22/01/2025

HỌC HỎI PHÚC ÂM CHÚA NHẬT I MÙA CHAY – B

Đức Giêsu giống các tội nhân khi xếp hàng để lãnh phép rửa của Gioan. Ngài cũng giống chúng ta khi bị Xatan cám dỗ trong hoang địa. Đâu là những cám dỗ bạn thường gặp trong cuộc sống mỗi ngày? Làm sao bạn có thể thắng được những cám dỗ ấy?

Lời Chúa (Mc 1,12-15):

12 Sau khi Đức Giê-su chịu phép rửa, Thần Khí liền đẩy Người vào hoang địa. 13 Người ở trong hoang địa bốn mươi ngày, chịu Xa-tan cám dỗ, sống giữa loài dã thú, và có các thiên sứ hầu hạ Người.

14 Sau khi ông Gio-an bị nộp, Đức Giê-su đến miền Ga-li-lê rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa. 15 Người nói : “Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng.”

HỌC HỎI:

  1. Ngay trước khi và ngay sau khi Đức Giêsu bị cám dỗ, có những biến cố quan trọng nào xảy ra trong cuộc đời Đức Giêsu?
  2. Đọc Mc 1,10.12.‎‎ Cho biết những hoạt động khác nhau của Thần Khí nơi con người Đức Giêsu.
  3. Theo ‎bạn, tại sao Thần Khí lại “đẩy” Đức Giêsu vào hoang địa? Trong 40 ngày ở đó, Đức Giêsu làm gì?
  4. Bốn mươi ngày là khoảng thời gian bao lâu? Đọc Sáng thế 7,4; Xuất hành 24,18; 34,28; Dân số 13,25; 1 Samuel 17,16; 1 Vua 19,8.
  5. Đối với Đức Giêsu, Xatan là ai, nó làm gì? Đọc Mc 1,13; 3,23. 26; 4,15; 8,33.
  6. Thánh Mác-cô có cho ta biết Đức Giêsu bị cám dỗ về chuyện gì không? Đọc Mt 4,1-11 và Lc 4,1-13. Cuối cùng Đức Giêsu có thắng được cơn cám dỗ đầu tiên của Xa-tan không?
  7. Đọc Mc 1,13. Bạn nghĩ gì về chuyện Đức Giêsu sống bên dã thú và có các thiên sứ phục vụ Người?
  8. Theo bạn, tại sao Giáo hội chọn đọc bài Tin Mừng này trong Chúa nhật thứ nhất Mùa Chay?

GỢI Ý SUY NIỆM:

Đức Giêsu giống các tội nhân khi xếp hàng để lãnh phép rửa của Gioan. Ngài cũng giống chúng ta khi bị Xatan cám dỗ trong hoang địa. Đâu là những cám dỗ bạn thường gặp trong cuộc sống mỗi ngày? Làm sao bạn có thể thắng được những cám dỗ ấy?

PHẦN TRẢ LỜI:

