Tiếng Mông Cổ trở thành ngôn ngữ thứ 52 của truyền thông Vatican
Ngày 31/01/2024, tiếng Mông Cổ chính thức hiện diện trên cổng thông tin của truyền thông Vatican, trở thành ngôn ngữ thứ 52 của kênh thông tin chính thức Toà Thánh.
Đức Hồng y Giorgio Marengo, Phủ doãn Tông toà Ulaanbaatar, bày tỏ niềm vui về điều này, vì từ nay người dân Mông Cổ có thể đọc những lời của Đức Thánh Cha bằng tiếng mẹ đẻ trong các dịp như Kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật, tiếp kiến chung thứ Tư hằng tuần và trong các sự kiện khác. Đây là một trong những hoa trái của chuyến tông du gần đây của Đức Thánh Cha, một cuộc viếng thăm đã chạm đến tâm hồn của người Công giáo Mông Cổ, nhưng cũng chạm đến con tim của nhiều người thuộc các tôn giáo khác, có ấn tượng tích cực bởi chứng từ nhân bản và tinh thần của Đức Thánh Cha.
Đức Hồng y cho biết, nhiều người nói những lời của Đức Thánh Cha đã đi vào lòng người dân, làm nổi bật các giá trị truyền thống của Mông Cổ. Giờ đây, huấn quyền thông thường của người kế vị Thánh Phêrô đã được chuyển dịch sang tiếng Mông Cổ. Ngài nói: “Một công cụ mới phục vụ công cuộc loan báo Tin Mừng, chúng tôi hy vọng sẽ phát huy hết tiềm năng qua các kênh truyền thông ngày nay.”
Ông Paolo Ruffini, Tổng trưởng Bộ Truyền thông, khẳng định: “Một điều nhỏ, nhưng đối với chúng tôi rất lớn lao như sự rộng lớn của Mông Cổ. Nói tất cả ngôn ngữ, càng nhiều càng tốt là sứ vụ của chúng tôi.” Ông nói thêm rằng trong Giáo hội không có lớn cũng không có nhỏ. Việc nói tiếng Mông Cổ cũng sẽ giúp toàn thể Giáo hội tái khám phá tầm quan trọng của những hạt giống bé nhỏ. Những gì chúng ta sẽ nhận được nhiều hơn những gì chúng ta sẽ cho đi. Như Đức Thánh Cha Phanxicô thường nhắc lại, sự mặc khải của Thiên Chúa diễn ra trong sự nhỏ bé: “Thần Khí luôn luôn chọn điều nhỏ bé; bởi vì Người không thể bước vào cái vĩ đại, kiêu ngạo, tự mãn.”
Về phần Tổng Biên tập Vatican News, ông Andrea Tornielli cho rằng chuyến đi đến Mông Cổ vào tháng 9/2023 của Đức Thánh Cha thật đặc biệt vì chứng từ mà tất cả mọi người đã nhận được từ Giáo hội nhỏ bé và vẫn còn non trẻ, tận tâm phục vụ người khác. Bức ảnh được chụp từ trên cao với người kế vị Thánh Phêrô cùng với tất cả người Công giáo trong nước, với 1.500 người, vẫn mang tính lịch sử.
Ông Tornielli nói: “Như một dấu chỉ thể hiện sự quan tâm đến cộng đoàn nhỏ bé này, nhằm khuyến khích sự hiệp thông, nhờ sự cộng tác của Đức Hồng y Marengo, chúng tôi đã quyết định mở một trang Vatican News bằng tiếng Mông Cổ. Như vậy từ nay hệ thống truyền thông Vatican có 52 ngôn ngữ. Đây là sự kính trọng đối với những người anh em này của chúng ta và chứng tá Tin Mừng của họ ở Mông Cổ.”
Cũng lên tiếng trong dịp này, ông Massimiliano Menichetti, phụ trách Radio Vatican-Vatican News, nói: “Sứ vụ của chúng tôi là truyền bá Tin Mừng trên khắp thế giới, trao tiếng cho các Giáo hội địa phương, đọc các sự kiện qua lăng kính học thuyết xã hội, không để bất ai cô đơn. Chúng tôi bắt đầu thực hiện dự án này trong chuyến đi của Đức Thánh Cha đến Mông Cổ, được truyền cảm hứng từ sự hỗ trợ của ngài đối với cộng đoàn nhỏ bé này. Đã có trang tiếng Mông Cổ trên cổng thông tin Vatican News, và sau đó sẽ có cả audio. Chúng tôi đang cộng tác với các Giáo hội địa phương để mang lại ngày càng nhiều hơn tiếng nói hy vọng thay đổi thế giới.”