HỌC HỎI PHÚC ÂM CHÚA NHẬT IV THƯỜNG NIÊN – NĂM B
Phép lạ này có đem lại cho bạn niềm hy vọng, khi bạn đứng trước cuộc chiến giữa thiện và ác, giữa ánh sáng và bóng tối, trong thế giới hôm nay không?
Lời Chúa (Mc 1,21-28):
21 Tại thành Ca-phác-na-um, ngày sa-bát, Đức Giê-su vào hội đường và giảng dạy. 22 Thiên hạ sửng sốt về lời giảng dạy của Người, vì Người giảng dạy như một Đấng có uy quyền, chứ không như các kinh sư.
23 Lập tức, trong hội đường của họ, có một người bị thần ô uế nhập, la lên 24 rằng : “Ông Giê-su Na-da-rét, chuyện chúng tôi can gì đến ông mà ông đến tiêu diệt chúng tôi ? Tôi biết ông là ai rồi : ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa !” 25 Nhưng Đức Giê-su quát mắng nó : “Câm đi, hãy xuất khỏi người này !” 26 Thần ô uế lay mạnh người ấy, thét lên một tiếng, và xuất khỏi anh ta. 27 Mọi người đều sững sờ đến nỗi họ bàn tán với nhau : “Thế nghĩa là gì ? Lời giảng dạy thì mới mẻ, người dạy lại có uy quyền. Ông ấy ra lệnh cho cả các thần ô uế và chúng phải tuân lệnh !” 28 Lập tức danh tiếng Người đồn ra mọi nơi, khắp cả vùng lân cận miền Ga-li-lê.
HỌC HỎI:
- Phép lạ đầu tiên của Đức Giêsu trong Tin Mừng Mác-cô là phép lạ nào, xảy ra ở đâu, khi nào? Vào ngày sabát, người Do-thái làm gì ở hội đường?
- Trong Tin Mừng Mác-cô, lần đầu tiên Đức Giêsu đối mặt với ma quỷ là khi nào?
- Trong bài Tin Mừng này có mấy từ “giảng dạy”? “Sửng sốt” được nói đến nhiều lần trong Tin Mừng Mác-cô (6,2; 7,37; 10,26; 11,18). Điều gì khiến người ta sửng sốt ở Mc 1,22?
- Đọc Mc 1,24. Tại sao thần ô uế lại run sợ trước Đức Giêsu mà kêu lên như vậy?
- Trong Cựu Ước, Thiên Chúa được gọi là Đấng Thánh (Gióp 6,10; Thánh vịnh 71,22; Isaia 1,4). Vậy “Đấng Thánh của Thiên Chúa “ trong Mc 1,24 có nghĩa là gì? Xem thêm 2 Vua 4,9; Tv 106,16.
- Trong Tin Mừng Máccô, Đức Giêsu cấm quỷ không được tiết lộ danh tính của mình cho ai? Đọc Mc 1,25.34; 3,12. Tại sao Đức Giêsu lại cấm như vậy?
- Đọc Mc 1,25-26. Có gì lạ trong cách trừ quỷ của Đức Giêsu?
- Đọc Mc 1,27. Điều gì khiến người ta sững sờ? So sánh với Mc 1,22.
GỢI Ý SUY NIỆM:
Bạn có tin Xa-tan đang hiện diện và hoạt động trong thế giới chúng ta đang sống không? Phép lạ trừ quỷ đầu tiên này cho thấy cuộc chiến giữa Nước Thiên Chúa (Mc 1,15) và nước của Xa-tan đã bắt đầu. Phép lạ này có đem lại cho bạn niềm hy vọng, khi bạn đứng trước cuộc chiến giữa thiện và ác, giữa ánh sáng và bóng tối, trong thế giới hôm nay không?
PHẦN TRẢ LỜI:
- Phép lạ đầu tiên của Đức Giêsu trong Tin Mừng Máccô (Mc 1,21-28) là phép lạ trừ quỷ, xảy ra ở hội đường vùng Caphácnaum, có lẽ vào buổi sáng thứ bảy, tức là vào ngày sabát. Trong ngày sabát, người Do-thái đến hội đường để cầu nguyện, chúc tụng Chúa. Có một vị sẽ đọc sách Luật và các Ngôn sứ bằng tiếng Híp-ri, sau đó có thể đọc bản dịch bằng tiếng Aramaic, thứ tiếng người Do-thái thời Đức Giêsu sử dụng hàng ngày, để mọi người hiểu. Vị đọc Sách Thánh sẽ giảng một bài để giải thích đoạn sách vừa đọc cho người nghe. Đó là điều Đức Giêsu làm trong hội đường ở Nadarét (Lc 4,16-21). Mỗi hội đường đều có ông trưởng hội đường chịu trách nhiệm. Ông này sẽ mời bất cứ ai có khả năng và muốn đóng góp cho phụng vụ của ngày sabát.
- Trong Tin Mừng Máccô, hoang địa là nơi lần đầu tiên Đức Giêsu đối mặt với Xa-tan (Mc 1,12-13). Xatan là kẻ thù của Thiên Chúa. Trong hoang địa, Đức Giêsu bị cám dỗ bởi Xatan trong thời gian bốn mươi ngày, giống như Dân Israel đã bị thử thách 40 năm trong hoang địa (Ds 14,34). Tin Mừng Mác-cô không kể chuyện Đức Giêsu đã bị cám dỗ như thế nào, và đã chiến thắng Xatan ra sao, nhưng cho biết Ngài được các thiên sứ hầu hạ sau khi chịu cám dỗ. Đây là dấu hiệu cho thấy Ngài đã chiến thắng. Phép lạ đầu tiên của Đức Giêsu được kể trong Tin Mừng Mác-cô là phép lạ trừ quỷ (Mc 1,23-27). Còn phép lạ đầu tiên trong Mát-thêu là chữa người phong (Mt 8,1-4), và phép lạ đầu tiên trong Gioan là nước hóa thành rượu (Ga 2,1-11).
