israel thiệt mạng, đồng thời bắt giữ khoảng 250 người, gồm cả Israel và người ngoại quốc, làm con tin.

“Hãy bám chặt vào Chúa Giêsu Phục Sinh”

Chia sẻ với hãng tin SIR, sơ Nabila Saleh thuộc Dòng Nữ tu Mân Côi Giêrusalem cho biết Lễ Lá tại Giáo xứ Công giáo Thánh Gia ở Gaza diễn ra giữa những lời cầu nguyện cho hoà bình và những lời cầu xin giúp đỡ. Chỉ có một điều chắc chắn duy nhất giữa đống đổ nát: “Hãy bám chặt vào Chúa Giêsu Phục Sinh!”

Sơ Saleh kể: “Chúng tôi đã tham dự cuộc rước Lá và Thánh lễ do Cha Youssef Asaad, cha đại diện Toà Thượng phụ cử hành. Chúng tôi đã được ban cho một lời hy vọng và hoà bình, và tất cả chúng tôi đều cầu nguyện rằng năm tới chúng tôi có thể có một Lễ Phục Sinh không có chiến tranh. Chúng ta phải kiên trì trong đức tin vì đó là điều duy nhất chúng ta có.”

Một cuộc rước kiệu vòng tròn bên trong quảng trường phía trước nhà thờ và bài hát Hosanna đánh dấu sự khởi đầu Tuần Thánh này cho các tín hữu dưới làn bom và một lần nữa bị bao vây bởi quân đội Israel quay trở lại chiến đấu xung quanh bệnh viện ở al-Shifa, phía bắc Gaza, không xa al Zeitoun, khu vực lân cận của Thành phố Gaza, nơi có giáo xứ. Sơ cho biết, các nghi thức của Tam Nhật Phục Sinh, từ Thứ Năm Tuần Thánh đến Vọng Phục Sinh, tất cả sẽ được cử hành vào sau trưa “vì lý do an toàn”, và “để các Kitô hữu thuộc giáo xứ Chính thống Hy Lạp ở San Porfirio tham gia cầu nguyện”. Sơ nói thêm: “Chúng tôi không ngừng cầu nguyện cho hoà bình và một thỏa thuận cho phép các con tin Israel trở về nhà an toàn. Đây là điều kiện cho một lệnh ngừng bắn mà toàn thể người dân Gaza mong muốn.”

Theo Sơ Saleh, quan sát từ bên ngoài sẽ không thể hiểu được chuyện gì đang thực sự xảy ra ở Gaza. Sơ nói: “Gaza gần như đã bị san bằng dọc theo toàn bộ các khu dân cư; chiến tranh thật tồi tệ. Những gì chúng tôi đang trải qua không phải là một trò chơi và ở đây chúng tôi tự hỏi liệu Gaza có được xây dựng lại hay không và khi nào. Tương lai của miền đất này sẽ ra sao. Sẽ phải mất nhiều năm mới có thể nhìn thấy ánh sáng trở lại. Có rất nhiều người trong chúng tôi đã nghĩ đến những điều này khi chúng tôi vẫy tay chào trong đám rước. An ủi chúng tôi là những nụ cười của những trẻ em, những đứa trẻ mà chúng tôi cầu xin một tương lai hoà bình cho chúng. Về phần chúng tôi, chúng tôi không thể làm gì khác ngoài việc bám chặt vào niềm tin vào Chúa Giêsu Phục Sinh.”

Hãy cầu nguyện cho hòa bình

Thực phẩm khan hiếm ở giáo xứ Công giáo ở Gaza; người dân chỉ có thể nấu ăn một hoặc hai lần một tuần. Sơ Saleh giải thích: “Giá thực phẩm rất cao. Người đau khổ nhất luôn là những người nghèo không có gì và không mua được gì. Chúng tôi cần mọi thứ. Hàng cứu trợ không đến được miền Bắc và nếu nó đến bạn phải có can đảm để đi lấy nó. Người dân đi nhận lương thực viện trợ được trang bị dao và sẵn sàng giết người để lấy đi một túi bột. Không có sự công bằng trong việc phân phối thực phẩm và những người yếu nhất sẽ không nhận được gì. Cuộc chiến giữa những người nghèo đang diễn ra. Tôi biết những người đàn ông của gia đình, khi đi mua đồ ăn, họ sẽ nói lời tạm biệt với vợ con vì biết rằng mình có thể sẽ không quay về. Công lý ở đâu trong tất cả những điều này? Tôi yêu cầu những người quyền lực trên trái đất, những người đang chiến đấu trong cuộc chiến này: hãy ở vào vị trí những người cha của các gia đình này, quý vị sẽ làm gì để nuôi sống con cái mình, để cho chúng một cuộc sống tốt đẹp hơn? Việc quý vị đang làm có đúng không? Hãy dừng các vũ khí lại!”

Sơ Saleh lặp đi lặp lại không ngừng: “Đã sáu tháng nay chúng tôi đã sống liên tục trên Đồi Canvê, nhưng chúng tôi tin chắc rằng tất cả những điều này sẽ kết thúc. Thiên Chúa là Chúa thực sự của lịch sử chứ không phải con người. Chúng ta sẽ tiếp tục cầu nguyện và xin Chúa Giêsu đặt những lời nói và cử chỉ bình an vào tâm hồn những kẻ quyền lực đang đấu tranh với nhau. Chúng tôi tin rằng Gaza sẽ trỗi dậy trở lại trong hoà bình và hoà hợp. Cầu mong thế giới nghe thấy tiếng kêu của chúng tôi và trong Lễ Phục Sinh hãy cầu nguyện cho hoà bình!” (SIR 24/03/2024)

Vatican News

Nguồn: https://www.vaticannews.va/vi/world/news/2024-03/tuan-thanh-tin-huu-ucraina-gaza.html