Chúa Nhật V TN B 2024: Chúa Giêsu chữa lành bệnh nhân

Cuối cùng, Đức Giêsu cũng dạy ta hiểu rằng việc chữa lành bệnh tật không phải chỉ căn cứ vào những hiểu biết về y học mà còn cần đến quyền năng của Chúa để chữa lành các bệnh tật tâm linh vì con người có cả hồn lẫn xác.

Chúa Nhật V TN B 2024

Chúa Giêsu chữa lành bệnh nhân

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

Lời mở

Các bài đọc Thánh Kinh mời gọi người tín hữu định hướng cho các hoạt động trong cuộc đời của mình và hành động giống như Đức Giêsu để cứu độ thế giới. Bài Tin Mừng (x. Mc 1,29-39) kể lại 4 việc thường làm trong mỗi ngày sống của Chúa Giêsu. Trước hết, Người cầu nguyện với Chúa Cha để múc được nguồn lực cứu độ. Tiếp theo, Người loan báo Tin Mừng Nước Trời cho mọi người biết những giá trị căn bản của đời sống. Rồi Người chữa lành bệnh nhân và xua trừ ma quỷ để thể hiện cách cụ thể ơn cứu độ này. Hôm nay, chúng ta muốn tìm hiểu việc Chúa Giêsu chữa lành bệnh nhân để có thể tiếp tục công trình cứu độ của Người.

1. Bệnh tật và việc chữa lành

Giống như ông Gióp trong Bài đọc I (x. G 7,1-4.6-7), con người ở mọi thời đại luôn đặt nhiều câu hỏi cho bệnh tật và đau khổ mình đang phải chịu đựng. Ông Gióp đã bị bệnh ghẻ lở khắp người; bị mất hết con cái, tài sản trong một ngày; bị người vợ khinh miệt và láng giềng xa lánh. Vì thế, ông nhìn đời bằng con mắt bi quan. Ông cho rằng: “Cuộc sống con người nơi dương thế chỉ là thời khổ dịch, đầy vất vả của kẻ làm thuê, của những tên nô lệ, chẳng có được một giây hạnh phúc”. Ông muốn đặt câu hỏi với Chúa: “Tại sao ông lại phải chịu như thế, dù ông sống đạo đức? Thiên Chúa ở đâu khi con người bất lực trước bệnh tật, đau khổ, sự dữ?” (x. G 1,12).

Câu trả lời tuỳ thuộc vào quan niệm của mỗi người về thế giới họ sống và về các quyền lực chi phối họ.

Thời xưa, người ta xem tai hoạ, bệnh tật là do ác thần gây ra hoặc do thần linh gửi đến. Muốn được lành bệnh, người ta phải làm các nghi lễ trừ tà, xua đuổi ma quỷ hay xin thần linh tha thứ. Chỉ khi người Hy Lạp tìm ra các nguyên nhân gây bệnh, các loại thuốc và phương pháp chữa bệnh, kể cả giải phẫu, thì người ta mới tách rời y học và khoa chữa bệnh ra khỏi tôn giáo, làm thành một khoa học thực nghiệm. Vì thế cho đến ngày nay, các bác sĩ vẫn đọc lời thề của Hippocrates trong lễ tốt nghiệp của mình.

Tín đồ Phật giáo lại cho rằng bệnh tật là kết quả đương nhiên của mỗi kiếp người phải chịu đựng theo luật nhân quả. Người Do Thái giáo cho rằng bệnh tật gắn liền với tội lỗi (x. St 3,16-19) hay là một thử thách của Thiên Chúa như trường hợp của ông Giob (x. G 9,2) hay của ông Tobia (x. Tb 12,13).

Khoa học thời nay đã tiến bộ vượt bậc so với hai ngàn năm trước nhờ việc khám phá ra kính hiển vi điện tử và cấu trúc kỳ diệu của con người với những tế bào hết sức phức tạp do những phân tử, nguyên tử, điện tử hình thành và bệnh tật do những vi trùng, vi khuẩn gây nên.

Chúng ta biết rằng bệnh tật bắt nguồn từ 5 nguyên nhân chính. Trước hết là do cơ thể bị nhiễm trùng như trong đại dịch Covid-19 mới đây và ta phải điều trị bằng các thuốc kháng sinh hay vaccine. Nguyên nhân thứ hai là những tai nạn tạo nên các vết thương, như gãy chân, gãy tay, cần phải băng bó, chữa trị. Nguyên nhân thứ ba là chúng ta không cung cấp đủ năng lượng qua đồ ăn thức uống khiến cơ thể bị suy nhược. Nguyên nhân thứ tư là chúng ta thở kém, nên cơ thể không đủ khí oxy để biến hết máu đen thành máu đỏ nuôi sống từng tế bào, nhất là bộ não, và các mạch máu não bị các hạch bạch huyết nở lớn chèn ép khiến bộ não không phát đủ lệnh cho mọi cơ quan hoạt động. Có khoảng 90% người Việt Nam thở không đủ tiêu chuẩn, và nhiều người bị các chứng bệnh sau khi tiêm vaccine phòng Covid19. Nguyên nhân thứ năm là do tuổi già, các cơ quan suy yếu cần phải được thay thế để kéo dài sự sống.

Vì thế, muốn cho có sức khoẻ, vượt qua bệnh tật, ta cần thở cho nhiều dưỡng khí, xoa bóp các phần thân thể, ăn uống, ngủ nghỉ, vận động điều độ là ta có thể chữa lành rất nhiều bệnh tật cho mình và cho người khác.

