16/11/2024

Chúa Nhật 17.03.2024
Đau Khổ Quả Là Hữu Ích

Chúa Nhật Tuần V – Mùa Chay

Gr 31,31-34 • Tv 50,3-4.12-13.14-15 (Đ. c.12a) • Hr 5,7-9 • Ga 12,20-33

Tin Mừng và Lời Chúa ngày 21 tháng ba 2021 - Vatican News

Lời Chúa
✠ Bài trích Phúc Âm theo thánh Gioan

20 Khi ấy, trong số những người lên Giê-ru-sa-lem thờ phượng Thiên Chúa, có mấy người Hy-lạp. 21 Họ đến gặp ông Phi-líp-phê, người Bết-xai-đa, miền Ga-li-lê, và xin rằng: “Thưa ông, chúng tôi muốn được gặp ông Giê-su.” 22 Ông Phi-líp-phê đi nói với ông An-rê. Ông An-rê cùng với ông Phi-líp-phê đến thưa với Đức Giê-su. 23 Đức Giê-su trả lời: “Đã đến giờ Con Người được tôn vinh! 24 Thật, Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác. 25 Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời. 26 Ai phục vụ Thầy, thì hãy theo Thầy; và Thầy ở đâu, kẻ phục vụ Thầy cũng sẽ ở đó. Ai phục vụ Thầy, Cha Thầy sẽ quý trọng người ấy.

27 “Bây giờ, tâm hồn Thầy xao xuyến! Thầy biết nói gì đây? Lạy Cha, xin cứu con khỏi giờ này, nhưng chính vì giờ này mà con đã đến. 28 Lạy Cha, xin tôn vinh Danh Cha.” Bấy giờ có tiếng từ trời vọng xuống: “Ta đã tôn vinh Danh Ta, Ta sẽ còn tôn vinh nữa!” 29 Dân chúng đứng ở đó nghe vậy liền nói: “Đó là tiếng sấm!” Người khác lại bảo: “Tiếng một thiên thần nói với ông ta đấy!” 30 Đức Giê-su đáp: “Tiếng ấy đã vọng xuống không phải vì tôi, mà vì các người. 31 Giờ đây đang diễn ra cuộc phán xét thế gian này. Giờ đây thủ lãnh thế gian này sắp bị tống ra ngoài! 32 Phần tôi, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi.” 33 Đức Giê-su nói thế để ám chỉ Người sẽ phải chết cách nào.

(Bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ)

Suy niệm
Đau Khổ Quả Là Hữu Ích

Phụng vụ Chúa nhật V Mùa Chay cho chúng ta bài học về ý nghĩa của đau khổ và cái được – mất khi theo Chúa.

Ý nghĩa của đau khổ. Theo quan niệm thời đầu của dân Israel, đau khổ là hình phạt dành cho người tội lỗi. Tuy nhiên, có những người công chính lại gặp đau khổ. Ông Gióp là trường hợp điển hình. Qua đó, hai ý nghĩa mới của đau khổ được hé lộ: đau khổ có thể cảnh báo con người xa lánh tội lỗi, giúp họ trở nên tốt hơn; và đau khổ nhằm thử thách người trung tín. Sau này, ngôn sứ Isaia cho thấy một ý nghĩa mới nơi Người tôi trung đau khổ, gánh hết mọi đau thương của nhân loại, để cảm thông với anh chị em mình. Phải đợi Đức Kitô đến, ý nghĩa của đau khổ được mạc khải trọn vẹn: “Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã học vâng phục do những đau khổ Người chịu” (Bài đọc II). Đức Kitô đã mang lấy bệnh tật, đau khổ, bị đâm thâu, bị nghiền nát vì lỗi ta, Ngài chịu chết để ta được sống đời đời. Trải qua đau khổ, Người bước vào vinh quang đời đời; nhờ chết cho nhân loại, Người lại được siêu tôn là Đức Chúa hằng sống. Với chúng ta, đau khổ vẫn là một huyền nhiệm, việc ta chịu đau khổ giống như “hạt lúa mì rơi xuống đất, phải thối đi, thì nó sinh nhiều bông hạt” (Bài Phúc Âm). Như vậy, “đau khổ quả là điều hữu ích” (Tv 119,17). Đau khổ và thiệt thòi trong cuộc sống là cách Thiên Chúa dùng để sửa dạy những kẻ Người yêu mến, là phương thế nhất thời; còn niềm hạnh phúc đời đời mới là cùng đích vĩnh cửu.

Được và mất khi theo Chúa. Chúa nói “Ai yêu sự sống mình thì sẽ mất, và ai ghét sự sống mình ở đời này, thì sẽ giữ được nó cho sự sống đời đời” (Bài Phúc Âm). Trong cuộc sống, người ta phải từ bỏ nhiều thứ để đạt một mục tiêu lớn. Đời sống đạo cũng thế. Từ bỏ là mất, nhưng mất để được nhiều hơn. Về phía mất: Có khi phải mất những tương quan, nếu chúng cản trở ơn gọi làm môn đệ Chúa. Có khi phải từ khước một số ưu đãi trong sự nghiệp, nếu nó ngăn cản đời sống đức tin. Có khi phải bỏ mạng, hay hi sinh một phần cuộc sống, nếu nó ảnh hưởng đến phần rỗi linh hồn. Bỏ tưởng là mất, nhưng thực sự được nhiều thứ. Về phía được: được bình tâm hạnh phúc vì không hổ thẹn với lương tâm, được tha nhân, được Chúa, và nhất là được sự sống đời đời. Chúa đã hy sinh mạng sống để cứu ta khỏi chết, xin cho mỗi người biết lấy tình yêu đáp đền tình yêu, lấy nghĩa đáp ân, khi biết quên mình mà sống cho người khác. Nhờ đó, ta lại được chính mình, vì “ai yêu mạng sống mình thì sẽ mất” còn ai “quên mình là lúc gặp lại bản thân” (kinh Hòa Bình).

Lm. Giuse Ngô Ngọc Khanh, OFM

Nguồn: Sống Lời Chúa – Bayard Việt Nam