- Bài Tin Mừng này có 2 động từ “giảng dạy” ở Mc 1,21.22 (didaskô), và có 2 danh từ “lời giảng dạy” ở Mc 1,22.27 (didakhê). Như thế việc Đức Giêsu giảng dạy là điểm nhấn của bài Tin Mừng này. “Sửng sốt” là từ được Máccô dùng nhiều lần. Đó là tâm trạng của một số người khi nghe Đức Giêsu giảng dạy (Mc 6,2; 10,26; 11,18), hay khi thấy Ngài làm phép lạ (Mc 7,37). Người trong hội đường hôm nay sửng sốt vì cách dạy của Đức Giêsu khác với cách dạy của các kinh sư. Các kinh sư là những người có học thức, thông thạo Luật Môsê và truyền thống truyền khẩu của Luật ấy. Khi giảng dạy cho các môn đệ của họ, các kinh sư thường trích dẫn những câu nói của các bậc thầy đi trước, và ít khi dùng thẩm quyền của mình mà phán quyết. Ngược lại, Đức Giêsu dạy dỗ như một rabbi đầy uy quyền (exousia, Mc 1,22). Uy quyền này thật lạ lùng, độc đáo, khiến người ở hội đường Caphácnaum sửng sốt. Uy quyền bắt nguồn từ chính con người Đức Giêsu, từ chính Thiên Chúa.
- Trong hội đường có người bị thần ô uế nhập. Vì biết rõ Đức Giêsu là ai, nên thần ô uế cảm thấy mình bị đe dọa, ngay khi Ngài chưa hề làm gì nó. Nó thét lên qua miệng của người bị nó ám. Nó biết Ngài là Giêsu Nadarét, và hơn nữa, Ngài là Đấng Thánh của Thiên Chúa. Đấng Thánh thiện thì hoàn toàn đối lập với thần ô uế. Thần ô uế biết nó sắp đến ngày tàn, vì thế nào Ngài cũng can thiệp và tiêu diệt nó. Đức Giêsu được sai đến để khai mở Nước của Thiên Chúa trên trần gian. Dấu hiệu cho thấy Nước Thiên Chúa đang đến gần, đó là nước của Xatan bị đẩy lui, bị đánh bại (Mc 3,22-23). Trừ quỷ là cách Đức Giêsu khai mở Nước của Thiên Chúa.
- Trong Cựu Ước, chỉ Thiên Chúa mới được gọi là Đấng Thánh (Gióp 6,10; Is 40;25), hay Đấng Thánh của Ítraen (Is 1,4; Gr 50,29; Tv 71,22). Thần ô uế biết Đức Giêsu là Đấng Thánh của Thiên Chúa, nghĩa là Đấng thuộc trọn về Thiên Chúa, Đấng phục vụ Thiên Chúa và hành động với uy quyền của Thiên Chúa. Tuy nhiên, Đức Giêsu không chỉ là thánh nhân như ngôn sứ Êlisa (2 V 4,9) hay như Aaron (Tv 106,16). Tân Ước gọi Ngài là Đấng Thánh (Cv 3,14).
- Quỷ biết Đức Giêsu là ai, nhưng Ngài cấm nó không được nói Ngài là ai (Mc 1,25.34; 3,12) vì Ngài không muốn người ta nhờ quỷ mà biết được căn tính của Ngài. Chính Ngài sẽ tỏ mình cho người ta biết Ngài là ai theo cách của Ngài và vào lúc Ngài muốn. Trong Tin Mừng Máccô, Đức Giêsu vẫn luôn giữ kín về những việc Ngài làm (Mc 1,44; 5,43; 7,36; 8,26; 9,9).
- Đức Giêsu trừ quỷ chỉ bằng một lời quát mắng, hay đúng hơn bằng một mệnh lệnh: Hãy xuất ra khỏi người này. Ngài không cần làm bất cứ một hành động nào khác. Điều này cho thấy uy quyền trong chính lời của Ngài, lời khiến thần ô uế phải tuân lệnh và xuất ra (Mc 1,27). Tuy nhiên, một khi quỷ đã nhập vào một người thì nó xuất ra không mấy dễ dàng. Nó lay mạnh người ấy và thét lên rồi mới chịu ra (Mc 1,26). Trong những lần trừ quỷ khác trong Tin Mừng Máccô (Mc 5,1-20; 7,24-30; 9,17-29), Đức Giêsu cũng chỉ dùng lời để trừ quỷ. Giảng dạy và trừ quỷ gắn liền với nhau.
- Mọi người trong hội đường thấy uy quyền trong lời nói của Đức Giêsu. Trong Mc 1,22 người ta sửng sốt về lối giảng dạy đầy uy quyền của Ngài, còn trong Mc 1,27 người ta sững sờ vì thấy Ngài có thể dùng lời mà ra lệnh cho quỷ phải xuất ra. Nói chung, mọi người đều thấy uy quyền trong lời của Đức Giêsu khi Ngài giảng dạy cũng như khi trừ quỷ.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.