Tuy nhiên, những khám phá mới nhất của khoa học về con người trong vòng 20 năm gần đây, nhất là cấu trúc gen với 20 ngàn gen khác nhau cũng như tác động của tinh thần trên bộ não, tâm lý và tâm linh gây nên bệnh tật đã giúp cho ta hiểu rõ hơn về bệnh tật và các phương pháp trị bệnh mới mẻ.

Do đó, các bác sĩ ngày nay cần quan tâm đến sức khoẻ toàn diện với 4 yếu tố: thể lý, tâm thần, tâm lý, tâm linh thay vì chỉ để ý đến các triệu chứng trên cơ thể như trước. Cùng một bệnh nhức đầu nhưng có thể bắt nguồn từ 4 lĩnh vực khác nhau. Đây là những khám phá mới mà các bệnh viện hiện đại trên thế giới đang áp dụng.

2. Chúa Giêsu và môn đệ Người chữa lành bệnh nhân

Trong suốt 3 năm giảng đạo, “Chúa Giêsu đã chữa nhiều kẻ ốm đau mắc đủ thứ bệnh tật và trừ nhiều quỷ” (Mc 1,33; x. Mt 8,16). Hai hành động này thường đi đôi với nhau biểu lộ quyền năng cứu độ của Đức Giêsu và làm chứng cho Tin Mừng của Người.

Chúa Nhật V Thường Niên B 2

Việc chữa lành thể xác còn ám chỉ việc chữa lành tinh thần được Đức Giêsu thực hiện cho con người. Người là Thiên Chúa nên có quyền tha thứ tội lỗi cho người tê bại (x. Mc 2,1-12). Người là ánh sáng chiếu soi người mù từ lúc mới sinh (x. Ga 9). Người là sự sống diệu kỳ làm cho Lazarô đã chết được sống lại (x. Ga 11). Các việc chữa lành đó khai mở các bí tích của Công giáo.

Cuối cùng, Chúa Giêsu hành động như một lương y (x. Mc 2,17) để ôm vào mình mọi đau yếu bệnh tật của con người và xoá bỏ chúng như tiên tri Isaia đã báo trước (x. Is 53,4). Người sẽ loại trừ vĩnh viễn thân phận nhân loại đau khổ nhờ cái chết của mình trên thập giá để ban cho tất cả sự sống mới dồi dào qua cuộc sống lại của Người.

Chúa Giêsu cũng đã ban quyền chữa lành bệnh tật, xua trừ ma quỷ cho các tông đồ và môn đệ (x. Mc 6,7.13; Mt 10,1) để họ cùng Người tiếp tục công trình cứu độ thế giới.

Thánh Phaolô kể đến ơn chữa lành như một đoàn sủng của Chúa Thánh Thần ban cho các tín hữu để chứng tỏ Ngài đang hành động trong Giáo Hội (x. 1Cr 12,9.28.30). Trong Bài đọc II hôm nay (x. 1Cr 9,16-23), thánh Phaolô ý thức mình cũng như mỗi Kitô hữu phải rao giảng Tin Mừng: “Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng”. Đó là nhiệm vụ cao cả được Chúa giao phó cho ta. Đi kèm theo nhiệm vụ này, ta nhận được ơn chữa lành, ơn xua trừ ma quỷ và nhiều ơn cao quý khác để chứng thực cho lời chúng ta rao giảng. Muốn cho nhiệm vụ này thành công, ta cũng phải “trở nên yếu đối với những người yếu, để chinh phục những người yếu. Trở nên tất cả cho mọi người để bằng mọi cách cứu được một số người” (1Cr 9,22). Nhưng rất nhiều người chúng ta hình như quên mất sứ mệnh của mình.

Tuy nhiên, mỗi người sẽ thể hiện mệnh lệnh này theo những cách thức khác nhau tuỳ theo từng hoàn cảnh cụ thể. Mỗi người được Chúa ban cho có trí khôn, kiến thức khoa học, các tài năng tinh thần, các phương tiện vật chất để giúp mình và người khác sống khoẻ mạnh, thoát khỏi tật bệnh.

Cuối cùng, Đức Giêsu cũng dạy ta hiểu rằng việc chữa lành bệnh tật không phải chỉ căn cứ vào những hiểu biết về y học mà còn cần đến quyền năng của Chúa để chữa lành các bệnh tật tâm linh vì con người có cả hồn lẫn xác. Do đó, ngay từ sáng sớm, Người đi vào nơi hoang vắng và cầu nguyện để múc nguồn sức mạnh chữa lành từ Chúa Cha và chia sẻ cho ta.

Vì thế, lời cầu nguyện của ta cũng là nguồn lực để chữa lành bệnh nhân, nhờ kết hợp với Chúa Giêsu, Đức Mẹ, Thánh Giuse và các thần thánh. Cụ thể hơn, ta có thể đóng góp công sức, tiền của, cả những hộp thuốc thừa không dùng đến cho các đoàn bác sĩ từ thiện để giúp các bệnh nhân nghèo khổ quanh ta, vì khi phục vụ họ là ta phục vụ chính Chúa Giêsu (x. Mt 25,36).

Lời kết

Hành động như thế là ta trở thành hiện thân sống động của Chúa Giêsu để giúp cho người bệnh cảm nhận được tình yêu chữa lành của Thiên Chúa. Amen.