Đức Thánh Cha Phanxicô và lý thuyết về giống (gender theory)

Đức Thánh Cha Phanxicô và lý thuyết về giống (gender theory)

Trong bài diễn văn ứng khẩu cách đây 10 ngày, Đức Thánh Cha Phanxicô tố giác lý thuyết về giống, Gender Theory, là điều “rất xấu”. Lập trường của ngài được báo chí Công giáo thế giới phổ biến mạnh, đồng thời tái thức tỉnh dư luận về hậu quả của ý thức hệ này.

ĐTC Phanxicô

Tái tố giác lý thuyết về giống

Thực vậy, sáng thứ Sáu 1/3/2024, Đức Thánh Cha đã tiếp kiến các tham dự viên Hội nghị về “Người nam và nữ, hình ảnh Thiên Chúa. Tiến tới một nhân loại hoặc về các ơn gọi”. Hội nghị do “Trung tâm nghiên cứu và nhân loại học về các ơn gọi” tổ chức trong hai ngày 1 và 2/3/2024 ở Roma với sự tham dự của nhiều học giả, triết gia, thần học gia và các nhà sư phạm, để suy tư về nhân loại học Kitô, sự đa nguyên, đối thoại giữa các nền văn hoá và tương lai của Kitô giáo.

Đức Thánh Cha, vì bị khàn tiếng do cảm cúm, nên bài diễn văn của ngài đã được Đức ông Ciampanelli đọc thay, còn ngài ứng khẩu chào thăm các tham dự viên, qua đó ngài tái lên án ý thức hệ gender vốn chủ trương xoá bỏ sự khác biệt tự nhiên giữa nam và nữ. Ngài cũng tiết lộ là đã yêu cầu nghiên cứu về ý thức hệ gender, “là điều rất xấu ngày nay vì nó xoá bỏ mọi khác biệt nam nữ, làm cho mọi sự giống như nhau. Xoá bỏ như thế là xoá bỏ nhân loại. Trái lại, người nam và người nữ ở trong một tương quan “khác biệt phong phú”.

Lý thuyết về giống

Lý thuyết này xuất hiện tại Hoa Kỳ trong thập niên 1970 của thế kỷ 20 dưới ảnh hưởng của những nhà tư tưởng Pháp như Michel Foucault và Jacques Derrida, và phong trào nữ quyền cực đoan đã tận dụng thuyết này để phục vụ cho mục tiêu của họ.

Nói một cách tổng quát, lý thuyết về giống chủ trương xóa bỏ và phủ nhận sự khác biệt tự nhiên giữa phái nam và phái nữ. Họ cho rằng sự khác biệt nam nữ cho đến nay chỉ là kết quả của văn hoá chứ không phải do sinh lý; nó là kết quả của quan niệm xã hội và sự giáo dục về vai trò khác nhau và do đó người ta có thể thay đổi sự khác biệt ấy. Họ cũng phủ nhận xu hướng tự nhiên nam nữ tìm đến nhau, bất chấp sự kiện tự nhiên nam và nữ có nhiễm sắc thể khác nhau (XX và XY) về mặt di truyền học.

Những người chủ trương lý thuyết về giống nói rằng sự khác biệt nhiễm sắc thể như vậy không giữ vai trò nào trong việc hình thành căn tính về giới tính (identità sessuale). Tính dục (sessualità) được tách rời khỏi nhân cách (personalità). Chọn lựa làm người nam hay người nữ tùy thuộc quyết định chủ quan của mỗi người, chứ không có yếu tố khách quan nào trong lĩnh vực này. Người nam và nữ hoàn toàn như nhau về mọi phương diện; tuy có sự khác biệt về hình dạng, nhưng điều này chẳng đáng kể gì. Nhân loại không bị phân biệt giữa người nam và người nữ, nhưng nhân loại gồm những cá nhân chọn lựa sống như người nam hoặc người nữ.

Từ quan niệm trên đây, người ta dùng những từ ngữ không còn để chỉ nam và nữ, giống đực giống cái, những thứ ngôn ngữ bao gồm.

Lý thuyết về giống phổ biến

Những người chủ trương và cổ võ lý thuyết về giống có ảnh hưởng lớn trong các tổ chức quốc tế như Liên Hiệp Quốc, nhất là Liên Hiệp Âu Châu đã chấp nhận ý thức hệ về giống này như một ý thức hệ bình đẳng và tốt, cần được phổ biến và cổ võ. Liên hiệp Âu Châu đã quyết định dành những ngân khoản lớn để giúp phổ biến lý thuyết về giống tại Âu Châu. Người ta xuất bản các sách giáo khoa hoặc những tài liệu phổ biến tại các trường học để dạy các học sinh về lý thuyết này.

Lý thuyết về giống được tận dụng trong các cuộc tranh luận để bênh vực “hôn nhân” đồng phái, những điều kiện để nhận con nuôi, chấp nhận những kỹ thuật sinh sản.

