13/11/2024

Công Giáo Đức trước nạn lạm dụng tính dục trẻ em trong Tin Lành Đức

Công Giáo Đức trước nạn lạm dụng tính dục trẻ em trong Tin Lành Đức

Bình luận về kết quả cuộc điều tra về những vụ lạm dụng tính dục trẻ em trong Giáo hội Tin Lành Đức, Cha Hans Zollner không ngạc nhiên, đồng thời nói rằng sự độc thân không đủ để giải thích lý do của những vụ lạm dụng. Nó cũng chứng tỏ rằng “một số cơ cấu của Giáo Hội không thể bị coi là nguyên nhân duy nhất gây ra những vụ lạm dụng”.

2023.03.14 traffico esseri umani, tratta

  Phúc trình nghiên cứu về lạm dụng

Từ gần 2 tuần nay, Liên hiệp các Giáo hội Tin Lành tại Đức (EKD), qui tụ 20 Giáo Hội miền, đang xôn xao và rúng động vì những nghiên cứu mới đây, do chính Giáo Hội thuê thực hiện, cho thấy con số những vụ lạm dụng tính dục người trẻ xảy ra trong Giáo Hội cao quá mức dự đoán.

Chính Hội đồng các Giáo Hội này đã quyết định dành 3,6 triệu Eurođể thuê thực hiện cuộc điều tra. Cả các nạn nhân cũng tham gia công trình này dưới sự hướng dẫn của vị điều hợp là Martin Wazlawik, giáo sư về hoạt động xã hội tại Đại học Hannover.

Kết quả nghiên cứu là Phúc trình mang tên là “ForuM study”, Diễn đàn, dài 725 trang, kết quả 5 năm điều nghiên của 8 tổ chức liên kết về những vụ lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên trong Tin Lành Đức và cơ quan bác ái Diakonia của Giáo Hội này, được công bố ngày 25/1 vừa qua (2024) tại thành phố Hannover bắc Đức. Phúc trình xác nhận từ năm 1946 đến nay có 9.355 trẻ em và thiếu niên bị lạm dụng và 3 phần 4 các thủ phạm là những người nam có gia đình. Trong số những người bị cáo buộc, có 1.402 mục sư.

Trước đây, người ta nghĩ rằng chỉ có khoảng 900 nạn nhân những vụ lạm dụng tính dục trong các Giáo hội Tin Lành.

Trong số các vụ vừa nói, có 1.259 vụ bị đã kết tội, và các nạn nhân gồm 2 phần 3, tức là 64,7% là trẻ nam và 35,3% còn lại là nữ.

Đức Giám mục Kristen Fehrs, chủ tịch lâm thời của Hội đồng các Giáo hội Tin Lành Đức, gọi tắt là EKD, nhìn nhận rằng kết quả điều tra này làm cho ngài ngỡ ngàng. Phúc trình cho thấy rõ trên “giấy trắng mực đen” rằng “bạo lực nguy hiểm và tàn bạo khiến các trẻ em trở thành nạn nhân của một bất công khôn tả, với thương tích trầm trọng trong thể xác và tâm hồn, và đôi khi gây hậu quả suốt đời… Giáo hội Tin Lành Bắc Đức đã thất bại tỏ tường”.

 Phản ứng

Có nhiều phản ứng trong Giáo hội Tin Lành và cả Công giáo Đức cũng như nước ngoài trước Phúc trình ForuM Study vừa nói.

Nhiều người đặc biệt chú ý đến việc bản Phúc trình cho rằng vị thế đặc biệt về quyền bính của giáo sĩ trong Tin Lành là một lý do tạo nên nhiều tội ác như thế, cũng như vì phản ứng yếu kém của Giáo Hội trong việc tương tác với những người bị thương tổn. Nhưng nhiều người khác không đồng ý về những nhận định này.

 Cha Zollner

Đặc biệt từ phía Công giáo, dư luận đặc biệt chú ý đến những nhận định của Cha Hans Zollner, Dòng Tên người Đức, chuyên gia Công giáo về những vụ lạm dụng tính dục trẻ em, và từng là thành viên lâu năm của Uỷ ban Toà Thánh Bảo vệ Trẻ em, và hiện cha tiếp tục là giáo sư tâm lý, Giám đốc Học viện Nhân học thuộc Đại học Giáo hoàng Gregoriana ở Roma.

