31/12/2024

Công giáo tại Đức có thể tránh hiểm hoạ ly giáo

Công giáo tại Đức có thể tránh hiểm hoạ ly giáo

Tuần qua, chương trình cải tổ Giáo hội Công giáo tại Đức do Hội đồng Giám mục và Uỷ ban Trung ương Giáo dân Công giáo Đức đề xướng qua Con đường Công nghị đã bị khựng lại và Công giáo Đức hy vọng có thể tránh viễn ảnh hiểm hoạ ly giáo.
Các đại biểu của Giáo hội Đức trong khóa họp của Con đường công nghị tại Frankfurt vào ngày 12/3/2023

Các đại biểu của Giáo hội Đức trong khóa họp của Con đường Công nghị tại Frankfurt vào ngày 12/3/2023   (Foto: Synodaler Weg / Maximilian von Lachner)

Chương trình Con đường Công nghị

Con đường Công nghị (Synodal Weg) là một tiến trình bắt đầu từ năm 2019 nhắm cải tổ Giáo hội Đức sau những vụ giáo sĩ lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên trong 7 thập niên trước đây: cải tổ trong 4 lĩnh vực cũng là 4 diễn đàn của công nghị, đó là đổi mới việc thực thi quyền bính trong Giáo Hội, cụ thể là dân chủ hoá; thăng tiến vai trò của phụ nữ trong Giáo Hội, trong đó có việc cho phụ nữ chịu thánh chức, cải tổ luân lý tính dục của Giáo Hội cho hợp thời và sau cùng là thay đổi luật độc thân giáo sĩ. Khoá họp toàn thể của Công nghị có đối đa 230 đại biểu, gồm các Giám mục của 27 giáo phận toàn quốc, các đại biểu của Uỷ ban Trung ương Giáo dân Đức, gọi tắt là ZdK, cùng với các đại biểu khác được bầu lên, đa số là giáo dân.

Sau giai đoạn nhóm họp với các nghị quyết được thông qua, nay là lúc xác định các thủ tục để thi hành các quyết định ấy.

Trước tiên là Uỷ ban Con đường Công nghị (Synodal Ausschuss) đã được thành lập gồm 27 Giám mục của 27 giáo phận tại Đức, 27 người thuộc Uỷ ban Giáo dân ZdK cùng với 20 người do Con đường Công nghị bầu lên. Uỷ ban có mục đích chuẩn bị Hội đồng Công nghị (Synodal Rat), một cơ quan thường trực để cai quản Giáo hội Công giáo tại Đức kể từ năm 2026. Quy chế này đã được Uỷ ban ZdK của giáo dân thông qua, và theo dự kiến, đến lượt Hội đồng Giám mục Đức, trong khoá họp mùa xuân từ ngày 19 đến 22/2 vừa qua ở thành phố Augsburg, sẽ bỏ phiếu thông qua quy chế của Uỷ ban để cơ quan này có thể bắt đầu hoạt động từ tháng 6 tới đây.

Uỷ ban đã nhóm khoá họp đầu tiên trong hai ngày 10 và 11/11 năm ngoái, nhưng có 8 Giám mục vắng mặt, trong đó có 4 Giám mục phủ nhận thẳng Uỷ ban này, trong đó có Đức Hồng y Rainer Maria Woelki, Tổng Giám mục Giáo phận Koeln là giáo phận lớn nhất tại Đức.

Ngày 16/2 vừa qua, Đức Hồng y Quốc vụ khanh Toà Thánh, Pietro Parolin, cùng với hai Hồng y Tổng trưởng Bộ Giám mục và Bộ Giáo lý Đức tin, thừa lệnh Đức Thánh Cha, gửi thư khẩn cấp yêu cầu các Giám mục Đức ngưng việc bỏ phiếu này, vì Uỷ ban cũng như Hội đồng Công nghị Đức là điều trái với giáo luật, vì thế là vô hiệu. Các Giám mục đừng đặt Toà Thánh ở trước tình trạng “sự đã rồi”.

