22/01/2025

Chúa Nhật IV TN B 2024: Bạn là Lời Cứu độ của Thiên Chúa

Chúa Nhật IV TN B 2024

Bạn là Lời Cứu độ của Thiên Chúa

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

Lời mở

Tuần trước, chúng ta đã biết Lời Chúa là một con người sống động, là Đức Giêsu Kitô, Ngôi Lời Thiên Chúa làm người. Dù Người đang ở giữa chúng ta và ở trong ta, nhưng Người như bị mất hút vào đám đông hỗn độn quanh ta khiến ta lạc mất chính Người. Người đang nói với ta nhưng Lời Người như bị các âm thanh vô nghĩa của truyền thông xã hội lấn át khiến ta không nghe được tiếng Người. Vì thế, ta cần phải tìm gặp Đức Giêsu là lời đầy quyền năng của Thiên Chúa để ta có thể trở thành Lời Cứu độ như Người.

https://www.giaophandanang.org/wp-content/uploads/2024/01/CN-4-800x445.jpg

1. Sống trong một thế giới đầy âm thanh

Dù không nghe được tiếng nói, nhưng chúng ta biết mình đang sống trong một thế giới được phủ sóng âm thanh dày đặc của đủ mọi thứ kênh truyền thanh, truyền hình, điện thoại, và các mạng viễn thông với những tần số khác nhau. Những làn sóng đó tác động vô hình vào bộ não và toàn thân ta, gây nên những thiệt hại mà ta không lường được. Chỉ biết hậu quả là số người bị mắc nhiều chứng bệnh khác nhau, nhất là bệnh thần kinh, ngày càng tăng trên thế giới, dù rằng y học hiện đại có những tiến bộ vượt bậc.

Hơn nữa, các âm thanh ta nghe được lại đang đặt ra những thách thức mới cho đời sống, nhất là cho giới trẻ. Lúc nào ta cũng có thể nghe những lời quảng cáo ngon ngọt của người bán hàng, những lời kích thích từ những phim ảnh đồi truỵ, ma quái, bạo lực, khoa học hoang tưởng, những lời ca quyến rũ từ những nghệ sĩ, những âm thanh quen thuộc của các trò chơi hấp dẫn, cho đến những lời khôn khéo của các nhà chính trị chuyên nghiệp, thậm chí cả những lời hứa hẹn của các kẻ truyền đạo viển vông.

“Chúng lấp đầy mọi thời khắc của im lặng và nghỉ ngơi, khiến ta quên mất rằng im lặng cũng là một yếu tố không thể thiếu trong đời sống và giao tiếp. Thiếu sự im lặng, những từ ngữ phong phú về nội dung không thể tồn tại được vì ta không để tâm suy nghĩ những lời nói đó”, để chúng vuột mất trong mớ âm thanh hỗn độn (x. ĐTC Bênêđictô XVI, Sứ điệp Ngày Truyền thông Thế giới 2012). Do đó những lời đầy sức cứu độ và quyền năng của Chúa Giêsu cũng bị vùi lấp vì chúng ta không biết giữ được sự thinh lặng cho tâm hồn mình.

Thái độ im lặng đến sửng sốt của người Do Thái khi nghe những lời giảng đầy uy quyền của Chúa Giêsu và thái độ im lặng đến sững sờ của họ, khi thấy Chúa Giêsu xua đuổi quỷ dữ ra khỏi người bệnh trong hội đường Carphanaum (x. Mc 1,21-28) là một thí dụ điển hình cho ta. Họ đã phải hỏi nhau: “Thế nghĩa là gì? Lời giảng dạy thì mới mẻ, người dạy lại có uy quyền. Ông ấy ra lệnh cho cả các thần ô uế và chúng phải tuân lệnh?”.

Đức Giêsu chính là lời đầy quyền năng của Thiên Chúa mà ta cần im lặng lắng nghe, như thi sĩ Công giáo Hàn Mạc Tử mời gọi: “Ai hãy lặng thinh chớ nói nhiều, để nghe dưới đáy nước hồ reo, để nghe tơ liễu run trong gió, và để nghe Trời giải nghĩa yêu!”.

2. Lời uy quyền trong dòng lịch sử nhân loại

Thiên Chúa có thể nói trực tiếp với con người bằng những tiếng nói mạnh mẽ khủng khiếp như tiếng sấm, tiếng nổ của núi lửa, giống như dân Do Thái đã nghe tại núi Khoreb khiến họ phải van xin: “Chúng tôi không dám nghe tiếng Đức Chúa, Thiên Chúa của chúng tôi nữa, chúng tôi không dám nhìn ngọn lửa lớn này nữa, kẻo phải chết” (Đnl 18,16). Vì thế, họ xin ông Moisê làm trung gian để ông nghe trực tiếp Lời Chúa, rồi nói lại cho họ.

Thiên Chúa đã nhận lời họ van xin: “Chúng nói phải”. Bấy giờ Đức Chúa phán với tôi: “Từ giữa anh em của chúng, Ta sẽ cho xuất hiện một ngôn sứ như ngươi để giúp chúng. Ta sẽ đặt lời ta trong miệng người ấy và người ấy sẽ nói với chúng tất cả những gì Ta truyền cho người ấy” (x. Đnl 18,17-18).