  1. Ngay trước khi bị Xatan cám dỗ, Đức Giêsu đã chịu phép rửa bởi ông Gioan Tẩy giả (Mc 1,9-11). Và sau khi bị Xatan cám dỗ, và sau khi ông Gioan bị nộp, Đức Giêsu đã bắt đầu đi rao giảng Tin Mừng trong miền Galilê (Mc 1,14-15). Chịu phép rửa bởi ông Gioan ở sông Giođan là biến cố quan trọng đối với Đức Giêsu, vì qua đó Ngài có một kinh nghiệm đặc biệt, đó là nghe thấy tiếng Chúa Cha nói với mình, và nhìn thấy Thần Khí ngự xuống trên mình. Từ kinh nghiệm đó, Đức Giêsu biết đã đến lúc mình phải lên đường rao giảng Tin Mừng. Đây là khúc quanh lớn trong cuộc đời Đức Giêsu, vì từ nay Ngài chấm dứt giai đoạn làm thợ ở làng Nadarét đã kéo dài hơn ba mươi năm (Mc 6,3), để tập trung vào sứ mạng đi khắp nơi loan báo về Nước Thiên Chúa.
  2. Khi chịu phép rửa bởi ông Gioan ở sông Giođan, Đức Giêsu bị dìm xuống nước. Ngay sau khi Ngài lên khỏi nước, Thần Khí như chim bồ câu ngự xuống trên Ngài (Mc 1,10). Đức Giêsu đã nhận được Thần Khí, nghĩa là được Chúa Cha xức dầu tấn phong làm Mêsia để đi loan báo tin mừng (x. Is 61,1; Cv 10,38). Thần Khí vẫn ở với Đức Giêsu luôn, và chính Thần Khí này đã đẩy (ekballei) Ngài vào hoang địa (Mc 1,12). Như thế chuyện Đức Giêsu đi vào hoang địa và ở đó suốt bốn mươi ngày, chịu Xatan cám dỗ, là chuyện nằm trong ý định của Thiên Chúa. Thần Khí vẫn ở với Đức Giêsu trong thời gian bốn mươi ngày trong hoang địa, soi sáng cho Ngài thấy ý muốn của Chúa Cha, và nâng đỡ Ngài khi Ngài bị Xatan cám dỗ.
  3. Thần Khí hẳn có mục đích khi “đẩy” Đức Giêsu vào hoang địa. Trong nơi vắng vẻ này, Đức Giêsu đã có một thời gian khá dài để sống gần gũi thân tình với Chúa Cha, lắng nghe Cha để biết ý Cha về hướng đi sắp tới của đời mình. Vì là “Con yêu dấu, làm Cha hài lòng” (Mc 1,11), nên trong hoang địa, Đức Giêsu chỉ muốn tìm biết ý muốn của Chúa Cha để thi hành trong đời Ngài. Tuy nhiên, trong hoang địa, bên cạnh sự hiện diện của Thần Khí còn có sự hiện diện của Xatan. Nhiệm vụ của Xatan là “cám dỗ” hay “thử thách” (peirazô) Đức Giêsu, nghĩa là lôi kéo Đức Giêsu đi theo con đường của nó, ngược với con đường của Chúa Cha. Trong cảnh cô tịch của hoang địa, Đức Giêsu sẽ chịu sự tác động của cả Thần Khí lẫn Xatan. Ngài sẽ phải chọn một hướng đi cho mình.
  4. “Bốn mươi ngày, bốn mươi đêm” là một lối nói thường được dùng trong Cựu Ước để chỉ một khoảng thời gian tương đối dài: đó là thời gian trận mưa dẫn đến Đại hồng thủy (St 7,4), thời gian ông Môsê ở trên núi Sinai (Xh 24,18; 34,28), thời gian ngôn sứ Êlia đi đến núi Khôrép (1 V 19,8). Có khi Cựu Ước chỉ dùng lối nói “bốn mươi ngày”: đó là thời gian do thám đất Canaan (Ds 13,25), thời gian tên Philitinh đứng ra thách thức dân Ítraen (1 Sm 17.16). Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu bị cám dỗ trong “bốn mươi ngày.” Khoảng thời gian giữa biến cố Phục sinh và Lên trời của Đức Giêsu cũng là bốn mươi ngày (Cv 1,3).
  5. Trong Tin Mừng Máccô, Xatan được nhắc đến nhiều lần (Mc 1,13; 3,23.26; 4,15; 8,33). Ngay từ khi Đức Giêsu chưa bắt đầu sứ vụ, nó đã cám dỗ Ngài (Mc 1,13). Sau này nó còn khéo léo cám dỗ Ngài qua môn đệ Phêrô (Mc 8,33). Rõ ràng Xatan là kẻ thù mà Đức Giêsu phải đối mặt trong suốt sứ vụ trần thế của Ngài. Để khai mở Nước Thiên Chúa trên trần gian, Đức Giêsu không thể không bước vào cuộc chiến với nước của Xatan. Nhiệm vụ quan trọng của Ngài là đẩy lui Xatan ra khỏi thế giới con người, ra khỏi những người bị nó ám (Mc 3,23). Xatan cũng lấy đi hạt giống Lời Chúa được gieo trong tâm hồn con người (Mc 4,15). Thánh sử Máccô còn gọi Xatan là Bêendêbun, là tướng của các quỷ (Mc 3,22). Nhiệm vụ của Đức Giêsu là trừ quỷ (daimonia, Mc 1,34.39). Ngài còn cho các môn đệ quyền này (Mc 3,15; 6,13). Quỷ còn được gọi là các thần ô uế (Mc 1,23.27; 3,11).
  6. Khác với Tin Mừng Mátthêu và Luca, Tin Mừng Máccô không cho ta biết Đức Giêsu bị Xatan cám dỗ về điều gì, cũng không nói rõ Ngài có chiến thắng thử thách của nó không. Tuy nhiên, qua những phép lạ trừ quỷ của Đức Giêsu sau này (Mc 1,23-27; 5,1-20; 9,14-29), ta biết rõ Ngài đã chiến thắng Xatan. Suốt cả sứ vụ của Đức Giêsu là một cuộc chiến không khoan nhượng với Xatan, và Ngài luôn chiến thắng qua những lần đuổi quỷ thành công. Việc Ngài từ chối đề nghị của Phêrô, chấp nhận cuộc Khổ Nạn theo ý Cha, là một chiến thắng lớn trên Xatan (Mc 8,33).
  7. Việc Đức Giêsu sống giữa các dã thú cho thấy Ngài như Ađam mới, sống trong vườn địa đàng hài hòa với các con vật này (x. St 2,19-20). Chúng như được thuần hóa, không có nguy cơ hãm hại Ngài (x. Is 11,1-9). Các thiên thần phục vụ Đức Giêsu, điều đó cho thấy Ngài là Con Thiên Chúa, Đấng trổi vượt trên họ. Phục vụ ở đây thường có nghĩa là đem lại thức ăn như xưa thiên sứ đã đem thức ăn cho ngôn sứ Êlia khi ông đói (1 V 19,5-7). Tuy nhiên, phục vụ cũng có thể mang nghĩa rộng hơn.
  8. Giáo hội cho đọc bài Tin Mừng hôm nay trong Chúa nhật I Mùa Chay vì nhiều lý do. Mùa Chay là thời gian chúng ta bước vào cuộc chiến nội tâm, nhận ra sự có mặt của Xatan trong đời mình, khám phá ra những cám dỗ tinh vi của nó, và tìm cách thắng vượt chúng. Mùa Chay là thời gian chúng ta nghe lời mời gọi của Chúa Giêsu: “Hãy hối cải và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,15). Hối cải là từ bỏ Xatan với những quyến rũ của nó, từ bỏ tội lỗi với những khoái lạc kèm theo, từ bỏ những khuynh hướng xấu đã có từ lâu. Mùa Chay là thời gian sống tĩnh lặng, cầu nguyện, chay tịnh để chiến đấu, và biết mình sẽ chiến thắng như Đức Giêsu đã chiến thắng Xatan trong hoang địa.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

Thu âm lớp học do Anh Tuấn thực hiện: