23/11/2024

Lo ngại cho tự do tôn giáo và nhân quyền tại Hong Kong

Lo ngại cho tự do tôn giáo và nhân quyền tại Hong Kong

Trong những ngày qua, Hong Kong lại thu hút sự chú ý của giới Công giáo và những phong trào bênh vực nhân quyền và tự do dân chủ. Lần này là viễn tượng: các Linh mục Công giáo có thể bị sức ép vi phạm bí mật toà giải tội, tự do tôn giáo trên lãnh thổ Hong Kong có nguy cơ bị thu hẹp.

Người dân Hong Kong chống luật “Điều 23”

Người dân Hong Kong chống luật “Điều 23”  (AFP or licensors)

Dự luật về điều 23 của Tiểu Hiến pháp Hong Kong

Bối cảnh những quan tâm trên đây là dự luật mới về an ninh, quen gọi là luật “Điều 23”, tức điều 23 của Tiểu Hiến pháp Hong Kong có hiệu lực từ năm 1997 khi lãnh thổ này được Anh quốc trao trả cho Trung Quốc. Điều này qui định rằng chính quyền Hong Kong “sẽ ban hành luật cấm mọi hành vi phản quốc, ly khai, nổi loạn và khuynh đảo chống lại chính phủ Trung Quốc”.

Toan tính áp dụng Điều 23 này đã bị bãi bỏ sau những cuộc phản đối mạnh mẽ trên toàn Hong Kong hồi năm 2003. Chính quyền lãnh thổ này cũng bị phản đối mạnh mẽ với những cuộc biểu tình rộng lớn trong những năm 2019-2022 sau khi tìm cách thông qua luật cho phép đưa các tù nhân chính trị ở Hong Kong sang Hoa lục để chịu xét xử.

Năm 2020, các nhà lập pháp Trung Quốc đã áp đặt luật an ninh quốc gia và đưa tới những vụ đàn áp mạnh mẽ và hạn chế chống các dân quyền.

Giới thiệu Dự luật mới

Ngày 7/3 vừa qua, trong thông báo về dự luật mới, Chủ tịch Uỷ ban hành pháp, hay là “thủ tướng” Hong Kong, ông John Lý Gia Siêu (Lee Ka-chiu), một tín hữu Công giáo, tuyên bố rằng chính phủ và Hội đồng lập pháp của Hong Kong, sẽ hết sức cố gắng để hoàn thành luật mới về an ninh càng sớm càng tốt để bảo vệ an ninh, “để Hong Kong có thể chú tâm vào việc phát triển kinh tế, cải tiến cuộc sống của Hong Kong, và duy trì sự thịnh tượng và ổn định lâu bền của lãnh thổ này”.

Ông Lý Gia Siêu đã được bầu làm “thủ tướng” Hong Kong hồi năm 2022 do một cử tri đoàn đặc biệt được thiết lập và ông tranh cử mà không có ai là đối thủ vì ông là ứng cử viên duy nhất được nhà cầm quyền Bắc Kinh chấp thuận.

Trong cuộc họp báo về dự luật, ông Lý Gia Siêu cũng nói với giới báo chí rằng các biện pháp mới về an ninh nhắm ngăn ngừa các nhóm biểu tình ở Hong Kong chống Bắc Kinh và những người đòi tự do ngôn luận ở Hong Kong, và ngăn cản các nhóm chính trị ở lãnh thổ này hợp tác với các chính phủ nước ngoài.

Hôm sau đó, 8/3, ông Chist Tang, “Bộ trưởng Công an” của Hong Kong trình bày Dự luật về Điều 23, dài 212 trang, được hoàn thành sau 9 ngày thăm khảo ý kiến, và có hơn 13.000 góp ý. Dự luật được đệ trình Hội đồng Lập pháp Hong Kong cùng ngày hôm đó.

Phản ứng

Phản ứng về dự luật “Điều 23”, ngày 13/3 vừa qua, có 1 nhóm 13 người tranh đấu nhân quyền và 3 tổ chức khác ra thông cáo bày tỏ “những lo ngại sâu sắc và nghiêm trọng về những hệ luận gây ra cho tự do tôn giáo hoặc tín ngưỡng ở Hong Kong nếu các nhà lập pháp thông qua dự luật an ninh quốc gia này”. Thông cáo đặc biệt bày tỏ lo âu về khoản số 12 của dự luật, nói rằng nếu các công dân nào biết “người nào khác đã, đang hoặc sắp phạm luật” này thì phải trình báo với một nhân viên cảnh sát hoặc sẽ bị 14 năm tù.