Bà Dale O’leary, bác sĩ, ký giả, văn sĩ và nghiên cứu gia trong lãnh vực này, đã từng tham dự Hội nghị quốc tế của Liên Hiệp Quốc về dân số ở Cairo năm 1994 và Hội nghị về phụ nữ ở Bắc Kinh năm 1995, đã viết: “Liên Hiệp Quốc đầy những người tin rằng thế giới cần ít người hơn; nhiều khoái lạc tính dục hơn; loại trừ sự khác biệt giữa nam nữ; không cần những bà mẹ trọn giờ. Đối với những người nhìn thế giới trong viễn tượng đó, thì Hội nghị tại Bắc Kinh là một thành công lớn lao. Tại Bắc Kinh, họ xác tín là đã nhận được sứ mạng áp đặt chương trình hành động của họ cho mỗi gia đình trên thế giới.”

Những lần lên tiếng của Đức Thánh Cha

Lý thuyết về giống hiển nhiên là trái ngược với giáo lý Công Giáo. Ngay từ những trang đầu của sách Sáng thế, Kinh Thánh đã dạy về phẩm giá cao cả của con người được dựng nên theo hình ảnh giống Thiên Chúa; Chúa dựng nên con người có nam có nữ (St 1,27).

Trong chuyến bay ngày 19/1/2015 từ Philippines trở về Roma, khi trả lời câu hỏi của một ký giả người Đức, điều ngài tố giác là “thực dân ý thức hệ trong cuộc gặp gỡ với các gia đình ở thủ đô Manila trước đó”, Đức Thánh Cha cho biết ngài muốn tố giác ý thức hệ gender như “một ý tưởng thay đổi hoặc muốn thay đổi tâm thức hoặc một cơ cấu” và người ta muốn áp đặt ý thức hệ này trong các trường học ở tây phương và cho các nước nghèo, và ngài ví những toan tính “nhồi sọ” như thế với các chế độ độc tài trong thế kỷ 20.

Đức Thánh Cha kể một thí dụ cụ thể mà ngài đã thấy và nói: “Cách đây 20 năm, 1995, một bà bộ trưởng giáo dục đã xin vay mượn một số tiền để xây cất trường học cho các học sinh nghèo. Người ta đồng ý cho bà mượn với điều kiện trong các trường ấy có phổ biến một cuốn sách giáo khoa, được chuẩn bị kỹ lưỡng, trong đó có dạy lý thuyết về giống. Bà ấy cần tiền vay và đành chấp nhận điều kiện như thế”.

– Cùng năm 2015, trong bài giáo lý trong buổi tiếp kiến chung ngày 15/4, Đức Thánh Cha đã dành bài giáo lý để chú giải đoạn Kinh Thánh về công trình sáng tạo của Chúa, đặc biệt là câu 27 trong đoạn thứ I của sách Sáng thế: “Thiên Chúa dựng nên con người theo hình ảnh của Chúa: Chúa dựng nên họ có nam có nữ” (St 1,27).

Đức Thánh Cha nói: “Như tất cả chúng ta đều biết, sự khác biệt phái tính hiện diện trong bao nhiêu hình thức của sự sống, trong nấc thang dài của các sinh vật. Nhưng chỉ trong người nam và người nữ sự khác biệt phái tính ấy mới mang trong mình hình ảnh và giống Thiên Chúa. Sự khác biệt giữa người nam và người nữ không phải để đối nghịch hoặc tùng phục, nhưng để hiệp thông và sinh sản, luôn luôn theo hình ảnh giống Thiên Chúa”.

Nhắc đến ý thức hệ về giống, Đức Thánh Cha nói: “Nền văn hóa tân thời và hiện đại đã mở ra những khoảng không gian mới, những tự do mới và chiều sâu mới để phong phú hóa việc hiểu sự khác biệt giữa nam và nữ. Nhưng cũng du nhập nhiều nghi ngờ và rất ngờ vực. Ví dụ. tôi tự hỏi, cái gọi là lý thuyết về giống, teorie del gender, có phải là biểu thị một sự bất mãn và một sự cam chịu hay không, nó nhắm xóa bỏ sự khác biệt phái tính, vì người ta không biết đối chiếu với sự khác biệt ấy. Đúng vậy, người ta có nguy cơ thực hiện một bước thụt lùi. Thực vậy, việc bãi bỏ sự khác biệt là một vấn đề chứ không phải là một giải pháp. Để giải quyết các vấn đề trong tương quan, người nam và người nữ phải nói với nhau nhiều hơn, phải lắng nghe nhau hơn, phải yêu mến nhau hơn nữa. Họ phải đối xử với nhau trong sự tôn trọng và cộng tác trong tinh thần thân hữu. Với những nền tảng nhân bản ấy, được ơn thánh của Chúa nâng đỡ, họ có thể đề ra dự phóng kết hôn và lập gia đình suốt đời. Mối quan hệ hôn nhân và gia đình là một điều hệ trọng, đối với mọi người chứ không phải chỉ đối với các tín hữu mà thôi. Tôi muốn khuyên các nhà trí thức đừng tránh né đề tài này, như thể đó là một điều thứ yếu, không quan trọng cho sự dấn thân bênh vực một xã hội tự do và công bằng hơn”.

