22/01/2025

Những nữ tu là ‘cầu nối’ giữa Israel và các miền lãnh thổ Palestine

Những nữ tu là ‘cầu nối’ giữa Israel và các miền lãnh thổ Palestine

Khi mà tương quan giữa những người Hồi giáo Palestine và người Do Thái trở nên xấu đi bởi những nghi ngờ, những tấn công, những xung đột, gây hấn, các tu sĩ là những người được mời gọi là sứ giả hoà bình, bênh vực những người Palestine yếu thế, nhưng cũng an ủi động viên những người Israel là nạn nhân của chiến tranh. Họ chọn ở lại giữa người dân, giữa Israel và Palestine, giữa chiến tranh và bom đạn, dẫu biết rằng họ sẽ gặp nhiều khó khăn, như các nữ tu Dòng Thánh Comboni.

SAFRICA-PALESTINIAN-ISRAEL-FLOWERS

Các nữ tu dòng Thánh Comboni đã sống ở biên giới Đông Giêrusalem từ năm 1967. Chạy dọc theo ranh giới khu đất của các sơ là bức tường do người Israel xây dựng vào năm 2009, ngăn cách ngôi làng Bethany/al-Eizariya – nơi Chúa Giêsu đã làm phép lạ cho ông Lazaro sống lại. Nhà ở của các sơ vẫn nằm ở phần đất bên Israel, trong khi nhà thờ và lăng mộ của ông Lazaro nằm ở phía Palestine, phía bên kia bức tường.

Sơ Anna Maria Sparamella, cố vấn tỉnh dòng và điều phối viên Khu vực Trung Đông của Dòng các Nữ tu Comboni, chia sẻ với hãng tin CNA: “Đối với chúng tôi, đoạn Kinh Thánh nói rằng ‘trong Chúa Kitô, bức tường ngăn cách giữa các dân tộc đã bị phá bỏ’ có ý nghĩa rất mạnh mẽ (Ep 2,14), đặc biệt khi có một bức tường vật lý trước mặt chúng ta chỉ rõ sự chia cắt này.”

Lần đầu tiên sơ Spartamella đến Giêrusalem là vào ngày 26 tháng 9 năm 2000. Ngay ngày hôm sau, intifada thứ hai – một cuộc nổi dậy của người Palestine chống lại sự chiếm đóng của Israel – đã nổ ra. Sơ đã chứng kiến ​​cuộc bao vây Vương cung Thánh đường Chúa Giáng Sinh ở Bêlem, nơi sơ dạy thần học.

Sau đó, sơ được chuyển đến Ai Cập, và vào năm 2011, sơ đã chứng kiến cuộc nổi dậy được gọi là “Mùa xuân Ả Rập”. Kể từ năm 2013, sơ đã trở lại hoạt động cố định tại Giêrusalem và hiện phải đối mặt với một cuộc xung đột kéo dài và đẫm máu khác. Sơ chia sẻ: “Tôi luôn bị ấn tượng bởi niềm hy vọng sâu sắc và quyết tâm tiến về phía trước của người dân Palestine. Với cuộc chiến này, tôi thấy nó yếu hơn; mọi người kiệt sức hơn.”

Hiện tại có sáu nữ tu Comboni ở Giêrusalem và mỗi sơ đều tham gia vào một hoạt động mục vụ cụ thể. Họ thường đến với nhau trong Thánh lễ buổi sáng và giờ Kinh Chiều, cũng như các cuộc gặp gỡ và giờ suy niệm. Ngôi nhà cộng đoàn của các sơ mở cửa cho các tu sĩ đang tìm kiếm thời gian học tập hoặc phân định và phục vụ như một trung tâm tâm thiêng liêng cho cả hội dòng và Giáo hội địa phương. Các nữ tu tổ chức các buổi hội thảo giáo dục và linh thao, cũng như chào đón những người hành hương.

Ở lại ở giữa, giữa hai dân tộc 

Sơ Spartamella đã chia sẻ với hãng tin CNA về cuộc sống ở biên giới giữa Israel và Palestine.

“Với việc Israel xây dựng bức tường, chúng tôi thấy mình ở giữa, giữa người Palestine và người Israel. Người Palestine cố gắng vượt qua bức tường – đặc biệt là để cầu nguyện tại “Dome of the Rock” (một đền thờ của người Hồi giáo ở Giêrusalem) – trong khi người Israel cố gắng đẩy lùi họ trong một trò chơi không có hồi kết thúc.”

Sơ Spartamella nói tiếp: “Ở giữa là một vị trí vật lý nhưng cũng đã trở thành một vị trí tinh thần. Chúng tôi đã phải suy tư và quyết định ‘ở lại ở giữa’, giữa hai dân tộc này, để làm cầu nối giữa họ. Bằng cách đặt mình vào giữa, chúng tôi lắng nghe sự bất công mà người Palestine phải đối mặt cũng như nỗi sợ hãi của các gia đình Israel.”

Vì lý do này, cộng đồng các nữ tu đã chọn duy trì sự hiện diện bé nhỏ của họ ở khu vực Palestine. Hai nữ tu sống trong một căn hộ phía sau bức tường, cách nơi ở của các nữ tu Comboni khoảng 30 mét.