Thông cáo trên đây do Ông Benedict Rogers người Anh, chuyên tranh đấu nhân quyền và Bà Frances Hui, người Hong Kong đang phải lưu vong ở nước ngoài, điều động việc soạn thảo và công bố.

Sự lo lắng này được đặc biệt biểu lộ đối với trường hợp các linh mục giải tội. Thông cáo viết: “Cưỡng bách một linh mục phải tiết lộ những gì đã được nói trong toà giải tội, ngược với ý chí và lương tâm của linh mục ấy đồng thời hoàn toàn vi phạm sự riêng tư của người xưng tội là điều hoàn toàn trái ngược với điều số 18 của Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền, và vì thế sự vi phạm này hoàn toàn không thể chấp nhận được và phải bị lên án cho những tín hữu ý thức thuộc mọi tín ngưỡng và không tín ngưỡng trên thế giới.”

Những người ký vào tuyên ngôn trên đây cũng thỉnh cầu ĐGH Phanxicô và các vị lãnh đạo khác trên thế giới bảo vệ tự do tôn giáo ở Hong Kong và lên tiếng chống lại luật mới về an ninh tại lãnh thổ này.

Hồi năm 2019, Toà Thánh cũng đã công bố thông báo nói rằng Giáo Hội tuyệt đối bảo vệ ấn toà giải tội, đòi linh mục giải tội phải tuyệt đối giữ bí mật về những tội do hối nhân xưng thú. Thông báo nói rằng “bí mật bất khả xâm phạm của toà giải tội trực tiếp đến từ quyền được Thiên Chúa mạc khải, bí mật đó có cội rễ trong chính bản chất của bí tích, đến độ không chấp nhận một sự miễn trừ nào trong lĩnh vực Giáo Hội càng không thể chấp nhận trong lãnh vực dân sự”.

Từ phía Công Giáo Hong Kong

Đức Hồng y Stephano Chu Thủ Nhân (Chow Sau-yan), S.J, làm Giám mục Giáo phận Hong Kong từ gần 3 năm nay, tức là từ tháng 12 năm 2021. Từ khi lên cai quản giáo phận, Đức Hồng y cố gắng thực hiện tiến trình hoà giải, giữa lúc những chia rẽ chính trị về tình trạng pháp luật của Hong Kong và sự hao mòn các quyền tự do dân sự cũng diễn ra trong cộng đồng Công giáo. Ngài nhắc nhở rằng các tín hữu Công giáo có nghĩa vụ phải là những công dân tốt, như Giáo Hội dạy, nhưng ngài cũng thẳng thắn nhìn nhận có những căng thẳng và vấn đề với chính quyền, và ngài nói: đối thoại “không phải là quỳ lạy”.

Hôm thứ Sáu ngày 15 tháng 3 Giáo phận Hong Kong đã đưa ra một tuyên bố rằng ấn tín giải tội sẽ không bị vi phạm theo Luật An ninh Quốc gia mới. Tuyên bố cho biết: “Liên quan đến luật Điều 23 về bảo vệ an ninh quốc gia, Giáo phận Công giáo Hong Kong nhìn nhận rằng với tư cách là một công dân, họ có nghĩa vụ đối với an ninh quốc gia.” Giáo phận tuyên bố rằng luật pháp sẽ không làm thay đổi tính chất bí mật của Bí tích Hoà Giải của Giáo hội.

Ông Jimmy Lai

Trong số các tín hữu Công giáo nổi bật bị xét xử vì bị cáo buộc xuất bản những ấn phẩm nổi loạn và âm mưu thông đồng với các thế lực nước ngoài, có ông Jimmy Lai, tên đầy đủ là Lê Trí Anh, một đại doanh nhân. Ông phải chịu cuộc xét xử dài và án tù từ tháng 12 năm 2022 và báo Apple Daily của ông bị đóng cửa trước đó từ năm 2021. Hồi tháng giêng năm nay, ông đã xác quyết mình không phạm tội âm mưu nổi loạn và các tội mà ông bị cáo buộc.

