22/12/2024

Hãy dừng cuộc tàn sát trong cuộc chiến Israel-Hamas

Hãy dừng cuộc tàn sát trong cuộc chiến Israel-Hamas

Với những nhận xét của Đức Hồng y Quốc vụ khanh Pietro Parolin về 30.000 người đã chết ở Gaza kể từ khi bắt đầu cuộc chiến Israel-Hamas, ông Andrea Tornielli, Giám đốc biên tập của Vatican News, đã có bài bình luận về vấn đề này.

Israel conducts airstrikes on Al Bureije refugee camp in Southern Gaza

Ngay sau vụ thảm sát do những kẻ khủng bố Hamas gây ra vào ngày 7 tháng 10 năm 2023, nhằm vào các gia đình Israel đang yên bình, Đức Hồng y Quốc vụ khanh Pietro Parolin đã mô tả vụ tấn công này là “vô nhân đạo”. Ngài nhấn mạnh ưu tiên giải phóng con tin và cũng nói về quyền phòng thủ của Israel đồng thời cũng chỉ ra các thông số cần thiết về tính tương xứng.

Đối thoại với các nhà báo vào thứ Ba, 13/2, sau khi kết thúc một sự kiện với chính quyền Ý, Đức Hồng y Parolin đã nói những lời rõ ràng về những gì đang xảy ra ở Gaza. Ngài lặp lại “việc lên án rõ ràng và dứt khoát đối với mọi hình thức bài Do Thái”; đồng thời, Đức Hồng y nhắc lại yêu cầu rằng “quyền phòng thủ của Israel, vốn đã được viện dẫn để biện minh cho hoạt động này, phải tương xứng, và chắc chắn với 30.000 người chết thì không phải vậy”. Đức Hồng y nói thêm: “Tôi tin rằng tất cả chúng ta đều phẫn nộ trước những gì đang xảy ra, bởi cuộc tàn sát này, nhưng chúng ta phải có can đảm để tiến về phía trước và không mất hy vọng.” Lời mời gọi của Đức Hồng y không phải là khuất phục trước sự tuyệt vọng, trước sự việc được cho là không thể tránh khỏi của một vòng xoáy bạo lực, vốn không bao giờ có thể mang lại hoà bình nhưng có nguy cơ tạo ra những hận thù mới.

Trong một cuộc phỏng vấn của tờ báo Ý “Il Fatto Quotidiano”, nhà văn và nhà thơ Edith Bruck – người, vào mùa xuân năm 1944, ở tuổi 13, bị bắt tại khu ổ chuột Sátoraljaújhely của Hungary và bị đưa đến trại Auschwitz – cũng bày tỏ lập trường tương tự. Bà đưa ra những lời chỉ trích gay gắt đối với Thủ tướng Israel hiện tại, nói rằng “ông đã làm hại người Do Thái hải ngoại vì ông đã làm sống lại chủ nghĩa bài Do Thái, vốn chưa bao giờ biến mất và hiện đã gia tăng”. Bà Bruck cũng bày tỏ niềm tin rằng những kẻ khủng bố sẽ không bao giờ bị loại bỏ bằng chính sách này.

Lời của cả Đức Hồng y và nhà thơ Do Thái đều xuất phát từ cái nhìn thực tế về thảm kịch đang diễn ra. Toà Thánh luôn đứng về phía các nạn nhân. Vì vậy, họ là những người Israel bị tàn sát tại nhà ở Kibbutz khi họ sắp tổ chức lễ Simchat Torah và những con tin bị chia cắt khỏi gia đình họ, cũng như những thường dân vô tội – một phần ba trong số đó là trẻ em – đã bị giết bằng những trận bom ở Gaza. Không ai có thể định nghĩa những gì đang xảy ra ở Dải Gaza là “thiệt hại đối trọng” trong cuộc chiến chống khủng bố. Quyền tự vệ, quyền của Israel đưa thủ phạm của vụ thảm sát tháng 10 ra trước công lý, không thể biện minh cho cuộc tàn sát này.

Trong giờ đọc Kinh Truyền Tin ngày 17/12, sau cuộc sát hại hai nữ Kitô hữu đang tìm nơi ẩn náu ở giáo xứ Gaza, Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Những thường dân không có vũ khí phải chịu các vụ đánh bom và súng đạn… Một số người đã lên tiếng rằng ‘đó là khủng bố, đó là chiến tranh’. Vâng, đó là chiến tranh, đó là khủng bố, đó là lý do tại sao Kinh Thánh nói: ‘Thiên Chúa chấm dứt chiến tranh… Ngài bẻ gãy cung và giáo’ (xem Tv 46,9)’. Chúng ta hãy cầu xin Chúa ban hoà bình.” Vào đầu Mùa Chay, khi số lượng nạn nhân vô tội gia tăng cách khủng khiếp, lời kêu gọi này càng trở nên cấp bách hơn, kêu gọi hãy làm im tiếng vũ khí trước khi quá muộn đối với thế giới của chúng ta đang bên bờ vực thẳm.

Vatican News

Nguồn: https://www.vaticannews.va/vi/world/news/2024-02/hay-dung-cuoc-tan-sat-trong-cuoc-chien-israel-hamas.html