Chúa Nhật 21.01.2024
Mối Tương Quan Sẵn Có
Chúa Nhật Tuần III – Mùa Thường Niên
Gn 3,1-5.10 • Tv 24,4-5a.6 và 7c.8-9 (Đ. c.4a) • 1 Cr 7,29-31 • Mc 1,14-20
Lời Chúa
✠ Bài trích Phúc Âm theo thánh Mác-cô
14 Sau khi ông Gio-an bị nộp, Đức Giê-su đến miền Ga-li-lê rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa. 15 Người nói: “Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng.”
16 Người đang đi dọc theo biển hồ Ga-li-lê, thì thấy ông Si-môn với người anh là ông An-rê, đang quăng lưới xuống biển, vì các ông làm nghề đánh cá. 17 Người bảo các ông: “Các anh hãy đi theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh trở thành những kẻ lưới người như lưới cá.” 18 Lập tức hai ông bỏ chài lưới mà theo Người.
19 Đi xa hơn một chút, Người thấy ông Gia-cô-bê, con ông Dê-bê-đê, và người em là ông Gio-an. Hai ông này đang vá lưới ở trong thuyền. 20 Người liền gọi các ông. Và các ông bỏ cha mình là ông Dê-bê-đê ở lại trên thuyền với những người làm công, mà đi theo Người.
(Bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ)
Suy niệm
Mối Tương Quan Sẵn Có
Chúng ta thường nghe những câu chuyện về ơn gọi theo chiều kích cá nhân với một ý chí dứt bỏ đời sống quá khứ. Một ai đó từ bỏ gia đình và bạn bè để thiết lập một dòng tu và sống tình huynh đệ ở một địa điểm mới. Trong bài Phúc Âm hôm nay, lời mời gọi của Chúa Giê su nhắm đến một tình huynh đệ đã được thiết lập. Ông Simon là em của ông An rê và ông Gia cô bê là anh của ông Gioan. Chúa Giê su không thay đổi mối tương quan của những người Người gọi. Người dựa vào mối tương quan sẵn có để phát triển nó theo một chiều kích mới. Đối với Người, thiết lập mối tương quan mới không có nghĩa là loại trừ mối tương quan cũ. Trái lại, mối tương quan cũ là chỗ dựa và bàn đạp cho mối tương quan mới.
Khi nghe lời mời gọi của Chúa Giê su, ông Phê rô và An rê liền bỏ chài lưới để theo Người. Các ông bỏ lại chài lưới nhưng lại mang theo mình kinh nghiệm của nghề chài lưới. Chính kinh nghiệm này sẽ giúp các ông trở nên những ngư phủ chài lưới người. Kể từ nay, các ông sẽ vận dụng kinh nghiệm đánh bắt cá vào chài lưới người. Vòi tình huynh để sẵn có, các ông sẽ quy tụ muôn dân trong tình huynh đệ đại đồng.
Đối với ông Gia cô bê và Gioan, hai ông bỏ cha mình là ông Giê bê đê ở lại trên thuyền để theo Chúa Giê su. Hình ảnh con bò cha gợi cho chúng ta một nỗi buồn man mác. Tuy nhiên, nếu chúng ta để ý kỹ tư tưởng chủ đạo của bài Phúc Âm thì chúng ta sẽ thấy một ý nghĩa sâu xa. Hình ảnh cha con giúp chúng ta hướng đến một mối tương quan khác. Trong trường hợp của ông Phê rô và ông An rê, lời mời gọi của Chúa Giê su nhắm đến tình huynh đệ. Còn trong trường hợp của ông Gia cô bê và ông Gioan, lời mời gọi đó còn nhắm đến tình phụ tử nữa. Hiểu như thế, chúng ta sẽ nhận ra một sứ vụ mới cho hai anh em nhà Giê bê đê. Ngoài việc thiết lập tình huynh đệ với những ai họ được sai đến, ông Gia cô bê và Gioan còn phải nhấn mạnh đến tình phụ tử. Từ kinh nghiệm với cha mình là ông Giê bê đê, hai ông phải giúp người khác hiểu thêm về mối tương quan của họ với Chúa Cha, Đấng ngự trên trời. Mọi tình huynh đệ đích thực phải được đặt nền móng trên tình phụ tử vững chắc này.
Thiên Chúa của chúng ta là Thiên Chúa của các mối tương quan. Người mạc khải chính mình qua các mối tương quan. Người là cha của chúng ta theo cách thức làm cha của Thánh Tử Giê su. Người dựa vào các mối tương quan sẵn có để thiết lập tình bạn với loài người. Được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa, chúng ta cũng được mời gọi trau dồi các mối tương quan. Giống như Thiên Chúa đã đến với chúng ta thông qua các mối tương quan,chúng ta cũng phải cậy dựa vào các mối tương quan sẵn có để đến với Người.
Lạy Chúa, xin giúp chúng con trao dồi các mối tương quan trần thế như là phương thế để tiếp cận với Ngài.
Lm. Giuse Nguyễn Chí Ái, AA
Nguồn: Sống Lời Chúa – Bayard Việt Nam