Bình luận về kết quả cuộc điều tra về những vụ lạm dụng tính dục trẻ em trong Giáo hội Tin Lành Đức, Cha Zollner không ngạc nhiên, đồng thời nói rằng sự độc thân không đủ để giải thích những vụ lạm dụng. Nó cũng chứng tỏ rằng “một số cơ cấu của Giáo Hội không thể bị coi là nguyên nhân duy nhất gây ra những vụ lạm dụng”.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho hãng tin Công giáo Đức KNA, truyền đi hôm 28/1 vừa qua (2024), Cha Zollner nhận xét rằng “trong thực tế, người ta biết sự lạm dụng tính dục không phải là một vấn đề riêng của Công giáo và cơ cấu của Giáo hội Công giáo và sự độc thân không thể bị coi là nguyên nhân duy nhất gây ra lạm dụng…”. Theo cha, điều quyết định hơn, chính là cách thức sử dụng quyền bính và điều rất quan trọng là suy nghĩ về những gì tạo điều kiện cho sự lạm dụng tính dục trong Giáo hội Công giáo, cũng như những gì cản trở thông báo, cách thức cần sử dụng để chữa trị… Thật là điều quá hẹp hòi khi nghĩ rằng nếu các linh mục được lập gia đình hoặc để cho các phụ nữ cai quản Giáo Hội thì sẽ ngăn ngừa được những lạm dụng như thế. Tình trạng phức tạp hơn nhiều.

 Trường hợp Thuỵ Sĩ

Như một ví dụ, Cha Zollner trưng dẫn trường hợp của Thuỵ Sĩ. Giáo hội Công giáo tại đây đã cho thực hiện một cuộc điều tra và công bố hồi tháng 9 năm ngoái (2023) cho thấy từ những năm 1950, có hơn 1.000 vụ lạm dụng tính dục trẻ em. Điều đáng để ý là tại Thuỵ Sĩ, từ lâu các giáo dân có rất nhiều quyền hạn so với Giáo Hội tại những nơi khác. Dầu vậy, có nhiều giáo dân lãnh đạo vẫn không ngăn cản những vụ lạm dụng và những hoạt động che đậy.

Cha Zollner nói thêm: “Tôn giáo luôn có giá trị đối nghịch: nó có thể ngăn cản bạo lực và lạm dụng, nhưng cũng có thể khích lệ những hành động ấy. Nhưng lạm dụng không phải chỉ là do chính các cơ chế, chẳng vậy người ta sẽ phải đòi bãi bỏ cơ chế gia đình, vì chính trong các gia đình là nơi có nhiều lạm dụng nhất (…). Tất cả các cơ chế, tổ chức và tất cả các hệ thống của con người đều dễ bị tổn thương vì những lạm dụng, vì thế cần phải có những qui luật rõ ràng, minh bạch và tuân giữ các qui luật đó.”

 Đề nghị với Tin Lành Đức

Dựa trên kinh nghiệm lâu năm trong việc chống lại những vụ lạm dụng, Cha Hans Zollner gợi ý vài điều cho các vị lãnh đạo Liên hiệp các Giáo hội Tin Lành Đức, EKD. Theo cha, điều rất quan trọng là dành chỗ cho các nạn nhân, để họ được nói lên những lo âu, quan tâm của họ. “Đừng đề cập đến vấn đề bằng cách nghĩ rằng ban lãnh đạo Giáo Hội đã biết những người liên hệ muốn gì và điều gì là tốt đẹp nhất cho họ”, chẳng vậy sẽ không mang lại sự chữa lành nội tâm thực sự.

Một điều khác cha Zollner đề nghị, đó là: chẳng ích gì khi nói với các nạn nhân: “Tất cả chúng ta là anh chị em với nhau, chúng ta phải tha thứ cho nhau.” Dĩ nghiên tha thứ là đặc điểm của Kitô giáo, nhưng trước khi tha thứ cần có công lý. “Trước tiên cần có sự nhìn nhận tội lỗi và đào sâu vấn đề này.” Tiếp đến, cha khuyên các Giáo hội Tin Lành Đức hãy cứu xét môi trường của mình, để xem những gì đã tạo sự dễ dàng cho sự che đậy, ém nhẹm những vụ lạm dụng.

