26/12/2024

ĐTC Phanxicô – Loạt Bài Giáo lý Các Thói Hư và Nhân Đức – 3. Tham ăn

Sự điên rồ của cái bụng là tội lớn: chúng ta đã từ bỏ danh hiệu con người, để nhận một danh xưng khác, “những người tiêu dùng”. Ngày nay chúng ta nói như vậy trong đời sống xã hội, những người tiêu dùng.

Thính Đường Phaolô VI
Thứ Tư, 10 tháng 1 năm 2024

____________________________

Loạt Bài Giáo lý Về Các Thói Hư và Nhân Đức:
Bài 3. ham Ăn

Bài giáo lý của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến, chào anh chị em buổi sáng! 

Trong hành trình dạy giáo lý của chúng ta, trên con đường dạy giáo lý mà chúng ta đang thực hiện, về các thói xấu và nhân đức, hôm nay chúng ta sẽ xem xét thói xấu tham ăn. Tham ăn.

Tin Mừng nói gì với chúng ta về điều đó? Chúng ta hãy nhìn vào Chúa Giêsu. Phép lạ đầu tiên của Người, tại tiệc cưới Cana, tỏ lộ sự cảm thông của Người đối với niềm vui của con người: Người lo cho bữa tiệc được kết thúc tốt đẹp và ban cho cô dâu chú rể một lượng lớn rượu ngon. Trong tất cả sứ vụ của Người, Chúa Giêsu xuất hiện như một vị tiên tri rất khác biệt với Gioan Tẩy Giả: trong khi Gioan được nhớ đến vì lối sống khổ hạnh – ngài đã ăn những gì ngài tìm thấy trong sa mạc – thì ngược lại, Chúa Giêsu là Đấng Mêsia mà chúng ta thường thấy ở bàn ăn. Hành vi của Người gây ra tai tiếng ở một số nơi, bởi vì Người không chỉ nhân từ với những người tội lỗi, mà Người còn ăn uống với họ; và cử chỉ này chứng tỏ Người sẵn sàng hiệp thông và gần gũi với mọi người.

Nhưng thậm chí còn nhiều hơn thế nữa. Mặc dù thái độ của Chúa Giêsu đối với giới luật Do Thái cho thấy Người hoàn toàn tuân theo Lề Luật, nhưng Người vẫn tỏ ra thông cảm với các môn đệ của Người: khi họ thấy thiếu thốn, vì họ bứt lúa vì đói, Người biện minh cho họ bằng cách nhắc lại rằng ngay cả Vua Đavít và những người bạn đồng hành của ông cũng đã lấy bánh thánh (x. Mc 2,23-26). Và Chúa Giêsu khẳng định một nguyên tắc mới: khách dự tiệc cưới không được ăn chay khi có chàng rể ở với họ. Chúa Giêsu muốn chúng ta vui mừng trong sự đồng hành của Người. – Người giống như chàng rể của Giáo hội; nhưng Người cũng muốn chúng ta tham gia vào những đau khổ của Người, đó cũng là những đau khổ của những người nhỏ bé và nghèo khổ. Chúa Giêsu có tính phổ quát.

Một khía cạnh quan trọng khác. Chúa Giêsu loại bỏ sự phân biệt giữa thực phẩm trong sạch và thực phẩm không trong sạch, vốn là sự phân biệt do luật Do Thái đưa ra. Đây là lý do tại sao Kitô giáo không coi thực phẩm là ô uế. Và về điều này, Chúa Giêsu nói rõ ràng rằng điều làm cho một điều gì đó tốt hay xấu, thí dụ, điều xấu về thức ăn, không phải là chính thức ăn mà là mối quan hệ chúng ta có với nó. Và chúng ta thấy điều này khi một người có mối quan hệ không ổn định với thức ăn; chúng ta thấy cách họ ăn, họ ăn vội vã, như thể muốn no nhưng không bao giờ thấy no. Họ không có mối quan hệ tốt với thức ăn, họ là nô lệ của thức ăn. Và Chúa Giêsu coi trọng lương thực và việc ăn uống, ngay cả trong xã hội, nơi có nhiều sự mất cân bằng và nhiều bệnh lý hiển hiện. Một người ăn quá nhiều hoặc quá ít. Thường người ta ăn trong cô độc. Các rối loạn ăn uống – biếng ăn, háu ăn, béo phì – đang lan rộng. Và y học và tâm lý học đang cố gắng giải quyết mối quan hệ không tốt của chúng ta với thực phẩm. Một mối quan hệ không tốt với thực phẩm sẽ tạo ra tất cả những căn bệnh này, tất cả.