Trong thông cáo ngày 13/3 nói trên, những người bênh vực nhân quyền ở Hong Kong cũng nhắc đến ông Jimmy Lai và khẳng định: “Dự luật đang được cứu xét kết vào tội nổi loạn mọi nỗ lực nào nhắm thay đổi luật pháp hoặc phê bình Trung Quốc và khi những hoạt động này do các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, và gọi đó là một sự can thiệp vào nội bộ. Vụ xét xứ ông Jimmy Lai, người sáng lập nhật báo Apple Daily chứng tỏ việc trao đổi văn hóa vô thưởng vô phạt với các ký giả nước ngoài có thể bị coi là bằng chứng về sự xen mình của nước ngoài vào nội bộ Hong Kong.”

Cổ vũ hoà hợp

Trong bối cảnh trên đây, dư luận quốc tế cũng chú ý đến một cố gắng chữa lành bầu không khí căng thẳng và chia rẽ trong xã hội Hong Kong. Thực vậy, hôm 12/3 vừa qua, Đức Hồng y Stephano Chu Thủ Nhân lên tiếng đề cao sự liên kết giữa các tín hữu Kitô và Lão giáo để chữa lành thế giới bị phân hoá.

Đức Hồng y Stephano cùng với Đức ông Indunil Kodithuwakku, người Sri Lanka, Tổng Thư ký Bộ đối thoại Liên tôn, hướng dẫn phái đoàn Công giáo đang tham dự cuộc đối thoại thứ ba giữa Kitô giáo và Lão giáo tiến hành từ ngày 11 đến 13/3 vừa qua tại Học viện Viên Huyền (Yuen Yuen), ở Hong Kong. Cuộc trao đổi này do Bộ Đối thoại Liên tôn của Toà Thánh và Hội Lão giáo ở Hong Kong, cùng với sự cộng tác của giáo phận địa phương, đứng ra tổ chức và có chủ đề là “Vun trồng một xã hội hòa hợp qua đối thoại liên tôn”. Các tham dự viên đến từ nhiều nước, trong đó có cả Việt Nam.

Trong cuộc gặp gỡ giới báo chí sau ngày họp đầu tiên, Đức Hồng y Stephano Chu giải thích rằng mục đích cuộc gặp gỡ đối thoại này là để chứng tỏ “các tôn giáo có thể liên kết với nhau để trở thành những đối tác xây dựng xã hội chúng ta. Quan điểm của Lão giáo là thăng tiến sự tiến bước của thế giới tiến về hoà bình và hiệp nhất, trong đó nhân loại và Đạo – chúng ta có thể gọi là Logos – liên kết với nhau”. Hy vọng nhắm tới là sự nhìn nhận tinh thần phục vụ chung như thế giúp cho “giá trị và ý nghĩa của tôn giáo được quý chuộng hơn ở Trung Quốc”.

Đức Hồng y Chu Thủ Nhân cũng nhận xét rằng Kitô giáo và Lão giáo “cùng chia sẻ các giá trị từ bi thương xót, sự đơn sơ và không tìm kiếm những kết quả trần tục”. Ngài cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của sự cởi mở đối với các nền văn hoá và tôn giáo khác. Ngài nói: “Giáo hội Công giáo chúng ta chấp nhận rằng cả các văn hoá và tôn giáo khác cũng được mạc khải của Chúa chúc phúc – tuy ở những mức độ khác nhau, để hiểu về cuộc sống và tinh thần sự sống”. Đức Hồng y nêu thí dụ về lối tiếp cận này là kiểu mẫu của Cha Matteo Ricci – tên Hoa là Lợi Mã Đậu – thừa sai Dòng Tên hồi thế kỷ 16 nổi bật về sự hiểu biết về ngôn ngữ và văn hoá Trung Hoa: Cha Ricci là “gương mẫu về đối thoại giữa tôn giáo và văn hoá, hội nhập linh đạo các các tín đồ Khổng giáo, Phật giáo và Lão giáo với đức tin và linh đạo Công giáo. Điều này đã được nhân dân và chính phủ Trung Hoa ca ngợi và tôn trọng”.

G. Trần Đức Anh, OP

Nguồn: https://www.vaticannews.va/vi/world/news/2024-03/tu-do-ton-giao-nhan-quyen-hong-kong-tieu-hien-phap-dieu-23.html