Lời này hướng về Đức Giêsu sẽ xuất hiện sau này. Người không chỉ có đầy quyền năng của Thiên Chúa như Moisê đã làm biết bao phép lạ để cứu dân Do Thái thoát ách nô lệ Ai Cập, chiến thắng những thử thách trong hoang mạc, đón nhận Mười Điều Răn như một giao ước với Thiên Chúa. Người còn là chính Lời của Thiên Chúa được Chúa Cha đặt vào môi miệng của Đức Giêsu để nói lên Lời cứu độ, tha thứ tội lỗi, giao hoà với Thiên Chúa và biến đổi tất cả thành lời đầy đủ, trọn vẹn và siêu việt của Thiên Chúa mà các sách Tin Mừng đã kể cho chúng ta nghe.

Người là lời uy quyền của Thiên Chúa khi phán ra thì tạo thành vạn vật, làm cho gió yên biển lặng, bánh cá hoá nhiều. Lời đầy quyền năng đó khi nói với bệnh nhân thì họ được chữa lành, với người khuyết tật thì họ được phục hồi, với kẻ chết thì họ được sống lại. L ời quyền năng của Thiên Chúa còn kỳ diệu hơn khi tha thứ tội lỗi cho con người và xua trừ quỷ dữ, tà ma ra khỏi con người khiến chúng phải kêu lên: “Ông Giêsu Nazareth, chuyện chúng tôi can gì đến ông mà ông đến tiêu diệt chúng tôi? Tôi biết ông là ai rồi: Ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa!” (Mc 1,24).

Nhưng con người đặc biệt ấy cũng là mỗi người chúng ta, khi ta kết hợp mật thiết với Chúa Giêsu qua bí tích Rửa Tội và các bí tích khác để trở thành lời quyền năng của Thiên Chúa. Thật vậy, khi chịu phép Rửa Tội, vị linh mục xức dầu thánh hiến trên đỉnh đầu ta để ta được tham dự vào sứ mệnh làm tư tế, làm tiên tri và làm vương đế với Chúa Giêsu. Chúng ta cũng được chia sẻ uy quyền ấy như các tông đồ và môn đệ của Chúa Giêsu trong suốt dòng lịch sử nhân loại, khi Người nói với ta: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, rao giảng Tin Mừng cho muôn loài thụ tạo. Hãy chữa lành bệnh nhân, xua trừ ma quỷ… Có Chúa cùng hoạt động với các ông và dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng”. Thánh sử Marcô đã xác nhận điều này ở cuối sách Tin Mừng của mình (x. Mc 16,15-20).

3. Chúng ta phải làm gì để trở thành lời cứu độ của Thiên Chúa?

Nhìn vào xã hội hôm nay, chúng ta thấy có nhiều người đói khổ đang chờ nghe lời quyền năng để giúp họ no đủ, nhiều người bệnh chờ nghe lời chữa lành, nhiều người chết lần mòn trong đau khổ, tội lỗi cần nghe lời cứu sống, hay bị ma quỷ kiềm chế cần nghe lời giải thoát. Nhưng hình như ta đã quên hay không nghĩ mình là lời cứu độ của Thiên Chúa cho con người thời nay.

Thánh Phaolô trong Bài Đọc II (x. Cr 7,32-35) nhắc đến những con người đang bận tâm lo lắng thái quá về đủ thứ chuyện đời, bị vây bọc trong những làn sóng âm thanh đến nỗi không nghe được tiếng Chúa. Ngài mời gọi ta hãy thuộc trọn về Chúa, “gắn bó mật thiết với Chúa Kitô mà không bị giằng co”, dù là người có gia đình hay không. Ngài chỉ muốn chúng ta hãy cảm nghiệm được Chúa Giêsu là lời quyền năng của Chúa đang ở trong ta và hãy dùng lời đó để giải phóng chính mình và cứu độ thế giới.

Vì thế muốn trở thành lời cứu độ của Thiên Chúa, cần làm tối thiểu 2 việc mà chúng ta đã từng nói đến nhiều lần. Đó là gắn bó mật thiết với Chúa Giêsu và thở được Thần Khí của Người để phát huy các ân huệ của Chúa Thánh Thần. Có kết hợp thành một với Chúa Giêsu, chúng ta mới được Người chuyển thông cho ta tình yêu, sự khôn ngoan và sự sống kỳ diệu của Thiên Chúa, nhất là qua bí tích Thánh Thể. Có thở được khí thiêng ta mới chuyển hoá được dòng máu đen tội lỗi của ta thành dòng máu đỏ tinh tuyền của Chúa Giêsu, mới được Chúa Thánh Thần thánh hoá để biến lời tự nhiên của con người thành lời diệu kỳ của Thiên Chúa.

Lời kết

Từ đó, chúng ta sẽ dần dần cảm nghiệm được những sự biến đổi kỳ diệu trong đời sống thường ngày cũng như trong xã hội vì mỗi người chúng ta thật sự là lời cứu độ của Thiên Chúa.

HKK