22/12/2024

Học sinh tôn giáo khác ở Pakistan không còn bị buộc phải học về Hồi giáo

Học sinh tôn giáo khác ở Pakistan không còn bị buộc phải học về Hồi giáo

Bộ Giáo dục và Dạy nghề Liên bang Pakistan đã phê duyệt “Chương trình giáo dục tôn giáo 2023”, dành cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 12 (từ tiểu học đến trung học). Theo chương trình này, những người không theo đạo Hồi sẽ học môn khác thay thế môn học “Islamiyat” (nghiên cứu Hồi giáo), môn học trước đây là bắt buộc.

Các học sinh Pakistan

Các học sinh Pakistan  (AFP or licensors)

Theo báo cáo của “Hiệp hội Giáo viên Thiểu số Pakistan”, thông báo được chính phủ đưa ra chính thức vào ngày 22/1/2024, liên quan đến chương trình học tập của học sinh Pakistan thuộc các tôn giáo ngoài Hồi giáo được nước này chính thức công nhận, cụ thể là: Bahai, Phật giáo, Kitô giáo, Ấn giáo, Kalasha, đạo Sikh và đạo Zoroastrian.

Một bước ngoặt 

Bộ Giáo dục cam kết phát triển và phê duyệt một giáo trình cụ thể cho chương trình giảng dạy “giáo dục tôn giáo” đối với mỗi nhóm này. Từ nay trở đi, các em sẽ không còn phải bắt buộc học về Hồi giáo, môn học ảnh hưởng đến điểm trung bình và điểm học ở trường của các em, nhưng sẽ đi sâu hơn vào các chủ đề, nội dung liên quan đến tôn giáo của các em. Đây là một bước ngoặt đối với các nhóm tôn giáo thiểu số ở Pakistan.

Chương trình giáo dục tôn giáo từ lớp 1 đến lớp 12 sẽ được triển khai bắt đầu từ năm học 2024-2025. Anjum James Paul, giáo viên Công giáo Pakistan đứng đầu Hiệp hội Giáo viên Thiểu số Pakistan, giải thích với hãng tin Fides: “Chúng tôi đã dấn thân với chủ đề giáo dục tôn giáo cho học sinh thiểu số kể từ năm 2004. Sau cuộc chiến kéo dài 20 năm, trong đó chúng tôi kháng cáo lên nhiều cơ quan, tổ chức, chính phủ và toà án tối cao, cuối cùng chính phủ Pakistan đã công nhận quyền này, miễn trừ nghĩa vụ học Hồi giáo cho học sinh không theo đạo Hồi.”

Trên thực tế, theo Điều 22 của Hiến pháp Pakistan, không học sinh nào buộc phải nhận các hướng dẫn tôn giáo, tham gia các nghi lễ tôn giáo hoặc theo một giáo phái tôn giáo khác ngoài tôn giáo của mình. Điều luật này nhằm mục đích đảm bảo quyền tự do tôn giáo và tín ngưỡng mà chính phủ có nhiệm vụ bảo vệ ở Pakistan, nhằm xoá bỏ mọi hình thức bất khoan dung.

Cổ võ sách giáo khoa không có thành kiến tôn giáo

Giáo viên Anjum James Paul cũng dấn thân để đảm bảo rằng sách giáo khoa được áp dụng tại các trường học ở Pakistan – của tất cả các môn học – không có thành kiến tôn giáo, gây tổn hại cho các nhóm thiểu số.

Sau chiến dịch và yêu cầu của các hiệp hội, vào năm 2023, Hội đồng Chương trình Giảng dạy Quốc gia (NCC) đã cho phép xuất bản sách giáo khoa đặc biệt cho học sinh của bảy cộng đồng tôn giáo được công nhận, do chính phủ liên bang giám sát.

Cộng đồng Kitô giáo ở Pakistan đã tự tổ chức, trình bày và xuất bản sách giáo khoa cho chương trình giảng dạy tôn giáo quốc gia mới cho các lớp từ lớp 1 đến lớp 6, trong khi các nhóm giáo viên và chuyên gia sẽ bắt tay vào soạn thảo các văn bản liên quan đến các tôn giáo khác. (Fides 23/01/2024)

Hồng Thuỷ

Nguồn: https://www.vaticannews.va/vi/world/news/2024-01/hoc-sinh-pakistan-hoi-giao.html