Thư của Toà Thánh

Thư của Toà Thánh đặc biệt nhắc đến đoạn số 2 trong điều 5 thuộc Quy chế Uỷ ban Con đường Công nghị định nghĩa “Hội đồng Công nghị” là “một cơ quan tư vấn và quyết định” về những biến cố quan trọng trong Giáo Hội và xã hội, và trên căn bản đó, “đưa ra những quyết định thiết yếu có tầm quan trọng liên giáo phận về việc hoạch định mục vụ, những vấn đề tương lai của Giáo Hội và những vấn đề tài chính cũng như ngân sách của Giáo Hội không được quyết định ở cấp giáo phận”.

“Cơ quan này không được trù định trong giáo luật hiện hành và vì thế quyết định của Hội đồng Giám mục Đức theo chiều hướng này là điều vô hiệu với những hậu quả pháp lý tương ứng. Việc làm này cũng đặt vấn đề: với thẩm quyền nào Hội đồng Giám mục có để phê chuẩn các quy chế. Giáo luật số 455 cũng như khoản số 8 của Quy chế Hội đồng Giám mục Đức không hề cung cấp cơ bản cho việc làm này, và Toà Thánh cũng không cấp thẩm quyền đó; trái lại, chính Toà Thánh đã bày tỏ ý kiến ngược lại. Dự thảo các quy chế cũng quy định rằng Hội đồng Giám mục Đức và Uỷ ban Trung ương Giáo dân Công giáo Đức (ZdK) đảm trách về “Uỷ ban Con đường Công nghị” (art.1). Xét vì Hội đồng Giám mục Đức không thể hành động như một thực thể pháp lý trong lĩnh vực đời, cùng lắm cơ quan này chỉ có thể bảo trợ cho Uỷ ban Con đường Công nghị qua Hiệp hội các Giáo phận Đức (VDD). Tuy nhiên, không có quyết định đồng thuận của các giáo phận Đức về vấn đề Uỷ ban Công nghị.”

Thư của Toà Thánh nhắc lại rằng những vấn đề trên đây đã được bàn tới trong cuộc viếng thăm của các Giám mục Đức, “Visit ad Limina”, tại Toà Thánh hồi năm ngoái, và sau đó là lá thư ngày 16/1/2023 của Đức Hồng y Quốc vụ khanh, cùng với Tổng trưởng Bộ Giáo lý Đức tin và Bộ Giám mục, thừa lệnh đặc biệt của Đức Thánh Cha yêu cầu đừng thành lập Hội đồng Công nghị.

“Vì thế việc phê chuẩn quy chế Uỷ ban Con đường Công nghị sẽ trái ngược với chỉ thị của Toà Thánh, được ban hành với uỷ nhiệm đặc biệt của Đức Thánh Cha, và một lần nữa lại đặt ngài trước một sự việc đã rồi.”

Sau cùng, Thư của Toà Thánh thông báo về cuộc gặp gỡ đối thoại giữa các đại diện của Hội đồng Giám mục Đức và các vị hữu trách tại Toà Thánh.

Các phản ứng

Sau lá thư trên đây, hôm 17/2, ông Matthias Kopp, người phát ngôn của Hội đồng Giám mục Đức, xác nhận với hãng tin Công giáo Đức KNA rằng các Giám mục Đức đã loại bỏ việc bỏ phiếu về Uỷ ban Con đường Công nghị để chuẩn bị Hội đồng Công nghị.

–  Về phần Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Giáo dân Công giáo Đức, bà Irme Stetter-Karp, bà bày tỏ phẫn nộ và đòi các Giám mục Đức phải chống lại tất cả các dấu hiệu “Stop” từ Roma. Trong tuyên bố hôm 18/2, bà nói rằng “Giáo hội Công giáo tại Đức không có cơ may thứ hai nào, nếu bây giờ ngưng lại Con đường Công nghị”.

Đức Hồng y Gerhard Mueller, người Đức, nguyên Tổng trưởng Bộ Giáo lý Đức tin, trong một cuộc phỏng vấn dành cho trang mạng Kath.net ngày 21/2, tuyên bố rằng Hội đồng Giám mục Đức không có quyền tách rời các giáo phận của mình ra khỏi sự hiệp nhất với Đức Giáo hoàng và Giáo hội Công giáo hoàn vũ.

Đức Hồng y Mueller ví hành động ngăn chặn của Toà Thánh, qua lá thư ngày 16/2, giống như: “vào phút cuối cùng, thắng hãm khẩn cấp được, trước khi xe lửa lao hết tốc lực vào nhà ga không có đường thông. Cơ quan mà các Giám mục Đức dự định chấp thuận chỉ là một tổ chức theo nhân luật và vì thế, trên nguyên tắc, không thể làm suy yếu chức năng theo bí tích của Giám mục, các linh mục và phó tế”.