Đức Thánh Cha còn lên án lý thuyết về giống trong nhiều dịp khác, như trong chuyến viếng thăm Phi châu tại Cộng hoà Dân chủ Congo và Nam Sudan hồi tháng 02/2023 và cũng như trong cuộc viếng thăm Hungary và Slovakia hồi cuối tháng 4 năm ngoái.

Toà Thánh và các Hồng y

– Hồi năm 2019, Bộ giáo dục Công giáo đã công bố một văn kiện tựa đề “Chúa dựng nên con người có nam có nữ. Tiến tới một con đường đối thoại về vấn đề gender trong việc giáo dục.” Đó là một tài liệu hữu ích để đề cập đến việc tranh luận về tính dục con người và những thách đố nổi lên trong ngành giáo dục ngày nay.

– Nhiều Hồng Y như Đức Hồng y Gerhard Mueller, nguyên Tổng trưởng Bộ Giáo lý Đức tin, cũng như Đức Hồng y Anders Arborius, Giám mục Giáo phận Stockholm, Thuỵ Điển, cũng đã vạch rõ những nguy hiểm của lý thuyết gender. Đặc biệt Đức Hồng y Eijk, vốn là một bác sĩ y khoa, TGM Giáo phận Utrecht, Hà Lan, trong dịp về Roma viếng mộ hai Thánh Tông Đồ và thăm Toà Thánh, đã xin Đức Thánh Cha ban hành một thông điệp về vấn đề này.

Sau khi nói đến sự lan tràn của ý thức hệ về giống nhờ hỗ trợ của các cơ quan quốc tế và giới doanh nghiệp tây phương, Đức Hồng y Eijk nói: “Trong tư cách là Giáo Hội, tôi cảm thấy chúng ta như bị bó tay. Không có nhiều giám mục nói về vấn đề này. Nhưng Đức Giáo hoàng Phanxicô đã nói. Ngài gọi lý thuyết về gender là một nạn thực dân hoá tinh thần, ngài nói về điều này cả trong Thông điệp Laudato si’, khi bàn về sinh thái học toàn diện và chăm sóc thân thể chúng ta. Trong Thông điệp Amoris laetitia, Đức Thánh Cha nói người ta có thể phân biệt về giống và phái tính, nhưng ngươi ta không thể tách biệt chúng khỏi nhau.

Đức Giáo hoàng Phanxicô chống lý thuyết gender cấp tiến nhất và nói rất rõ về vấn đề này, nhưng chỉ thỉnh thoảng mà thôi. Tôi nghĩ rằng một thông điệp riêng về lý thuyết về giống (gender theory) sẽ có ảnh hưởng nhiều hơn, gây ấn tượng mạnh hơn nơi dân chúng, đã đánh động nhiều hơn và giúp dân chúng ý thức về những nguy hiểm của gender theory.

Khó khăn cơ bản nhất là rất khó khăn cho chúng ta khi lý thuyết gender được áp đặt hoàn toàn trong việc loan báo các chân lý cơ bản của đức tin chúng ta. Khi ý niệm về người cha trở nên mơ hồ, làm sao bạn loan báo Thiên Chúa là Đấng tự mạc khải là người cha? Hoặc khi ý niệm về người con trai hay con gái, vợ,… trở nên mơ hồ, làm sao bạn loan báo Chúa Kitô như Con Thiên Chúa? Hoặc Đức Mẹ như Hiền thê của Chúa Thánh Thần?

Điều này cũng có những hậu quả đối với thần học của chúng ta về thừa tác vụ, khi chúng ta nói một linh mục chỉ có thể là một người nam. Vì linh mục đại diện cho Chúa Kitô là một người nam.

Thư thánh Phaolô gửi tín hữu Êphêsô chương 5 nói về tương quan giữa Chúa Kitô và Giáo Hội, như tương quan giữa người chồng và người vợ.

Khi những ý niệm vợ, chồng và hôn nhân trở nên mơ hồ, thì sự sánh ví vừa nói không còn ý nghĩa và sự diễn tả nữa.

Khi tất cả những ý niệm đó trở nên mơ hồ, làm sao bạn có thể nói rõ rằng chỉ người nam có thể trở thành linh mục? Điều này sẽ có những hậu quả rất lớn về chức linh mục và thừa tác vụ thánh chức”.

G. Trần Đức Anh, OP

Nguồn: https://www.vaticannews.va/vi/vatican-city/news/2024-03/dtc-phanxico-ly-thuyet-ve-giong-gender-theory.html