Ở lại bất chấp những nguy hiểm

Sơ Spartamella giải thích thêm: “Chúng tôi mong muốn ở lại và chia sẻ cuộc sống của những người dân đó và đồng hành cùng cộng đồng Kitô hữu nhỏ bé còn sót lại ở đó. Mỗi lần họ đến với cộng đoàn các nữ tu, họ phải đi 18 km qua trạm kiểm soát của Israel.”

Các nữ tu không làm điều này chỉ vì tinh thần vị tha. Sơ Swaramella cho biết: “Ngay từ đầu chúng tôi đã hiểu rằng việc ở giữa biên giới của hai bên sẽ phải trả giá. Nó thường có nghĩa là bị tấn công từ cả hai phía. Một mặt, có những hòn đá và bom chai được ném từ người Palestine rơi xuống đất của chúng tôi; mặt khác, chúng tôi đang phải hứng chịu làn khói hơi cay do người Israel phóng ra để đáp trả.”

Một sự cố xảy ra vào đêm 6/10/2023, chỉ vài giờ trước cuộc tấn công của Hamas vào Israel. Một số bom chai rơi xuống bãi cỏ nhân tạo trong khu đất có trường mẫu giáo, gây ra hỏa hoạn – những dấu vết của vụ cháy vẫn còn có thể nhìn thấy được cho đến ngày nay. Ngọn lửa đã thiêu rụi cỏ, thiết bị sân chơi và làm đen bức tường mới sơn.

Truyền đạt những giá trị như hòa bình, tình bạn, tình yêu và tôn trọng sự khác biệt

Trường mẫu giáo là công trình được các nữ tu Comboni thực hiện kể từ khi họ đến và ngày nay nó đóng vai trò là điểm kết nối quan trọng với cộng đồng xung quanh. Ý nghĩa này đã tăng lên, đặc biệt là sau khi bức tường ngăn cách được xây dựng.

Sơ Spartamella, giám đốc trường mẫu giáo, cho biết: “Sự hiện diện của trường mẫu giáo chưa bao giờ bị nghi ngờ, kể cả với bức tường hay chiến tranh.” Trường mẫu giáo có khoảng 40 trẻ em, tất cả đều theo đạo Hồi, được chia thành hai lớp. Nó thuộc thẩm quyền của Bộ Giáo dục Palestine. Sơ chia sẻ: “Đó là dự án đáp ứng được nhu cầu của người dân; hơn nữa, các vụ bạo lực không bao giờ xảy ra vào ban ngày khi có mặt trẻ em.”

Mỗi buổi sáng, các em bắt đầu buổi học bằng lời cầu nguyện. Sơ Spartamella giải thích: “Chúng tôi thông báo với phụ huynh ngay từ đầu. Đó là lời cầu nguyện tạ ơn vì những gì Chúa đã tạo dựng, cho ngày sống, cho cuộc sống, phúc lành cho cha mẹ, hàng xóm, bạn bè và cả cho những đứa con đang đau khổ. Chúng tôi cầu nguyện cho hòa bình trên thế giới và ở đất nước này.”

Về gia đình, sơ chia sẻ: “Các gia đình rất tin tưởng và tôn trọng. Họ thường chọn gửi con ở đây, đặc biệt là để giáo dục đạo đức và học tiếng Anh.”

Hầu hết trẻ em đến từ Đông Giêrusalem, nhưng một số cũng đến từ al-Eizariya. Một trong hai giáo viên, Nihal Hashmime, đồng thời là phó giám đốc, phải đi qua trạm kiểm soát hằng ngày để đến nơi làm việc.

Sơ Spartamella chia sẻ thêm với hãng tin CNA: “Với chiến tranh, chúng tôi phải đối mặt với một số thách thức về giáo dục bởi vì ban đầu, một số trẻ em vắng mặt. Công việc chúng tôi làm với các em là truyền đạt những giá trị nhất định, chẳng hạn như hoà bình, tình bạn, tình yêu và tôn trọng sự khác biệt.”

Chơi đùa cũng là một khía cạnh quan trọng. “Trẻ em ở đây không tìm thấy các đồ chơi như súng đạn và không được phép mang những đồ chơi loại này từ nhà đến trường.”

Sơ giải thích: “Nỗ lực của chúng tôi trong giáo dục và tất cả các hoạt động khác là phá bỏ bức tường này, điều khiến họ xem người khác là kẻ thù. Đôi khi thật khó để nhận ra tính phổ quát của ơn cứu độ. Chúng ta biết rằng Chúa Giêsu đã chết cho mọi người, nhưng trong một số bối cảnh xung đột nhất định, việc thừa nhận người khác là anh em là một thách thức. Về mặt cá nhân, lĩnh vực giảng dạy thần học mang lại cho tôi không gian để xây dựng những cầu nối giữa các tín đồ. Bởi vì trong mọi tôn giáo đều có những tín đồ chân thành tìm kiếm sự thật.”

Vatican News

Nguồn: https://www.vaticannews.va/vi/church/news/2024-02/nu-tu-cau-noi-giua-israel-lanh-tho-palestine-comboni.html