“Cơ cấu phẩm trật của Giáo Hội là điều thuộc về thiên luật. Với khoa chú giải Công Giáo, ta có thể hiểu được mầu nhiệm Giáo Hội cũng như bản chất và sự phát triển lịch sử của Giáo Hội. Những khám phá về Kinh Thánh, tín lý và Huấn quyền được giải thích chính xác và đầy đủ dưới ánh sáng mạc khải của Chúa Thánh Linh. Tất cả những điều đó chúng ta có thể nghiên cứu dễ dàng trong hiến chế “Ánh Sáng Muôn dân” (Lumen Gentium) của Công đồng, vì hiến chế tín lý này là một tổng kết Giáo hội học hiện đại, không tự nhận là đã trình bày hết mầu nhiệm Giáo Hội của Chúa Ba Ngôi hay buộc nó vào một hệ thống khái niệm hoặc thậm chí biến Giáo Hội thành một ý thức hệ trần tục và ngoại giáo.”

Đức Cha Chủ tịch Hội đồng Giám mục Đức

Trong cuộc họp báo ngày 22/2 sau khi kết thúc khoá họp ở Augsburg, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Đức, Đức cha Georg Baetzing, Giám mục Giáo phận Limburg, tuyên bố tôn trọng quyết định của Toà Thánh về việc không bỏ phiếu về quy chế Uỷ ban Công nghị trong khoá họp hiện nay, nhưng mong muốn sớm có những thảo luận cụ thể với Toà Thánh về những cải tổ.

Đức Cha Baetzing nói thêm: “Mặc dù có thư cảnh giác từ Roma, nhưng các Giám mục Đức tiếp tục duy trì tiến trình cải tổ của mình. Tuy nhiên điều này phải diễn ra trong cuộc đối thoại với Roma.” Vì thế, trong sự tôn trọng đối với các vị trách nhiệm ở Roma, Đức Cha cho biết đã xoá bỏ trong chương trình việc các Giám mục bỏ phiếu phê chuẩn việc thành lập Uỷ ban Con đường Công nghị: “Chúng tôi không muốn và không thể làm ngơ trước vấn nạn của Roma.”

Tuy không bỏ phiếu quyết định, nhưng trong khoá họp vừa qua, ngoài các vấn đề khác trong chương trình nghị sự, các Giám mục Đức vẫn bàn về con đường Công nghị. Các Giám mục Đức mong chờ những đối thoại cụ thể với các cơ quan Roma. Theo Đức Cha, Con đường Công nghị ở Đức và Thượng Hội đồng Giám mục Thế giới đi cùng một chiều hướng. Hiện nay mới chỉ có những bước đầu tiên, cuộc cải tổ phải tiếp tục tiến hành. Giáo hội Công giáo tại Đức cộng tác với hành trình của Thượng Hội đồng Giám mục Thế giới, và cả Uỷ ban Trung ương Giáo dân Công giáo Đức cũng tham gia vào con đường này.

Đức cha giải thích rằng các Giám mục Đức đã bàn sâu rộng về lá thư cảnh giác từ Roma gửi cho Uỷ ban Con đường Công nghị ở Đức. Vấn đề bây giờ là “liên kết một cách tích cực tất cả các khía cạnh của hoạt động và những cố gắng đối với Giáo Hội hiệp hành”. Trước khi thảo luận thêm về nội dung, cần tìm ra “một hành trình chung và có thể thực hành được”.

Đức cha Baetzing nói thêm rằng các Giám mục Đức sẽ tham dự các cuộc đối thoại với Toà Thánh ở Roma cũng là các vị chủ tịch các Uỷ ban Giám mục đã gặp gỡ các chức sắc Toà Thánh hồi tháng 7 năm ngoái. Sau cùng Đức cha Baetzing trấn an rằng vị thế của Giám mục sẽ không bị suy giảm vì tính hiệp hành, trái lại được củng cố thêm.

Giuse Trần Đức Anh, OP

Nguồn: https://www.vaticannews.va/vi/church/news/2024-02/cong-giao-duc-hiem-hoa-ly-giao-con-duong-cong-nghi.html