22/01/2025

Thứ Bảy 16.12.2023
Chấn Hưng Theo Tinh Thần Êlia

Điểm chính yếu mà Chúa Giêsu muốn nhấn mạnh đến trong bài Phúc Âm hôm nay là: Gioan Tẩy Giả tiếp tục sống tinh thần của Elia để chấn hưng Nước Thiên Chúa.

Thứ Bảy Tuần II – Mùa Vọng

Hc 48,1-4.9-11 • Tv 79,2ac và 3b.15-16.18-19 (Đ. c.4) • Mt 17,10-13

SUY NIỆM LỜI CHÚA THỨ BẢY TUẦN 2 MÙA VỌNG NĂM B – GIÁO XỨ THIÊN ÂN

Lời Chúa
✠ Bài trích Phúc Âm theo thánh Mát-thêu

10 Đang khi thầy trò từ trên núi xuống, các môn đệ hỏi Đức Giê-su rằng: “Sao các kinh sư nói rằng ông Ê-li-a phải đến trước?” 11 Người đáp: “Đúng thế, ông Ê-li-a đến và sẽ chỉnh đốn mọi sự. 12 Nhưng Thầy nói cho anh em biết: ông Ê-li-a đã đến rồi và họ không nhận ra ông, nhưng đã xử với ông theo ý họ muốn. Con Người cũng sẽ phải đau khổ vì họ như thế.” 13 Bấy giờ các môn đệ hiểu Người có ý nói về ông Gio-an Tẩy Giả.

(Bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ)

Suy niệm
Chấn Hưng Theo Tinh Thần Êlia 

Nhiều Kitô hữu phương Tây vẫn tin vào thuyết luân hồi. Xuất phát từ đạo Phật là một số tín ngưỡng phương Đông, thuyết luân hồi được mang một chiều kích mới trong thời hiện đại. Dựa vào quy luật tiệm tiến (học hết lớp một rồi lên lớp hai, cùng lắm thì ở lại lớp chứ không thể xuống lớp dưới được), người phương Tây cải tiến thuyết luân hồi và làm cho nó hấp dẫn hơn. Theo họ, hệ tư tưởng cũ (làm điều ác thì sẽ phải đầu thai để làm động vật) cần phải xóa bỏ. Quy luật tiệm tiến không cho phép chúng ta suy nghĩ như vậy. Từ con người chuyển sang động vật là điều không thể chấp nhận được. Do đó, luân hồi là một quá trình lâu dài để giúp con người ngày càng trở nên tốt hơn và hoàn thiện hơn. Nó cho con người thêm một cơ hội để chuộc lại lỗi lầm của mình, để thăng tiến bản thân và để có một thân thể hoàn thiện. Nhiều người còn gộp thuyết luân hồi và niềm tin vào sự phục sinh lại với nhau. Sau nhiều lần được thánh hóa và thanh tẩy bởi sự luân hồi, con người sẽ sẵn sàng để bước vào đời sống phục sinh.

Là người Kitô hữu, chúng ta không thể tin vào thuyết luân hồi vì nó đối lập với niềm tin vào sự phục sinh. Thật vậy, thuyết luân hồi tin rằng con người lưu chuyển từ thân xác này qua thân xác kia đến lúc nó hoàn thiện thì thôi. Còn đối với người Kitô giáo, chúng ta tin rằng chúng ta chỉ có một thân xác. Thân xác của mỗi chúng ta là một quà tặng duy nhất và trường tồn. Thân xác đó sẽ được phục sinh và biến đổi thế nhưng nó sẽ không nhập vào thân xác của một người khác. Thân xác người khác có thể tốt đẹp hơn thân xác của tôi nhưng tôi chỉ yêu thích thân xác của mình.

Thuyết luân hồi của người phương Tây dựa vào bài Tin Mừng hôm nay để biện minh cho niềm tin của họ. Thế nhưng khi đọc văn bản cách kỹ lưỡng, chúng ta thấy rằng Chúa Giêsu không nói Gioan Tẩy Giả là một sự luân hồi của Elia. Ông Elia chưa bao giờ chết để có thể nhường thân xác mình cho ông Gioan. Một điều duy nhất mà chúng ta biết đó là “ông Elia lên trời trong cơn gió lốc” trong lúc đang nói chuyện với một môn đệ của mình, người mà xin ông hai phần thần khí (2 V 2,7-13). Điểm chính yếu mà Chúa Giêsu muốn nhấn mạnh đến trong bài Phúc Âm hôm nay là: Gioan Tẩy Giả tiếp tục sống tinh thần của Elia để chấn hưng Nước Thiên Chúa.

Lạy Chúa, xin giúp chúng con tiếp tục sống tinh thần của ông Elia để mở mang và chỉnh đốn Nước Ngài.

Lm. Giuse Nguyễn Chí Ái, AA

Sống Lời Chúa: Đào sâu niềm tin vào sự phục sinh để không bị thuyết phục bởi những trào lưu đầy quyến rũ.

Nguồn: Sống Lời Chúa – Bayard Việt Nam