Đó là những căn bệnh, thường vô cùng đau đớn, chủ yếu liên quan đến những đau khổ về tinh thần và linh hồn. Có mối liên hệ giữa sự mất cân bằng tâm lý và cách tiêu thụ thực phẩm. Cách chúng ta ăn uống là biểu hiện của một điều gì đó ở bên trong: thiên hướng cân bằng hoặc không điều độ; khả năng tạ ơn hoặc cao ngạo về quyền tự chủ; sự tương cảm của những người chia sẻ miếng ăn cho người túng thiếu, hay sự ích kỷ của những người tích trữ mọi thứ cho riêng mình. Vấn đề này rất quan trọng. Hãy cho tôi biết anh chị em ăn uống như thế nào, tôi sẽ cho anh chị em biết anh chị em sở hữu loại tâm hồn nào. Trong cách ăn uống, chúng ta bộc lộ nội tâm, thói quen, thái độ tâm lý của mình.

Các Giáo phụ xưa đã đặt cho thói tham ăn cái tên là “gastrimargia” – gastromargy, một thuật ngữ có thể dịch là “sự điên rồ của cái bụng”. Sự tham ăn là “sự điên rồ của cái bụng”. Ngoài ra còn có câu tục ngữ ăn để sống chứ không phải sống để ăn – “sự điên rồ của cái bụng”. Đó là một thói hư bám vào một trong những nhu cầu thiết yếu của chúng ta, chẳng hạn như ăn uống. Chúng ta hãy cẩn thận về điều này.

Nếu chúng ta giải thích nó từ góc độ xã hội, thì thói tham ăn có lẽ là thói xấu nguy hiểm nhất đang giết chết hành tinh. Bởi vì tội lỗi của những người khuất phục trước một miếng bánh ngọt, xét về mọi mặt, không gây ra thiệt hại lớn, nhưng tính háu ăn mà với nó, chúng ta đã cướp bóc hàng hóa của hành tinh trong vài thế kỷ nay đang làm tổn hại đến tương lai của tất cả mọi người. Chúng ta đã giành lấy mọi thứ, để trở thành chủ nhân của vạn vật, trong khi mọi thứ đều được giao cho chúng ta quản lý chứ không phải để chúng ta khai thác. Thế thì đây là tội lớn, sự điên rồ của cái bụng là tội lớn: chúng ta đã từ bỏ danh hiệu con người, để nhận một danh xưng khác, “những người tiêu dùng”. Ngày nay chúng ta nói như vậy trong đời sống xã hội, những người tiêu dùng. Chúng ta thậm chí còn không hề lưu ý khi có người bắt đầu đặt cho chúng ta cái tên này. Chúng ta được tạo dựng để trở thành những người nam nữ “của Thánh Thể”, có khả năng tạ ơn, khôn khéo trong việc sử dụng đất đai, nhưng thay vào đó, mối nguy hiểm là chúng ta trở thành những kẻ săn mồi; và bây giờ chúng ta nhận ra rằng hình thức “ háu ăn” này đã gây ra rất nhiều tai hại cho thế giới. Chúng ta hãy cầu xin Chúa giúp chúng ta trên con đường sống điều độ, để nhiều hình thức tham ăn không chiếm lấy cuộc sống của chúng ta. Cảm ơn anh chị em.

Chuyển ngữ: Vũ Văn An
Nguồn: http://vietcatholicnews.net