Cha đặc biệt nói đến “nhà xứ” của giáo xứ Tin Lành với những cơ cấu riêng, tuy rất khác với Công giáo, nhưng “dường như có một thứ văn hoá im lặng trong cả hai hệ thống Công giáo cũng như Tin Lành”. Ngoài ra có sự thiếu rõ ràng trong việc phân chia thẩm quyền và trách nhiệm trong Tin Lành Đức. “Mặc dù rất khác biệt, nhưng dường như về vấn đề này cũng giống trong Công giáo, nghĩa là trong trường hợp có những vụ tố cáo, người ta không hề biết rõ ai phải quyết định cái gì, khi nào và bằng cách nào. Sự kiện trách nhiệm không ngừng bị chuyển từ thẩm quyền này sang thẩm quyền khác như thể tạo điều kiện dễ dàng cho sự che đậy những vụ lạm dụng.” (Cath.ch 28/1/2024)

 Con đường Công nghị của Công giáo Đức

Những nhận định của Cha Zollner và kết quả cuộc điều tra về những vụ lạm dụng tính dục trong Giáo hội Tin Lành Đức, cũng ảnh hưởng tới Con đường Công nghị của Công giáo Đức: Con đường này được Uỷ ban Trung ương Giáo dân Công giáo Đức và Hội đồng Giám mục nước này phát động từ năm 2019 sau khi kết quả điều tra về những vụ lạm dụng tính dục trong Công giáo Đức được công bố.

Kết quả cuộc điều tra đó do tổ hợp nghiên cứu gọi tắt là MHG-Studie, tìm kiếm trong hơn 38.000 hồ sơ các nhân viên của Giáo Hội, nhất là các giáo sĩ Công giáo trong khoảng thời gian từ năm 1946 đến 2014. Phúc trình được đệ trình Hội đồng Giám mục Đức ngày 25/9/2018; theo đó, 4,4% giáo sĩ đã bị cáo buộc lạm dụng tính dục, tức là 1.670 người đã lạm dụng tính dục 3.677 trẻ em và thiếu niên, trong đó 62,8% là trẻ nam.

Từ kết quả đó, đa số thành viên Hội đồng Giám mục Đức và Uỷ ban Trung ương Công giáo Đức đã quyết định khởi xướng điều gọi là “Con đường Công nghị” với chủ trương: để tránh những vụ Giáo sĩ lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên như thế, cần cải tổ Giáo Hội trong 4 lãnh vực, cũng là 4 diễn đàn của công nghị: cải tổ việc thực thi quyền bính trong Giáo Hội, cụ thể là dân chủ hóa; vai trò của phụ nữ trong Giáo Hội, trong đó có việc cho phụ nữ chịu thánh chức; cải tổ luân lý tính dục của Giáo Hội cho hợp thời; và sau cùng là thay đổi luật độc thân giáo sĩ. Giai đoạn đầu của Con đường này đã kết thúc vào hồi tháng 2 năm ngoái (2023) và đang tiến hành việc lập Hội đồng Công nghị vào năm 2026, trong đó các Giám mục cùng với giáo dân điều hành Giáo Hội.

Toà Thánh đã nhiều lần cảnh giác trước hướng đi sai lầm của Con đường này và nhất là chủ trương thành lập Hội đồng Công nghị để giáo dân cùng với các Giám mục điều hành Giáo Hội. Người ta hy vọng Phúc trình về những vụ lạm dụng trong Tin Lành được đưa ra ánh sáng, cũng giúp những người chủ trương Con đường Công nghị xét lại chủ trương và đường lối. Tin Lành Đức có tất cả những điều mà Con đường Công nghị của Công giáo Đức đang mong tiến tới, tại sao lại có những lạm dụng như thế?

Cảm ơn bạn đã đọc bài viết này. Nếu bạn muốn nhận các bản tin qua email, vui lòng đăng ký newsletter bằng cách nhấp vào đây.

G. Trần Đức Anh, OP

Nguồn: https://www.vaticannews.va/vi/church/news/2024-02/cong-giao-duc-lam-dung-tinh-duc-tinh-tin-lanh.html